aquasetup

Dấu hiệu cá betta sắp đẻ và cách nuôi cá sinh sản

Mục lục

Dấu hiệu cá betta sắp đẻ và nuôi cá betta sinh sản

Bạn đang muốn nuôi cá betta để sinh sản? Dù cho là để nuôi đem bán hay nuôi để tạo kiểu vây, màu sắc mới thì đây sẽ là trải nghiệm thú vị.

Nuôi cá betta để sinh sản không hẳn là khó. Tuy nhiên, vẫn có những điều bạn cần phải lưu ý nếu không muốn cá bị thương tích, hoặc là cá con bị yếu và chết.

Cách phân biệt cá betta cái và betta đực

Dấu hiệu cá betta sắp đẻ và nuôi cá betta sinh sản
Cá betta đực (trái) và cá betta cái (phải)

Cá betta cái và betta đực sẽ có nhiều điểm khác nhau khi chúng trưởng thành.

Cá betta đực thường sẽ có bộ vây to và dài hơn. Có một số loại còn có vây đuôi dài gấp 2 đến 3 lần cơ thể. Cá cái mặt khác sẽ có vây ngắn hơn nhiều, bạn có thể để ý vây lưng, vây bụng, vây bơi cá cái đều ngắn hơn so với thân.

Cá betta đực có màu sắc rõ ràng và sặc sỡ hơn. Trong khi đó cá betta sẽ có ít màu sắc hơn, đôi khi có thể có sọc ở trên người.

Khi vào thời điểm sinh sản, cá betta đực có thể nhả bong bóng trên mặt nước.

Dấu hiệu cá betta chuẩn bị sinh sản

Khi cá betta cái chuẩn bị sinh sản, màu sắc của chúng sẽ đậm hơn.

Ống trứng của cá betta cái khi đó nhìn sẽ rõ ràng hơn. Đó là đốm trắng nhỏ, giữa mép vây bụng và vây trước bụng.

Đôi khi, cá cái cũng sẽ có vạch trên người hiện rõ hơn. 

Khi cá betta đực chuẩn bị sinh sản, chúng cũng có màu sắc đậm hơn. Con đực sẽ bắt đầu tạo bọt trên mặt nước và chìa bộ vây dài ra để thu hút con cái

Làm bể nuôi riêng cá betta đực và cái

Trước khi bạn định nuôi cá betta sinh sản thì bạn phải chuẩn bị trước một bể để có thể nuôi riêng cá đực và cá cái đã. Cá betta đực là loài bảo vệ lãnh thổ. Chúng sẽ tấn công hầu hết tất cả loại cá khác và cả cá cái nếu chúng đang không vào thời điểm sinh sản.

Cá betta nên được nuôi riêng và không bao giờ nên được nuôi chung với các con betta đực khác.

Cá betta cái có thể được nuôi chung trong nhóm từ 4 con trở lên, trong một bể đủ to.

Dù theo lý thuyết bạn có thể nuôi cá betta trong những cốc nước hoặc chậu cá nhỏ, nuôi cá ra bể to hơn sẽ giúp cá khoẻ hơn và bạn cũng đỡ phải chăm sóc nhiều. Kích thước bể tối thiểu để nuôi một con betta đực là 15 lít. Để nuôi một nhóm cá betta cái thì bạn cần bể 60 lít.

Bể nuôi nên có lọc. Cá betta không yêu cầu cao về lọc nên bạn chỉ cần sử dụng lọc vi sinh (lazada) hoặc lọc thác (lazada) là được. Bạn nên tránh sử dụng các loại lọc có dòng chảy mạnh, vì cá betta không phải là loài bơi tốt.

Một khi bạn đã chuẩn bị sẵn bể để có thể nuôi riêng cá thì bây giờ là lúc để chuẩn bị bể để cá ghép cặp và sinh sản.

Cách làm bể sinh sản cho cá betta

Bể sinh sản cho cá cần phải to một tẹo, nên là bể 30 lít trở lên. Bể không nên có nền, bên dưới nền bạn thả vài cái lá bàng khô là được.

Ngoài ra, bạn nên có một cái gì đó nổi trên mặt nước để cá betta có thể nhả bọt xung quanh. Có thể là vài cây bèo hoặc miếng xốp thả nổi cũng được.

Cá betta thích có không gian yên tĩnh khi sinh sản. Vậy nên bạn hãy đặt bể tại nơi có ít người qua lại. Bạn cũng nên tránh việc để cá betta nhìn thấy các con cá khác, kể cả là qua lớp kính.

Bể cá betta sinh sản không cần nhiều ánh sáng và không nên chiếu sáng quá nhiều. Bể tốt nhất là có độ sâu khoảng 15-20cm, với nhiệt độ hơi ấm, tầm khoảng 25-28 độ C.

Bạn có thể sử dụng lọc hoặc không. Lọc có thể giúp cho nước sạch. Tuy nhiên, nó cũng có thể phá bong bóng của cá đực và có thể hút phải cá con. Vậy nên bạn nên chọn loại lọc nhẹ nhàng, không gây động mặt nước quá nhiều.

Cách để sinh sản cá betta thành công

Bạn nên chọn cá betta đực và betta cái khoẻ mạnh, có màu sắc tốt và có kiểu hình bạn mong muốn để sinh sản. Ví dụ như bạn muốn cá con có vây quạt thì cả cá bố lẫn cá mẹ đều có vây quạt đương nhiên sẽ có nhiều khả năng tạo được cá con giống như vậy hơn.

Nếu có thể thì bạn hãy hỏi tuổi của cá để có thể sinh sản chúng tốt hơn.

Cá betta sẽ sinh sản tốt nhất khi chúng ở trong khoảng 4 tháng đến một năm tuổi. Việc ghép cặp cá trên 14 tháng tuổi sẽ khó và thường không thành công.

Bạn nên chọn cá không bị dị tật, không có dấu hiệu bị bệnh như là đốm trắng, rách vây,…

Ghép cặp cá betta

Ngoài chọn cá betta khỏe thì quá trình ghép cặp cá cũng có ảnh hướng lớn đến khả năng sinh sản cá betta thành công.

Trước khi ghép cặp cho cá betta thì bạn cần đảm bảo bể cá đã được cycle đầy đủ. Tức là bể đã có hệ vi sinh phát triển ổn định. Như vậy sẽ giúp cho các chất có hại không bị gia tăng đột ngột, có thể gây sốc cá và giết chúng, đặc biệt là cá betta con.

Cá sẽ ghép cặp và sinh sản khi có môi trường phù hợp. Để tạo môi trường sinh sản hoàn hảo, không khí phía bên trên bể phải hơi ẩm một tẹo. Bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm để che mặt bể lại.

Dưỡng cá betta

Ngoài việc chuẩn bị cho bể sinh sản thì bạn cũng cần phải chuẩn bị cho cả cá đực lẫn cá cái. Bạn có thể kích thích cho chúng sinh sản bằng cách dưỡng trong khoảng 1-2 tuần trước khi ghép cặp.

Để dưỡng cá thì bạn nên cho chúng ăn đồ ăn tươi sống, ví dụ như là trùn chỉ và artemia ấp nở. Bạn có thể cho chúng ăn đồ ăn đông lạnh nếu không có điều kiện sử dụng đồ tươi sống.

Bạn hãy cho chúng ăn hai đến bốn lần một ngày với lượng thức ăn ít.

Bạn có thể tự ấp artemia bằng trứng artemia (lazada) bộ ấp (lazada). Artemia có thể được sử dụng để dưỡng cá betta trưởng thành cũng như dùng để nuôi cá betta bột nhanh lớn.

Cho cá betta cái vào bể sinh sản trước

Khi ghép cặp cho cá thì bạn nên tách riêng cá đực và cá cái cho đến khi chúng chuẩn bị sinh sản.

Bạn cần phải cho cá betta vào bể sinh sản trước. Sau đó để cá betta cái làm quen với bể trong một khoảng thời gian, sau đó bạn có thể thêm cá đực vào.

Cho cá betta đực vào bể sinh sản

Sau khi cá betta cái đã làm quen với bể thì bạn có thể bắt đầu cho cá đực vào. Nếu mọi thứ thuận lợi thì cả hai con sẽ xuất hiênn những dấu hiệu cho thấy chúng sắp ghép cặp.

Khi con đực nhận thấy sự xuất hiện của con cái, chúng sẽ bắt đầu vươn rộng vây, nhảy vong quanh con cái để thu hút sự chú ý của nó. Màu sắc con đực cũng trở nên đậm và rõ ràng hơn.

Con cái cũng sẽ có những thay đổi rõ ràng. Màu sắc của con cái sẽ đậm, rõ hơn. Trên người cá betta cái có thể sẽ xuất hiện những sọc vuông góc với chiều dài thân.

Ống đẻ nhỏ màu trắng phía dưới vây bơi của cá cái cũng sẽ rõ hơn.

Cá betta đực nhả bọt

Dấu hiệu cá betta sắp đẻ và nuôi cá betta sinh sản

Khi quá trình ghép cặp tiếp diễn, cá đực sẽ bắt đầu xây những đám bọt trên mặt nước bằng nước bọt của chính nó. Các loại cá betta khác nhau sẽ xây bọt bong bóng có kích thước khác nhau. Bạn sẽ biết đám bọt được hoàn thành khi cá betta đực ngừng xây.

Đám bọt này có hai tác dụng. Đầu tiên, chúng là yếu tố để con cái đánh giá xem con đực có xứng đáng không. Thứ hai, đám bọt này sẽ giúp bảo vệ trứng cá con cho đến khi chúng nở.

Sau khoảng 12-24 tiếng thì cá betta đực sẽ xây xong đám bọt. Đây là thời điểm cá cái và cá đực sẽ tương tác với nhau. Cá cái sẽ bơi lên mặt nước để kiểm tra. Nếu chúng thấy không đủ tiêu chí thì cá cái sẽ bỏ đi hoặc chúng sẽ phá đám bọt đó. 

Nếu cá cái không thích đám bọt, bạn nên tách riêng cá cái ra bể riêng. Trong khi đó, con đực sẽ tiếp tục luyện tập tạo đám bọt đẹp hơn. Bạn có thể tiếp tục thử ghép cặp cho chúng vào khi khác.

Nếu lần thử sau vẫn không được thì có lẽ cặp cá này không phù hợp để sinh sản.

Nếu cá cái vẫn ở trên mặt nước gần đám bọt đó thì tức là nó đã đồng ý tức là đã duyệt con đực. Sau đó cá đực sẽ bắt đầu bơi xung quanh cá cái và rồi đuổi chúng. 

Bạn cũng nên quan sát trong quá trình này để tránh việc cá betta cái bị thương.

Giao phối

Dấu hiệu cá betta sắp đẻ và nuôi cá betta sinh sản

Cá đực sẽ tiếp tục đuổi cá cái. Trong quá trình này, chúng sẽ bơi gần nhau, thỉnh thoảng xòe vây ra ngoài. Hành động này có thể kéo dài trong ba tiếng. Bạn nên tránh làm phiền cá vào khoảng thời gian này.

Khi con cái có biểu hiện sẵn sàng, cá đực và cá cái sẽ bơi lại gần đám bọt. Cá đực sẽ lật cá cái lại  và cuốn người xung quanh cá cái. 

Sau đó cá cái sẽ bắt đầu đẻ trứng. Cá đực sau đó sẽ tách ra và nhặt lấy trứng. Chúng sẽ cuốn nhau khoảng một vài lần để cá cái có thể đẻ hết được.

Tách cá cái ra

Quá trình đẻ trứng có thể nhanh, chỉ vài phút, tuy nhiên đôi khi cũng có thể lên tới vài tiếng.

Khi bạn thấy cái đực và cá cái không cuốn lấy nhau nữa thì bây giờ là thời điểm bạn cần tách cá cái ra bể riêng. Lý do là bơi cá cái có thể tự ăn trứng của bản thân. Tốt nhất là bạn nên để cá đực lại, cho chúng chăm trứng một mình.

Sau khi sinh sản xong thì cá đực sẽ bảo vệ lãnh thổ trở lại và có thể tấn công các con cá khác nếu chúng lại gần.

Nuôi cá betta bột

Cá betta đực vài ngày sau sẽ tiếp tục chăm sóc cho trứng, chúng sẽ nhặt trứng bị rơi ra và đặt lại vào tổ bong bóng. Bạn có thể sẽ thấy cá đực ăn trứng nhưng đừng lo, đó chỉ là cách cá đực loại bỏ trứng hỏng trước khi chúng bị nấm. 

Sau khoảng 2-3 ngày thì trứng cá betta sẽ nở. Cá đực sẽ ở với cá con trong khoảng 1 vài ngày đầu cho đến khi cá con có thể bơi được. Khi đó, bạn cần tách riêng cá đực và cá con ra bể riêng.

Bạn nên nuôi cá betta bột trong bể đủ lớn và cho chúng ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và vừa miệng như là bo bo, artemia. Cá betta bột cần được cho ăn thường xuyên và với lượng nhỏ, vừa ăn để tránh cho nước bị bẩn. 

Bạn cũng cần phải thay nước cho cá betta bột thường xuyên. Lý do bởi cá khi nuôi trong bể quá bé sẽ giải phóng hóc môn ức chế tăng trưởng và làm cả bầy chậm lớn. Khi nuôi cá betta con thì bạn cần phải thay nước nhiều hơn so với khi nuôi các loại cá bột khác. 

Sau khoảng hai tháng, cá bột sẽ bắt đầu trưởng thành. Khi đó bạn sẽ thấy màu sắc bắt đầu xuất hiện trên người cá. Lúc này, cá sẽ bắt đầu có tập tính bảo vệ lãnh thổ, vậy nên bạn cần tách chúng ra bể riêng vào khoảng thời gian này. 

Xem thêm: Chi tiết cách nuôi cá betta bột mau lớn, lên màu đẹp

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *