Bạn mới mua cá về và không biết phải làm gì tiếp theo? Bước thả và dưỡng cá khi mới mua về là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất mà bạn cần phải làm đúng. Nếu cá không được dưỡng cẩn thận thì chúng sẽ dễ bị stress, sốc nước, yếu hoặc thậm chí là chết.
Dưới là một số mẹo cho bạn trong quá trình dưỡng cá.
Chạy lọc cho bể đầy đủ trước khi thả cá (cycle bể)
Khi nuôi cá thì bạn sẽ phải cho cá ăn. Đương nhiên là cá sẽ tạo ra chất thải. Thức ăn thừa hợp chất thải của cá tích tụ sẽ tạo ra ammonia. Ammonia là chất cực độc đối với cá. Chỉ cần một lượng rất nhỏ chất này cũng đủ để giết cả đàn cá trong bể của bạn. Hệ vi sinh có lợi trong bể cá sẽ giúp xử lý ammonia sau đó chuyển hóa chúng thành nitrite và rồi thành nitrate. Sau đó cây cối thủy sinh có thể sử dụng nitrate để phát triển.
Để cycle cho bể thì bạn cần phải chạy lọc cho bể trong vòng một tuần trước khi thả cá. Để đẩy nhanh quá trình hình thành hệ vi sinh thì bạn có thể châm thêm vi sinh (lazada) hoặc là sử dụng vật liệu lọc/ nước từ bể cá khác.
Trong trường hợp bể của bạn chưa được cycle và bạn đã lỡ mua cá thì bạn vẫn có thể thả chúng vào, tuy nhiên trong thời gian này bạn cần phải tích cực chạy lọc và phải châm thêm vi sinh cho bể.
Thả cá vào bể đúng cách
Trước khi thả cá vào bể thì bạn hãy lưu ý một số điều sau:
- Cá mới mua của bạn có sống chung được với các loài cá đang có trong bể không?
- Bể của bạn đã được cycle chưa?
- Bạn nên tránh thả quá nhiều cá vào bể cùng một lúc bởi hệ vi sinh lúc này sẽ chưa đủ để xử lý hết được lượng chất thải của cá. Bạn chỉ nên thả khoảng tầm 4-6 con một lúc, tránh thả trên hơn chục con.
Dưới là hai cách bạn có thể dùng để thả cá vào bể mà tránh làm cá bị sốc nước.
Cách 1: Thả nổi túi
Các thả nổi túi là cách giúp cá không bị sốc nước đơn giản và thông dụng nhất bởi nó không yêu cầu dụng cụ hoặc kiến thức đặc biệt nào cả. Bạn chỉ cần làm theo các bước:
- Không mở túi và thả nổi trong bể trong vòng 15 phút đến nửa tiếng. Làm vậy để giúp nhiệt độ nước trong túi và nhiệt độ nước bể cân bằng.
- Cho nước vào trong túi – Bạn có thể cho thêm nước bể vào trong túi bằng cách cắt một lỗ nhỏ và đổ nước bể vào bên trong. Bạn chỉ nên đổ từng chút một và lặp lại sau 5 phút cho đến khi lượng nước trong túi tăng gấp đôi.
- Chờ và ngâm túi trong bể thêm 15-30 phút. Làm vậy sẽ giúp cá thích nghi dần dần với môi trường nước trong bể. Nếu cá không có biểu hiện sốc nước thì hãy mở túi và vớt cá bằng vợt nhỏ sau đó đặt chúng từ từ xuống bể.
Cách 2: Sử dụng xô nước
Sử dụng xô nước sẽ giúp bạn cho cá làm quen với nước bể chính xác và an toàn hơn. Tuy vậy phương pháp này sẽ tốn sức hơn một tẹo.
- Chuẩn bị một xô hoặc chậu đủ lớn.
- Cho cá vào bên trong xô một cách nhẹ nhàng để tránh cá bị stress. Bạn nên cho hết cả cá và nước trong túi vào xô.
- Bắt đầu cho nước từ bể chính vào xô. Bạn chỉ nên cho 25% nước trong xô một lần mỗi 5 phút, lạp lại quá trình cho đến khi nước trong chậu hoặc xô tăng gấp đôi.
- Bạn có thể đợi 30 phút đến 2 tiếng rồi sau đó dùng vợt để vớt cá và nhẹ nhàng cho vào bể chính.
Cho cá ăn
Không có nguyên tắc nào về việc không nên cho cá ăn ngay sau khi thả cá vào bể. Thông thường, nếu bạn cho cá làm quen với nước tốt và cá khỏe mạnh thì bạn có thể cho cá ăn ngay. Tuy nhiên, vì mục đích an toàn thì bạn nên tránh làm vậy. Bởi nếu cá đang bị sốc nước thì hệ tiêu hóa của chúng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn.
Cho cá ăn trong thời gian này có thể dễ khiến chúng bị táo bón hoặc các bệnh khác liên quan đến đường tiêu hóa. Bạn nên đợi khoảng vài tiếng cho đến một ngày trước khi cho cá ăn.
Nếu bạn cảm thấy cá đã khỏe thì bạn có thể thử thả một tẹo đồ ăn xem chúng có ăn không. Nếu cá không ăn thì bạn hãy vớt thức ăn ra và thử lại vào ngày hôm sau.
Giữ cho bể cá yên ổn
Trong thời gian dưỡng cá, bạn nên để cho bể cá yên bình nhất có thể. Bạn nên để ý và vớt những con cá có thể rỉa vây hoặc bắt nạt cá mới ra ngoài. Cá mới thả vào sẽ dễ trở thành nạn nhân nếu trong bể cá của bạn có những loài cá bảo vệ lãnh thổ. Những loài cá đó sẽ coi cá mới thả là loài mới xâm chiếm vào khu vực sống của chúng và sẽ có hành vi rỉa vây hoặc tấn công cá mới.
Vớt cá dữ ra vài ngày và thả chúng lại vào trong bể cũng là cách để ngăn cá không bảo vệ lãnh thổ nữa và hiền hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh đụng chạm vào bể trong thời gian này. Các hành động tác động vào bể như là trồng cây, hút cặn, thay nước, di dời các thứ trong bể có thể dễ làm tác động đến cá và khiến cho chúng bị stress.
Kết lại
Trước khi thả cá vào bể bạn hãy đảm bảo trước rằng bể đã được cycle. Tiếp theo đó, bạn hãy cho cá làm quen với nước bể một cách từ từ để hạn chế tình trạng cá bị sốc nước. Bạn cũng nên tránh cho cá mới ăn, tốt nhất là bạn nên đợi vài tiếng đến một ngày để cá có thể làm quen với môi trường mới trước khi bắt đầu cho chúng ăn. Cuối cùng, bạn nên giữ cho bể cá yên ổn nhất có thể, các loại cá dữ nên được tách ra và bạn cần tránh tác động vào bể quá nhiều trong khoảng thời gian này.