aquasetup

Tất tần tậc về cá la hán: các loại, cách chăm sóc và sinh sản

Mục lục

Cá la hán

Cá la hán là dòng cá thuộc họ rô phi. Chúng nổi tiếng nhờ ngoại hình đặc biệt với cục bướu lớn ở trên đầu. 

Hơn hết nữa, chúng cũng là loài cá vô cùng thông minh, có thể được huấn luyện và chúng thậm chí còn có thể nhận biết được người cho ăn. 

Trong bài viết này mình sẽ nói về tất cả những thứ bạn cần biết nếu muốn chăm sóc cho loài cá này. 

Về cá la hán

Mức độ chăm sócTrung bình
Tính cáchKhá dữ
Màu sắcXanh lá, đỏ, tím, xanh dương, cam, vàng và hồng
Tuổi thọ10-12 năm
Kích thước25 – 38 cm
Chế độ ănĂn tạp
Tên khoa học Paracheirodon innesi
Kích thước bể tối thiểu150 lít
Bể nuôi Đủ lớn với dòng chảy trung bình

Cá la hán là thành quả của việc lai tạo chéo loài, vậy nên chúng sẽ không có ở ngoài tự nhiên. 

Chúng được lai tạo từ các dòng cá thuộc cùng họ cá rô phi. Vì các dòng cá rô phi thực sự không kén chọn khi lựa chọn bạn tình vậy nên các loài cá này có thể dễ dàng được lai tạo với nhau. 

Một loài cá khác cũng là kết quả của việc lai tạo các dòng cá rô phi là cá hồng két. 

Chúng được lai tạo ở Malaysia lần đầu vào những năm 1900. Loài cá này ngay lập tức đã được để ý tới bởi chúng sở hữu một cục bướu lớn ở trên đầu, nhìn giống phần nhô ra của tàu chiến. 

Không có nhiều ghi chép cụ thể nhưng người ta đã phỏng đoán cá la hán là kết quả của việc lai tạo các loài cá:

  • Red Terror (Cichlasoma Festae)
  • Three Spot cichlid (Cichlasoma trimaculatum)
  • Red Devil (Amphilophus labiatus)
  • Midas cichlid (Amphilophus citrinellus)
  • Jingang Blood Parrot
  • Redheaded cichlid (Paraneetroplus synspilus)

Bây giờ các dòng cá la hán trên thị trường cũng đã được lai tạo, chọn lọc trong một thời gian dài nên chúng đã trở thành dòng cá thuần chủng. 

Việc lai tạo cá thuần chủng sẽ giúp bảo vệ nguồn gen của cá, giúp cá tránh bị bệnh cũng như là các lỗi về thẩm mỹ khác. 

Không giống như các loài cá được lai tạo chéo khác, cá la hán vẫn có thể sinh sản bình thường. 

Ngoại hình

Cá la hán

Điều đầu tiên bạn để ý đến khi nhìn loài cá này là cái đầu bự của chúng. Trên đầu của cá sẽ có cục bướu to, với kích thước bướu tùy vào dòng cá cũng như là giới tính của chúng. Cá đực sẽ có bướu to hơn so với cá cái. 

Bướu của chúng được cho là đem lại may mắn cho người nuôi, vậy nên cá có đầu càng to thì càng quý. 

Cá la hán có nhiều dòng khác nhau với màu sắc và hoa văn khác nhau. Dòng cá la hán phổ biến nhất là cá la hán châu – dòng phổ biến cũng như là có giá thành bình dân nhất. Chúng sẽ có miệng lớn, vây dài cùng với mắt đỏ và thân hình có màu đỏ, cam trắng. 

Ngoài ra, còn có nhiều dòng cá la hán khác, có thể kể đến là:

  • Cá la hán Kamfa
  • Cá khỉ vàng
  • Cá thái silk
  • Cá golden base
  • ….

Xem thêm: Các dòng cá la hán và cách phân biệt

Tính cách

Cá la hán nổi tiếng là dòng cá dữ. Nếu bạn nuôi chung chúng với các loài cá bé thì cá la hán sẽ đuổi, cắn chúng không thương tiếc. 

Bạn có thể nuôi một đàn nhỏ cá la hán chung với nhau để giảm mức độ hiếu chiến của chúng. 

Vì có thân hình đậm, hơi mập và bộ vây tương đối nhỏ so với người nên cá la hán là loài bơi chậm. Chúng sẽ dành hầu hết thời gian trong ngày để bơi lên xuống trong bể và khám phá mọi thứ bên ngoài. 

Cách chăm sóc

Mặc dù có ngoại hình và tính cách đặc biệt, chúng lại không hề yêu cầu chế độ chăm sóc đặc biệt. Cá la hán là loài sống khỏe và phù hợp với mọi người, kể cả với những người mới nuôi. 

Để nuôi cá thì bạn chỉ cần cho chúng bể cá cùng với bộ lọc đủ lớn là được. 

Dưới là các lưu ý khi bạn muốn chăm sóc cho cá la hán một cách tốt nhất. 

Kích thước và yêu cầu bể

Cá la hán là loài cá lớn vậy nên chúng cần phải có bể đủ lớn để sống. Kích thước bể tối thiểu nên vào khoảng 150 lít. Nếu bạn muốn nuôi một cặp cá thì bạn nên có bể 300 lít. Ngoài ra nếu bạn muốn nuôi chung chúng với các loài cá khác thì bạn cần phải có bể lớn hơn nữa. 

Cá la hán là loài hay tò mò, chúng sẽ phá mọi thứ trong bể. Nếu bể bạn có nền và trồng cây thì chúng sẽ liên tục bới nền và làm bật gốc cây hoặc thậm chí là ăn cây thủy sinh. 

Vậy nên bể nuôi cá la hán không nên sử dụng nền. Nếu thích thì bạn chỉ nên đặt vài tảng đá hoặc sỏi to dưới đáy bể mà thôi. 

Cá la hán thích bơi qua lại trong bể nên bạn cần tối thiểu đồ trang trí trong bể để cho chúng có nhiều không gian bơi lội nhất có thể. 

Thông số nước nuôi

Loài cá lớn này cần phải có bộ lọc đủ lớn cùng với dòng chảy tương đối trong bể. Chúng sẽ thích nước hơi ấm một tẹo và độ pH giao động quanh ngưỡng trung tính. 

Thông số nước để nuôi cá la hán nên vào khoảng:

Độ cứng180 – 350 ppm 
Độ pH6.5 – 7.5
Nhiệt độ nước24° – 28°C

Cá la hán ăn gì?

Cá la hán là loài ăn tạp và ăn rất nhiều. Chúng có thể ăn mọi thứ, từ các loại cám cho cá đến các loại mồi sống, đông lạnh. 

Bạn nên cho chúng ăn thực đơn giàu protein. Bạn có thể sử dụng các loại thức ăn dạng hạt dành cho cá rô phi, ali hoặc là các loại đồ ăn tươi sống/ đông lạnh như là trùn huyết, trùn chỉ, tôm, côn trùng,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể thỉnh thoảng cho chúng ăn thêm thức ăn từ thực vật. Loại thức ăn này chỉ nên chiếm khoảng 30% khẩu phần ăn của cá. Bạn có thể cho chúng ăn viên tảo xoắn hoặc các loại rau củ quả luộc thái nhỏ như là dưa chuột, rau cải. 

Bạn chỉ nên cho cá la hán ăn 1-2 lần một ngày nếu cá đã trưởng thảnh, 2-3 lần nếu chúng đang lớn. 

Các loại bệnh phổ biến ở cá la hán

Cá la hán sẽ có thể bị các bệnh phổ biến thông thường như mọi loài cá cảnh khác. Một số loại bệnh phổ biến nhất trong số đó có thể kể đến là cá bị sình bụng, đục mắt, nấm trắng,..

Phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh đúng không? Để giúp cho cá luôn khỏe mạnh thì bạn cần phải đảm bảo nước bể luôn có chất lượng tốt. Nước bẩn có thể khiến cho cá bị stress, khiến cho hệ đề kháng của chúng bị suy giảm, cá dễ bị mắc bệnh, dễ chết hơn. 

Để giúp nước bể luôn sạch thì bạn hãy sử dụng bộ lọc tốt và chăm sóc cho bể định kì. Nước bể cần được thay hàng tuần. Lượng nước tối ưu cho mỗi lần thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể. 

Bạn cùng bể

Cá la hán là loài cá dữ. Tuy vậy, bạn cũng nên chọn loài cá cũng có tính cách tương tự để nuôi chung với chúng. Ngoài ra bạn cũng không nên chọn nuôi cá loài cá nhỏ hơn so với cá la hán. 

Cá la hán là loài ham ăn và bảo vệ lãnh thổ, đặc biệt khi nó là con đực. Các loài cá nhỏ hơn khi nuôi cùng sẽ dễ dàng bị bắt nạt hoặc thậm chí là bị ăn thịt. 

Bạn sẽ cần phải mua loại cá đủ lớn và đủ cứng cáp để có thể tự bảo vệ bản thân khỏi cá la hán. Cá la hán có thể lớn đến hơn 30cm nên bạn cần phải chọn mua loài lớn tương tự, lớn hơn một tẹo thì càng tốt. 

Các loài cá phù hợp có thể kể đến là:

  • Cá hồng két
  • Cá paku
  • Cá rồng

Tuy vậy, mình khuyên bạn nếu có thể thì bạn vẫn chỉ nên nuôi cá một mình hoặc nuôi cá theo cặp đực cái. 

Lý do là bởi chúng có tính khí cũng khá thất thường và có thể tấn công loài cá khác, kể cả những loài có kích thước to hơn chúng. 

Sinh sản cá la hán

Đầu tiên mình cần nói trước là sinh sản cá la hán sẽ tương đối khó khăn. Thông thường với các loài cá hoặc các loài vật được lai tạo chéo thì con sinh ra sẽ bị vô sinh. 

Điều này cũng khá đúng so với cá la hán. Mặc dù chúng vẫn có thể sinh sản nhưng chỉ một lượng cá đực là có thể sinh sản được, phần lớn còn lại sẽ bị vô sinh. 

Một số dòng cá la hán như là Kamfa hoặc là King Kamfa có tỉ lệ sinh sản thành công khá thấp, vào khoảng 4%. 

Để biết cá có thể sinh sản được hay không thì bạn không có cách nào khác ngoài việc ghép cặp cho chúng sinh sản và xem trứng có được thụ tinh hay không. Nếu trứng không được thụ tinh thì chúng sẽ có màu trắng đục và bắt đầu bị hỏng vào vài ngày sau đó. 

Để nuôi cá sinh sản thành công thì đầu tiên bạn cần phải biết cách phân biệt giới tính cá đã. 

Phân biệt giới tính cá la hán

Cá la hán sẽ có thể được phân biệt giới tính khi chúng vào khoảng 6 tháng tuổi. 

Cá đực sẽ có phần bướu đầu to hơn nhiều so với cá cái. Trong khi đó cá cái sẽ có bướu nhỏ hoặc không có tí gì. 

Ngoài ra cá đực sẽ có vây lưng, đuôi dài và nhọn hơn. Cá cái sẽ có vây ngắn và tròn ở đầu hơn. 

Cá đực sẽ có màu sắc sặc sỡ và có kích thước lớn hơn so với cá cái. 

Nuôi cá la hán sinh sản

Bạn cần phải cẩn thận khi ghép cặp cá đực cái với nhau. Nếu bạn không làm đúng thì con đực có thể tấn công và làm thương cá cái cái. 

Đầu tiên là bạn cần phải có bể đủ lớn và có tấm ngăn ở giữa để hai con cá có thể làm quen với nhau trong khoảng một tuần. Một khi cá đực không có dấu hiệu muốn tấn công cá cái thì bạn có thể nhấc tấm ngăn ra ngoài và quan sát thêm. 

Nếu bạn thấy chúng tấn công lẫn nhau hoặc có dấu hiệu stress thì bạn cần phải đặt tấm ngăn lại. 

Một khi cá đã thoải mái và không cố giết nhau thì chúng cần một nơi để có thể đẻ trứng. 

Cá la hán cái khi đẻ sẽ tìm một bể mặt phẳng dưới đáy bể để đẻ trứng. 

Nhiều người nuôi thường dùng giá thể đẻ dạng trụ để cho cá đẻ. Bạn có thể mua hoặc tự làm giá thể. 

Một cặp cá đực cái sẽ đẻ trứng 2-3 tháng một lần. 

Khi trứng đã được đẻ và thụ tinh thì cá bố mẹ sẽ cũng nhau canh gác cho trứng. Từ khi đẻ đến khi trứng nở bạn có thể để cá tự chăm trứng hoặc là nhấc trứng sang bể khác để tự chăm nếu bạn muốn. 

Trứng cá sẽ nở sau khoảng 2-3 ngày, sau đó cá con có thể tự do bơi lội. Bạn có thể cho chúng ăn các loại thức ăn viên cho cá cảnh được nghiền nhỏ cho đến khi chúng đủ lớn để ăn artemia ấp nở. 

Kết lại: Bạn có nên nuôi cá la hán không?

Đây là dòng cá đặc biệt, sống khỏe và dễ chăm. Miễn là bạn có thể cho chúng đủ không gian sống cùng với bộ lọc đủ khỏe thì ai cũng có thể nuôi cá la hán. 

Tuy vậy bạn vẫn cần lưu ý rằng chúng là dòng cá dữ vậy nên cá có thể sẽ không quá phù hợp để nuôi trong cá bể cá cộng đồng. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *