Có nhiều loại cá cảnh bơi đàn trên thị trường hiện nay nên nhiều khi bạn có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Có cá sóc đầu đỏ, cá ember tetra, cá tam giác, cá sọc ngựa,… Cá sóc đầu đỏ là một loại cá đẹp, bị đánh giá thấp trong họ tetra.
Xem thêm: Các loại cá cảnh bơi đàn
Nếu bạn có bể cá có kích thước trung bình lớn và đang tìm kiếm loài cá bơi đàn thì cá sóc đầu đỏ sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Đàn cá sóc đầu đỏ bơi thành đàn có thể là điểm nhấn cho bất kì mọi loại bể thủy sinh nào, nếu có thể thì bạn nên nuôi càng nhiều càng tốt.
Cá sóc đầu đỏ là loài cá hiền lành, dễ chăm sóc, có thể nuôi trong bể cá cộng đồng. Bài viết này là mọi thứ bạn cần biết về chúng, về cách chăm sóc, làm bể và nuôi cá sinh sản.
Về cá sóc đầu đỏ
Cá sóc đầu đỏ thường phát triển dài khoảng 5cm, có thân hình thon, dài với người hơi ánh bạc.
Hiện nay trên thị trường có 3 loài cá sóc đầu đỏ khác nhau với ngoại hình khá tương đồng, đó là:
- Hemigrammus bleheri (cá sóc đầu đỏ thường)
- Petitella georgiae (cá sóc đầu đỏ giả)
- Hemigrammus rhodostomus (cá sóc đầu đỏ thường)
Với hai loại sóc đầu đỏ phổ biến nhất hiện nay là Hemigrammus bleheri, Hemigrammus rhodostomus, cả hai loại này đều có thể được coi là sóc đầu đỏ thường bởi hầu hết mọi nơi bán sẽ không phân biệt hai loại này. Dòng cá Hemigrammus bleheri sẽ có phần đầu đỏ và kéo dài hơn.
Cả ba loài này đều có nguồn gốc từ Nam Mỹ và có thể tìm thấy tại sông Amazon (mỗi loài sẽ có một khu vực sống khác nhau).
Cá sóc đầu đỏ là loài cá bơi đàn hiền lành, có thể sống trong các bể cá cộng đồng. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý rằng loài cá này có thể đôi khi hơi nhạy cảm với chất lượng nước hơn các loài cá khác.
Khi được cho môi trường sống cũng như chế độ chăm sóc hợp lý thì cá sóc đầu đỏ có thể sống được tới 6-8 năm.
Cá sóc đầu đỏ có thể bị mất màu nếu như chúng bị stress. Cá có thể bị stress khi bị nuôi trong môi trường xấu, nhiệt độ bể không đúng, cá bị bệnh hoặc bị các loài khác bắt nạt,… Vậy nên bạn có thể dựa vào màu sắc để chuẩn đoán phần nào sức khỏe của cá.
Yêu cầu nước và bể nuôi cá sóc đầu đỏ
Cá sóc đầu đỏ là loài cá sống khỏe, có thể sống trong môi trường có độ pH cao hoặc thấp. Tuy vậy, giống như các loài cá đến từ khu vực nước đen Amazon khác, cá sóc đầu đỏ thích nước có độ pH thấp hơn. Độ pH tốt nhất là vào khoảng 5.5 – 7.
Nhiệt độ nuôi cá sóc đầu đỏ nên vào khoảng 23-28 độ C. Độ cứng nước vào khoảng 5-15 dGH (80-200 ppm)
Bạn có thể không quá để ý đến thông số nước, miễn là bạn có thể giữ được cho môi trường sống của cá sóc đầu đỏ ổn định. Cá sóc đầu đỏ có thể sống được kể cả khi thông số nước lệch một tẹo. Tuy nhiên, cá sẽ bị nhạy cảm với thay đổi môi trường nước đột ngột.
Vậy nên, giữ cho chất lượng nước ổn định là chìa khóa để cá sống khỏe. Để làm vậy thì bể nuôi cá sóc đầu đỏ phải có lọc tốt với vật liệu lọc sinh học đầy đủ. Bạn nên thực hiện thay khoảng 10-15% lượng nước bể cộng với hút cặn đáy hàng tuần hoặc hai tuần một lần nếu bể nuôi ít cá.
Bể nuôi nên có kích thước tốt. Bể càng to thì nước sẽ càng ổn định và bạn sẽ càng ít phải thay nước cũng như hút cặn đáy hơn. Bể nuôi một đàn 6 con sóc đầu đỏ nên có kích thước tối thiểu vào khoảng 75 lít. Với mỗi một con cá nuôi thêm bạn cần phải cho chúng thêm 10 lít nước không gian sống.
Bể nuôi cá sóc đầu đỏ cũng nên được trồng thêm cây thủy sinh. Ngoài tác dụng cung cấp cho cá chỗ trốn, cho bể thêm đẹp thì cây thủy sinh còn có tác dụng lọc nước. Các loại cây tốt là cây mọc nhanh và mọc cao, như là các loại rong hoặc cây cắt cắm. Bể có nhiều cây cối sẽ giúp cá có khu vực tối để nghỉ ngơi, trốn, giúp mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của cá tốt hơn.
Bạn không cần phải sử dụng đến sủi oxy nếu nuôi cá với mật độ vừa phải và có sử dụng bộ lọc đủ tốt.
Cá sóc đầu đỏ ăn gì?
Để cá cảnh có thể khỏe mạnh thì bạn phải để ý đến nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài việc đảm bảo nước bể luôn sạch thì bạn cũng phải đảm bảo cho cá có chế độ ăn đa dạng, chất lượng và đầy đủ chất.
Cho cá ăn đúng loại thức ăn và đúng cách không chỉ giúp cho cá tránh được các loại bệnh tật mà còn giúp chúng lên màu đẹp, năng động hơn. Hơn hết nữa cho cá ăn đúng cách cũng giúp bạn kiểm soát được vấn đề về rêu hại và chất lượng nước luôn được đảm bảo.
Cá sóc đầu đỏ là loài ăn tạp. Chúng cần phải cho ăn thức ăn đa dạng dể có thể có đủ chất, lên màu đẹp. Thực đơn chính của cá sóc đầu đỏ nên là các loại đồ ăn khô như là cám (lazada), thức ăn dạng mảnh (lazada). Mình thường dùng cám thái để cho các loại cá nhỏ như là cá sóc đầu đỏ ăn.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm cho cá thức ăn tươi sống, đông lạnh một đến hai lần một tuần. Các loại thức ăn tươi kể đến là trùn chỉ, trùn huyết, artemia, bobo,…
Xem thêm: Các loại thức ăn giúp cá lên màu đẹp
Cá chỉ nên được cho ăn 1-2 lần một ngày và chỉ nên được cho ăn vừa đủ để ăn hết dưới 3 phút. Nếu bạn cho cá ăn quá nhiều thì cá có thể bị phình bụng, để lại thức ăn thừa. Thức ăn thừa tích tụ bên dưới đáy bể có thể dễ dàng tạo chất độc và khiến cá bị bệnh.
Cá sóc đầu đỏ nuôi chung với cá gì
Nếu bạn muốn cá sóc đầu đỏ khỏe mạnh thì bạn cũng cần phải cân nhắc kĩ trước khi chọn loài cá cùng bể để nuôi chung với cá sóc đầu đỏ. Chúng có thể được nuôi chung với các loài không quá to, hiền lành khác. Có thể kể đến là:
- Cá bảy màu
- Cá neon
- Ember tetra
- Cá mún
- Cá bình tích
- Cá chuột
- …
Xem thêm: Cá sóc đầu đỏ nuôi chung với cá nào.
Các loại bệnh phổ biến ở cá sóc đầu đỏ
Cá sóc đầu đỏ có thể bị bệnh nếu môi trường nước không đảm bảo. Cá có thể bị các bệnh về nấm, vi khuẩn, virus, ký kinh. Một số căn bệnh phổ biến có thể kể đến là:
- Cá bị phình bụng
- Cá bỏ ăn
- Cá bị nấm trắng
- Cá bị đục mắt
- Cá bị thối vây
- Cá bị thối thân
Cách phòng bệnh cho cá sóc đầu đỏ
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thối vây cũng như vô số căn bệnh khác ở cá là đảm bảo nước bể của bạn luôn sạch và được chăm sóc thường xuyên.
Để làm vậy thì bạn cần phải thực hiện thay nước cho bể định kỳ. Tối ưu nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần với nước sạch đã được khử clo.
Bạn cũng nên tránh nuôi quá nhiều cá bởi lượng phân thải sẽ quá nhiều hoặc các loại cá khác nhau sẽ rỉa vây của loài cá yếu hơn.
Bạn cũng nên kiểm tra mức độ tương thích của từng loài cá trước khi nuôi chung chúng trong cùng một bể.
Bạn không nên cho cá ăn quá nhiều, chỉ cho cá ăn mỗi lần lượng thức ăn chất lượng tốt vừa đủ để chúng có thể ăn hết trong vòng 3 phút. Càng nhiều thức ăn thừa thì khả năng vi khuẩn có hại và chất độc trong nước càng tăng cao.
Khi cho cá ăn bạn cũng nên quan sát kĩ cá để phát hiện được các dấu hiệu sớm bệnh để có thể kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.
Sinh sản cá sóc đầu đỏ
Nuôi cá sóc đầu đỏ sinh sản có thể sẽ hơi khó so với các loài cá khác như là bảy màu, mún, két panda, betta,.. Đầu tiên là bạn không nên nuôi chúng sinh sản trong bể cộng đồng. Bạn cần phải có bể riêng để cá sinh sản. Cá khi đạt hai tháng rưỡi tuổi sẽ đủ tuổi để sinh sản.
Cá sóc đầu đỏ cái sẽ mang trứng cho đến khi chúng chuẩn bị đẻ. Khi cá sắp đẻ thì bạn sẽ bụng chúng càng lúc càng phình to hơn. Trong thời gian này, cá đực cũng sẽ bắt đầu đuổi cá cái nhiều hơn.
Tuy nhiên, cá đực cũng có thể đuổi cá cái để thụ tinh cho trứng do cá cái đã bắt đầu đẻ rồi.
Vậy nên nếu bạn muốn tách cá ra bể sinh sản riêng thì bạn nên tách cá khi phát hiện cá cái có bụng to.
Khi đó bạn cần tách cá đực và cái ra bể sinh sản riêng. Bể sinh sản nên có thể tích tối thiểu vào khoảng 5 lít hoặc hơn, có nhiều xơ dừa hoặc là các loại cá cây khô để có thể bảo vệ trứng cá. Cá sóc đầu đỏ sinh sản tương đối khó, chúng sẽ không đẻ trừ khi môi trường nước giống như ngoài tự nhiên của cá. Vì vậy bạn cần phải sử dụng nước mềm, tốt nhất là nước lọc RO. Bạn cũng nên ngâm thêm một hoặc hai cái lá bàng khô để tạo nước đen, đồng thời hạ pH trong nước. Bể sinh sản không cần lọc hoặc sử dụng lọc vi sinh. Bể nên được đặt ở nơi tối, tránh người qua lại.
Nếu thành công, bạn có thể phát hiện thấy những quả trứng nhỏ li ti dưới đáy bể vào 1-2 ngày sau. Mỗi lần đẻ, cá sóc đầu đỏ cái có thể đẻ từ 50-150 trứng. Tỉ lệ nở thành công sẽ khoảng 50%. Tức là sẽ có nhiều quả trứng có thể hỏng.
Khi phát hiện cá đã đẻ, bạn cần tách riêng cá bố mẹ ra, nhỏ xanh methylen (lazada) vào bể trứng theo liều lượng khuyên dùng để ngăn ngừa nấm trên trứng.
Sau khoảng 24 tiếng, cá con sẽ nở. Cá sóc đầu đỏ bột nhỏ hơn nhiều so với cá bột của các loài khác. Vậy nên trong tuần đầu bạn không nên cho chúng ăn các loại thức ăn quá lớn. Bạn có thể cho chúng ăn trùng cỏ hoặc là một ít lòng đỏ trứng trong khoảng thời gian này. Khi cá đã bắt đầu lớn hơn thì bạn có thể sử dụng artemia, kết hợp với thức ăn khô nghiền để nuôi cá.