Nhiều loại cá cảnh bạn nuôi đến từ khu vực nhiệt đới với nước hơi mang tính axit. Tuy vậy, hầu hết nước máy tại các hộ gia đình đều hơi mang tính kiềm. Thông thường, bạn hoàn toàn có thể nuôi cá khỏe mạnh nếu nước hơi mang tính kiềm một tẹo, vào khoảng 7.5-8. Vậy nên nếu nước không nằm quá khoảng này thì bạn không cần phải bận tâm quá nhiều đến việc điều chỉnh thông số nước, bạn chỉ cần giữ cho thông số ổn định là được.
Trong trường hợp bạn muốn mô phỏng lại môi trường sống cho cá tốt nhất để cá sống khỏe hoặc kích thích cá sinh sản thì bạn có thể sử dụng một số biện pháp để làm giảm pH. Các cách an toàn nhất để hạ pH là sử dụng phương pháp tự nhiên, có thể kể đến là dùng peatmoss, lũa, lá khô. Ngoài ra, bạn cũng có thể bơm thêm CO2 hoặc là sử dụng nước lọc RO để hạ pH.
Độ pH lý tưởng cho bể thủy sinh là bao nhiêu?
Thang đo pH nằm trong khoảng 0-14. Nếu nước có độ pH<7 thì nước sẽ mang tính axit. Ngược lại nếu độ pH>7 thì nước sẽ mang tính kiềm. Nước tinh khiết sẽ có độ pH = 7.
Sẽ không có độ pH lý tưởng cho bể thủy sinh. Độ pH lý tưởng của bể sẽ phụ thuộc vào loại cá và cây thủy sinh bạn nuôi.
Một số loài cá thích pH cao, có thể kể đến là các loại cá ali, cá két,.. Một số khác thì có khu vực sống tại khu vực nước đen Amazon nên sẽ thích nước có pH thấp.
Thông thường thì với độ pH vào khoảng 5.5-7.5 bạn có thể nuôi được hầu hết mọi loài cá nước ngọt.
Làm thế nào để đo được độ pH?
Có nhiều cách để bạn có thể đo được độ pH. Các cách thông dụng nhất để đo pH có thể kể đến là:
Sử dụng dung dịch đo pH
Dùng dung dịch đo pH (lazada) là cách tiết kiệm và chính xác để biết được độ pH trong bể cá. Cách sử dụng cũng đơn giản, bạn chỉ cần lấy một ít nước bể cá, kèm với một ít giọt từ dung dịch thuốc là được. Sau khi lắc ống nghiệm, dung dịch nước sẽ đổi màu tương ứng với độ pH trong bể.
Bộ đo pH sẽ đi kèm với bảng màu để bạn có thể so sánh.
Dùng bút đo pH
Bút đo pH (lazada) thường được bán kèm với bút đo độ cứng để test nước. Về mặt cá nhân thì mình không thích sử dụng bút đo lắm. Tuy rằng bút đo vẫn có thể đo được chính xác độ pH và có vẻ như là tiết kiệm hơn về lâu dài nhưng không phải vậy. Bút đo có thể bị mất độ chính xác nếu không được bảo quản tốt và hiệu chỉnh sau khi dùng một thời gian.
Hơn hết nữa để có bộ đo pH điện tử hoạt động tốt thì bạn cần phải đầu tư số tiền lớn. Các bộ đo giá rẻ sẽ có sai số nhiều và không ổn định.
Dùng giấy quỳ tím
“Ba xanh anh đỏ” – câu nói quen thuộc khi học hóa chắc hẳn nhiều người còn nhớ, khi đi học thì sử dụng quỳ tím là cách nhanh, tiện lợi nhất để xác định xem dung dịch có tính kiềm hay là axit.
Tuy nhiên, một lần nữa là mình đề xuất sử dụng dung dịch đo pH thay vì sử dụng quỳ tím bởi dùng dung dịch sẽ chính xác hơn nhiều.
Nguyên nhân phổ biến khiến pH bể cao
- Do nguồn nước: Lý do phổ biến nhất khiến pH bể bị cao là do nguồn nước. Nhiều người nuôi cá sử dụng nước máy để cho vào bể. Thông thường nước máy vẫn an toàn để nuôi cá nếu được khử clo cẩn thận.
- Do ảnh hưởng từ bộ nền: Lỗi sai phổ biến nhiều người mắc phải khi mới làm bể là không nghiên cứu kĩ bộ nền sử dụng. Một số bộ nền có khả năng làm thay đổi pH của nước. Những loại nền này thường được sử dụng để nuôi các loài cá ali hoặc là các loài có thể sống ở khu vực nước lợ.
Cách để hạ pH bể cá an toàn
Nếu bạn đo độ pH và cảm thấy độ pH không phù hợp để nuôi cá thì bạn có thể sử dụng một số biện pháp sau.
Bạn nên sử dụng các biện pháp tự nhiên trước bởi các loại thuốc điều chỉnh pH có thể khiến thông số nước trong bể thay đổi quá nhanh, từ đó khiến cho cá bị stress.
1. Sử dụng lá khô
Sử dụng lá khô là một trong những cách phổ biến nhất để hạ pH cho bể cá. Bạn có thể sử dụng nhiều loại lá khác nhau như là lá bàng, lá chuối, lá ổi, lá xoài, lá nhãn,..
Xem thêm: Các loại lá khô an toàn cho bể cá
Khi ngâm vào nước, các loại lá khô này sẽ nhả tannin, từ đó giúp làm giảm pH của bể. Ngoài tác dụng hạ pH thì tannin có từ lá khô cũng có tác dụng kháng khuẩn, giúp cải thiện sức khỏe của cá cảnh.
Loại lá được sử dụng nhiều nhất là lá bàng khô. Bạn có thể nhặt lá bàng khô bên ngoài khu vực bạn đang sống, sau đó về rửa sạch và sử dụng. Hoặc bạn cũng có thể mua lá bàng khô hoặc chiết xuất lá bàng trên mạng.
Bạn có thể sử dụng lá bàng bằng cách ngâm trực tiếp vào trong bể. Lượng lá bàng bạn nên sử dụng là một lá cho 30 lít nước, bạn có thể sử dụng nhiều hơn cũng không sao.
Trước khi bạn ngâm lá bàng vào trong bể, bạn cần bỏ vật liệu lọc carbon ra khỏi lọc nếu đang
Sau đó, bạn chỉ cần ngâm trực tiếp lá bàng vào trong bể. Ban đầu, lá bàng sẽ nổi, sau một vài ngày, khi lá ngấm nước và bắt đầu rữa, lá sẽ tự động chìm xuống. Nếu bạn muốn lá chìm thì bạn có thể để một hòn đá hoặc sỏi nhỏ lên bên trên và để lá xuống dưới đáy bể.
Sau đó lá sẽ bắt đầu rữa dần, nếu không có tép để ăn lá thì một chiếc lá phải mất đến 2 tháng để rữa hết.
Nếu bạn có bể bé, không muốn sử dụng hết cả một cái lá thì bạn có thể cắt đôi hoặc ngâm trước vào xô nước trong vài ngày trước khi ngâm vào bể. Bạn cần tránh luộc lá trước khi ngâm, làm vậy có thể khiến cho lá bàng giải phóng lượng lớn tannin ra nước, khiến cho lá có ít tác dụng hơn.
Lá bàng khô có thể giúp hạ pH nước xuống mức 6.0 nếu bạn sử dụng đủ.
2. Dùng lũa ngâm
Lũa xuất hiện rất nhiều trong môi trường sống tự nhiên của cá. Vậy nên lũa không chỉ giúp bể cá có thêm nét tự nhiên mà còn giúp cá cảm thấy thoải mái hơn.
Xem thêm: Các loại lũa thủy sinh phổ biến
Giống như lá khô, lũa cũng có thể giải phóng tannin và giúp làm hạ pH trong bể. Tannin cũng sẽ làm đổi màu nước sang nâu đồng. Đây là quá trình tự nhiên và sẽ không làm hại đến cho cá cũng như là cây thủy sinh.
3. Sử dụng nước lọc RO
Nếu bạn muốn kiểm soát nước một cách tốt nhất thì bạn nên sử dụng nước lọc RO. Nước lọc RO là nước đã được lọc 90-99% tạp chất có thể làm ảnh hưởng đến pH và sẽ có mức pH xấp xỉ bằng 7.
Nếu bạn nuôi các loài cá, cây hoặc là tép nhạy cảm với môi trường nước, đặc biệt là với Clo hoặc các tạp chất khác có trong nước máy thì bạn buộc phải sử dụng nước lọc RO. Khi dùng nước lọc thì bạn cần phải châm thêm khoáng, tùy thuộc vào nhu cầu của loài cá bạn đang nuôi trong bể.
4. Sử dụng dung dịch hạ pH
Sử dụng dung dịch, thuốc hay các chất hóa học là cách nguy hiểm nhất để bạn có thể hạ được pH trong bể. Tuy nhiên cách này lại được nhiều người sử dụng. Vậy nên trước khi dùng bạn cần phải tìm hiểu kĩ về liều lượng cũng như là mức độ thường xuyên để thêm thuốc vào trong bể.
Hơn hết nữa là sử dụng thuốc sẽ không có hiệu quả lâu dài. Bạn cần phải thêm dung dịch hạ pH định kì để duy trì mức pH mong muốn. Khi bạn dùng dung dịch hạ pH như là các loại axit nhẹ thì độ pH sẽ quay lại mức ban đầu sau một khoảng thời gian. Lý do là bởi độ cứng KH (độ cứng cacbonat) làm ổn định pH trong nước. Các ion cacbonat sẽ đóng vai trò làm chất đệm và sẽ làm trung hòa các ion H+ có trong nước, khiến cho độ axit trong nước không giảm sâu thêm và quay về mắc ban đầu. Cách để xử lý là loại bỏ độ cứng KH trong nước bằng cách sử dụng nguồn nước mới hoặc tốt hơn là dùng nước lọc RO.
Bạn cũng khó có thể xác định chính xác liều lượng thuốc cần thiết bởi liều lượng ghi trên bao bì chỉ chính xác khi sử dụng với nước lọc RO. Để xác định được liều lượng thì bạn cần phải dựa vào liều lượng hướng dẫn và quan sát, điều chỉnh sao cho phù hợp với nguồn nước bạn sử dụng.
5. Sử dụng bộ sủi CO2
Thường thì bộ CO2 cho bể thủy sinh không được sử dụng để làm giảm pH. Giảm pH chỉ là một trong những tác dụng phụ khi bạn sử dụng CO2 mà thôi.
Bộ sủi CO2 sẽ cung cấp nguồn CO2 liên tục cho nước, từ đó cung cấp nguyên liệu để cây có thể quang hợp và phát triển.
CO2 sẽ hơi mang tính axit nhẹ và có thể giúp làm giảm pH trong nước đi một ít.