Ốc nerita là loài một trong những loại ốc thủy sinh nước ngọt phổ biến nhất và bạn có thể tìm mua chúng được ở hầu hết các cửa hàng thủy sinh.
Ốc nerita cũng là loài ăn rêu hại tuyệt vời, có thể xử lý được các loại rêu cứng đầu như là rêu đốm xanh bám kính hoặc các loại rêu nhớt bám trên lũa, đá.
Về ốc nerita
Ốc nerita là một loài trong họ Neritidae bao gồm 200 loài khác nhau. Chúng sống ở khu vực sông, suối và khu vực nước lợ ngoài tự nhiên.
Các loại ốc nerita có thể sống ở nước ngọt là các loài đến từ khu vực phía Đông của Châu Phi, chúng có thể sống được cả môi trường nước ngọt và nước lợ.
Mặt khác, các loại ốc nerita đến từ khu vực Caribbean và bờ Thái Bình Dương chỉ có thể sống ở trong nước mặn.
Kích thước và tuổi thọ
Ốc nerita không phải loài ốc lớn, chúng có kích thước trung bình vào khoảng 1cm. Con cái thường lớn hơn con đực một tẹo. Mỗi loại ốc nerita khác nhau sẽ có màu sắc và họa tiết khác nhau nhưng hầu hết chúng đều có chung kích thước.
Ốc nerita có tuổi thọ trung bình vào khoảng hai năm.
Các loại ốc nerita
Bạn có biết rằng có nhiều hơn là chỉ một loại ốc nerita không? Dưới đây là một số loại bạn có thể chọn mua cho bể cá của mình.
1. Ốc nerita ngựa vằn (Neritina natalensis Zebra)
Loại ốc nerita này có vỏ màu nâu đậm và có những sọc vàng chày dài trên thân.
Vỏ của chúng nhẵn và có đỉnh nhọn hơn so với các loại ốc nerita khác.
2. Ốc nerita black racer ( Neritina pulligera)
Loại ốc này có những rãnh nhỏ chạy dọc trên thân. Chúng thường có màu nâu tối cho tới đen và thỉnh thoảng sẽ có những mảng xám, vàng đậm hoặc đen trên vỏ.
3. Ốc nerita tiger (Neritina turrita)
Ốc nerita tiger có vỏ nhẵn thường có màu nâu nhạt hoặc cam . Trên vỏ chúng có những đốm hoặc sọc đen nhìn giống họa tiết trên thân báo hoặc thân hổ.
4. Ốc nerita olive (Neritina reclivata)
Đây là một trong những loại ốc nerita phổ biến nhất. Chúng có vỏ màu xanh ô liu, gần giống so với loại ốc hoang dã. Phần vỏ của chúng có họa tiết sọc đen nhỏ. Đôi khi vỏ ốc có màu đậm hơn thì bạn sẽ khó thấy họa tiết này hơn.
5. Ốc nerita gai (Clithon corona)
Ốc nerita gai cũng là một trong số những loại ốc nerita phổ biến bạn có thể nuôi thủy sinh. Giống như tên gọi, chúng có những chiếc gai nhỏ chĩa ra từ trên thân. Ốc nerita gai thường có họa tiết sọc đen vàng giống như ong. Tuy nhiên chúng cũng có thể có những màu sắc và họa tiết khác.
6. Ốc nerita batik (Neritina Variegata)
Từ batik đến từ một họa tiết quần áo ở Indonesia, họa tiết trên thân loài ốc này khá giống so với loại họa tiết quần áo đó.
7. Các loại ốc nerita khác
Ngoài các loại ốc nerita kể trên, đôi khi tại các cửa hàng cá cảnh sẽ bán các loại ốc nerita khác như là ốc nerita ruby, red racer, marble,… Hiện nay có rất nhiều loại ốc nerita khác nhau và kể hết ra thì thật sự sẽ rất dài, mình chỉ liệt kê được các loài hiện đang phổ biến ở bên trên.
Cách chăm sóc cho ốc nerita
Chăm sóc cho ốc nerita rất đơn giản, chúng là loài sống khỏe và có thể thích nghi với nhiều loại môi trường nước khác nhau.
Ốc nerita thích nhiệt độ môi trường nhiệt đới, tức là hơi ấm hơn. Đồng thời chúng cũng thích nước hơi mang tính kiềm và có độ cứng cao.
- Nhiệt độ thích hợp: 22°-26°C
- Độ pH: 6.5-8
Ốc nerita khó có thể tự lật ngửa lại
Bạn nên nhớ điều này khi mua ốc nerita và thả vào trong bể.
Bạn nên tránh thả nerita vào trong bể, để chúng rơi xuống đáy bể ở các tư thế khác nhau.
Ốc nerita khó có thể tự lật ngửa lại được, nếu bạn cứ thả chúng xuống bể thì những con ốc may mắn sẽ rơi xuống với tư thế úp và có thể làm quen với môi trường mới một cách nhanh chóng.
Những con ốc còn lại sẽ rơi xuống ở tư thế lật ngửa. Chúng sẽ tốn nhiều thời gian và sức lực để tự điều chỉnh lại. Trong nhiều trường hợp, ốc nerita không lật lại được và sẽ bị chết.
Khi bạn mua ốc thì bạn nên đặt chúng xuống đáy bể một cách cẩn thận để ốc có thể có khởi đầu thuận lợi hơn.
Môi trường sống
Ốc nerita thích những bể cá trồng nhiều cây cối. Bạn chỉ nên mua ốc nerita khi bể của bạn đã được làm một thời gian và có thông số nước đã ổn định và bể đã được cycle.
Hơn hết nước bể cá cũng nên được trồng nhiều cây cối bởi lá cây chết từ cây thủy sinh có thể cung cấp nguồn thức ăn cho ốc nerita, phòng tránh trường hợp bể quá sạch và ốc sẽ bị chết đói do không có đủ thức ăn.
Kích thước bể nuôi ốc nerita.
Bạn có thể nuôi ốc nerita trong những bể bé tầm khoảng 20-30 lít, miễn là bạn có thể giữ cho nước bể ổn định, tránh việc thay nước quá nhiều và làm nhiệt độ bể dao động quá lớn trong thời gian quá ngắn.
Bạn cũng nên tránh việc nuôi quá nhiều ốc trong bể bởi ốc nerita vẫn ăn và thải chất thải như mọi loài cá, tép khác. Thường thì mọi người khi phát hiện một ít rêu xanh trong bể, họ sẽ mua một chục con ốc về thả và không để ý đến lượng chất thải chúng có thể tạo ra.
Bạn chỉ nên nuôi một ốc nerita trên 15 lít nước.
Ốc nerita ăn gì?
Ốc nerita là loài ăn tạp và sẽ luôn hoạt động để đi tìm kiếm thức ăn. Chúng sẽ bò lên mặt kính hoặc các bề mặt cứng các như gỗ, đá hoặc lá cây để tìm rêu hại.
Chúng là một trong những loài ăn rêu hiệu quả nhất. Thực đơn rêu của chúng bao gồm rêu nhớt xanh, rêu nhớt nâu, tảo nâu, rêu đốm xanh. Ngoài ra, chúng sẽ ăn bất kì loại chất thải hữu cơ khác, thức ăn thừa của cá, lá cây chết.
Bạn nên lưu ý rằng ốc nerita có thể chết đói nếu trong bể không có đủ rêu và bị các loài cá tranh giành thức ăn.
Bạn có thể mua các loại thức ăn chuyên dụng, các loại viên tảo hoặc cho chúng ăn các loại rau củ luộc như cà rốt, dưa chuột,… Các loại rau củ quả luộc và thức ăn chuyên dụng cho ốc, tép có thể cung cấp cho ốc lượng canxi cần thiết cho trường hợp nước nuôi bị thiếu khoáng.
Cách nuôi ốc nerita sinh sản
Ốc nerita không phải là loại ốc có thể sinh sản được trong bể thủy sinh nước ngọt bởi con non cần nước lợ để có thể nở và sống được.
Một số người nuôi ốc đã thử sinh sản ốc thành công bằng cách nuôi chúng trong những bể cá nước lợ hoặc nước mặn, sử dụng muối biển chuyên dụng cho bể nước mặn (bạn không thể tạo môi trường nước mặn nuôi ốc bằng muối tinh thông thường), cộng với sủi oxy và dòng chảy chậm.
Ốc nerita có giới tính xác định và bạn cần phải có một ốc đực và một ốc cái để chúng có thể sinh sản. Tốt nhất là bạn nên có một bầy 6 con để đảm bảo có cả ốc đực và ốc cái.
Bạn có thể cho ốc làm quen với môi trường nước lợ, để chúng đẻ trứng và nuôi trứng trong đó. Hoặc bạn có thể nhanh chóng di chuyển trứng từ bể nước ngọt sang bể nước lợ để nuôi.
Tùy thuộc vào nhiệt độ, ốc con có thể nở sau khoảng vài ngày cho đến vài tuần. Sau khi ốc nở bạn có thể cho chúng ăn các loại rêu, viên tảo, thức ăn nghiền,…
Một khi ốc con phát triển đủ lớn và có vỏ cứng cáp thì bạn có thể dần dần cho chúng làm quen với nước mặn trong vòng khoảng 1-2 tháng.
Cách diệt trứng ốc nerita
Ốc nerita là loài đẻ nhiều, thỉnh thoảng bạn sẽ nhìn thấy những đốm trắng nhỏ dính khắp bể, trên nền, đá, gỗ thì đó là trứng của chúng. Thực ra thì đó là bọc trứng của ốc nerita, mỗi bọc sẽ chứa tầm 30-100 trứng.
Không may là không có loài nào có thể ăn được trứng của ốc nerita nên bạn phải xử lý chúng một cách thủ công.
Bạn có thể thử cách như:
1. Cạo bằng dao cạo
- Sử dụng dao cạo mới
- Cẩn thận cạo trứng ra khỏi bề mặt cứng bằng dao cạo
- Hút trứng rơi ra khỏi bể
Bạn cũng có thể sử dụng bàn chải đánh răng, tăm hoặc các vật nhọn, sắc khác.
Trứng ốc nerita trên lũa sẽ khá khó để xử lý. Nếu bạn cạo nhẹ thì sẽ đẻ lại vết trứng. Vậy nên trong quá trình cạo bạn phải cạo một ít lớp vỏ ngoài của lũa để có thể xử lý hoàn toàn được trứng.
2. Vớt ốc cái ra ngoài
Sau khi bạn cạo trứng bạn cần phân biệt ốc đực và ốc cái để tách ốc cái ra ngoài. Chúng có thể có phần râu khác nhau khi hoàn toàn trưởng thành. Tuy nhiên dấu hiệu này không rõ nhận biết.
Bạn có thể tách hết ốc ra ngoài và quan sát chúng trong một thời gian để có thể tách riêng được ốc cái ra.
Ốc nerita có ăn cây thủy sinh không
Ốc nerita sẽ không ăn cây thủy sinh. Nếu bạn thấy chúng ăn lá từ cây thì đó là do lá cây đó đã chết và đang bắt đầu phân hủy.
Ốc nerita gai có đẻ không?
Ốc nerita gai sẽ đẻ trứng trong bể của bạn giống như mọi loại ốc nerita khác. Một số nơi sẽ nói rằng ốc nerita gai không đẻ trứng nhưng sự thật không phải vậy. Nếu bạn thấy ốc nerita của mình không đẻ trứng thì khả năng lớn là do chúng là con đực và không thể đẻ được.
Ốc nerita nào không đẻ trứng
Mọi loài ốc nerita đều sẽ đẻ trứng trong bể. Nếu bạn muốn nuôi loại không đẻ thì bạn hãy tìm kiếm ốc nerita đực để nuôi. Không may là bạn hầu như không thể phân biệt được ốc nerita đực và cái.
Bạn có thể mua từng con ốc một để thả vào bể, nếu phát hiện chúng đẻ trứng thì bạn hãy nhấc chúng ra ngoài và lặp lại các bước như vậy để có một đàn ốc nerita đực trong bể.
Kết lại
Ốc nerita là loài ăn rêu hại tuyệt vời và dễ sống. Tuy nhiên có một điểm trừ là chúng sẽ đẻ trứng và trứng của chúng rất cứng và khó cạo nên bạn khó có thể làm gì khác được.
Ốc nerita không giống các loại ốc thủy sinh khác, chúng có giới tính đực cái phân biệt rõ ràng, nếu bạn để ý kỹ và chỉ chọn nuôi những con đực thì bạn có thể tránh được tình trạng chúng đẻ trứng ra bể.
Ốc cái vẫn và sẽ đẻ trứng kể cả khi bạn chỉ nuôi nó một mình.