Trước khi mua cây thì có lẽ một số bạn sẽ có thể tự hỏi liệu cây thủy sinh có thể sống được bao lâu đúng không? Liệu cây có thể sống mãi được không và làm thế nào trong trường hợp cây chết?
Có lẽ một số bạn cũng biết rồi, khi nuôi cây thủy sinh thì đến một giai đoạn chúng sẽ chết mặc dù bể vẫn ổn định bình thường. Tuy nhiên, cây chỉ chết ở phần thân, lá cũ, thân lá mới khi đó vẫn sẽ sống sót và tiếp tục phát triển thêm.
Không phải loại cây thủy sinh nào cũng có tuổi thọ giống nhau. Thông tin nghiên cứu về cây thủy sinh còn hạn chế. Vậy nên thông tin trong bài viết này sẽ dựa khá nhiều vào kinh nghiệm của mình.
Trong bài viết này mình sẽ nói về tuổi thọ của các loài cây thủy sinh và cách để giúp chúng được lâu hơn.
Cây thủy sinh có thể sống được bao lâu?
Mọi loài cây thủy sinh lẫn cây trên cạn đều sẽ chết. Tuy nhiên, cây thủy sinh sẽ có cách phát triển, phân chia tế bào khác so với động vật nên cách chúng già đi rồi chết sẽ khác.
Cây thủy sinh không có mức độ phát triển nhất định nên chúng sẽ liên tục phát triển mãi mãi nếu môi trường phù hợp.
Tuy nhiên, tế bào của cây vẫn có tuổi thọ, và khi tế bào đạt đến độ phân chia nhất định, chúng sẽ chết.
Cây thủy sinh có thể chia ra làm ba loại, đó là:
- Cây hàng năm
- Cây hai năm
- Cây lâu năm
Cây hàng năm là loại cây có thời gian sống không quá một năm, chúng sống theo mùa, sẽ ra hoa, hạt sau đó chết đi. Cây lâu năm sẽ có khả năng sống lâu hơn, chúng có thể sẽ mất lá, nhưng sẽ mọc lại vào năm sau. Chúng vẫn sẽ chết và không làm vậy được mãi. Tuy nhiên, cây có thể phát triển, mọc nhánh vậy nên miễn là khi cây phát triển liên tục thì chúng sẽ không chết.
Các loại cây hai năm có thể kể đến là các loại cây thủy sinh bám đá, lũa có thân rễ như là ráy, dương xỉ và bucep. Các loại cây này phát triển bằng cách phát triển thân liên tục, mọc dài ra và mọc lá, rễ mới trên đó. Lá và thân cũ sẽ chết sau khoảng 2 năm.
Các cây thủy sinh cắt cắm thì sẽ chết nhanh hơn. Cây thủy sinh cắt cắm thường sẽ là cây hàng năm hoặc chúng có thể sống tới hai năm. Cây cắt cắm phát triển nhanh và cũng sẽ chết nhanh nhất. Khi phần lá ở phía dưới già đi thì chúng sẽ chết. Tuy nhiên, cây vẫn có thể sống được nếu tiếp tục dài ra và được cắt ngọn trồng lại.
Đa số các loài cây thủy sinh là cây lâu năm, các loài cây đó có thể kể đến là : cây lưỡi mác, cỏ thìa, tiêu thảo,… nói chúng là các loại cây có bộ rễ mạnh và mọc lan nhờ mọc nhánh từ rễ. Lá của các loài cây này sẽ chết sau khoảng 2 năm theo kinh nghiệm của mình sau đó lá mới từ thân cũ vẫn có thể mọc lên. Thông thường thì cây thủy sinh lâu năm có thể rụng lá và mọc lá mới tầm khoảng 2-3 lần trên thân trước khi chúng chết.
Cách để gia tăng tuổi thọ cho cây thủy sinh
Việc giữ cho môi trường sống ổn định, sạch là vô cùng quan trọng nếu bạn muốn cây thủy sinh của mình khỏe mạnh.
Một khi cây được nuôi trong môi trường sống hợp lý thì chúng có thể phát triển liên tục và lan khắp bể chỉ trong vài tuần đến vài tháng. Cho cây môi trường sống tốt cũng giúp phòng tránh bệnh cho cây và giúp chúng sống được lâu hơn. Bạn không cần phải là chuyên gia để có thể cung cấp được cho cây thủy sinh những gì chúng cần.
Để cây có thể sống được lâu hơn thì bạn hãy:
Cắt tỉa cây định kỳ
Nhiều người khi nuôi bể thủy sinh không có thói quen cắt tỉa cây định kì. Đôi khi, nếu bạn muốn bể nhìn tự nhiên hơn và các loại cây trong bể có thể tạo thành hệ sinh thái tốt thì bạn có thể hạn chế cắt tỉa.
Tuy nhiên, sau dần, các loại cây mọc cao hoặc mọc khỏe có thể xâm lấn bể, che sáng của các cây mọc thấp hơn. Hơn hết nữa, chúng cũng sẽ chết nếu lá cây bị già. Trong trường hợp này bạn cần phải cắt tỉa phần ngọn cây bị mọc rộng hoặc cao và trồng chúng lại xuống phía bên dưới.
Thay nước cho bể thường xuyên
Để bể cá có thể ổn định thì bạn sẽ cần phải thay nước cho bể thường xuyên.
Khi nuôi cá, lâu dần nước có thể tích tụ chất bẩn, khoáng, các chất độc hại khác mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Cách tốt nhất trong trường hợp này để cung cấp nước sạch cho cá là thay bể.
Thay nước cho bể ngoài ra cũng có thể cung cấp một phần dinh dưỡng, CO2 bị thiếu hụt cho cây thủy sinh.
Lượng nước tối ưu để thay cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước mỗi tuần. Bạn có thể tăng giảm lượng nước này cho phù hợp với lượng cá nuôi trong bể.
Ngoài thay nước thì bạn cũng cần phải hút cặn đáy bể hàng tuần cộng với rửa lọc hàng tháng. Sau khi thay nước bạn cũng nên bổ sung thêm phân nước nếu bể bị cạn dưỡng và châm thêm vi sinh nếu cần.
Cung cấp thông số nước hợp lý
Mỗi một loại cây sẽ thích môi trường nước khác nhau. Một số thích nước ấm, một số thích nước mát. Ngoài ra thì độ cứng và độ pH của bể cũng có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe của cây.
Tuy nhiên, trước khi bạn bạn muốn điều chỉnh thông số nước thì bạn cần phải đảm bảo nước ổn định đã. Độ ổn định của môi trường sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc có thông số nước chính xác.
CO2 và dinh dưỡng
Một số loại cây thủy sinh có thể sống khỏe trong điều kiện CO2 thấp vậy nên bạn không cần phải thêm CO2 vào trong bể.
Tuy vậy, nếu có CO2 thì bể thủy sinh sẽ rực rỡ và tràn đầy sức sống hơn nhiều. Cây sẽ phát triển mạnh, lớn, lên màu đẹp hơn. Cây thủy sinh do đó cũng sẽ khỏe hơn nhiều khi được cung cấp thêm CO2.
Ngoài CO2 thì lượng dưỡng, ánh sáng cũng góp phần nhiều vào sức khỏe của cây. Khi bể đã làm lâu và cạn dưỡng thì bạn cần châm thêm phân nước cho bể.
Loại phân nước tốt nhất để châm là phân nước tổng hợp, đặc biệt là trong trường hợp bạn không biết cây đang bị thiếu chất gì.
Kết lại
Hầu hết cây thủy sinh sẽ bắt đầu chết sau khoảng 1-2 năm. Tuy vậy, chúng vẫn có thể tiếp tục sống mãi nhờ vào khả năng sinh sôi và phát triển nhánh mới liên tục. Bạn cần phải cho cây môi trường sống hợp lý cộng với cắt tỉa, chăm sóc cho cây định kỳ để giúp cho bể cá luôn khỏe mạnh.