aquasetup

Cá cảnh bị tóp bụng: nguyên nhân và cách điều trị

Mục lục

Cá bị phình bụng là vấn đề đôi khi xảy ra với cá cảnh và thường dễ trị. Tuy nhiên, ngược lại, đôi khi cá cảnh cũng có thể bị tóp bụng. Tình trạng cá bị tóp bụng thường sẽ nguy hiểm và cần phải được điều trị sớm để tránh việc cá bị chết. 

Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi loài cá cảnh, phổ biến nhất là ở các dòng cá thuộc họ cá rô phi như là cá ali, cá két,…

Trong bài viết này mình sẽ nói về những nguyên nhân có thể gây bệnh cho cá, triệu chứng cũng như là cách điều trị. 

Nguyên nhân khiến cho cá bị tóp bụng

Giống như tên gọi, bệnh tóp bụng ở cá khiến cho phần bụng phía dưới của cá tóp lại, nguyên nhân gây bệnh cho cá có nhiều, điển hình là:

1. Cá bị đói 

Trong hầu hết trường hợp cá bị tóp bụng thì chỉ là do cá bị đói. Thông thường cá khỏe mạnh, được cho ăn đầy đủ thì chúng sẽ không bao giờ gặp tình trạng này. 

Cá có thể bị đói nếu bị tranh ăn quá mức. Nếu bạn nuôi chung cá hiền lành với loài cá dữ, bơi nhanh và to hơn thì các loài cá to hơn có thể tranh hết đồ ăn. 

Các loại cá tầng mặt và tầng giữa có thể lấy hết thức ăn của cá tầng đáy. 

Ngoài ra, cá có thể bỏ ăn do chúng bị stress. Nguyên nhân gây stress cá có nhiều, chủ yếu là do môi trường nước hoặc cá bị sốc nước. 

2. Cá bị nhiễm khuẩn TB

Đây là căn bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Mycobacterium – loại vi khuẩn khó diệt bởi chúng có một lớp  bảo vệ xung quanh, giúp chúng có khả năng kháng lại được hầu hết các loại thuốc. 

Cá bị nhiễm căn bệnh này sẽ có khả năng sống sót thấp. Loại vi khuẩn này thậm chí có thể lây sang người nếu bạn bị xước tay và có tiếp xúc với cá hoặc nước có chứa vi khuẩn. Khi vi khuẩn lây cho người thì chúng chỉ gây các vết phát ban, mẩn đỏ ngoài da, thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì bệnh có thể trở nặng và có thể gây nhiễm trùng sâu hơn, vậy nên bạn cũng nên cẩn thận và đeo găng tay nếu có thể để xử lý cá gặp bệnh này. Một số triệu chứng của bệnh này là:

  • Bụng cá bị tóp
  • Cá bỏ ăn
  • Cá bị loét da
  • Vây bị cụt
  • Phân trắng
  • Cột sống cá bị cong
  • Cá bị mất vảy
  • Mắt cá lồi
  • Da đỏ
  • Cá bơi thất thường
  • Cá bị mất màu

3. Do cá bị nhiễm ký sinh trùng đơn bào hexamita

Hexamita là một loại ký sinh trùng đơn bào gây bệnh thủng đầu ở cá. Khi loài ký sinh này sinh sôi trong người cá, chúng sẽ khiến cho các tế bào của cá gặp tổn thương, từ đó dẫn đến tình trạng tóp bụng, thủng đầu và cuối cùng là giết chết cá. Các loại vi khuẩn các cũng có thể làm cho cá bị tóp bụng. 

Các loại vi khuẩn và ký sinh gây bệnh này gần như luôn tồn tại trong nước và trong người của cá. Tuy nhiên, hệ đề kháng của cá khỏe mạnh có thể giúp ngăn chặn căn bệnh này bùng phát. Khi cá bị yếu do môi trường nước không tốt thì chúng sẽ dễ bị bệnh hơn. 

Dấu hiệu của cá khi bị nhiễm hexamita là:

  • Ban đầu cá xuất hiện vết rộp nhỏ ở trên đầu, sau đó lan rộng ra
  • Cá bị gầy, tóp bụng, bỏ ăn
  • Cá có phân trắng
  • Cá bị cụp vây
  • Da, vảy cá bị sậm màu lại
  • Cá bơi lờ đờ

Cách để chữa bệnh cho cá bị tóp bụng

1. Tách riêng cá bệnh ra

Bước đầu tiên Khi bạn không chắc về nguyên nhân gây bệnh cho cá thì bạn cần chuyển cá ra một bể riêng để chữa bệnh. Nguyên nhân là bởi tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh tóp bụng có thể lây sang cá khác. Bể riêng cần đủ lớn để cá có thể thoải mái bơi lội, tránh việc cá bị stress và làm bệnh tệ hơn.

2. Xử lý môi trường nước 

Môi trường nước bẩn luôn là nguyên nhân chính khiến cho sức đề kháng của cá bị suy giảm, từ đó khiến cho cá dễ mắc bệnh. 

Nếu có thể thì hãy kiểm tra chất lượng nước để đảm bảo nước không chứa clo, ammonia hoặc nitrite. 

Sau đó bạn hãy tiến hành thay 20-25% lượng nước trong bể, hút cặn đáy bể để loại bỏ thức ăn thừa và các loại chất hữu cơ thừa phân hủy bên dưới. Bạn cũng không nên cho cá ăn quá nhiều sau đó. 

Kiểm tra lại hạn sử dụng trên bao bì thức ăn cho cá. Nếu cần thì bạn hãy mua loại thức ăn chất lượng cao mới cho cá để giúp chúng có đầy đủ dinh dưỡng và khỏe hơn. Bạn cũng nên tránh mua quá nhiều bởi cá sẽ không ăn nhiều như bạn nghĩ đâu. 

Nếu trong bể có các loại cá không phù hợp, hay tấn công lẫn nhau thì bạn hãy nhanh chóng tách riêng chúng ra. 

Trong trường hợp cá không có dấu hiệu nào khác ngoài tóp bụng

Nếu cá không có biểu hiện gì khác ngoài tóp bụng, bạn nên tránh sử dụng thuốc chữa bệnh. Bạn chỉ nên cung cấp cho cá nước sạch, có thể sử dụng các loại thuốc để dưỡng cá như là Seachem Stressguard (lazada) để tránh việc cá bị stress. 

3. Trong trường hợp cá bị nhiễm khuẩn 

Trong trường hợp cá xuất hiện triệu chứng nhẹ thì bạn có thể điều trị được cho chúng. Một khi cá đã trở nên gầy, thường là bụng cá hóp lại thấy rõ thì có lẽ là đã quá muộn để cứu chúng. Để chữa trị cho cá bị nhiễm khuẩn TB hoặc hexamita thì bạn cần:

  • Nuôi cá ra một bể riêng bởi thời gian điều trị cho cá sẽ rất lâu và các loại thuốc để điều trị cho cá có thể làm ảnh hưởng đến vi sinh của bể chính.
  • Đảm bảo nước sạch và môi trường sống ổn định cho cá.
  • Sử dụng kháng sinh theo liều chỉ định của nhà sản xuất. Một số loại kháng sinh đã được thử nghiệm mà có công dụng là KanaPlex, Neomycin, Isoniazid.
  • Thường xuyên cho cá 2 trong 3 loại kháng sinh trên kèm với tắm cho cá ít nhất một lần một ngày với nước cho xanh methylen và muối để chống nhiễm khuẩn, nấm bên ngoài.

Bạn nên tránh cho muối vào bể nuôi cá để chữa khi cá bị nhiễm khuẩn TB bới loại vi khuẩn này có thể sống tốt cả môi trường nước mặn và nước ngọt. Tăng nhiệt độ bể để chữa cho cá cũng sẽ hầu như không có ảnh hưởng đến việc chữa trị.

Để chữa bệnh bằng kháng sinh thì cách tốt nhất bạn có thể sử dụng là hòa lẫn kháng sinh với thức ăn. Cho kháng sinh trực tiếp vào nước sẽ có rất ít tác dụng. 

 Bạn có thể làm thức ăn trộn kháng sinh cá bằng cách: 

  • Chuẩn bị 5g gelatin (hai lá gelatin rưỡi nếu bạn sử dụng gelatin lá) 
  • Đun nóng 60g nước, hòa thêm 30g thức ăn khô, gelatin và nước nóng và đảo đều cho đến khi hỗn hợp trộn lẫn hoàn toàn, nếu bạn cảm thấy hỗn hợp quá lỏng thì hãy cho thêm thức ăn cho cá.
  • Sau đó chỉ cho thêm một tẹo thuốc kháng sinh vào trong, chỉ khoảng 0.5g là được. 
  • Trải hỗn hợp lên khay để cho nó có thể khô và cứng lại sau đó bạn có thể cắt hỗn hợp thành các miếng vừa ăn để có thể bảo quản tủ lạnh và cho cá ăn dần.

Bạn cần cho cá ăn ít nhất hai lần một ngày và trong vòng mười ngày. Và chỉ cho cá ăn lượng vừa đủ ăn.

Bạn chỉ nên dùng thức ăn tự làm trong vòng 10 ngày. 

Cách phòng tránh bệnh tóp bụng ở cá

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tóp bụng ở cá là giữ cho môi trường nước trong bể luôn sạch, nuôi đúng loại cá và đúng số lượng cá. 

Chất lượng nước

Nước bẩn và ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu có thể gây stress ở cá và làm hệ miễn dịch của chúng bị suy giảm. Vậy nên bạn cần vệ sinh thay nước cho bể ít nhất là 10% lượng nước hàng tuần. Mỗi hai tuần một lần, nếu có thể hãy sử dụng các loại ống hút cặn (lazada) để hút phân cá, thức ăn thừa đóng cặn ở bên dưới đáy bể. 

Hơn hết nữa là hãy sử dụng bộ lọc cùng với vật liệu lọc phù hợp với dòng chảy tốt để có thể có được hệ vi sinh ổn định trong bể.

Giữ cho môi trường ổn định

Bể cá phải ổn định ở cả chất lượng nước và nhiệt độ. Bạn cần tránh thay quá nhiều nước trong bể một lần và làm nhiệt độ nước trong bể thay đổi quá nhanh. Một khi bể đã được cycle đầy đủ và ổn định thì cá sẽ không bao giờ bị bệnh và luôn mạnh khỏe. 

Tránh nuôi quá nhiều cá

Nếu bạn nuôi quá nhiều cá trong bể và một số loài trong đó quá hung hăng thì có thể khiến cho một số loại cá khác bị stress. 

Hơn hết nữa là nếu bể nuôi nhiều cá và bộ lọc không đủ khả năng để xử lý lượng chất thải thừa thì sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước trong bể.

Vậy bạn cần nuôi bao nhiêu cá trong bể? Xem thêm

Tránh cho cá ăn quá nhiều

Cho cá ăn quá nhiều có thể khiến cho thức ăn thừa tích tụ bên dưới đáy bể và làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Hơn hết nữa nếu bạn cho cá ăn quá nhiều thức ăn kém chất lượng thì có thể làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của cá và làm cho chúng bị thiếu chất. 

Bạn nên cho cá ăn chế độ ăn đa dạng, xen kẽ thức ăn khô và tươi sống và chỉ cho cá ăn lượng thức ăn vừa đủ để ăn hết trong vòng 5 phút. 

Bạn cũng nên bỏ đói cá một ngày mỗi tuần để giúp chúng tiêu thụ lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết.

Xem thêm: Cách cho cá cảnh ăn đúng nhất

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *