Cá cờ hay còn gọi là cá cờ ruộng hay cá lia thia là một trong những loài cá cảnh lâu đời nhất ở Việt Nam, chúng đồng thời cũng là loài cá thứ hai từ Châu Á được nhập sang và trở nên phổ biến ở Châu Âu, chỉ sau cá vàng.
Lý do tại sao loài cá này trở nên phổ biến như vậy cũng khá dễ hiểu. Cá cờ có màu sắc đặc biệt sặc sỡ và tính cách cũng thú vị không kém.
Giống như cá betta, cá cờ là loài cá hiếu chiến, nhiều người còn nuôi chúng để làm cá chọi. Vậy nên bạn cần phải tìm hiểu trước về loài cá này trước khi mua về. Nếu không cẩn thận thì chúng có thể sẽ giết các loại cá nhỏ, hiền lành khác trong bể.
Trong bài viết này mình sẽ nói về cách chăm sóc cá, các loại cá có thể nuôi chung và cách nuôi cá cờ sinh sản.
Về cá cờ
Mức độ chăm sóc | Trung bình |
Tính cách | Dữ, bảo vệ lãnh thổ |
Màu sắc | Chủ yếu là cam và xanh dương |
Tuổi thọ | 8-10 năm |
Kích thước | 5-7 cm |
Chế độ ăn | Ăn tạp |
Họ | Osphronemidae |
Kích thước bể tối thiểu | 60 lít |
Bể nuôi | Nông, trồng nhiều cây |
Cá cờ thực chất có nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất trong số đó là cá cờ sọc. Thực chất, trên thị trường hiện nay bạn chỉ có thể tìm được cá cờ sọc. Chúng có tên khoa học là Macropodus opercularis.
Chúng ban đầu có thể được tìm thấy ngoài tự nhiên ở Trung Quốc, khu vực sông Trường Giang, Đài Loan, miền Trung Việt Nam và phía Đông Bắc của Lào.
Ngoài ra, do hoạt động trao đổi mua bán diễn ra nên cá cờ sọc hiện nay cũng sống tại các khu vực nước thuộc Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản,…
Cá cờ sọc khá kén người nuôi dù ai cũng biết đến cá cờ, lý do là bởi bản tính hung hăng của chúng. Vậy nên bạn cần phải cân nhắc cẩn thận nếu muốn nuôi chung cá cờ với loài cá khác.
Nếu bạn đang tìm kiếm một loài cá sặc sỡ như cá cờ mà có tính cách hiền lành hơn thì bạn có thể tham khảo một số dòng cá sặc.
Ngoại hình cá cờ
Cá cờ sọc có đuôi xẻ dài với đốm màu nâu sẫm, có viền đỏ trên nắp mang.
Phần rìa vây của cá sẽ có màu trắng. Giống như tên gọi cá có thân hình với họa tiết sọc, thường có màu sắc cam xanh.
Hiện nay trên thị trường cá cảnh, gần như mọi loại cá cờ được bán đều là loài cá này. Chúng có thể được nuôi chọn lọc để cho ra các dòng như là xanh lam, trắng albino, xanh lam không sọc. Ngoài ra, cá được nuôi chọn lọc có thể có nhiều kiểu đuôi khác nhau như là đuôi tưa, đuôi én,…
Khi vào thời điểm sinh sản, màu sắc của cá cũng sẽ hiện rõ hơn. Ngoài ra, môi trường sống và thức ăn cũng góp phần ảnh hưởng đến việc cá lên màu.
Khi cá cờ kè nhau, màu xanh của chúng sẽ trở nên đậm hơn, vây kèm với nắp mang của cá cũng sẽ xòe ra để trông dữ hơn.
Phân biệt giới tính của cá cờ không quá khó. Cá đực thường sẽ lớn hơn và nhiều màu sắc hơn so với cá cái. Cá đực cũng có vây lưng và vây hậu môn dài hơn nhiều. Cá cái sẽ có màu sắc nhạt, nhỏ và mập hơn.
Cá cờ có kích thước trung bình vào khoảng 5cm, đôi khi chúng có thể lớn hơn nếu có môi trường sống phù hợp.
Cá có bộ vây lớn, vậy nên bạn cũng cần phải tránh nuôi cá với các loài cá khác có xu hưởng rỉa vây.
Cách chăm sóc cho cá cờ
Chăm sóc cho cá cờ thực sự rất đơn giản. Lý do là bởi loài cá này là loài sống khỏe, có thể thích nghi được với nhiều môi trường nước khác nhau.
Nuôi cá sống sót sẽ không khó. Điểm khó khăn là kiểm soát được tính khí hung dữ của chúng mà thôi. Hơn hết nữa, do có tập tính bảo vệ lãnh thổ nên cá có thể dễ bị stress nếu như bị làm phiền nhiều.
Dưới là các điều bạn cần phải nhớ khi chăm sóc cho cá:
Kích thước bể
Bể nên có kích thước tối thiểu vào khoảng 60 lít cho mỗi một con cá. Cho chúng không gian sống rộng sẽ giúp cho cá cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, không gian to cũng giúp cho bạn có thể thêm đồ trang trí, trồng thêm cây và cân nhắc nuôi thêm một số loài cá khác sau này.
Nếu bạn định nuôi nhiều con cá cờ với nhau thì bạn cần phải thêm 30 lít cho mỗi một con cá nuôi thêm.
VIệc có đủ không gian sẽ giúp cá có lãnh thổ riêng, phòng tránh hoặc hạn chế tình trạng cá tấn công lẫn nhau.
Thông số nước
Cá cờ là loài cá khỏe, vậy nên bạn không cần quá tâm nhiều đến thông số nước. Bạn chỉ cần giúp cho nước luôn ổn định là được. Tuy vậy, nếu có thể thì đảm bảo thông số nước phù hợp để nuôi cá vẫn sẽ giúp cá thoải mái, sống khỏe và lên màu đẹp hơn.
Thông số nước phù hợp để nuôi cá cờ có thể kể đến là:
- Nhiệt độ: Vào khoảng 20 – 28 °C
- pH: Từ 5.8 – 8
- Độ cứng: 80 – 500 ppm
Trang trí bể nuôi cá cờ
Khi làm bể nuôi cá cờ hoặc bất kì loài cá nào khác, bạn cần mô phỏng lại môi trường sống tự nhiên của chúng tốt nhất có thể.
Ngoài tự nhiên, chúng sống tại những khu vực nước nông với hệ thống thực vật dày đặc. Vậy nên nếu có thể thì bạn nên trồng nhiều cây thủy sinh.
Nếu bể của bạn không có thiết bị quá tốt hoặc hệ thống CO2 thì bạn có thể cân nhắc nuôi các loại cây dễ trồng, không yêu cầu quá cao về ánh sáng và CO2.
Các loại cây đó có thể kể đến là rong đuôi chồn, rêu java, cỏ thìa,….
Việc trồng nhiều cây và cho cá nhiều chỗ trốn có thể giúp cho cá thoải mái, ngoài ra, cây thủy sinh cũng góp phần vào lọc nước, cung cấp oxy, giúp ổn định hệ sinh thái trong bể.
Các loại bệnh phổ biến
Cá cờ cũng sẽ có thể bị dính các bệnh phổ biến trên cá cảnh như là đốm trắng, thối vây, xuất huyết, đục mắt,…
Phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh đúng không? Để giúp cho cá luôn khỏe mạnh thì bạn cần phải đảm bảo nước bể luôn có chất lượng tốt. Nước bẩn có thể khiến cho cá bị stress, khiến cho hệ đề kháng của chúng bị suy giảm, cá dễ bị mắc bệnh, dễ chết hơn.
Để giúp nước bể luôn sạch thì bạn hãy sử dụng bộ lọc tốt và chăm sóc cho bể định kì. Nước bể cần được thay hàng tuần. Lượng nước tối ưu cho mỗi lần thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể.
Cá cờ ăn gì?
Ngoài tự nhiên, cá cờ có chế độ ăn đa dạng. Nhìn chung thì cái gì ăn được chúng sẽ ăn bởi cá cờ là loài ăn tạp. Khác với cá betta – loài đôi khi có thể kén ăn bởi chúng là loài săn mồi, cá cờ sẽ không kén chọn và ăn bất kì loại thức ăn nào bạn thả vào bể.
Để cá có thể khỏe mạnh, lên màu đẹp thì bạn cần phải cho chúng thực đơn đa dạng. Thực đơn của cá nên bao gồm chủ yếu là các loại thức ăn khô, cám chất lượng tốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm cho cá đồ ăn giàu protein như là các loại đồ đông lạnh hoặc tươi sống.
Các loại đồ tươi sống tốt có thể kể đến như là trùn huyết, artemia, trùn trắng, trùn chỉ,…
Bạn chỉ cần cho cá ăn 1 lần một ngày là đủ. Lượng thức ăn không nên cá nhiều. Mỗi lần cho ăn bạn chỉ nên cho chúng ăn lượng thức ăn cho cá ăn vừa đủ trong vòng dưới 3 phút.
Cho cá ăn quá nhiều có thể khiến cho nước bị bẩn hoặc khiến cho hệ tiêu hóa của cá gặp vấn đề.
Tập tính của cá
Đây là điểm khiến chúng khác biệt so với các loài cá cảnh thông thường khác. Cá cờ không phải là loài cá hiền lành.
Cá sẽ dành hầu hết thời gian bơi ở phía trên mặt bể. Lý do là bởi chúng cùng với cá sặc và cá betta là loài cá có cơ quan hô hấp đặc biệt, giúp cá có thể lấy được oxy trực tiếp từ không khí.
Đây có thể là lý do bạn thấy chúng cứ bơi liên tục từ dưới lên trên.
Cá cờ là loài cá dữ, tuy nhiên, chúng sẽ chỉ dữ khi cần thiết. Vậy nên bạn vẫn có thể nuôi cá cờ chung với các loài cá khác nếu chọn lọc cẩn thận. Để nuôi chung với cá cờ thì bạn cùng bể phải lớn hơn và chúng phải là loài cá hiền lành.
Cá cờ cũng sẽ dữ với các con cá cùng loài, đặc biệt là vào mùa sinh sản. Chúng sẽ đánh nhau và thậm chí có thể giết nhau chứ không chỉ dừng lại ở rỉa vây.
Nuôi cá cờ chung với cá gì?
Như đã nhắc đến bên trên, bạn nên nuôi cá cờ chung với các loại cá lớn nhưng không dữ. Lý do là bởi nếu cá quá lớn thì cá cờ có thể trở thành nạn nhân.
Một số loài cá phù hợp có thể kể đến là cá bình tích, cá pleco, cá sặc, …
Nuôi cá cờ sinh sản
Cá cờ là loài cá đẻ trứng, và cũng khá dễ để nuôi sinh sản tại nhà.
Đầu tiên là bạn cần phải có một bể nuôi khoảng 60 lít với mực nước thấp hơn bình thường, vào tầm khoảng 15cm.
Cá cờ đực khi vào thời điểm sinh sản sẽ xây tổ bong bóng bên dưới lá cây nổi trước khi chúng thu hút cá cái. Bạn có thể thả thêm vào bể vài nhánh bèo để giúp cá xây tổ bọt dễ hơn.
Khi giao phối, cá đực sẽ cuốn người vòng quanh cá cái để ép trứng ra ngoài. Khi trứng được đẻ thì cá đực sẽ bơi xuống để nhặt và đặt trứng vào trong tổ. Sau đó cá đực sẽ tiếp tục cuốn vào người cá cái cho đến khi toàn bộ trứng được đẻ.
Khi quá trình giao phối xong bạn nên vớt cá cái ra ngoài để tránh bị cá đực tấn công. Cá cờ đực trong vòng hai ngày sau sẽ bảo vệ trứng cực cực nghiêm. Chúng thậm chí có thể tấn công cả cá cái nếu lại gần.
Sau khoảng hai ngày, trứng sẽ nở. Khi đó bạn cần phải vớt cá đực ra bể riêng để tránh việc chúng ăn cá con. Khá kì lạ bởi cá cờ canh giữ trứng gắt hơn nhiều so với các loài cá khác nhưng chúng lại không giỏi chăm cá con lắm.
Để nuôi cá con bạn hãy cho chúng ăn thức ăn vừa miệng. Sau khi thấy cá con bơi tự do được bạn có thể bắt đầu cho chúng ăn. Các loại thức ăn phổ biến để nuôi cá trong thời gian đầu có thể kể đến là trùng cỏ, lòng đỏ trứng hoặc là artemia ấp nở.
Kết lại
Cá cờ là loài cá đẹp và thú vị. Chính tính cách đặc biệt của chúng cũng khiến cho chúng không phù hợp để nuôi trong các bể cộng đồng.
Nếu muốn nuôi cá cờ thì điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là chọn bạn cùng bể phù hợp cho cá và nuôi chúng trong bể đủ to.
Ngoài các điều đó ra thì bạn ít phải lo đến gì khác. Chúng là loài cá sống khỏe, khó chết, phù hợp cả cho những người mới nuôi.