Tép là loài nhạy cảm, nhạy cảm hơn nhiều so với cá. Vậy nên nếu bạn chăm sóc chúng không cẩn thận thì tép có thể sẽ bị stress. Nhận biết sớm được dấu hiệu tép bị stress và đưa ra hướng giải quyết sớm là cách để bạn có thể giúp tép luôn mạnh khỏe.
Dấu hiệu cho thấy tép bị stress
Dưới là các dấu hiệu cho thấy tép đang bị stress, đó có thể là:
- Tép không hoạt động: Thông thường, tép là loài hoạt động nhiều, chúng sẽ dành cả ngày để bơi khắp bể để kiếm ăn. Khi bạn thấy tép chỉ đứng yên một chỗ trong thời gian dài thì có thể là tép đang bị stress.
- Tép trốn nhiều: Tép khi cảm thấy không khỏe, bị nguy hiểm thì chúng sẽ trốn nhiều hơn.
- Tép bơi loạn xạ: Tép cảnh bơi loạn xạ là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất, cho thấy sức khỏe của tép đang gặp vấn đề.
- Tép bị mất màu: Tép có thể bị mất màu khi chúng bị stress. Tuy nhiên đôi khi tép có thể bị mất màu do một số nguyên nhân tự nhiên khác như là do chất lượng tép, bộ nền trong bể nuôi.
- Tép bị bệnh: Bị stress có thể làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng như là quá trình trao đổi chất của tép. Khi đó chúng có thể dễ bị nhiễm khuẩn, gặp khó khăn khi lột vỏ hơn.
- Tép xả trứng: Tép cái sẽ xả hết trứng khi cảm thấy bị đe dọa hoặc khi tép bị stress.
Nguyên nhân khiến cho tép bị stress
Chất lượng nước xấu
Nguyên nhân phổ biến nhất trong số đó là chất lượng nước trong bể của bạn không đủ tốt, thường là do bể mới làm, chưa kịp cycle và bạn đã thả tép.
Giải thích qua về cycle thì đó là quá trình vi sinh có lợi trong bể sinh sôi đủ để có thể xử lý được các chất độc trong bể cá như là ammonia, nitrate, nitrite. Nơi mà vi sinh sống có thể là trong vật liệu lọc, dưới nền và trên các bề mặt trong bể. Vi sinh có lợi có vai trò xử lý nước và làm nước an toàn để các loài khác có thể sinh sống được. Bạn nên đảm bảo bể đã được cycle đầy đủ trước khi thả cá hoặc tép vào bể.
Quá trình cycle mất bao lâu? Không có một con số cụ thể, quá trình cycle có thể tốn một tuần cho đến tháng tùy thuộc vào cách bạn xử lý nước. Nếu bạn châm thêm vi sinh cho bể hoặc sử dụng nước từ bể cá khác để làm bể mới thì quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh và chỉ tốn vài ngày.
Ngoài ra, dù cho bể đã làm lâu và bạn vô tình làm chết vi sinh có lợi cho bể do thay quá nhiều nước, rửa lọc hoặc bạn nuôi thêm cá thì cùng sẽ làm cho bể quay trở lại quá trình cycle.
Cách để giải quyết trong trường hợp này là châm thêm vi sinh và tạo dòng chảy tốt cho bể để đẩy nhanh quá trình cycle. Bạn có thể sử dụng các loại lọc có ngăn chứa vật liệu lọc như lọc vi sinh hoặc lọc thùng để tạo chỗ trốn và sinh sản cho vi sinh vật có lợi.
Xem thêm: cách châm vi sinh cho bể thủy sinh
Thông số nước sai
Có hai dòng tép chính hiện nay đó là tép màu( Neocaridina) và tép lạnh (Caridina)
Dù cho nước sạch mà thông số nước sai thì điều đó vẫn có thể khiến tép bị stress, bỏ ăn thậm chí có thể chết lai rai. Có hai dòng tép nhỏ phổ biến được nuôi trong bể thủy sinh đó là tép màu và tép lạnh, dù cho có ngoại hình có nhiều điểm tương đồng nhưng hai loài tép này lại thuộc chi khác nhau và không thể lai được với nhau. Các loại tép màu có thể được sinh sản với nhau và các loài tép lạnh cũng tương tự.
Tép màu
Nhìn chung tép màu có khả năng chịu đựng và sống tốt hơn so với tép lạnh. Một loại tép màu phổ biến là tép đỏ hay còn gọi là tép anh đào. Loại tép này có thể sống được kể cả ở trong môi trường không lý tưởng. Thông số để nuôi tép màu là:
- Nhiệt độ: 18 °C- 28 °C
- pH: 6.5-8.0
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 200-300 ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-8 dGH
Mặc dù tép màu có thể sống được ở nhiệt độ 18 °C- 28 °C nhưng chúng sẽ thoải mái hơn khi bể ấm một tẹo, tức là khoảng 22 °C- 26 °C, nếu bể của bạn quá lạnh, quá ấm hoặc có độ pH nằm ngoài khoảng trên thì có thể tép cũng sẽ bỏ ăn. Tép màu có khả năng chịu độ cứng tốt và chúng có thể sống trong cả môi trường nước cứng lẫn nước mềm nên thường thông số TDS và GH sẽ không phải nguyên nhân khiến tép bỏ ăn.
Tép lạnh
Tép lạnh thường đắt, khó nuôi và đòi hỏi về thông số nước hơn so với tép màu. Tuy nhiên, chúng lại đa dạng về họa tiết và màu sắc hơn so với người họ hàng kia. Một số dòng tép lạnh có thể kể đến là tép ong đỏ, tép ong đen, tép kingkong, blue bolts, tép tiger, …
Nếu các chỉ số nước nằm ngoài điều kiện sống của tép ong thì chúng sẽ bị stress và bỏ ăn.
- Nhiệt độ: 17 °C- 24 °C
- pH: 6.5-7.5
- TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 100-200 ppm
- GH (độ cứng của nước): 4-6 dGH
Vậy nên bạn hãy thỉnh thoảng kiểm tra thông số nước, dù cho nước có sạch và thức ăn chất lượng tốt đến bao nhiêu tép cũng sẽ bỏ ăn nếu không được nuôi trong môi trường phù hợp. Nếu nước máy nơi bạn sống không phù hợp để nuôi tép thì bạn có thể đầu tư lọc RO và châm thêm khoáng để nuôi loài vật đòi hỏi cao này. Thường người nuôi chuyên nghiệp hoặc muốn nuôi các loại tép cao cấp đều sử dụng lọc RO xử lý nước nuôi tép để đảm bảo nước luôn sạch và có chất lượng tốt nhất.
Sốc nước
Tép hoặc cá có thể bỏ ăn do bị sốc nước. Nguyên nhân là do bạn thay đổi môi trường sống của chúng quá đột ngột. Tép có thể bị sốc nước nếu bạn mua chúng về và cho vào bể không đúng cách hoặc bạn thay quá nhiều nước trong bể trong khoảng thời gian quá ngắn.
Khi tép bị sốc nước thì điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là đảm bảo nước đủ sạch và có dòng chảy tốt để tép có thể thích nghi được với môi trường mới và tránh tác động quá nhiều đến bể trong khoảng thời gian này. Thông thường tép có thể thích nghi lại sau khi bị sốc nước khoảng 1-2 ngày sau đó. Trong trường hợp xấu thì tép sẽ không thích nghi được và chết, bạn cần phải vớt tép ra để tránh cho nước bị ô nhiễm.
Cách tránh cho tép bị sốc nước lần sau
Bước 1: Thả nổi túi tép vào bể để nước trong túi dần bằng với nước trong bể trong nhá. Sau khi được thả nổi tầm 15-20 phút thì nhiệt độ trong túi sẽ bằng với nước bể.
Bước 2: Đổ tép ra bể/chậu nhỏ. Sau khi tép đã quen với nhiệt độ trong bể thì bây giờ là lúc bạn cho tép ra một bể hoặc chậu nhỏ riêng.
Bước 3: Cho nước từ bể chính vào một cách từ từ. Sau khi bạn đã cho tép vào bể hoặc chậu nhỏ riêng thì bạn hãy múc nước từ bể lớn (10% lượng nước trong bể nhỏ) và đổ từ từ vào chậu tép riêng đó. Lặp lại quá trình này sau khoảng 2 phút và tiếp tục cho đến khi lượng nước trong bể nhỏ tăng gấp ba lần, đây là thời điểm tép đã sẵn sàng để được đưa vào bể chính.
Bước 4: Cho tép vào bể chính. Bạn có thể sử dụng vợt nhỏ để vớt tép và đặt chúng từ từ bào bể chính. Một khi tép đã được đưa vào bể, chúng sẽ cần thêm thời gian để làm quen với nhà mới, bạn nên đợi một ngày trước khi cho chúng ăn.
Tép bị bắt nạt
Gần như mọi loài cá là đều là loài ăn tạp, chúng sẽ ăn bất kì loại đồ ăn nào vừa miệng, và đó đương nhiên là bao gồm cả tép. Hầu hết loài tép đều có kích thước nhỏ, chỉ lên tới 2-3 cm. Vậy nên chúng sẽ vừa miệng bất kể loài cá nào lớn từ 7cm trở lên.
Có một số loài cá vẫn bắt nạt và rỉa tép, kể cả khi tép không vừa miệng cá.
Nếu bạn nuôi chung tép với quá nhiều cá mà ít chỗ trốn thì tép sẽ cảm thấy stress và dễ bỏ ăn, đặc biệt khi các loài cá bạn nuôi hay bắt nạt tép hoặc đủ lớn để có thể ăn tép. Bạn nên chỉ nuôi chung tép với các loại cá hiền lành và không quá lớn. Bạn cần lưu ý là hầu hết các loại cá sẽ ăn bất cứ thứ gì vừa miệng chúng.
Xem thêm: Các loài cá có thể được nuôi chung cùng với tép