aquasetup

Cá bảy màu cắn nhau: Nguyên nhân và cách khắc phục

Mục lục

Cá bảy màu cắn nhau

Cá cảnh cắn, rỉa vây nhau là trường hợp không phải là hiếm thấy trong bể thủy sinh. Trường hợp này sẽ khá phổ biến đối với các loài cá có bản tính hung hăng và bảo vệ lãnh thổ. Nhưng còn với những loài cá hiền lành khác như là cá bảy màu thì sao?

Theo kinh nghiệm của mình thì cá bảy màu không phải là loài cá hiền lành nhất. Đôi khi có gì đó không ổn vẫn có thể khiến cá bị dữ và bắt đầu rỉa vây các con cá khác. 

Thông thường khi chúng làm vậy thì sẽ có nguyên nhân cụ thể và sẽ có cách để bạn ngăn chặn. 

Vậy nên nếu bạn thấy cá bảy màu trong bể của mình đánh nhau thì bạn hãy đọc bài viết này để biết nguyên nhân, cách giải quyết cũng như là phòng tránh. 

Tại sao cá bảy màu lại cắn lẫn nhau?

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến cho bảy màu hiếu chiến và cắn lẫn nhau. Trong số đó có thể kể đến là:

1. Cá đang vào thời điểm giao phối

Bất kì loài nào cũng vậy, thời điểm giao phối có lẽ là lúc chúng trở nên hung hăng nhất. Nếu bể của bạn nuôi quá nhiều cá đực so với cá cái thì đây có thể là nguyên nhân. 

Trong thời điểm giao phối, nếu bạn thấy hai con cá bảy màu đực cắn lẫn nhau thì nhiều khả năng chúng đang phân chia lại vị thế để có thể giao phối với cá cái. 

Ngoài ra, cá cái cũng có thể bị cá đực bắt nạt. Cá cái có thể bị 2-3 con cá đực liên tục đuổi trong bể vào thời điểm giao phối nếu bạn nuôi quá nhiều cá đực. 

Nếu quá trình này diễn ra quá lâu hoặc quá nhiều thì cá cái có thể dễ dàng bị stress, dẫn đến việc bị bệnh và chết khi đang mang bầu. 

2. Cá bị stress

Ngoài ra, cá bảy màu cũng có thể trở nên hiếu chiến khi chúng bị stress. Nguyên nhân gây stress có nhiều, có thể là:

  • Do bị bắt nạt
  • Do môi trường bể không tốt
  • Do bể nuôi quá bé

Vậy nên bạn hãy tìm các dấu hiệu cho thấy cá bị stress và có biện pháp kịp thời để điều chỉnh lại. 

3. Kích thước cá khác nhau

Đôi khi, việc cá bảy màu cắn nhau đơn giản chỉ là bởi chúng có kích thước chênh lệch quá nhiều. Cá bảy màu lớn đôi khi sẽ tấn công các con nhỏ hơn và thậm chí có thể ăn chúng nếu có cơ hội. 

Cá bảy màu là loài cá ăn tạp. Vậy nên cá sẽ không ngần ngại ăn bất kỳ thứ gì vừa miệng chúng. Vậy nên cá bảy màu sẽ có thể thử ăn cá con nếu chúng đủ nhỏ. Kể cả khi cá con đủ lớn thì chúng vẫn có thể bị bắt nạt và rỉa vây. 

4. Cá không có đủ không gian bơi 

Bể nuôi quá nhỏ và nuôi quá nhiều cá thường dẫn tới nhiều vấn đề. Một trong số đó là khiến cho cá bị stress và có thể khiến cho cá bảy màu cắn đuôi lẫn nhau. Đôi khi bể bé cũng có thể khiến tập tính bảo vệ lãnh thổ của cá bảy màu đực gia tăng. 

Rồi từ đó có thể khiến cá bảy màu trong bể cắn, tấn công lẫn nhau để thiết lập thứ bậc. Với bể có nhiều chỗ trốn thì tình trạng này sẽ đỡ nghiêm trọng hơn. 

5. Cá cái đang mang bầu sắp đẻ

Cá bảy màu cái vào thời điểm mang bầu sắp đẻ sẽ có thể hung hăng hoặc trốn nhiều hơn. 

Dấu hiệu để bạn có thể nhận thấy việc cá đang mang bầu là bụng chúng to, càng đến thời điểm đẻ thì bụng sẽ càng vuông lại. Ngoài ra, gần vây hậu môn của cá cũng sẽ có đốm đen, càng gần thời điểm đẻ thì đốm sẽ càng to và càng đậm. 

Cách để ngăn chặn tình trạng cá bảy màu cắn nhau

Để ngăn chặn tình trạng cá bị stress do cắn nhau thì bạn cần phải có biện pháp giải quyết sớm nhất có thể. Dưới là các biện pháp để ngăn tình trạng cá bảy màu cắn nhau:

Nuôi cá với tỉ lệ đực cái đúng

Để ngăn chặn tình trạng cá cắn nhau thì bạn nên nuôi cá bảy màu theo tỉ lệ ít nhất là 1 đực – 1 cái. Để tốt hơn thì bạn có thể nuôi cá bảy màu theo tỉ lệ 1 đực – 2 hoặc 3 cái.
Khi nuôi theo tỉ lệ này, cá đực sẽ bị phân tán bởi số lượng cá cái nhiều, tránh tình trạng nhiều con đực tranh giành một con cái. Cá cái cũng sẽ bớt bị làm phiền và bắt nạt hơn. 

Nếu bạn nuôi quá nhiều cá đực so với cá cái thì cá cái có thể liên tục bị làm phiền, bị đuổi khắp bể. Lâu dần có thể dẫn đến tình trạng cá bị stress hoặc thậm chí là chết. 

Cho cá nhiều chỗ trốn

Môi trường sống tự nhiên của cá bảy màu có rất nhiều chỗ trốn, giúp chúng có thể chui vào mỗi khi cảm thấy bị nguy hiểm hoặc cảm thấy bị stress. 

Vậy nên để cá cảm thấy thoải mái nhất, bạn cần phải mô phỏng lại môi trường bể giống như là môi trường sống tự nhiên của cá bảy màu. 

Bể nên có nhiều lũa và đá để có thể tạo thành hang. Ngoài ra, bể nuôi cá bảy màu cũng nên trồng nhiều cây thủy sinh. Các loại cây thủy sinh mọc cao như là rong đuôi chồn, tiểu bảo tháp hoặc các loại cây cắt cắm có thể giúp tạo nơi trốn cho cá bảy màu khi chúng bị bắt nạt hoặc đơn giản chỉ là che bớt tầm nhìn của các con cá bảy màu hung hăng hơn và giảm bớt tập tính bảo vệ lãnh thổ của chúng. 

Đảm bảo môi trường sạch, nhiều không gian

Cá bảy màu đôi khi cũng có thể có biểu hiện cắn nhau khi bị stress. Việc cho cá môi trường ổn định và hợp lý có thể giúp giảm thiểu và phòng tránh hành vi này. 

Đầu tiên là bạn cần phải giữ cho môi trường nước ổn định nhất có thể. Việc giữ cho bể ổn định sẽ quan trọng hơn nhiều so với tạo được thông số nước đúng để nuôi cá. Lý do là bởi cá bảy màu là loài cá khỏe, có thể chịu được nhiều điều kiện môi trường khác nhau. 

Tuy nhiên, chúng sẽ nhạy cảm hơn nhiều đối với việc thay đổi môi trường sống. Không chỉ cá bảy màu mà bất kì loài cá cảnh nào khác cũng vậy. 

Thứ hai, để đảm bảo nước sạch thì bạn cần phải sử dụng bộ lọc đủ lớn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải thay nước bể định kỳ để loại bỏ các loại chất độc tích tụ trong bể. Lượng nước tối ưu để thay mỗi tuần là vào khoảng 10-15% lượng nước trong bể. 

Tách riêng cá có biểu hiện cắn nhau ra

Đôi khi, các cách trên có thể không có kết quả tốt. Việc cuối cùng bạn cần làm là tách riêng cá có biểu hiện hung hăng ra và nuôi chúng trong bể riêng. Cá bảy màu đôi khi có thể dữ và cắn nhau do bản tính của chúng và không phải do môi trường. 

Khi tách cá ra, bạn có thể chuẩn bị một bể riêng để nuôi cá một thời gian và thả lại bể chính sau một vài tuần thử xem sao hoặc bạn cũng có thể đem cho. 

Kết lại

Cá bảy màu nhìn chung là loài cá hiền lành. Đôi khi chúng vẫn có thể cắn lẫn nhau, có thể là do tranh giành lãnh thổ, tranh giành bạn giao phối, bị stress hoặc đơn giản chỉ là chúng bắt nạt cá bé hơn mà thôi. 

Dù lý do là gì thì cách giải quyết cũng khá đơn giản. 

Bạn chỉ cần cho cá môi trường đủ rộng, trồng nhiều cây, đủ thức ăn và sạch. Sau đó bạn hãy quan sát chúng thêm một vài ngày. Nếu tình trạng cá cắn nhau vẫn diễn ra thì bạn nên tách con cá bảy màu dữ sang một bể riêng. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *