Nhiều người khi nuôi tép một thời gian bắt đầu phát hiện tép của mình mất màu dần. Tại sao lại như vậy? Trong bài viết này mình sẽ nói về một số nguyên nhân có thể khiến cho tép của bạn bị mất màu và cách khắc phục.
Tép có thể bị mất màu do bể có bộ nền nhạt, nước bể bị bẩn, tép không có chế độ ăn tốt, bị stress hoặc là tép có chất lượng kém.
Thông thường, tép bị mất màu có thể là biểu hiện cho việc sức khỏe của tép đang gặp vấn đề, bạn cần phải tìm rõ nguyên nhân để đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Dưới là một số nguyên nhân có thể xảy ra
Bộ nền nhạt
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho tép bị mất màu là do bạn sử dụng nền nhạt màu. Khi tép sống trong bể có nền nhạt, chúng cũng sẽ tự động giảm màu sắc để có thể hòa lẫn với môi trường xung quanh.
Đây là bản năng tự nhiên của tép để tránh bị săn mồi ngoài tự nhiên. Có thể các loài tép màu đã được chọn lọc nhiều nên bản năng này đã bị giảm đi nhiều nhưng chúng vẫn còn. Bạn có thể thấy tép đổi màu rõ hơn nếu mua các loại tép suối. Chúng có thể đổi màu hoàn toàn từ trắng sang nâu hoặc vàng, đen tùy vào môi trường sống.
Đó là lý do bạn nên sử dụng nền đen cho bể nuôi tép. Bộ nền đen có thể giúp cho tép lên được màu tươi và nổi hơn.
Chất lượng nước xấu
Chất lượng nước xấu có thể dẫn đến việc tép cảnh gặp nhiều vấn đề. Một trong số đó là tép bị mất màu. Tép là loài nhạy cảm, nhạy cảm hơn nhiều so với cá. Vậy nên bạn cần phải để ý đến thông số nước hơn khi nuôi tép nếu muốn chúng sống mạnh khỏe.
Chất lượng nước xấu có thể dẫn đến nhiều vấn đề như là tép bị giảm để kháng, dễ mắc bệnh, tép con dễ chết hơn,…
Nhìn chung thì có hai dòng tép chính hiện nay đó là tép màu( Neocaridina) và tép lạnh (Caridina).
Tép màu thường chỉ có một màu duy nhất, đôi khi sẽ có thêm sọc ở trên lưng. Tép lạnh sẽ có màu sắc sặc sỡ, với thân mình có màu sứ bóng hơn, chúng đắt hơn và cũng khó nuôi hơn tép màu. Nếu bạn không chắc tép thuộc loài nào thì bạn có thể tra mạng hoặc là hỏi trực tiếp người bán.
Thông số nước – Mỗi loại tép sẽ yêu cầu một loại thông số nước khác nhau. Chúng cần phải có khoáng trong nước để có thể lột vỏ, độ pH ổn định với ammonia, nitrite trong nước xấp xỉ 0.
Tép màu
Nhìn chung tép màu có khả năng chịu đựng và sống tốt hơn so với tép lạnh. Một loại tép màu phổ biến là tép đỏ hay còn gọi là tép anh đào. Loại tép này có thể sống được kể cả ở trong môi trường không lý tưởng.
Thông số để nuôi tép màu
- Nhiệt độ: 18 °C- 28 °C
- pH: 6.5-8.0
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 200-300 ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-8 dGH
Mặc dù tép màu có thể sống được ở nhiệt độ 18 °C- 28 °C nhưng chúng sẽ thoải mái hơn khi bể ấm một tẹo, tức là khoảng 22 °C- 26 °C, nếu bể của bạn quá lạnh, quá ấm hoặc có độ pH nằm ngoài khoảng trên thì có thể tép cũng sẽ bỏ ăn. Tép màu có khả năng chịu độ cứng tốt và chúng có thể sống trong cả môi trường nước cứng lẫn nước mềm nên thường thông số TDS và GH sẽ không phải nguyên nhân khiến tép bỏ ăn.
Tép lạnh
Tép lạnh thường đắt, khó nuôi và đòi hỏi về thông số nước hơn so với tép màu. Tuy nhiên, chúng lại đa dạng về họa tiết và màu sắc hơn so với người họ hàng kia. Một số dòng tép lạnh có thể kể đến là tép ong đỏ, tép ong đen, tép kingkong, blue bolts, tép tiger, …
Nếu các chỉ số nước nằm ngoài điều kiện sống của tép ong thì chúng sẽ bị stress và bỏ ăn.
- Nhiệt độ: 17 °C- 24 °C
- pH: 6.5-7.5
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 100-200 ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-6 dGH
Chế độ ăn kém chất lượng
Một nguyên nhân khác có thể khiến cho tép của bạn bị mất màu là do chế độ ăn kém chất lượng. Nếu tép chỉ ăn thức ăn thừa cho cá trong bể để sống thì chúng sẽ không có đủ vitamin và khoáng để phát triển và lên màu đẹp được.
Tép không cần được cho ăn hàng ngày. Bạn có thể cho chúng ăn hai ngày một lần cũng được nhưng phải cho chúng ăn chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng cần thiết.
Tép bị stress
Tép bị stress cũng là một nguyên nhân có thể làm cho chúng bị mất màu. Tép có thể bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như là nước bị bẩn, tép bị sốc nước hoặc là tép bị bắt nạt.
Mình đã nhắc đến vấn đề về chất lượng nước rồi. Bây giờ hãy tập chung hơn về vấn đề sốc nước và tép bị bắt nạt.
Tép có thể bị sốc nước nếu bạn mua chúng về và cho vào bể không đúng cách hoặc bạn thay quá nhiều nước trong bể trong khoảng thời gian quá ngắn.
Khi tép bị sốc nước thì điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là đảm bảo nước đủ sạch và có dòng chảy tốt để tép có thể thích nghi được với môi trường mới và tránh tác động quá nhiều đến bể trong khoảng thời gian này. Thông thường tép có thể thích nghi lại sau khi bị sốc nước khoảng 1-2 ngày sau đó. Trong trường hợp xấu thì tép sẽ không thích nghi được và chết, bạn cần phải vớt tép ra để tránh cho nước bị ô nhiễm.
Gần như mọi loài cá là đều là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì loại đồ ăn nào vừa miệng, và đó đương nhiên là bao gồm cả tép. Hầu hết loài tép đều có kích thước nhỏ, chỉ lên tới 2-3 cm. Vậy nên chúng sẽ vừa miệng bất kể loài cá nào lớn từ 7cm trở lên.
Nếu bạn nuôi tép chung với các loài cá dữ, lớn thì tép sẽ liên tục phải trốn và trong tình trạng bị stress.
Tép chất lượng kém
Có nhiều loại tép trên thị trường với các loại chất lượng khác nhau. Nếu bạn mua tép màu chất lượng không tốt hoặc tép loạn màu thì chúng sẽ dễ bị mất màu hơn các loại tép chất lượng cao. Tép chất lượng càng cao, màu càng đậm và càng khó bị mất màu và đương nhiên chúng cũng sẽ đắt hơn.
Thông thường thì tép màu bình thường sẽ có phần chân không lên màu hoàn toàn, chỉ điểm vài đốm màu. Tép chất lượng cao như là FIre Red sẽ có chân hoàn toàn màu đỏ, không có phần nào màu trắng.
Vậy nên bạn đã làm đúng mọi thứ nhưng tép vẫn mất màu thì có lẽ vấn đề chỉ là do con giống.
Tép lột vỏ
Lột vỏ là quá trình phát triển tự nhiên của tép, khi đó chúng sẽ loại bỏ lớp vỏ cũ, phát triển lớp vỏ mới to hơn. Sau mỗi lần lột vỏ thì tép có thể bị nhạt màu trong khoảng thời gian ngắn.
Cách để cho tép lên màu đẹp hơn
Cho tép môi trường tốt
Đầu tiên là bạn phải cung cấp cho tép môi trường tốt nhất có thể. Đảm bảo rằng tép có thông số nước đúng.
Để có thể tái tạo lại được thông số nước, bạn có thể sử dụng đến khoáng cho tép, đặc biệt là khi bạn sử dụng nước lọc RO để nuôi tép lạnh. Đối với tép màu – loại tép khỏe hơn, bạn sử dụng nước máy cũng được, miễn là bạn sử dụng thuốc để khử clo.
Để kiểm soát độ pH thì bạn có thể sử dụng thuốc để làm giảm và tăng pH. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì những loại thuốc này chỉ có tác dụng trong thời gian đầu, sau đó pH của nước sẽ dần quay lại như cũ. Cách tốt nhất để kiểm soát pH là sử dụng bộ nền tốt, kết hợp với ngâm thêm lá bàng, lũa.
Cây thủy sinh cũng giúp lọc nước cho bể tép. Bạn không cần trồng quá nhiều cây, chỉ cần vài nhánh rong , cùng với bèo và rêu cũng có thể giúp phần nào kiểm soát được các chất gây hại trong bể.
Bạn cũng cần phải có bộ lọc tốt cho bể và thay nước, hút cặn đáy bể thường xuyên. Lượng nước tối ưu nhất để thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể hàng tuần.
Nuôi các loài phù hợp với tép
Bạn chỉ nên nuôi chung tép với các loài cá cảnh nhỏ và hiền lành. Nếu bạn muốn nuôi tép sinh sản thì bạn thậm chí là không nên nuôi bất kì loài nào với tép, trừ ốc.
Chỉ trừ trường hợp đặc biệt duy nhất là cá otto. Loài cá này là loài ăn chay tự nhiên. Chúng chỉ ăn rêu trong bể và sẽ không quan tâm đến tép, kể cả tép con.
Trong trường hợp bạn vẫn muốn nuôi chung cá với tép thì bạn phải cho tép nhiều chỗ trốn. Đồng thời bạn cũng nên nuôi chung tép với các loài cá nhỏ, hiền lành.
Xem thêm: Các loài cá nuôi chung với tép
Cho tép ăn chế độ ăn đa dạng, chất lượng
Một số loại thức ăn tốt là:
- Rêu xanh tự nhiên: Rêu tự nhiên cùng với các loại màng sinh học trên kính, đá, lũa, là cây là thức ăn tốt cho tép. Đó là lý do trước khi thả tép bạn cần đánh đèn cho bể trước để bể có thể lên rêu – tạo nguồn thức ăn tự nhiên, ổn định cho tép. Bể nhiều rêu cũng giúp mô phỏng môi trường sống tự nhiên của tép, giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn.
- Thức ăn chuyên dụng cho tép: Các loại thức ăn chuyên cho tép, được sản xuất, đóng gói bởi các hãng uy tín có thể giúp bạn bổ sung dinh dưỡng và khoáng cho tép, như là protein, canxi, vitamin, chất xơ,…
- Rau củ quả luộc. Các loại rau củ quả luộc tươi như là rau cải xoăn, dưa chuột, cà rốt, xà lách,… cũng có thể giúp bổ sung thêm dưỡng chất và khoáng cho tép. Bạn cũng có thể thả thêm lá khô như là lá bàng, lá ổi rửa sạch vào bể tép để tạo màng sinh học và thức ăn cho tép. Lá bàng cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, phòng tránh bệnh trong bể.
- Thức ăn dạng bột: Thức ăn dạng bột sẽ phù hợp khi bạn nuôi tép con, giúp chúng dễ kiếm thức ăn, dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn, giúp tăng tối đa tỉ lệ sống sót của tép con.
Bạn nên cho tép ăn xen kẽ các loại thức ăn trong danh sách này để đảm bảo tép luôn có đủ chất. Đĩa đựng thức ăn cho tép có thể giúp bạn dễ dàng kiểm soát lượng đồ ăn hơn, tránh việc cho tép ăn quá nhiều và thức ăn bị mắc lại dưới đáy nền.