aquasetup

Cách phòng bệnh cho cá cảnh

Mục lục

Cách phòng bệnh cho cá cảnh

Phòng bệnh luôn dễ dàng, đỡ tốn công sức và tiền bạc hơn là chữa bệnh. Hơn nữa, nhiều người không có kinh nghiệm chăm sóc, chữa trị khi cá bị bệnh nên tỉ lệ cá chết khi bị bệnh là rất cao. Cách tốt nhất để giúp cho bể cá của bạn luôn khỏe mạnh là có những biện pháp phòng bệnh ngay từ ban đầu. 

Cách phòng bệnh cho cá cảnh

Để phòng bệnh cho cá cảnh thì bạn cần phải để ý đến các yếu tố chính đó là: chất lượng nước, thức ăn và nguồn gốc của cá. Cụ thể hơn, dưới là các cách để bạn có thể kiểm soát được các yếu tố đó

1. Chăm sóc bể định kỳ

Bể cá thủy sinh là một hệ sinh thái thu nhỏ, để bể có thể ổn định, cá khoẻ mạnh thì bạn cần phải chăm sóc bể định kỳ. 

Đầu tiên là bạn cần phải thay nước cho bể định kì. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.

Bạn nên vừa hút cặn đáy (lazada) vừa thay nước một thể luôn để có thể dọn dẹp bể hiệu quả nhất. Hút cặn đáy có thể giúp bạn loại bỏ được phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác bị tích tụ dưới nền bể.

Xem thêm: Cách nuôi cá không cần phải thay nước

Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.

Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Để khử clo thì bạn có thể để nước bên ngoài không khí trong vòng một ngày. Bạn cũng có thể cho thêm sủi oxy để quá trình clo bay hơi diễn ra nhanh hơn.

Ngoài thay nước, bạn cũng nên vệ sinh cho lọc tầm khoảng 1 tháng một lần. 

2. Cho cá ăn đúng cách

Nếu cho cá ăn quá nhiều thì bạn không chỉ làm cá bị phình bụng, khó tiêu, táo bón, mà còn có thể khiến thức ăn thừa tích tụ dưới đáy bể. Sau đó chất lượng nước sẽ xấu đi nhanh chóng, gây bệnh và khiến cá chết hàng loại. Vậy cần cho cá ăn bao nhiêu là đủ? 

Bạn chỉ nên cho cá ăn lượng thức ăn vừa đủ để cho chúng có thể ăn hết trong vòng 3  phút. Tần suất cho cá ăn hợp lý là vào khoảng 1-2 lần mỗi ngày. 

Ngoài ra, muốn cá khỏe mạnh thì bạn cần phải sử dụng thức ăn chất lượng tốt và thay thức ăn khi hết hạn sử dụng. 

Các loại đồ ăn chất lượng tốt sẽ khó tan trong nước, giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá hơn, tránh việc bạn phải cho cá ăn quá nhiều. 

Nếu bạn lo ngại về việc nước bị bẩn khi cho cá ăn thì bạn nên tránh dùng các loại thức ăn dạng mảnh bởi loại này khá dễ tan vào trong nước và mất dinh dưỡng nhanh nếu cá không kịp ăn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại cám nổi chất lượng tốt (lazada).

Xem thêm: Cách làm thức ăn cho cá cảnh

3. Nuôi cá với mật độ vừa phải

Lỗi sai phổ biến nhất khiến nhiều người mới nuôi không nuôi cá thành công được là do họ nuôi quá nhiều cá. Nhìn cá bơi lội đúng là thích mắt thật nên họ sẽ cố nhồi nhét bể với tất cả loại cá với đầy đủ kích thước và màu sắc họ mua được. 

Nếu bạn nuôi quá nhiều cá thì bộ lọc của bể sẽ không đủ để có thể xử lý được chất lượng nước, nước nuôi sẽ bị bẩn và tích tụ chất độc rất nhanh, khiến cá dễ bị stress, bị bệnh và chết. 

Nếu bạn nuôi các loại cá nhỏ bạn có thể sử dụng công thức là chỉ nên có 1cm cho mỗi 1.5 lít nước. Tức là nếu bạn có bể khoảng 45 lít nước bạn chỉ nên có 30cm cá trong bể, tức là khoảng một đàn 10 con cá neon. 

Xem thêm: Nên nuôi bao nhiêu cá trong bể thủy sinh?

4. Tránh việc cá bị stress

Cá có thể bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do môi trường sống, do bị sốc nước, hoặc là do bạn cùng bể. Việc cá bị stress và bị bệnh thường đi kèm với nhau. Khi bị stress, hệ đề kháng của cá sẽ bị yếu hơn, từ đó chúng sẽ dễ bị bệnh hơn nhiều. 

Vấn đề về môi trường nước mình đã nhắc ở trên. Ngoài lý do về môi trường thì bạn còn cần phải cho cá môi trường sống ổn định để tránh cá bị sốc nước. Ngoài ra, bạn cần phải nuôi chung các loại cá phù hợp với nhau. Nếu trong bể của bạn có loài cá quá dữ, chúng sẽ liên tục bắt nạt và làm stress các loài cá nhỏ và hiền hơn.

5. Mua cá từ các cơ sở uy tín

Bạn nên tránh mua cá từ những nơi bán cá nhìn không đảm bảo vệ sinh. Cách nhận biết là cá trong các cửa hàng này thường được nhồi nhét vào chung một bể. Bạn cũng có thể thường xuyên thấy cá chết, bị bệnh ở trong bể. Hầu hết mọi loại cá trong cửa hàng đều không được nuôi và giữ trong môi trường lý tưởng, thường là quá đông hoặc thức ăn kém. 

Kể cả khi bạn mua những con cá mặc dù chúng không có biểu hiện gì bên ngoài lúc ban đầu, chúng vẫn có thể chứa mầm bệnh trong người. Để giảm thiểu trường hợp này xảy ra thì bạn hãy luôn mua cá từ những nơi bán uy tín và được đánh giá tốt. Nếu có thể bạn hãy nuôi riêng cá mới mua ít nhất 2 tuần trước khi cho vào bể chính.

Các loại bệnh phổ biến

Một số loại bệnh phổ biến ở cá cảnh có thể kể đến là:

  • Nấm trắng: Bệnh nấm trắng hay còn gọi là bệnh đốm trắng là căn bệnh phổ biến, xuất hiện ở hầu hết các loại cá nước ngọt. Nguyên nhân gây bệnh nấm trắng là một loài ký sinh – một loài trùng lông với tên khoa học là Ichthyophthirius multifiliis. Cá mắc khi mắc bệnh nấm trắng sẽ có những hạt trắng nhỏ li ti với đường kính khoảng 1mm xuất hiện trên thân, vây, mang hoặc thậm chí là ở trên mắt. 
  • Xù vảy: Dù được gọi là “bệnh xù vảy” nhưng thực chất nó chỉ là một triệu chứng, xuất hiện khi nước ở trong các khoang trong người cá bị quá nhiều, khiến cho bụng cá bị phồng và vảy chĩa ra ngoài. Mọi loài cá nước ngọt đều có thể bị xù vảy, bao gồm cá koi, cá vàng, betta, cá bảy màu, sọc ngựa, neon,.. Khi cá bị xù vảy tức là thận hoặc mang của chúng đang không hoạt động tốt, có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. 
  • Thối vây, đuôi: Dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất khi cá bị thối vây là bạn có thể thấy phần rìa vây bị không đều, với lớp màng trắng nhìn giống như bị nấm. Vây hoặc đuôi có thể sẽ không còn trong suốt và trở màu trắng đục, có thể có những vệt máu. Dù một số người gọi căn bệnh này là nấm ăn đuôi nhưng thực chất đuôi cá bị cụt là do một số loại vi khuẩn khác nhau. Một số loại vi khuẩn gram – âm gây bệnh có thể kể đến là Vibrio, Pseudomonas và Aeromonas. 
  • Thối thân: Vết thối ban đầu sẽ có màu trắng, căn bệnh càng phát triển lâu thì chúng sẽ có thể chuyển đỏ, nâu hoặc là xanh do bụi, rêu mắc vào. Khi bạn vớt cá ra ngoài thì bạn có thể thấy một lớp nhầy đục quanh khu vực da và vảy. 
  • Xuất huyết:  Hầu hết vết xuất huyết trên cá bị gây ra bởi nhóm gây xuất huyết-nhiễm khuẩn huyết (hemorrhagic septicemia) – một loại bệnh gây ra bởi vi khuẩn trong người cá. Căn bệnh này thường sẽ gây hậu quả nghiêm trọng và cá bị bệnh cần có chế độ chăm sóc phù hợp mới có khả năng khỏi được.
  • Nhiễm trùng mỏ neo: Trùng mỏ neo là một loài giáp xác nhỏ thuộc chi Lernaea. Chúng có khả năng bám vào da cá và có ngoại hình khá giống sâu. Khi chúng bám vào cá thì chúng cắm đầu vào bên dưới da cá, chúng bám rất dai nhờ vào phần phụ trên đầu nhìn giống mỏ neo – giống như tên gọi của chúng vậy.Trùng mỏ neo thường có màu xám hoặc trắng. Chúng có thân hình mảnh và thường dài khoảng 1cm. Phần đầu của chúng có hình dạng mỏ neo, bên dưới là thân và hai nhánh “râu” ở dưới thân chính là buồng trứng của chúng.
  • Bị đục mắt: Cá bị bệnh đục mắt sẽ có mắt đục trắng như là có lớp màng trắng bao quanh. Đục mắt thường bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là thương tích vật lý dẫn tới nhiễm trùng, có thể là do môi trường hoặc là do bị nhiễm kí sinh. 
  • Bị lồi mắt: Bệnh lồi mắt, giống như tên gọi là căn bệnh khiến cho mắt cá bị phồng, sưng lên và có thể bị rơi ra khỏi hốc mắt. Mắt cá bị lồi do nước bị tích tụ bên trong. Chất lỏng có thể bị tích tụ đằng sau hoặc bên trong mắt (tùy vào nguyên nhân gây bệnh).

Kết lại

Nếu bạn bỏ ra ít công sức để phòng bệnh cho cá khoảng 15 phút mỗi tuần thì bạn có thể tránh được vô số vấn đề có thể xảy ra về sau. Các cách phòng bệnh cho cá có thể kể đến là chăm sóc cho bể định kì bằng cách thay nước, hút cặn đáy, rửa lọc. Ngoài ra bạn cũng cần phải nuôi cá với mật độ vừa phải, tránh các tác nhân khiến cho cá bị stress và mua cá từ các cơ sở uy tín. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *