Tép ong là một dòng tép lạnh. Giống như các dòng tép lạnh khác, chúng khá nhạy cảm với môi trường sống và chất độc tích tụ trong nước.
Kể cả khi bể của bạn được cycle đầy đủ, bạn cho tép ăn với lượng thức ăn đúng, có vẻ như không có vấn đề gì thì tép vẫn có thể chết vài ngày sau mà không rõ nguyên nhân. Không ít người đã gặp trường hợp này, tép ong trong bể của họ đột ngột ra đi từng con một, trong khi các dòng tép khác vẫn sống khỏe mạnh.
Đó là lý do bạn cần phải để ý kỹ đến thông số nước, cách làm bể và thức ăn cho tép ong hơn so với các loại tép khác. Trong bài viết này mình sẽ nói về một số điều bạn nên lưu ý khi muốn nuôi tép ong khỏe mạnh và sinh sản nhiều.
Trước khi đi vào bài viết
Thông thường, hút cặn đáy bể thường xuyên có thể giải quyết vấn đề tép ong chết lai rai. Cho tép ăn ít đi và cho ăn nhiều lần hơn cũng sẽ giúp tép khoẻ hơn.
Bạn cũng nên sử dụng thêm một chiếc lọc vi sinh nữa nếu cảm giác một lọc cho bể là không đủ.
Yêu cầu bể nuôi tép ong
Tép ong và các loại tép màu khác có kích thước tương nhỏ, trung bình chỉ vào khoảng 2cm. Vậy nên chúng không cần bể quá to để có thể bơi lội. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải sử dụng bể đủ lớn để cho nước ổn định hơn.
Tép ong và các loại tép khác có tuổi thọ vào khoảng 2 năm. Cung cấp cho tép bể và môi trường hợp lý có thể giúp cho tép sống lâu, có thể lâu hơn tuổi thọ trung bình.
Kích thước bể nuôi tép ong
Tép ong có thể được nuôi trong bể 15 lít, tuy nhiên, mình không khuyến khích làm vậy. Để nuôi tép ong thì bạn nên sử dụng bể từ 30 lít trở lên. Loại tép sặc sỡ này nhạy cảm với chất lượng nước và các chất hóa học khác. Khi nuôi bể to, nếu lỡ bị chất gì bắn vào bể thì nước bể sẽ lâu bị ảnh hưởng hơn, giúp bạn có thời gian điều chỉnh kịp. Bể to cũng có môi trường thay đổi chậm hơn so với bể bé, tránh việc tép bị sốc nhiệt độ hay là pH.
Thông số và điều kiện nước
Bạn không bao giờ nên cho tép ong vào bể chưa được cycle đầy đủ. Hệ vi sinh cần phải được phát triển đầy đủ để có thể xử lý được ammonia, nitrite và nitrate. Mọi loài tép đều nhạy cảm với các chất này, đặc biệt là tép ong. Hàm lượng nitrite, nitrate mà không làm ảnh hưởng gì đến cá cũng có thể gây stress hoặc là làm tép ong chết.
Tép ong cần nước hơi mang tính axit một tẹo, vào khoảng 6.0-7.0. Nước có pH hơn 7.0 và mang tính kiềm một tẹo cũng không sao, tép vẫn không chết nhưng mà tốt nhất bạn nên giữ thông số pH đúng để tép khỏe hơn. Độ pH thấp cũng hạn chế ảnh hưởng của ammonia lên tép.
Bạn nên sử dụng nước lọc RO để nuôi tép ong. Làm vậy có thể giúp bạn kiểm soát được thông số nước, khoáng trong nước tốt hơn. Nước máy vẫn có thể nuôi được tép ong nhưng sẽ tương đối may rủi, khi đó bạn sẽ không thể kiểm soát được khoáng và pH cho nước, trong nước cũng có thể sẽ có kim loại nặng.
Độ cứng nước cũng quan trọng khi nuôi tép ong. Nước nên có độ cứng KH vào khoảng 0-2 °dH (nước máy sẽ không bao giờ có thông số này). Độ cứng GH vào khoảng 5-20 °dH (tức là vào khoảng 90- 300 ppm khi bạn châm khoáng cho nước RO, bạn có thể sử dụng bút đo độ cứng để đo khoáng). Nếu tép ong bị thiếu khoáng thì chúng có thể bị chậm lớn, gặp vấn đề khi lột vỏ hoặc có vỏ không đẹp.
Cuối cùng và cũng quan trọng không kém là nhiệt độ nước. Như một số bạn đã biết, tép ong là dòng tép lạnh, vậy nên bể nên có nước mát, tốt nhất là vào khoảng 20 – 24 °C. Tép ong có thể sống được ở mức nhiệt độ cao hơn, có thể lên đến 28 °C. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá cao thì tép sẽ không sinh sản được. Đó là lý do nếu khu vực của bạn quá nóng vào mùa hè thì bạn cần phải đầu tư một bộ chiller nếu muốn nuôi tép ong sinh sản.
Bộ nền nuôi tép ong
Sử dụng bộ nền đúng là cách tốt để bạn có thể đảm bảo được độ pH ổn định và đúng cho tép ong. Bạn cần nên tránh sử dụng các loại nền như là nền ada bởi chúng có độ pH hơi cao, nằm ở ngưỡng 7-8.
Loại nền bạn nên sử dụng là Benibachi normal soil (lazada), đây là loại nền chuyên dụng cho tép ong, có thể giúp kích thích tép sinh sản. Nền có độ pH thấp, nhỏ hơn 7.
Bạn có thể sử dụng nền Beni mix với nền Onyx ™ (lazada), đây là loại nền trơ nổi tiếng của Seachem. Nhiều người đã từng thử cách mix này và cho ra được đàn con tép ong vô cùng khỏe mạnh nên bạn cũng không cần quá lo về chất lượng.
Tỉ lệ mix tốt nhất là mix onyx × beni hoặc sula sand × beni với tỉ lệ 7-3.
Về độ dày của nền thì bạn có thể có độ dày bất kì từ 0.5 cho đến 4 cm. Bạn có thể cho nền dày nếu bể kết hợp với trồng cây. Tuy nhiên với bộ nền dày thì bạn sẽ khó vệ sinh hơn, bể dễ bị tích tụ chất thải hơn. Thông thường thì nhiều người hay nuôi tép họ chỉ rải một lớp nền rất mỏng, chỉ vào khoảng 0.5 cm hoặc thậm chí là mỏng hơn.
Hệ thống lọc nuôi tép
Bộ lọc là thiết bị cực kì quan trọng, chúng không chỉ giúp lọc nước cho bể mà còn giúp thiết lập hệ vi sinh, xử lý các chất gây hại tích tụ trong bể và cung cấp Oxy cho tép.
Lọc vi sinh (lazada) là loại lọc thích hợp nhất để nuôi tép. Bộ lọc bao gồm một máy sủi, bộ lọc vi sinh và một ít vật liệu lọc sinh học.
Với những bể to hơn 40cm thì bạn có thể sử dụng hai lọc vi sinh nếu cảm thấy một lọc không đủ, hoặc là bạn có thể dùng một lọc treo hoặc là lọc thùng được bịt đầu lọc để tránh hút tép con.
Ánh sáng
Tép không yêu cầu quá cao về ánh sáng. Vậy nên bạn không cần một cái đèn quá xịn sò. Tuy nhiên, theo ý mình thì bạn cũng nên đầu tư một chiếc đèn tốt thay vì mua loại đèn rẻ nhất để đảm bảo chất lượng và độ bền. Trước mình cũng ham đèn rẻ lắm, nhưng mua được 4 cái thì hỏng 2 rồi.
Đèn nên có thêm ổ cắm hẹn giờ để có thể điều chỉnh thời gian chiếu sáng ổn định hơn. Đèn nên được chiếu sáng ổn định hàng ngày, tốt nhất là khoảng 10-12 tiếng để bể có thể lên được rêu.
Khoáng nước dành cho tép
Tép cần khoáng để có thể lột vỏ, phát triển. Tép có thể lấy được khoáng từ nước nuôi và từ thức ăn. Khi nuôi lâu thì bạn cần phải châm thêm khoáng đều đặn cho tép, đặc biệt là khi bể của bạn có tép con.
Thiếu khoáng có thể dẫn đến tình trạng tép bị hở cổ và chết.
Bạn không cần loại khoáng quá cao cấp, chỉ cần sử dụng những loại như là Nutrafin (lazada) hay x2, vin là được rồi.
Cây thủy sinh
Cây thủy sinh sẽ giúp cung cấp chỗ trốn cho tép và lọc nước. Đương nhiên là trong bể tép bạn sẽ không nuôi loại cá nào rồi. Tuy nhiên, tép không biết vậy. Khi vừa lột vỏ xong, chúng sẽ cảm thấy không an toàn dù bể có cá hay không.
Cung cấp cho tép chỗ trốn trong khoảng thời gian này sẽ giúp tép cảm thấy thoải mái hơn, tránh việc chúng bị stress.
Do bể tép thường sẽ không có bộ nền dày, vậy nên bạn không thể trồng được các loại cây trồng nền được. Thay vì đó, bạn chỉ nên sử dụng các loại cây không cần đất nền.
Cây thủy sinh ngoài việc cung cấp cho tép chỗ trốn còn có thể cho tép thức ăn và lọc nước. Tép có thể ăn được các loại lá cây chết. Các loại cây phát triển nhanh còn giúp xử lý các chất gây hại trong nước như là nitrate.
Tép ong đặc biệt nhạy cảm với NO3, cách duy nhất để bạn loại bỏ NO3 trong nước là thay nước thường xuyên hoặc là nuôi nhiều cây thủy sinh. Loại cây thủy sinh hút NO3 tốt mình đề xuất là bèo nhật (lazada) hoặc là bèo rễ đỏ (lazada). Ngoài ra bạn cũng có thể nuôi thêm rong (lazada) hoặc là rêu (lazada).
Xem thêm: Các loại cây thủy sinh lọc nước tốt
Tép ong ăn gì? Thức ăn tốt nhất cho tép ong
Tép là loài ăn tạp và chúng sẽ ăn bất kể cái gì chúng thấy, bao gồm thức ăn thừa cho cá, rêu, cây thủy sinh chết, hoặc thậm chí là ốc chết và cá chết.
Một số loại thức ăn tốt là:
- Rêu xanh tự nhiên: Rêu tự nhiên cùng với các loại màng sinh học trên kính, đá, lũa, là cây là thức ăn tốt cho tép. Đó là lý do trước khi thả tép bạn cần đánh đèn cho bể trước để bể có thể lên rêu – tạo nguồn thức ăn tự nhiên, ổn định cho tép. Bể nhiều rêu cũng giúp mô phỏng môi trường sống tự nhiên của tép, giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn.
- Thức ăn chuyên dụng cho tép (lazada). Các loại thức ăn chuyên cho tép, được sản xuất, đóng gói bởi các hãng uy tín có thể giúp bạn bổ sung dinh dưỡng và khoáng cho tép, như là protein, canxi, vitamin, chất xơ,…
- Rau củ quả luộc. Các loại rau củ quả luộc tươi như là rau cải xoăn, dưa chuột, cà rốt, xà lách,… cũng có thể giúp bổ sung thêm dưỡng chất và khoáng cho tép. Bạn cũng có thể thả thêm lá khô như là lá bàng, lá ổi rửa sạch vào bể tép để tạo màng sinh học và thức ăn cho tép. Lá bàng cũng có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, phòng tránh bệnh trong bể.
- Thức ăn dạng bột (lazada): Thức ăn dạng bột sẽ phù hợp khi bạn nuôi tép con, giúp chúng dễ kiếm thức ăn, dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn, giúp tăng tối đa tỉ lệ sống sót của tép con.
Bạn nên cho tép ăn chế độ ăn đa dạng, với thực đơn chính là rêu, tảo, rau củ quả luộc. Bạn có thể bổ sung xen kẽ là thức ăn chuyên dụng cho tép.
Cho tép ong ăn bao nhiêu là đủ?
Cho tép ăn quá nhiều có thể khiến cho thức ăn bị dư thừa, giải phóng chất độc vào trong nước và làm tép chết lai rai. Đây cũng là lỗi sai nhiều người mắc phải khi mới mua tép. Đối với các loại đồ ăn chứa nhiều protein như là thức ăn khô cho cá hoặc là một số loại đồ ăn cho tép có chứa protein, bạn chỉ nên cho tép vừa đủ để ăn hết trong vòng 2 tiếng.
Nếu để thừa thì thức ăn chứa protein nhiều sẽ nhanh chóng làm bẩn nước và rất dễ tạo sán.
Đối với các loại đồ rau củ quả luộc thì tép nên ăn hết trong vòng 24 tiếng. Nếu bạn để ý thấy tép để lại thức ăn thừa sau khoảng thời gian này thì bạn cần phải hút thức ăn ra. Nếu bể có nhiều rêu thì bạn chỉ cần cho ăn ngày một lần hoặc hai ngày một lần. Nếu bể quá sạch, không có rêu thì bạn nên cho tép ăn 2 lần một ngày.
Thay nước cho bể tép
Bể tép cần được thay nước định kỳ. Mình thì thường thay 25% nước mỗi hai tuần. Miễn là nước sạch, không có NO3 thì sẽ không sao. Như đã nhắc đến bên trên, bạn nên có cây thủy sinh phát triển nhanh như là bèo và rong để chúng có thể giúp hấp thụ NO3 dư thừa.
Nếu bể mới làm hoặc nuôi quá nhiều tép và ít cây thủy sinh thì bạn nên thay khoảng 20% nước bể hàng tuần để có thể loại bỏ NO3, PO4 tích tụ.
Kết lại
Tép ong là loài nhạy cảm hơn với tép màu bình thường và cần chế độ chăm sóc cẩn thận hơn. Miễn là bạn có thể giữ cho nước luôn ở điều kiện tốt, cho tép ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng thì tép sẽ sinh sôi thành bầy trong bể mà thôi.