Nuôi kết hợp các loại cá bơi tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy có thể giúp bể cá thêm đa dạng và thêm chiều sâu hơn. Ngoài ra, nuôi như vậy có thể giúp tận dụng tối đa không gian trong bể, đồng thời giúp cho các loài cá có thể chung sống hòa bình được với nhau.
Các loại cá cảnh bơi tầng giữa trong danh sách này là loài cá bơi theo đàn, vậy nên bạn nên nuôi chúng theo số lượng ít nhất là 6 con trở lên. Khi nuôi cá theo nhóm thì chúng sẽ hoạt động nhiều, bạo dạn hơn. Một số loài cá có hành vi rỉa vây như cá xecan, khi được nuôi theo đàn thì có thể sẽ không bắt nạt cá khác khi cá.
Một lưu ý nhỏ nữa là nhiều người cho cá bảy màu hoặc mún vào danh sách cá tầng giữa nhưng mình không đồng ý lắm. Chúng đúng là có hoạt động tầng giữa nhưng cá sẽ bơi lên tầng mặt nhiều hơn và sẽ hoạt động khắp bể.
Dưới là danh sách 10 loài cá tầng giữa phổ biến nhất bạn có thể tham khảo:
1. Cá neon
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 21-27°C
- Độ pH: 6.0-7.0
- Độ cứng: 50 – 100 ppm
Cá neon có thể được coi là dòng cá tetra phổ biến nhất hiện nay. Loài cá nhỏ nhắn, ưa hoạt động này có thể được nuôi trong các bể cộng đồng. Chúng là loài cá hiền lành, không tranh giành thức ăn và lãnh thổ với các loài cá khác.
Cá neon chỉ đạt đến kích thước trung bình vào khoảng 3cm. Khi được nuôi với số lượng lớn, cá neon sẽ bơi thành đàn ở tầng giữa bể nhìn vô cùng đẹp mắt.
Cá neon có nhiều loại cũng như màu sắc khác nhau, ví dụ như:
- Cá neon kim cương
- Cá neon vua
- Cá neon xanh
- Cá neon đen
2. Cá ember tetra
- Kích thước: 2-3cm
- Tích cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nước: 23–29°C
- pH: 6.0–7.0 pH
- Độ cứng: 90—200 ppm
Có nhiều dòng tetra khác nhau trong cộng đồng thủy sinh như là cá neon, sóc đầu đỏ, cá nana, … Trong số đó, cá ember tetra là loài có kích thước gần như nhỏ nhất.
Bạn có thể xem xét nuôi loại cá này nếu bạn không có bể cá có kích thước quá lớn nhưng lại muốn nuôi các loại cá bơi đàn ở tầng giữa.
Nếu được nuôi theo đàn, chúng sẽ sống hạnh phúc, lên màu rực rỡ hơn. Loài cá này thường có màu đỏ cam hoặc đỏ rực tùy thuộc vào chế độ ăn và loại đèn thủy sinh bạn sử dụng.
3. Cá tam giác
- Kích thước: 4cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-27°C
- Độ pH: 6.0-7.5
- Độ cứng: 50—150 ppm
Cá tam giác là loại cá bơi đàn sống tầng giữa và ưa thích dòng chảy mạnh. Chúng có thân hình màu cam với mảng đen màu tam giác đặc trưng – lý do cho tên gọi. Cá tam giác là lựa chọn tốt cho những bể cá bé và có kích thước trung bình.
Bạn nên nuôi cá theo đàn ít nhất là 10 con. Cá tam giác có kích thước trung bình vào khoảng 4cm, không quá bé nhưng cũng không lớn quá, phù hợp để nuôi chung với rất nhiều loài cá khác.
4. Cá sóc đầu đỏ
- Tính cách: Hiền lành
- Kích thước: 5cm
- Nhiệt độ nuôi: 18-27°C
- Độ pH: 6.0-7.0
- Độ cứng: 50 – 100 ppm
Cá sọc đầu đỏ là loài tetra lớn hơn so với cá neon, tầm khoảng 5cm. Do đó cá có thể sẽ không nuôi chung được với các loại tép bé.
Cá có vẻ bề ngoài độc đáo với đầu đỏ, thân ánh bạc và đuôi có sọc đen trắng. Một đàn cá sóc đầu đỏ ở tầng giữa có thể là điểm nhấn cho bất kì bể thủy sinh nào.
Cá sóc đầu đỏ là loài cá bơi đàn, vậy nên bạn nên nuôi chúng theo nhóm ít nhất từ sáu con trở lên.
5. Cá chuột pygmy
- Kích thước: 2cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-26°C
- Độ pH: 6.5-7.5
- Độ cứng: 40—200 ppm
Thông thường cá chuột là loài cá sống tầng đáy. Tuy nhiên, cá chuột pygmy thì lại khác, loài cá chuột nhỏ này sẽ hoạt động chủ yếu ở tầng giữa và có thể ở cả tầng đáy.
Chúng là loại cá bé nhất trong số các loài cá chuột với kích thước chỉ lên tới tầm 2cm.
Nếu bạn đang tìm kiếm loài cá nhỏ dễ chăm sóc thì cá chuột pygmy là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Vì có kích thước bé nên bạn không nuôi chung chúng với các loại cá quá lớn hoặc quá hung dữ để tránh việc cá chuột pygmy bị ăn mất hoặc liên tục bị làm phiền dẫn đến stress.
6. Cá cầu vồng
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 23-27°C
- Độ pH: 6.8-7.5
- Độ cứng: 140 – 360 ppm
Cá cầu vồng xanh là một loài cá bé trong số các loại cá cầu vồng.
Cá cầu vồng có tên gọi như vậy bởi màu sắc ấn tượng của chúng. Chúng có bộ vảy lấp lánh với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng chủ yếu là màu xanh với bộ vây đỏ.
Cá cầu vồng xanh có thân dẹt hình thoi cùng với cái miệng nhỏ. Do chúng có miệng nhỏ nên cá cầu vồng xanh sẽ không gây hấn hoặc “chén” các loài cá cùng bể nhỏ hơn.
Do cá cầu vồng là loài bơi đàn sống tầng giữa vậy nên bạn cũng nên nuôi chúng theo một nhóm ít nhất là sáu con trở lên để cá có thể cảm thấy thoải mái hơn.
Nếu bạn có bể cá to thì bạn có thể cân nhắc nuôi cá cầu vồng thường/ cá thạch mỹ nhân.
7. Cá trâm
- Kích thước: 2cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 20-28°C
- Độ pH: 6.8-7.8
- Độ cứng: 20—90 ppm
Cá trâm là loài một trong những loại cá thủy sinh bé nhất bạn có thể tìm được. Chúng chỉ có thể đạt tới kích thước trưởng thành khoảng trên 1cm và thường được bán theo bầy khoảng 50-100 con.
Thậm chí đôi lúc cá trâm còn được bán để làm cá mồi cho các loài cá lớn hơn.
Tuy ngoại hình nhỏ bé nhưng chúng có thể có màu sắc vô cùng đẹp, bạn có thể nhìn rõ hơn khi chúng bơi thành đàn ở tầng giữa bể.
8. Cá trâm galaxy
- Kích thước: 2-2.5cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 20-24°C
- Độ pH: 6.5-7.5
- Độ cứng: 75—300 ppm
Bạn có thể để ý tên gọi cá trâm galaxy rằng chúng có chung chi họ với cá trâm. Trâm galaxy có chi họ cá chép, cùng với loài cá trâm và cá tam giác. Do có kích thước nhỏ nên cá trâm là loài cá được nuôi nhiều trong các bể cá cộng đồng.
Loài cá này được tìm thấy vào năm 2006 và từ đó đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong cộng đồng thủy sinh bởi kích thước nhỏ, màu sắc ấn tượng và bản chất hiền lành của chúng.
Cá trâm galaxy sống ở những khu vực ao hồ có nước sạch vậy nên bạn cần phải có một bộ lọc tốt để có thể nuôi và chăm sóc được cho chúng.
9. Cá xecan
- Kích thước: 8 cm
- Tính cách: hơi dữ và sẽ rỉa vây cá khác
- Nhiệt độ nuôi: 24-28°C
- Độ pH: 6.0-7.0
- Độ cứng nước: 100-250 ppm
Cá xecan là loài cá bơi đàn sống tầng giữa và cần phải nuôi theo nhóm gồm ít nhất là 5-6 con. Chúng có thể hơi hung dữ hoặc hung dữ nếu đàn của chúng quá bé hoặc được nuôi trong bể nhỏ. Nếu được nuôi trong đàn lớn thì chúng sẽ dành hầu hết thời gian tương tác với các con cùng loài và sẽ không đuổi cắn cá khác.
Cá xecan dù cho có tính cách đôi lúc cộc cằn nhưng nhờ vẻ đẹp của chúng thì loài cá này vẫn khá phổ biến trong cộng đồng thủy sinh.
10. Cá hồng nhung
- Kích thước: 5cm
- Tính cách: Hiền lành
- Nhiệt độ nuôi: 22-26°C
- Độ pH: 6.5-7.5
- Độ cứng: 20—250 ppm
Cá hồng nhung cũng là một loại cá bơi đàn sống tầng giữa hiền lành khác rất được ưa chuộng trong cộng đồng thủy sinh.
Chúng thường có màu đỏ đậm đặc trưng. Cá có thân hình dẹt và cao với đốm đen cạnh mang ở hai bên . Đốm đen này có thể mờ dần khi cá già đi. Cá hồng nhung đực sẽ có màu sắc đỏ đẹp hơn so với con cái.
Bạn lưu ý là cá hồng nhung thỉnh thoảng sẽ rỉa vây cá khác nếu không được nuôi theo đàn. Vậy nên bạn nên nuôi chúng theo bầy ít nhất 6 con trở lên.