Cá cảnh bị lồi mắt là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho cá, vậy nên bạn cần phải chữa trị nhanh và có biện pháp phòng bệnh về lâu dài.
Trong bài viết này mình sẽ nói về dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp để có thể chữa trị cho cá.
Bệnh lồi mắt cho cá là gì?
Bệnh lồi mắt, giống như tên gọi là căn bệnh khiến cho mắt cá bị phồng, sưng lên và có thể bị rơi ra khỏi hốc mắt.
Mắt cá bị lồi do nước bị tích tụ bên trong. Chất lỏng có thể bị tích tụ đằng sau hoặc bên trong mắt (tùy vào nguyên nhân gây bệnh).
Tùy vào tình trạng bệnh mà cơ hội chữa trị thành công cho cá có thể khác nhau. Khi cá bị nhẹ, mắt cá vẫn sẽ trong và chỉ hơi sưng một tẹo. Tuy nhiên, khi bệnh nặng thì giác mạc của cá có thể bị tổn thương, khiến cho mắt cá bị đục. Nếu không được chữa kịp thời thì mắt cá có thể bị rơi ra ngoài.
Xem thêm: Cá bị đục mắt: nguyên nhân và cách chữa trị
Thông thường khi bệnh tình nặng thì cá cũng sẽ gặp nhiều vấn đề khác về sức khỏe khác.
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho cá bị lồi mắt là do thương tích vật lý. Cá có thể bị lồi mắt do nhiễm vi khuẩn, thường là do vi khuẩn gram dương thuộc loại Corynebacterium, có thể được chữa với các loại thuốc kháng sinh có chứa erythromycin.
Triệu chứng
Triệu chứng ban đầu của bệnh lồi mắt có thể hơi khó nhận biết. Thông thường, mắt cá có thể chỉ bị hơi lồi vào thời gian đầu. Nhưng mà vài ngày sau, nếu không được chữa trị thì mắt cá sẽ càng lúc càng phình to, có thể làm phình cả vùng da xung quanh.
Khi cá bị lồi mắt, chúng sẽ hoạt động ít đi, cá sẽ trốn nhiều hơn hoặc là bỏ ăn.
Bệnh lồi mắt có nguy hiểm không?
Bệnh lồi mắt là căn bệnh nguy hiểm cần phải được được chữa trị nhanh chóng khi bạn phát hiện thấy cá có biểu hiện bệnh.
Thông thường, bệnh sẽ không đe dọa đến tính mạng cá. Tuy nhiên, khi bị nặng thì cá có thể bị mất một hoặc cả hai bên mắt. Khi đó, cá sẽ gặp khó khăn khi bơi lội, khó kiếm ăn hoặc có thể sẽ bị stress.
Ngoài vấn đề cá có thể bị mất mắt, bệnh cũng có thể khiến cá bị nhiễm trùng nặng khi mà vết nhiễm trùng đi từ mắt vào sâu hơn bên trong. Khi đó thì nội tạng trong người cá cũng có thể bị ảnh hưởng và cá sẽ bị chết.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân phổ biến nhất là do thương tích vật lý. Cá là loài dễ bị thương tích, đặc biệt là đối với các loài cá bơi nhanh, có tập tính phóng nhanh để săn mồi như là cá nóc. Cá có thể vô tình bị đập đầu vào đá và làm xước mắt. Bởi vì cá không có mi mắt vậy nên chúng sẽ mất đi một lớp có thể bảo vệ được mắt.
Ngoài ra, các loài cá trong bể có thể tấn công nhau và làm mắt cá khác bị dính thương tích. Hoặc bạn cũng có thể vô tình làm xước mắt cá bằng lưới khi bắt cá.
Dù cho nguyên nhân là gì thì khi mắt cá bị xước, hệ miễn dịch của chúng sẽ hoạt động và làm mắt cá sưng lên.
Nguyên nhân khác khiến cho mắt cá bị sưng là do bị nhiễm trùng. Cá bị nhiễm trùng có thể có các dấu hiệu khác như là bị phình bụng xù vảy,… Nguyên nhân chủ yếu khiến cho cá bị nhiễm trùng là do chất lượng nước nuôi kém trong thời gian dài, làm ảnh hưởng đến sức để kháng của cá.
Cách chữa trị cho cá bị bệnh lồi mắt
Chữa bệnh lồi mắt cho cá thì bạn phải chữa trị triệu chứng, ngăn không cho bệnh tình trầm trọng thêm và bạn cũng cần phải xử lý nguyên nhân gây bệnh cho cá.
Dưới là các bước bạn có thể thực hiện để có thể chữa bệnh lồi mắt cho cá.
1. Thay nước bể cá và xử lý cặn bẩn
Nguyên nhân gián tiếp gây hầu hết tất cả các loại bệnh là do nước bể bị bẩn. Thông thường, mầm bệnh luôn có sẵn trong nước. Thứ giúp cho cá sống khỏe mạnh, không bị bệnh là hệ miễn dịch của cá.
Nếu chúng sống quá lâu trong điều kiện nước bẩn với chất độc tích tụ lâu dài thì hệ đề kháng của cá có thể bị ảnh hưởng. Về lâu dài cá có thể bị yếu dần và dễ bị bệnh hơn. Một trong số đó là bệnh lồi mắt.
Để có thể xử lý nước tạm thời thì bạn hãy sử dụng cây hút cặn để xử lý cặn bẩn trong hồ và đồng thời thay luôn nước trong bể cá. Bạn nên thay khoảng 20-30% lượng nước trong bể và thay 2 ngày một lần với nước sạch được khử clo.
2. Tách riêng cá bị bệnh
Cá bị bệnh do thương tích vật lý sẽ không làm lây bệnh cho cá khác. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn thì bệnh lồi mắt có thể lây sang các con cá khác trong bể.
Việc tách cá ra bể chữa bệnh cũng giúp bạn có thể thêm muối và thuốc và không lo làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh cũng như cây thủy sinh trong bể.
Trong bể chữa bệnh bạn nên sử dụng nước sạch, thêm sủi oxy nếu có thể.
3. Thêm muối
Để giảm sưng cho cá bạn có thể sử dụng muối biển hoặc muối tinh (tránh sử dụng muối ăn bình thường). Liều lượng muối vào khoảng 1g muối cho mỗi 1 lít nước.
Muối có thể giúp cho mắt cá bớt sưng và đồng thời giúp cho cá tránh bị nhiễm trùng bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn nuôi một số loài cá không có vảy như là cá lóc, cá chuột, … thì bạn nên giảm liều lượng muối xuống hoặc không nên sử dụng muối.
Trong quá trình chữa bệnh bạn nên cho cá ăn chế độ dinh dưỡng để hệ miễn dịch của cá nhanh khỏe lại.
Ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm thuốc dưỡng cá như là Seachem stressguard (lazada) để hạn chế tình trạng cá bị stress.
4. Sử dụng kháng sinh
Nếu bạn nghĩ cá bị lồi mắt do vi khuẩn thì bạn có thể sử dụng kháng sinh. Thông thường, vi khuẩn gây bệnh lồi mắt là vi khuẩn gram dương (Corynebacterium). Loài vi khuẩn gram dương này có thể được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng như là erythromycin hoặc penicillin.
Để chữa bệnh bằng kháng sinh thì cách tốt nhất bạn có thể sử dụng là hòa lẫn kháng sinh với thức ăn. Cho kháng sinh trực tiếp vào nước sẽ có rất ít tác dụng.
Bạn có thể làm thức ăn trộn kháng sinh cá bằng cách:
- Chuẩn bị 5g gelatin (hai lá gelatin rưỡi nếu bạn sử dụng gelatin lá)
- Đun nóng 60g nước, hòa thêm 30g thức ăn khô, gelatin và nước nóng và đảo đều cho đến khi hỗn hợp trộn lẫn hoàn toàn, nếu bạn cảm thấy hỗn hợp quá lỏng thì hãy cho thêm thức ăn cho cá.
- Sau đó chỉ cho thêm một tẹo thuốc kháng sinh vào trong, chỉ khoảng 0.5g là được.
- Trải hỗn hợp lên khay để cho nó có thể khô và cứng lại sau đó bạn có thể cắt hỗn hợp thành các miếng vừa ăn để có thể bảo quản tủ lạnh và cho cá ăn dần.
Bạn cần cho cá ăn ít nhất hai lần một ngày và trong vòng mười ngày. Và chỉ cho cá ăn lượng vừa đủ ăn.
Bạn chỉ nên dùng thức ăn tự làm trong vòng 10 ngày.
Quan trọng nhất trong thời gian này bạn phải nuôi cá trong môi trường nước sạch, an toàn và đủ lớn để giúp cho cá cảm thấy thoải mái và tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cá hồi phục.
Cách phòng tránh cá bị bệnh lồi mắt
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh lồi mắt cũng như vô số căn bệnh khác ở cá là đảm bảo nước bể của bạn luôn sạch và được chăm sóc thường xuyên.
Để làm vậy thì bạn cần phải sử dụng cây hút cặn (lazada) để dọn dẹp bể và thực hiện thay nước cho bể định kỳ. Tối ưu nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần với nước sạch đã được khử clo.
Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể cá
Bạn cũng nên tránh nuôi quá nhiều cá bởi lượng phân thải sẽ quá nhiều hoặc các loại cá khác nhau sẽ rỉa vây của loài cá yếu hơn.
Bạn cũng nên kiểm tra mức độ tương thích của từng loài cá trước khi nuôi chung chúng trong cùng một bể.
Bạn không nên cho cá ăn quá nhiều, chỉ cho cá ăn mỗi lần lượng thức ăn chất lượng tốt vừa đủ để chúng có thể ăn hết trong vòng 5 phút. Càng nhiều thức ăn thừa thì khả năng vi khuẩn có hại và chất độc trong nước càng tăng cao.
Khi cho cá ăn bạn cũng nên quan sát kĩ cá để phát hiện được các dấu hiệu sớm bệnh để có thể kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.