Cá dĩa thường được nuôi theo nhóm từ 6 con trở lên. Vậy nên, nếu bạn đang nuôi một đàn cá dĩa thì ắt hẳn bạn sẽ thấy chúng ghép cặp vào một lúc nào đó. Cá dĩa là loài tương đối dễ ghép cặp và sinh sản trong điều kiện nuôi tại nhà. Biết cách để ghép cặp, chăm sóc cho trứng cá và cá con có thể giúp bạn nuôi cá dĩa sinh sản thành công, cá con có khả năng sống cao hơn và bạn có thể nuôi để chọn lọc các kiểu hình mình mong muốn.
Cách phân biệt cá dĩa đực và cái
Khi cá chưa trưởng thành thì bạn gần như sẽ không thể phân biệt được giới tính của chúng. Thông thường cá đực sẽ hung hăng hơn cá cái với môi dày, trán lồi hơn một tẹo. Ngoài tự nhiên thì cá đực sẽ phải thường xuyên bảo vệ cá cái và tấn công các loài cá cũng như cá dĩa đực khác. Miệng dày kèm với trán lồi sẽ cho chúng thêm ít lợi thế để tự bảo vệ bản thân khỏi thương tích.
Vây lưng của cá đực sẽ nhọn hơn một tẹo so với cá cái. Vây lưng cá cái sẽ tròn hơn. Tuy nhiên là đặc điểm này chỉ có thể dùng để nhận dạng cá đã trưởng thành. Khi cá còn nhỏ thì vây lưng của chúng sẽ đều tròn.
Một số người cho rằng bạn có thể phân biệt cá đực và cá cái dựa vào màu sắc. Cụ thể là cá đực sẽ có màu sặc sỡ kèm với họa tiết rõ ràng hơn so với cá cái. Tuy nhiên cách này không có độ chính xác cao lắm và màu sắc của cá có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn, stress và chất lượng nước.
Bạn cũng có thể xác định giới tính của cá dựa vào ống sinh sản. Đấy là ống nhỏ nằm giữa vây hậu môn và hậu môn của cá dĩa. Cá cái sẽ có ống sinh sản to với đầu tròn hơn. Cá đực sẽ có ống sinh sản nhỏ với đầu nhọn hơn. Ống sinh sản của cá sẽ chỉ nhìn thấy rõ khi cá đang vào giai đoạn sinh sản nên bạn cần để ý kỹ.
Ngoài ra thì cá dĩa đực và cá dĩa cái sẽ có hành vi khác nhau. Thông thường cá cái sẽ nhát hơn, cá đực sẽ thường dạn người hơn và sẽ thường ở phía trước mặt kính khi có người quan sát.
Tuy bạn có thể sử dụng các cách trên để phân biệt giới tính cá, tuy nhiên, mức độ chính xác có thể sẽ không cao, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Cách chắc chắn nhất để xác định giới tính cá là nuôi một nhóm nhỏ từ 6-8 con và chúng sẽ tự ghép cặp khi cá chuẩn bị sinh sản. Bằng cách quan sát hành vi của cá bạn có thể dễ dàng xác định được cá đực và cá cái.
Làm bể sinh sản
Khi có một cặp cá đực cái vào giai đoạn ghép cặp sinh sản rồi thì bạn cần phải chuẩn bị bể để tách riêng chúng ra. Bể nên có kích thước tối thiểu vào khoảng 100 lít.
Để cá có thể cảm thấy thoải mái và kích thích chúng sinh sản thì bạn cần phải mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của cá càng giống càng tốt. Cá dĩa là loài cá nhạy cảm với thay đổi môi trường sống. Ngoài tự nhiên, chúng sống tại những khu vực nước có độ pH và độ cứng thấp.
Nước có tính axit cao và nhiều tannin có nghĩa là nước sạch hơn, chứa ít mầm bệnh như là nấm và vi khuẩn.
Độ pH lý tưởng để nuôi cá dĩa sinh sản là vào khoảng 5.5-6.5. Độ cứng nên xấp xỉ 0, do đó tốt nhất là bạn nên sử dụng nước lọc RO hoặc nước lọc đóng bình.
Để có thể hạ độ pH và thêm tannin vào nước bạn có thể ngâm các loại lá khô như là lá bàng, lá chuối, lá ổi,…
Xem thêm: Các loại lá khô cho bể cá
Nhiệt độ nước nên vào khoảng 22°C – 28°C. Cá dĩa không thích nước bẩn hoặc có chứa ammonia, nitrite. Bộ lọc vi sinh (lazada) tốt có thể giúp bạn xử lý những chất đó trong bể sinh sản. Lọc vi sinh có hai tác dụng. Một đó là lọc giúp lọc nước, lọc cặn bẩn trong bể. Hai là vi sinh trong lọc có thể giúp xử lý ammonia, nitrite sản sinh từ thức ăn thừa cho cá. Bạn cần sử dụng nước từ bể cũ và chạy lọc cho bể sinh sản vài ngày trước khi thả cá.
Lọc vi sinh không có dòng chảy mạnh, phù hợp để nuôi cá dĩa. Ngoài ra, lọc cũng sẽ không hút trứng cá và cá con như các loại lọc khác.
Ngoài dòng chảy chậm thì bạn cũng nên giảm thiểu thời gian chiếu đèn ở bể nuôi cá dĩa sinh sản.
Giá thể cho cá dĩa đẻ
Bạn cần phải chuẩn bị giá thể trước và đặt vào trong bể để cá có thể đẻ trứng lên. Bạn có thể mua loại giá thể chuyên dụng cho cá dĩa, thường có dạng ống gốm hoặc các miếng gốm xếp vào nhau.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng vài cây lưỡi mác trong bể bởi cá dĩa thích đẻ trứng lên bề mặt lá to. Hoặc bạn cũng có thể dùng keo silicon để gắn ống nhựa pvc lên chân phẳng để có thể đứng được.
Cho cá dĩa ăn
Cá dĩa là loài ăn tạp, vậy nên chúng có thể ăn được hầu hết tất cả các loại thức ăn bạn cho cá ăn.
Nếu cá dĩa không chịu ăn thì chứng tỏ là có gì đó đang không ổn. Có thể là do nhiệt độ của bể bị sai hoặc nước bị bẩn. Như đã đề cập đến bên trên, cá dĩa là loài khá nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ và chất lượng nước.
Do là cá ăn tạp, cá dĩa nên được cho ăn chế độ ăn đa dạng, bao gồm thức ăn khô chất lượng tốt, kết hợp với đồ ăn giàu protein như là đồ tươi sống hoặc đông lạnh.
Bạn có thể sử dụng trứng artemia (lazada) và bộ ấp (lazada) để có thể tự ấp nở artemia. Artemia là loại thức ăn tốt để kích thích cá sinh sản cũng như là cá con phát triển nhanh hơn.
Nếu bạn không có điều kiện để ấp nở artemia thì bạn có thể lựa chọn mua artemia đông lạnh hoặc artemia sấy khô (lazada).
Bạn nên cho chúng ăn hai lần một ngày với lượng thức ăn đủ để ăn dưới hai phút. Nếu còn sót lại thức ăn thừa thì bạn cần phải hút ra. Đó là lý do bạn không nên để nền sỏi trong bể nuôi cá dĩa sinh sản.
Khi cho cá ăn thì cho cá ăn ít luôn tốt hơn là cho cá ăn nhiều. Khi cho cá ăn quá nhiều, thức ăn thừa có thể sẽ bị tích tụ dưới đáy bể và gây bẩn nước rất nhanh. Bởi vì cá dĩa là loài cá có thân hẹp vậy nên chúng sẽ dễ bị mắc các vấn đề về tiêu hóa hơn nếu bị cho ăn quá nhiều.
Dấu hiệu cá dĩa sắp đẻ và tập tính sinh sản
Khi cá dĩa chuẩn bị sinh sản, chúng sẽ ghép cặp và bảo vệ một vùng bể để sinh sản.
Cá đực và cá cái đều sẽ bảo vệ khu vực đã chọn trược. Trong giai đoạn ghép cặp, cá đực và cá cái sẽ có những tập tính thú vị. Cá đực và cá cái sẽ bơi lại gần nhau, cúi đầu xong sau đó cùng nhau bơi thẳng lên phía trên, sau đó bơi vòng quanh nhau xuống phía dưới và lặp lại.
Khi cá chuẩn bị sinh sản, bạn cũng có thể nhận thấy vây của chúng bắt đầu đen lại, người cá sẽ có màu đậm hơn.
Sau đó cá dĩa sẽ chọn một bề mặt phẳng để đẻ trứng lên đó. Nếu không có giá thể để đẻ trong bể thì đôi khi cá dĩa cũng có thể đẻ trứng lên mặt kính.
Khi đẻ, cá cái sẽ đặt ống sinh sản lại gần bề mặt và đẻ khoảng 400 quả trứng nhỏ. Cá dĩa to sẽ đẻ nhiều trứng hơn những con cá bé. Khi trứng đã bám chắc vào bề mặt thì cá đực sẽ bơi ra phía sau cá cái và thụ tinh cho trứng.
Khi trứng đã được thụ tinh, cặp cá đực cái sẽ cùng nhau chăm sóc cho chúng. Thông thường, cá sẽ thay phiên nhau dùng vây quạt cung cấp oxy cho trứng. Vào giai đoạn này, cá đực và cá cái sẽ tương đối dữ, bảo vệ lãnh thổ.
Trong giai đoạn này, bạn nên tránh tác động quá nhiều vào bể để tránh làm cho cá bị stress. Nếu cá bố và mẹ bị stress thì chúng có thể sẽ tự ăn trứng. Đó là lý do bạn cũng cần phải đảm bảo chất lượng nước được ổn định nhất có thể.
Chăm sóc trứng cho cá dĩa
Sau khoảng 4 ngày thì trứng cá dĩa sẽ nở và cá con có thể dần bơi được.
Không giống như nuôi sinh sản các loài cá khác, bạn cần phải để cho cá dĩa tự chăm con thay vì tách chúng ra khi cá con mới nở. Nhiều người đã thử tách cá bố mẹ ra khỏi cá con và kết quả là con không chịu ăn và bắt đầu chết dần.
Cá dĩa là loài chăm con tuyệt vời vậy nên chúng sẽ không ăn con của chính mình..
Nếu bạn để cá bố mẹ chăm con thì chúng sẽ dọn dẹp trứng thường xuyên, loại bỏ trứng không được thụ tinh và cung cấp oxy cho trứng bằng cách sử dụng vây và quạt cho trứng thường xuyên. .
Sau khi trứng nở thì cá dĩa con chưa cần cho ăn, chúng có thể ăn một loại thức ăn đặc biệt trên da cá bố mẹ.
Khi cá con đã có thể bơi thoải mái chúng sẽ thường xuyên bơi và bám xung quanh người bố mẹ. Khi đó cá sẽ tiếp tục vừa bơi vừa ăn thức ăn trên da cá bố mẹ. Khi cá bố hoặc cá mẹ cảm thấy mệt thì chúng sẽ lắc người và cá con sẽ chuyển sang bơi quanh người cá bố/mẹ còn lại.
Cá con sẽ được cá bố mẹ chăm trong vài tuần cho đến khi chúng đủ lớn để có thể tự sống độc lập. Cá con khi đạt kích thước vào khoảng hơn 1cm sẽ có thể được tách ra khỏi cá bố mẹ.
Chăm sóc cho cá dĩa bột
Sau khoảng 7 ngày sau khi cá con nở thì bạn có thể bắt đầu cho cá con ăn.
Thức ăn tốt nhất cho cá con là artemia ấp nở. Nếu bạn không có điều kiện để tự ấp artemia thì bạn có thể mua artemia đông lạnh tại các cửa hàng cá cảnh. Ngoài ra thì bạn cũng có thể cho cá con ăn artemia sấy khô.
Xem thêm: Cách cho cá bột ăn artemia sấy khô
Bạn nên cho cá con ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ cho chúng ăn một lượng thức ăn ít vừa đủ. Tránh việc cho cá con ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thức ăn dư thừa và làm bẩn nước. Dấu hiệu để biết cá con đã no là chúng không ăn thêm thức ăn và bụng của cá con bắt đầu tròn lại.
Bạn có thể sử dụng artemia để nuôi cá con từ lúc bé cho đến lúc chúng trở thành. Hoặc bạn có thể dần dần cho chúng làm quen với thức ăn khô khi cá con lớn hơn khi cá dĩa được vài tuần tuổi. Thông thường, khi vào khoảng 4-6 tuần tuổi, bạn có thể chuyển qua nuôi cá con bằng các loại cám cho cá cảnh chất lượng tốt.
Khi nuôi cá con thì giữ chất lượng nước sạch cũng là vô cùng quan trọng, bạn cần thay từ 10 đến 15% nước 2 lần mỗi tuần. Sau khi cá con bắt đầu lớn hơn thì bạn cần phải cho chúng ra bể cá to hơn và tiếp tục cho cá ăn thức ăn tốt cộng với thay nước thường xuyên.
Kích thước bể nuôi cũng vô cùng quan trọng, bạn cần phải cho cá dĩa đủ không gian sống nếu không chúng sẽ bị chậm lớn, còi cọc và gặp nhiều vấn đề về bơi lội. Khi cá con lớn hơn thì bạn cũng phải chuyển dần cá sang bể to hơn để chúng có thể phát triển được. Bể nuôi một đàn cá 4-5 chục con cá dĩa nên có kích thước ít nhất là 400 lít.