Ngoài cho bể cá thêm nét tự nhiên, rong thủy sinh có thể giúp lọc nước vô cùng tốt. Không những vậy, chúng còn giúp cho cá con, tép con chỗ trốn. Rong thủy sinh là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người muốn nuôi cá.
Hiện nay có nhiều loại rong thủy sinh khác nhau để cho bạn chọn. Tuy nhiên, việc phân biệt chúng đôi khi sẽ khá khó khăn bởi ngoại hình các loại rong này đôi khi khá là tương đồng. Trong bài viết này mình sẽ liệt kê các loại rong phổ biến hiện nay, cách chăm sóc và đặc điểm nhận dạng của chúng.
1. Rong đuôi chó/ Rong đuôi chồn (Ceratophyllum demersum)
Rong đuôi chồn có lá tạo thành những cụm tròn gồm nhiều nhánh quanh thân. Mỗi nhánh sẽ chia là hai khi dần lên cao về phía ngọn.
Rong đuôi chồn là một trong những loại cây thủy sinh dễ trồng nhất.
Cây có thể được trồng thành những bụi to trong bể hoặc đơn giản hơn là bạn chỉ cần thả cây trôi trong nước cũng được. Rong la hán không cần nền cũng như CO2 để sống.
Cây sống khỏe đến mức bạn chỉ cần cắt một nhánh nhỏ thì nó sẽ nhanh chóng phát triển thành một bụi nhỏ chỉ trong một tuần nếu điều kiện nước hợp lý.
Để trồng rong đuôi chồn không cần đất nền thì bạn cần phải trang bị thêm cho bể bộ lọc tốt bởi cây thích dòng chảy mạnh. Nếu muốn cây phát triển nhanh hơn nữa thì bạn có thể bổ sung thêm phân kích rễ cho cây.
Bạn có thể để rong đuôi chồn trôi nổi trên mặt bể, chúng sẽ tạo chỗ trốn tự nhiên cho cá con cũng như các loại cá nhỏ, nếu bạn không thích nữa thì chỉ cần đơn giản vớt cây ra là được.
2. Rong la hán xanh (Cabomba caroliniana)
Rong la hán sẽ không có nhánh mọc thành cụm tròn, thay vì đó chỉ mọc thành các đốt gồm hai nhánh.
Rong la hán là một loại rong dễ trồng khác, cây thường được trồng để tạo chỗ trú cho cá hoặc để che sáng bởi rong la hán có thể mọc thành những bụi vô cùng to. Loại rong la hán phổ biến nhất là la hán xanh.
Mặc dù dễ trồng nhưng rong la hán xanh sẽ có yêu cầu cao hơn về điều kiện sống hơn so với rong đuôi chồn. Cây cần điều kiện nước sạch và chiếu sáng trung bình hoặc nhiều.
Rong la hán có thể được trồng xuống dưới nền hoặc thả nổi nếu bạn muốn.
Bạn cần lưu ý rằng ánh sáng rất quan trọng đối với rong la hán. Trong những bể chiếu sáng ít, rong la hán có thể sẽ chỉ đẹp trong vài ngày đầu và bắt đầu rữa dần, sau đó cuối cùng cây sẽ chết. Nếu bạn trồng các loại rong la hán đỏ hoặc tím thì nhu cầu ánh sáng của chúng còn cao hơn nữa. Đây là lý do loài cây này rất phù hợp để được trồng ngoài trời.
3. Rong la hán đỏ (Cabomba furcata)
Rong la hán đỏ, giống như tên gọi, là loại rong có màu đỏ ở cả lá lẫn thân. Loại rong này sẽ khó trồng hơn so với rong la hán xanh.
Cây cần phải được chiếu sáng mạnh để có thể có thể lên được màu. Cây cần bộ nền giàu dinh dưỡng cũng như là bơm CO2 để có thể phát triển tốt. Ngoài màu đỏ thường thấy, tùy vào dinh dưỡng và chế độ chăm sóc, cây có thể có màu cam, hồng, tím đỏ.
4. Tiểu bảo tháp (Limnophila sessiliflora)
Tiểu bảo tháp khá giống so với rong đuôi chồn, lá của chúng mọc thành các cụm tròn xung quanh thân, tuy vậy càng về phía ngọn thì lá sẽ chia thành 3 nhánh thay vì chỉ 2 nhánh như rong đuôi chồn. Vậy nên tiểu bảo tháp sẽ có tán lá nhìn rộng và phồng hơn.
Tiểu báo tháp không cần CO2 và có thể sống tốt trong điều kiện ánh sáng thấp miễn là nước bể có đủ dinh dưỡng để chúng hấp thụ.
Bạn có thể trồng chúng xuống dưới nền hoặc thả nổi trên mặt nước nếu muốn.
5. Rong đuôi chó cứng/ ngô công thảo (Egeria densa)
Bạn có thể dễ dàng phân biệt loại rong này so với các loại rong bên trên bởi lá của chúng dày, to và cứng hơn nhiều.
Cây mọc nhanh và khỏe giống như các loại rong khác. Bạn có thể thả nổi loại rong này trong bể để chúng giúp hấp thụ lượng dinh dưỡng và ánh sáng trong bể để hạn chế vấn đề về rêu hại.
Mình nhắc lại rằng chúng lớn rất nhanh, khi bạn mới cho cây vào bể thì chúng sẽ lớn liên tục và tạo thành các bụi to. Một khi bể cạn dinh dưỡng thì cây cũng sẽ lớn chậm lại.
Khi đó bạn sẽ phải lựa chọn giữa việc thêm phân nước cho bể để giúp các loài cây lớn nhanh phát triển hoặc chuyển sang các loại cây lớn chậm hơn như là ráy, dương xỉ hoặc bucep.
6. Cỏ đầu bạc/ bạc đầu bông (Mayaca fluviatilis)
Cỏ đầu bạc là loại rong/ cây cắt cắm không phổ biến bằng các loại cây trên. Chúng là loài cây có nguồn gốc từ Nam và Trung Mỹ. Thân cây và lá cây khá là mảnh. Cây phát triển nhanh nên sẽ cần phải cắt tỉa khá thường xuyên.
Cỏ đầu bạc thích nước mềm và hơi mang tính axit. Tuy vậy, cây sống khỏe và có thể phát triển tốt trong nhiều điều kiện môi trường nước khác nhau.
Vấn đề thường xuyên gặp phải nhất khi trồng cỏ đầu bạc là cây sẽ bị nhạt màu nếu bị thiếu sắt.
7. Rong xương cá (Myriophyllum Mattogrossensis)
Cây thủy sinh xương cá có nguồn gốc từ Mato Grosso thuộc Brazil. Cây có lá mảnh nhỏ, tõe nhánh nhìn giống như xương cá hoặc giống như lông chim. Lá cây ở gần phía thân sẽ hơi có ánh đỏ, càng về cuối ngọn thì càng xanh. Giống như các loại cây khác trong danh sách này, cây xương cá có thân dài, cao với tán lá tõe ra hình quạt.
Chúng là loại cây hậu cảnh tương đối dễ trồng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải cắt tỉa thường xuyên do cây mọc nhanh và cũng để cho cây phát triển thành bụi dày hơn.