Cá Oranda hay cá đầu lân có màu sắc và hình dáng đầu đặc sắc. Ngoại hình đẹp cùng với tập tính hiền lành, hay hoạt động đã giúp chúng trở thành một trong những dòng cá vàng phổ biến nhất.
Chăm sóc cá Oranda dễ, miễn là bạn đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho chúng. Tất cả đều sẽ được mình đề cập đến trong bài viết này.
Về cá Oranda
Mức độ chăm sóc | Trung bình |
Tính cách | Hiền lành, ưa hoạt động |
Màu sắc | Đen, xanh, đỏ, trắng, nâu |
Tuổi thọ | 10-15 năm |
Kích thước | 15 – 20 cm |
Chế độ ăn | Ăn tạp |
Họ | Cyprinidae |
Kích thước bể tối thiểu | 60 lít |
Bể nuôi | Có dòng chảy nhẹ |
Cá vàng Oranda hay cá đầu lân là dòng cá phổ biến nhưng không kém phần sang trọng, đắt tiền với giá bán có thể lên tới vài triệu đồng một con.
Giống như các dòng cá vàng khác, cá Oranda là dòng cá được lai tạo từ cá chép tự nhiên. Dòng cá này đã xuất hiện từ vài thế kỷ và vẫn được ưa chuộng cho đến tận bây giờ. Có ghi chép cho thấy cá đầu lân đã có từ thế kỷ thứ 15. Chúng là một trong nhiều dòng cá vàng fancy được lai tạo và phát triển tại phía Đông Á.
Ngoại hình cá Oranda
Cá Oranda nổi tiếng nhờ kích thước với kích thước bướu đầu lớn và bộ vây dài của chúng. Chúng có thân hình tròn với đuôi kép. Khác với dòng cá ranchu, lưng của chúng ít cong hơn và cá cũng có vây lưng.
Cá Oranda có vây bụng và vây ngực kèm với vây đuôi dài, tròn và xòe rộng mỗi khi cá không di chuyển.
Tuy sở hữu bộ vây đẹp nhưng đặc điểm khiến cho chúng nổi tiếng lại là bộ bướu ở trên đầu. Phần bướu này không xuất hiện cho đến khi cá đạt khoảng từ 3-4 tháng tuổi và sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi cá đạt 2 năm tuổi.
Bướu của cá có 3 dạng tùy vào loài cá bao gồm toàn đầu (bướu bao phủ khắp mặt và cả nắp mang), cao đầu (bướu ở trên đầu và chưa tới nắp mang) và thiếu đầu (chỉ ở mặt cá)
Cá oranda thường sẽ có màu cam hoặc vàng, tuy vậy, chúng cũng có thể có vô số màu sắc khác.
Kích thước cá Oranda
Cá Oranda sẽ có kích thước vào khoảng 15 cm khi trưởng thành, đôi khi chúng có thể lớn đến 20 cm hoặc hơn. Đây là kích thước trung bình lớn, vậy nên bạn cũng cần phải có bể cá đủ to nếu muốn nuôi cá Oranda.
Tuổi thọ cá Oranda
Với chế độ chăm sóc hợp lý thì cá Oranda có thể sống tới 15 năm. Nếu được nuôi tại ao cá lớn ngoài trời thì loài cá này có thể sống tới 20 năm.
Nhìn chung thì khi nuôi bất kì loài cá nào cũng vậy. Tuổi thọ của chúng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ chăm sóc. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá có thể kể đến là chất lượng nước, không gian sống, thông số môi trường và chế độ cho ăn.
Giá bán cá Oranda
Cá Oranda tùy vào kích thước và dòng thì có thể được bán với mức giá từ 100.000 – 900.000 VND một con. Một số dòng đẹp và thuần chủng hơn thì thậm chí có thể được bán với giá vài triệu đồng.
Các loại cá Oranda
Cá Oranda hay cá vàng đầu lân có thể có nhiều loại với màu sắc khác nhau. Phổ biến nhất trong số đó là:
Cá Oranda đen
Nếu bể cá của bạn có nhiều màu sắc và bạn muốn có gì đó trầm hơn thì bạn có thể cân nhắc mua cá Oranda đen. Chúng có đầy đủ đặc điểm như dòng cá Oranda thông thường, chỉ có điều là toàn bộ thân cùng vây của chúng được phù đen.
Thỉnh thoảng trên vây bạn có thể thấy một số vệt cam hoặc là vàng. Phần đầu của cá cũng có thể có màu nhạt hơn so với cơ thể.
Cá Oranda trắng cam, trắng đỏ
Đây có thể nói là dòng cá oranda phổ biến nhất. Cá Oranda có thể chỉ có hai màu đó là trắng đỏ hoặc là trắng cam, với một số loại bạn cũng có thể thấy trên thân cá có thêm một ít vệt đen.
Cá Oranda calico/ ngũ hoa
Ngũ hoa hay calico là hoa văn phổ biến ở nhiều dòng cá vàng. Chúng có thân hình là sự kết hợp của các mảng màu đen, trắng, đỏ, cam và nâu.
Cách chăm sóc cho cá Oranda
Cá Oranda không phải là loài cá khó chăm sóc. Chúng sẽ sống khỏe nếu bạn có thể đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản của chúng. Cá có thể sống được trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Kích thước bể và môi trường nuôi
Cá vàng fancy thông thường không phải là loài cá bơi giỏi. Cá Oranda lại càng không bởi thân hình kỳ lạ của chúng. May mắn, với khả năng bơi lội như vậy thì bạn không cần phải nuôi chúng trong bể quá lớn.
Tuy nhiên, để nuôi một con cá Oranda thì bạn cần phải cho chúng bể tối thiểu 60 lít nước. Với mỗi một con cá nuôi thêm thì bạn nên thêm cho chúng 30 lít nước không gian sống.
Loài cá này cũng có thể được nuôi ngoài trời, miễn là nhiệt độ không quá khắc nghiệt. Nếu bạn sống ở khu vực nóng thì bạn hãy đừng nuôi bởi loài cá này là cá lạnh, chúng sẽ chịu được nước lạnh tốt hơn so với nước nóng.
Thông số nước
Cá Oranda thích nước mát và có dòng chảy chậm. Cá Oranda nói riêng và các dòng cá vàng nói chung đều có thể sống tốt được ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Thông số nước lý tưởng để nuôi cá Oranda là:
Nước | Chảy chậm, mềm, giàu oxy |
Nhiệt độ | 17–28°C |
Độ pH | 6.5 – 7.5 |
Độ cứng | 80-250 ppm |
Lọc | Cá Oranda bơi kém vậy nên bạn không nên sử dụng loại lọc quá mạnh. Nếu lọc mạnh thì bạn cần có biện pháp để cản dòng chảy của lọc |
Sủi oxy | Không cần thiết nếu bể cá đủ lớn |
Các loại bệnh phổ biến
Cá Oranda và các loại cá vàng khác sẽ dễ bị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa nếu được cho ăn sai loại thức ăn và sai cách. Để phòng tránh bệnh thì bạn hãy cho cá ăn chế độ ăn giàu chất xơ.
Ngoài ra, cá Oranda cũng sẽ có thể bị dính các bệnh phổ biến trên cá cảnh như là đốm trắng, thối vây, xuất huyết, đục mắt,…
Phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh đúng không? Để giúp cho cá luôn khỏe mạnh thì bạn cần phải đảm bảo nước bể luôn có chất lượng tốt. Nước bẩn có thể khiến cho cá bị stress, khiến cho hệ đề kháng của chúng bị suy giảm, cá dễ bị mắc bệnh, dễ chết hơn.
Để giúp nước bể luôn sạch thì bạn hãy sử dụng bộ lọc tốt và chăm sóc cho bể định kì. Nước bể cần được thay hàng tuần. Lượng nước tối ưu cho mỗi lần thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể.
Cá Oranda ăn gì?
Cá Oranda là dòng cá ăn tạp. Chúng sẽ sẵn sàng ăn mọi loại thức ăn bạn thả vào bể.
Bạn có thể cho cá ăn thực đơn chính bao gồm các loại thức ăn khô chất lượng tốt như là cám thái hoặc các loại cám chuyên dụng cho cá vàng. Trước khi cho cá ăn thì bạn nên ngâm thức ăn trước để chúng ngấm nước. Cá vàng đôi khi ăn thức ăn khô không ngâm nước quá nhiều có thể gặp vấn đề về hệ tiêu hóa.
Cá vàng không thích thức ăn quá giàu protein, tối ưu là vào khoảng 30% khẩu phần ăn.
Vậy nên bạn cần phải cho chúng ăn thêm rau củ quả luộc cắt nhỏ. Các loại rau tốt cho cá là rau cải, dưa chuột, đậu luộc. Cho cá ăn nhiều rau có thể giúp chúng tránh bị táo bón.
Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn cũng có thể cho chúng ăn đồ ăn tươi sống hoặc đông lạnh, tuy nhiên bạn không nên cho chúng ăn loại thức ăn này quá nhiều.
Nuôi cá Oranda chung với cá gì?
Cá Oranda là dòng cá vàng hiền lành, chúng sẽ không bao giờ gây sự với cá khác. Cá Oranda sẽ dành cả ngày để bơi qua lại tìm thức ăn trong bể.
Bạn cần phải nuôi chung chúng với các loài cá hiền lành khác. Bạn nên tránh nuôi chúng cá Oranda với các loài cá dữ hoặc có tập tính rỉa vây. Ngoài ra, nếu có thể thì bạn cũng cần tránh nuôi chung chúng với các loài cá bơi quá nhanh.
Các loại cá phổ biến để nuôi chung với cá Oranda là:
- Các dòng cá vàng fancy khác
- Cá mún
- Cá tỳ bà bướm
- Cá chuột
- …
Nuôi cá Oranda sinh sản
Cá Oranda là loài có thể nuôi sinh sản được tại bể trong nhà. Thông thường chúng có thể đẻ được mà không cần can thiệp. Nuôi cá sinh sản sẽ giống với nuôi các loại cá vàng khác, bạn có thể tham khảo kĩ hơn trong bài viết này.
Nếu bạn muốn nuôi cá sinh sản thì bạn có thể setup bể kĩ hơn để đảm bảo quá trình diễn ra có độ thành công cao hơn.
Đầu tiên là bạn cần phải làm một bể sinh sản đủ to. Đầu tiên là để nhiệt độ khoảng 18 độ C. Sau đó bạn hãy tăng nhiệt độ lên hai độ mỗi ngày để kích thích cá sinh sản.
Khi cá đẻ, cá cái sẽ đẻ mỗi lần 1000 trứng.
Nếu bạn định nuôi cá ba đuôi sinh sản thì bạn phải chuẩn bị tinh thần thay nước cho cá vàng rất nhiều và sẵn sàng loại bỏ phần lớn cá con bị yếu, dị tật và chỉ chọn cá con khỏe bởi bạn khó có thể nuôi hết được chúng.
Khi để ý cá trong bể sinh sản đã đẻ trứng, bạn cần phải rời trứng khỏi cá bố mẹ nhanh nếu không muốn trứng bị ăn mất. Bạn có thể thêm xơ dừa, len, lưới, sỏi dưới đáy nền để giúp bảo vệ cho trứng.
Để bảo vệ cho trứng không bị nấm bạn có thể sử dụng xanh methylen.
Khi cá con vẫn còn nhỏ, bạn nên nuôi chúng trong bể nông, rộng với sủi. Trong 1-2 ngày đầu, cá con mới nở vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ dinh dưỡng từ noãn hoàng nên sẽ không cần được cho ăn. Nếu bạn cho cá ăn vào thời gian này thì sẽ có thể dễ dàng làm bẩn nước.
Bạn có thể sử dụng lòng đỏ trứng để cho cá con ăn, cho đến khi chúng đủ lớn để ăn các loại thức ăn khác.
Bạn nên nuôi cá trong bể nông cho đến khi chúng không còn nằm dưới đáy nữa, để cá có thể phát triển vây bơi tốt hơn. Sau đó bạn có thể di dời cá sang bể to hơn.
Kết lại: bạn có nên nuôi cá Oranda không?
Nuôi cá Oranda bạn chỉ cần quan tâm đến những nhu cầu cơ bản của chúng là được. Cá Oranda là loài không yêu cầu quá cao về mức độ chăm sóc. Tuy vậy, chúng có thể dễ bị táo bón nếu bạn không cho chúng ăn đúng cách.