aquasetup

Cẩm nang chọn loại lọc bể thủy sinh phù hợp nhất cho người mới

Mục lục

Cách chọn lọc cho bể thủy sinh

Tại sao bể cá lại cần phải có lọc

Bộ lọc giống như là trái tim của bể cá vậy. Chúng giúp cho nước có thể chảy khắp bể, cung cấp dòng chảy, oxy đi khắp nơi, tránh việc nước trong bể bị tù đọng. Khu vực nước tù có thể làm tích tụ ammonia, có ít oxy và có thể gây chết cây, cá hoặc tép.Nếu bạn có bể bé mà không có lọc hoặc sủi oxy thì bạn sẽ phải cần thay nước thường xuyên, thậm chí là thay hằng ngày để đảm bảo cá có nước sạch để sống. 

Dòng chảy tốt trong bể cũng giúp đưa thức ăn, dinh dưỡng đến khắp nơi, giúp cho cây cối và cá có thể phát triển. Và đương nhiên, lọc cũng giúp làm sạch bể cá, giúp cho nước trong hơn. Nuôi cá là để ngắm mà đúng không, nếu không có bộ lọc tốt thì nước sẽ luôn bị đục ngầu và gây khó chịu cho người nuôi. 

Cuối cùng, bộ lọc tốt giúp tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển. 

Bạn có thể đọc thêm về quá trình cycle nước tại đây. 

Nói một cách ngắn gọn là hệ vi sinh có lợi có thể giúp xử lý các chất gây hại trong bể cá, giúp cải thiện sức đề kháng, hệ tiêu hóa và giúp cá khỏe mạnh hơn .

4 loại lọc phổ biến nhất cho bể thủy sinh

Có nhiều loại lọc khác nhau nhưng mà mình sẽ chỉ bàn đến các loại lọc phổ biến cũng như hiệu quả nhất hiện nay. Đó là lọc vi sinh, lọc thác, lọc treo và lọc thùng. Mỗi loại lọc sẽ có ưu nhược điểm cũng như cách sử dụng khác nhau mà mình sẽ nhắc đến trong bài viết này. 

1. Lọc vi sinh/lọc mút

Cách chọn lọc cho bể thủy sinh

Lọc vi sinh hay còn gọi là lọc mút, là loại lọc chủ yếu bao gồm một miếng mút lớn, có thể sẽ có thêm khoang để chứa vật liệu lọc, được đặt vào bên trong bể cá. Lọc hoạt động nhờ sủi oxy đặt bên ngoài và nối vào bên trong lọc. Khi sủi hoạt động thì không khí cộng với nước sẽ được hút vào bên trong lọc vi sinh và được đẩy ra ngoài ở đầu trên cùng. 

Đó là loại lọc đơn giản cũng như hiệu quả nhất trên thị trường hiện nay. Bạn có thể dễ dàng thấy được loại lọc này tại các cửa hàng cá cảnh, lý do là bởi loại lọc này vô cùng tiết kiệm, không bao giờ hỏng hóc. 

Nhiều người không thích sử dụng lọc vi sinh cho bể thủy sinh bởi vì chúng tốn chỗ và phải vệ sinh nhiều. 

Tuy nhiên, đây là loại lọc hoàn hảo cho các bể cá bé (<30cm)và các bể cá cũng như bể tép sinh sản. Lý do là bởi khác với các loại lọc khác, lọc vi sinh sẽ không hút cá/ tép con hoặc trứng cá. Chúng cũng sẽ không tạo nhiều dòng chảy à cung cấp lượng oxy dồi dào cho bể cá. 

Ưu điểm của lọc vi sinh:

  • Dễ dàng lắp đặt và sử dụng
  • Dòng chảy yếu phù hợp với bể bé, không làm stress cá và tép
  • Không hút tép con và cá con
  • Giá thành rẻ, không thể hỏng được
  • Tạo oxy tốt

Nhược điểm của lọc vi sinh

  • Tốn diện tích bể
  • Do sử dụng sủi oxy nên sẽ hơi ồn vào ban đêm
  • Dòng chảy yếu nên không sử dụng được cho bể lớn
  • Bẩn nhanh, phải vệ sinh thường xuyên hơn
  • Không hút được các loại cặn to

2. Lọc thác

Cách chọn lọc cho bể thủy sinh

Lọc thác là loại lọc phổ biến nhất cho bể thủy sinh. Giống như tên gọi, lọc thác là loại lọc hút nước từ trong bể lên, sau đó tạo một dòng thác chảy xuống dưới bể. Cơ chế này giúp cho lọc thác có thể tạo dòng chảy tốt trong bể cũng như tăng cường trao đổi oxy ở trên mặt nước. 

Lọc thác dễ vệ sinh và có thể dùng được cho mọi loại bể với kích thước từ 40cm trở xuống. Nếu bạn cảm giác lọc thác không đủ để dùng cho bể của bạn thì bạn luôn có thể sử dụng 2 cái. 

Tuy nhiên lọc thác thường có kích thước nhỏ nên sẽ có ít không gian để chứa vật liệu lọc. Do đó vi sinh có lợi sẽ có ít không gian để sống hơn và hiệu suất lọc cũng bị kém đi. 

Ưu điểm của lọc thác:

  • Dễ dàng lắp đặt và vệ sinh
  • Dòng chảy tốt
  • Tăng cường trao đổi oxy ở mặt nước
  • Giá thành rẻ
  • Êm

Nhược điểm của lọc thác

  • Ít chỗ cho vật liệu lọc
  • Hiệu suất lọc yếu hơn so với các loại lọc khác

3. Lọc treo

Cách chọn lọc cho bể thủy sinh

Lọc treo là loại lọc kết hợp giữa lọc thác và lọc thùng với đặc điểm kế thừa của cả hai loại lọc. Chúng nhỏ gọn hơn so với lọc thùng, có dòng chảy mạnh, hiệu suất lọc tốt hơn so với lọc thác. Lọc treo cũng có đủ không gian để chứa vật liệu lọc, giúp tạo nơi sinh sống cho các loại vi khuẩn có lợi phát triển. 

Xem thêm: So sánh lọc treo xbl và lọc treo hbl

Cơ chế hoạt động của lọc treo giống như lọc thùng: lọc hút nước từ vòi In, dòng nước sẽ đi vào trong lọc, chảy qua các khoang có chứa vật liệu lọc và cuối cùng đi ra phía đầu out. 

Lọc treo có thể được sử dụng cho những bể có kích thước từ 30cm cho đến 60cm. 

Ưu điểm của lọc treo:

  • Dễ dàng lắp đặt và vệ sinh
  • Dòng chảy tốt
  • Êm
  • Có nhiều ngăn cho vật liệu lọc
  • Hiệu suất lọc tốt

Nhược điểm của lọc treo:

  • Chiếm diện tích đằng sau bể
  • Đôi khi, dòng chảy có thể quá mạnh cho bể bé

4. Lọc thùng

Cách chọn lọc cho bể thủy sinh

Lọc thùng là loại lọc chuyên nghiệp, mạnh và cung cấp hiệu năng lọc tốt nhất. Đây là loại lọc cho bể cá lớn, được nhiều người nuôi cá lâu năm tin tưởng sử dụng. Lọc thùng giống như tên gọi, nhìn giống như một cái thùng lớn, thường được đặt ở tủ bên dưới chân bể. Phần duy nhất bạn nhìn thấy chỉ là đầu in và out của lọc. Bạn có thể sử dụng các loại in out trong suốt bằng thủy tinh để tăng thêm tính thẩm mỹ cho bể. 

Đây là loại lọc hoàn hảo nhất cho những bể có kích thước trên 60cm. Lọc thùng sẽ có giá thành cao nhất trong số các loại lọc trong danh sách này, tuy vậy độ hiệu quả của chúng là không thể bàn cãi. 

Ưu điểm của lọc thùng:

  • Dễ dàng vệ sinh
  • Dòng chảy tốt
  • Êm
  • Lớn, nhiều không gian cho vật liệu lọc
  • Hiệu suất lọc tốt
  • Tính thẩm mỹ cao
  • Có thể sử dụng kết hợp với trộn CO2 để sủi CO2 tiết kiệm và hiệu quả hơn

Nhược điểm của lọc thùng:

  • Giá thành đắt
  • Lắp đặt có thể hơi phức tạp đối với người mới

5. Các loại lọc khác

Vẫn còn nhiều loại lọc khác như là lọc tràn trên, lọc tràn dưới, lọc vách,… Tuy nhiên chúng không phổ biến bằng. Xét về thẩm mỹ cũng như hiệu suất cũng khó có thể bằng được các loại lọc phổ biến mình liệt kê bên trên. Vậy nên nếu có điều kiện thì mình khuyên các bạn hãy xét đến 4 phương án đầu trước để chọn loại lọc phù hợp cho bể. 

Các loại vật liệu lọc

Để hiểu thêm về hiệu suất và khả năng lọc thì bạn cũng cần phải biết thêm về vật liệu lọc và công dụng của mỗi loại. Vật liệu lọc có thể chia ra làm ba loại, đó là:

1. Vật liệu lọc cơ học

Đây là các loại bông lọc, bùi nhùi, mút lọc, có tác dụng lọc các loại cặn như là phân cá, thức ăn thừa, lá cây. 

2. Vật liệu lọc sinh học

Vật liệu lọc loại này có chức năng chính là cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi, từ đó giúp loại bỏ được ammonia và nitrite trong bể cá. Vi sinh có lợi sẽ giúp chuyển hóa ammonia thành nitrite và từ đó chuyển thành nitrate, cây cối trong bể có thể sử dụng nitrate để phát triển. Đây có lẽ là chức năng quan trọng nhất của bộ lọc. Hai loại vật liệu lọc phổ biến nhất là vật liệu lọc Matrix và vật liệu lọc Neo.

Xem thêm:

3. Vật liệu lọc hóa học

Các loại vật liệu lọc hóa học như là than hoạt tính có thể giúp khử các chất độc, khử mùi và màu cho nước bể. Để có thể khử độc và khử mùi cho bể cá thì bạn có thể sử dụng than hoạt tính.

Vậy loại lọc nào là phù hợp nhất cho bể của bạn

Có nhiều yếu tố để quyết định loại lọc phù hợp nhất cho bể. 

Đầu tiên đó là mục đích sử dụng bể cá. Bể cá bạn nuôi để ngắm hay là để nuôi cá/ tép sinh sản? Nếu là trường hợp đầu thì bạn nên sử dụng lọc treo/lọc thác/ lọc thùng tùy vào kích thước bể. Nếu bể của bạn chỉ để nuôi cá/ tép sinh sản thì bạn chỉ cần lọc vi sinh là đủ. 

Tiếp theo bạn cần lưu ý đến kích thước và thể tích bể. Bạn nên chọn loại lọc có thể lọc 4 lần nước bể trong một tiếng. Ví dụ như thể tích bể cá của bạn là 60 lít thì bạn cần phải chọn loại lọc có lưu lượng ít nhất là 240 lít/h. Về lưu  lượng của lọc thì mọi loại lọc đều có lưu lượng được in trên bao bì. 

Dòng chảy là một yếu tố khác bạn cần lưu ý. Một số loài cá không thích dòng chảy mạnh, một số khác thì lại rất thích. Ví dụ như là khi nuôi cá betta thì bạn chỉ nên sử dụng lọc thác hoặc lọc vi sinh. Các loại lọc khác có thể khiến cá bị stress và thậm chí là chết. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *