Một trong những điểm ấn tượng nhất của những rặng san hô là màu sắc của chúng. Các loài cá do sống trong môi trường nhiều màu sắc cũng tiến hóa để hòa lẫn với môi trường, do đó chúng cũng sặc sỡ không kém.
San hô có màu gì?
San hô có thể có vô số loại màu sắc khác nhau, phổ biến nhất trong số đó là cam, đỏ, tím, xanh dương, xanh lá và hồng.
Tuy nhiên, không phải loại san hô nào cũng có màu sắc sáng, đa dạng, một số chỉ có màu xanh đậm hoặc là nâu.
Vậy điều gì giúp san hô lên được màu sắc tươi và sặc sỡ như vậy?
Về san hô
Để hiểu về màu sắc của san hô đến từ đâu thì đầu tiên bạn cần phải tìm hiểu về san hô trước đã.
San hô là một sinh vật sống, không phải là thực vật. Chúng sống thành một quần thể lớn trong khung xương do quần thể san hô tự tạo ra. Các bộ xương cứng này khi được liên kết với nhau có thể tạo nên các rạn san hô lớn ở các vùng biển nhiệt đới. Các bộ xương này được cấu tạo từ canxi cacbonat và có màu trắng, bạn có thể thấy san hô chết chỉ còn mỗi bộ xương cũng chỉ còn mỗi màu trắng này.
Chính những con san hô nhỏ sống trên bộ xương đó mới tạo được màu sắc sặc sỡ ta thường thấy.
Điều gì khiến cho san hô sặc sỡ như vậy?
San hô sống bằng cách bắt thức ăn trôi dạt trong nước. Ngoài ra chúng cũng có thể lấy được dinh dưỡng từ nguồn khác, đó là từ tảo cộng sinh. Loại tảo cộng sinh này có tên gọi là zooxanthellae. Chúng sống trong tế bào của san hô. Giống như thực vật, loại tảo này có thể quang hợp, biến ánh sáng mặt trời thành đường để tạo năng lượng.
Để quang hợp thì loại tảo này cũng sẽ chứa diệp lục. Chính chất diệp lục này là yếu tố khiến cho tảo và san hô có màu xanh rêu hoặc nâu.
Tảo sẽ sử dụng một phần đường chúng tự tạo ra để sống. Trong khi đó, san hô sẽ “thu phí thuê nhà” với giá là 90% lượng đường tảo sản xuất được. Mối quan hệ này có lợi cho cả san hô và tảo. Tảo có nơi an toàn để sống, trong khi đó san hô sẽ có thức ăn để tiếp tục phát triển thêm.
Mọi loài san hô do đó sẽ có màu gốc là màu xanh nâu. Tuy vậy, tại sao nhiều loại san hô lại có màu sắc sặc sỡ hơn? Những loại san hô đó có thể tạo ra protein sắc tố. Protein sắc tố của san hô có thể có nhiều màu sắc khác nhau, chủ yếu là màu tím, xanh dương, xanh lá và đỏ.
Các loại protein sắc tố này có thể đóng vai là kem chống nắng, giúp bảo vệ tảo khỏi tia UV có hại. Protein sắc tố sẽ hấp thụ màu sắc mà tảo có thể sử dụng được và phản lại màu sắc có hại. Ví dụ như là ánh xanh dương, tím có bước sóng ngắn, vậy nên chúng sẽ chứa nhiều năng lượng hơn và có thể gây hại cho tảo. Vậy nên san hô tạo protein sắc tố giúp phản lại các loại ánh sáng này, giúp mắt người chỉ nhận được ánh xanh và tím đến từ san hô.
Ánh sáng càng mạnh thì san hô càng sản xuất nhiều protein sắc tố.
Màu sắc và sức khỏe của san hô
Màu sắc của san hô do đó không chỉ giúp chúng nhìn đẹp mà còn góp phần quan trọng cho sự sống còn của san hô.
Đôi khi, màu sắc của san hô có thể bị mất do chúng bị stress hoặc do ảnh hưởng từ môi trường. San hô có thể bị mất màu nếu như môi trường bị thay đổi nhiệt độ như là bị quá lạnh hoặc quá ấm. Khi san hô gặp nhiệt độ lạnh, chúng có thể bị nhạt màu sau đó hồi phục lại. Trong trường hợp nhiệt độ quá ấm, san hô có thể lên màu đậm sau đó màu sắc nhạt dần và dẫn đến tình trạng san hô bị tẩy trắng.
Khi nhiệt độ biển ấm lên, nhiều loài san hô sẽ bị tẩy trắng do tảo trong san hô bị chết. Do đó san hô bị tẩy trắng sẽ dễ bị chết hơn do thiếu thức ăn.
Việc san hô sản sinh protein sắc tố có thể giúp thu hút tảo quay trở lại và cải thiện được sức khỏe của san hô.