Cá là loại vật nuôi đơn giản, không cần chăm sóc nhiều. Tuy vậy để cá có thể sống khỏe mạnh thì công đoạn làm bể thủy sinh là rất quan trọng. Đây là lý do bạn cần nghiên cứu và chuẩn bị những công cụ cần thiết để làm một bể thủy sinh đúng cách. Dưới là danh sách những dụng cụ bạn cần phải có:
Bể thủy sinh CẦN có gì?
Bể cá
Đương nhiên khi muốn nuôi cá thì vật đầu tiên bạn cần chuẩn bị là bể để nuôi rồi. Một số người mới nuôi thì thường mua những bể bé bởi họ lo rằng bể to khó nuôi và mất công chăm sóc hơn. Theo mình thì bạn nên mua bể to nhất trong giới hạn tài chính và không gian ở nhà bạn.
Lý do bởi bể cá càng lớn thì nước càng ổn định và cá càng dễ sống, sống lâu. Bạn nên tránh mua các loại bể cao và hẹp, thay vì đó hãy chọn các loại bể thấp với diện tích bề mặt lớn. Các loại bể thấp cho cá nhiều không gian bơi lội hơn và diện tích bề mặt lớn tương đương với việc oxy đi vào nước cũng nhiều hơn.
Bể cá thường được làm bằng kính, bạn nên chọn loại bể có độ dày kính đủ lớn để đảm bảo an toàn. Ngoài bể kính thì bể làm bằng nhựa acrylic cũng là lựa chọn tốt. Chúng nhẹ hơn, không vỡ, phù hợp để sử dụng trong nhà có nhiều trẻ con.
Chân bể cá
Có lẽ nhiều người không để ý nhưng mà bạn nên nhớ rằng bể cá rất nặng. Một bể cá dài 50cm có chứa nước thể nặng tới 50 cân, đó là chưa kể đến đá ở trong bể. Bạn cần có bàn để bể cá đủ vững chắc để đỡ được bể.
Tốt nhất là bạn hãy mua những tủ chân bể chuyên dụng cho bể thủy sinh. Một số nơi có bán loại chân bể lắp bằng những chân thép mỏng mình thấy không an toàn, đặc biệt là nếu nhà có trẻ em.
Đèn
Bể cá được mua với mục đích chính là để ngắm vậy nên bạn không thể bỏ qua đèn được. Đèn thủy sinh có thể là đèn huỳnh quang hoặc lựa chọn phổ biến và tiết kiệm nhất – đèn led. Có nhiều phân khúc đèn thủy sinh cho bạn chọn, từ phổ thông cho đến phân khúc cao cấp. Đảm bảo rằng bạn lựa chọn mua đèn từ hãng uy tín để tránh hỏng hóc về sau và cho cây cối trong bể được phát triển tốt hơn.
Loại đèn tốt với nằm ở phân khúc trung bình cao mình đề xuất là chihiros A2 . Đây là loại đèn trắng nhỏ gọn, có cơ chế hẹn giờ và điều chỉnh cường độ sáng. Ánh sáng của đèn nhìn cũng chân thực và có thể nuôi được cả những cây lá đỏ.
Hệ thống lọc
Hệ thống lọc là yếu tố vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bể cá về lâu dài. Một bộ lọc tốt sẽ giúp cho bể cá luôn ổn định và cá khỏe mạnh. Có nhiều lựa chọn lọc cho bể của bạn, từ lọc thác, lọc tràn, lọc treo cho đến lọc thùng. Nếu bạn có bể cá bé tầm 30cm trở xuống thì có thể sử dụng lọc thác. Nếu bể của bạn to hơn thì bạn có thể cân nhắc sử dụng các loại lọc còn lại.
Bạn cần sử dụng loại lọc có công suất đủ lớn để đảm bảo cá, cây cối phát triển cũng như hạn chế rêu hại bùng phát.
Xem thêm: Cẩm nang chọn lọc cho bể thủy sinh
Cây thủy sinh
Nếu có thể thì bạn hãy trồng càng nhiều cây thủy sinh càng tốt! Cây thủy sinh có thể
được coi là bộ lọc nước tốt nhất cho bể cá, giúp kiểm soát được lượng nitrate và ammonia có hại trong nước và giúp cho môi trường nước luôn ổn định. Các bể thủy sinh đẹp và ổn định nhất theo mình thấy luôn có ít cá và nhiều cây. Dưới đây là một số lợi ích khác cây thủy sinh có thể mang lại
Cây thủy sinh giúp hấp thụ CO2, nitrate và sản xuất O2, giúp hỗ trợ hệ thống lọc sẵn có trong bể của bạn và duy trì chất lượng nước, giúp cho cá khỏe mạnh và sống tốt hơn.
Cây thủy sinh và rêu hại đều chia sẻ chung nguồn thức ăn đó là dinh dưỡng trong nước và ánh sáng. Vậy nên nếu bạn có nhiều vấn đề về rêu hại thì việc trồng thêm cây thủy sinh là một giải pháp để giải quyết. Loài cây yêu thích có thể xử lý được rêu của mình là các loại cây thả nổi phát triển nhanh như bèo hoặc rong. Chúng giúp che ánh sáng và hấp thụ lượng dinh dưỡng thừa trong bể và nếu bạn kết hợp với nuôi các loại cá, tép ăn rêu thì bạn có thể dễ dàng triệt tiêu được rêu hại trong bể.
Các loài cá nhút nhát rất cần chỗ trốn, đặc biệt là nếu bạn nuôi cùng lúc nhiều loại cá khác nhau. Các loài cá nhát hơn sẽ cảm thấy an toàn khi có những chỗ trốn để có thể nghỉ ngơi và kiếm ăn.
Ai cũng phải thừa nhận rằng cây thủy sinh có thể làm gia tăng vẻ đẹp của bể cá lên nhiều lần, giúp cho bể cá có thêm nét tự nhiên cũng như màu sắc. Hơn hết nữa là có vô số loại cây bạn có thể chọn để trang trí cho bể của mình.
Khi mua cây thủy sinh để trồng bạn cần nhớ là mỗi loại cây sẽ có nhu cầu về dinh dưỡng, ánh sáng và CO2 khác nhau, nếu bạn định trồng loại cây nào thì bạn nên nghiên cứu về nhu cầu của chúng và cung cấp môi trường sống phù hợp để chúng có thể phát triển tốt nhất.
Xem thêm: Các loại cây thủy sinh không cần nhiều ánh sáng và CO2
Nền bể
Hầu hết mọi bể thủy sinh đều có nền bể để cung cấp dinh dưỡng cho cây thủy sinh, tạo nơi trú ẩn cho hệ vi sinh có lợi và tạo nơi kiếm ăn cho một số loài kiếm ăn đáy bể như cá dọn bể và tép. Bạn có thể không cần nền bể nếu bạn chỉ nuôi một số loại cây thủy sinh không cần đất nền như ráy, bucep, dương xỉ,…
Đối với các bể cá thông thường thì bạn không cần mua loại nền quá đắt. Nếu bạn muốn trồng cây cắm nền thì có thể sử dụng nền senda .
Bạn nên tránh sử dụng nền bi hoặc sỏi thủy tinh. Các loại nền như nền bi hoặc sỏi thủy tinh rất hay được sử dụng để trải nền cho bể cá.
Tuy chúng không gây hại trong nước nhưng về lâu dài sẽ khiến cho cặn bẩn và thức ăn thừa tích tụ bởi khe hở giữa các hạt thủy tinh rất to, từ đó có thể làm nước bị bẩn và khiến cho cá bị bệnh. Nếu bạn muốn trải nền cho bể cá thì bạn chỉ nên sử dụng các loại sỏi bé, phân nền hoặc cát. Đồng thời bạn có thể nuôi thêm các loại cá tầng đáy như cá chuột hoặc chạch culi, chúng có thể giúp bạn sục cặn bẩn dưới nền lên cho lọc hút, giúp bạn đỡ phải mất công hút cặn nền thường xuyên.
Vợt bắt cá
Trong quá trình nuôi cá mình đảm bảo là sẽ có lúc bạn cần phải bắt cá ra ngoài. Bạn nên chọn loại vợt có kích thước trung bình với cán có độ dài hợp lý để không cần phải thò hẳn tay vào trong bể để bắt cá. Bạn có thể mua hai vợt để có thể bắt cá ra ngoài dễ hơn nếu muốn.
Xô nước
Đây là dụng cụ không nhiều người nhắc đến tuy nhiên theo mình nếu bạn muốn làm và chăm sóc bể thủy sinh thì bạn phải có một xô nước chuyên dùng cho bể. Đảm bảo bạn có một xô nước riêng bởi các loại hóa chất như nước lau nhà và xà phòng có thể giết chết cá.
Xô nước có thể sử dụng để làm rất nhiều thứ như dùng để hút thay nước, hút cho nước vào bể, nuôi cá tạm thời, …
Ống hút nước
Để bể cá luôn ổn định thì bạn phải thực hiện thay nước bể thường xuyên, tối ưu nhất là 10-15% lượng nước bể một tuần. Để có thể thay nước bể cá một cách đơn giản và tiện nhất thì bạn phải sở hữu một cái ống hút cặn để hút nước ra ngoài, loại có thể bóp hút nước ra bằng tay thì càng tốt.
Nếu có thể thì bạn hãy thực hiện hút cặn đáy bể cùng với thay nước luôn. Khi thay nước cho bể thì bạn hãy nhớ sử dụng nước đã được khử clo.
Bể nên có thêm gì? – Dụng cụ để chăm sóc bể
Sưởi
Mỗi loại cá sẽ có nhiệt độ môi trường sống tối ưu khác nhau. Thường dao động trong khoảng 23 đến 25°C. Nếu trời mùa đông và nhiệt độ nước quá lạnh bạn có lẽ sẽ phải đầu tư một chiếc sưởi cho bể cá. Sưởi bể cá cũng hữu dụng trong việc chữa trị nấm cá hoặc mô phỏng mùa mưa tại khu vực rừng nhiệt đới nếu bạn muốn ép cho cá đẻ.
Có nhiều loại sưởi khác nhau như loại sưởi treo hoặc sưởi để ngập trong bể cùng với nhiều loại công suất khác nhau. Bạn nên cân nhắc đến kích thước bể để chọn loại sưởi phù hợp.
May mắn là thời tiết tại Việt Nam không quá khắc nghiệt nên nếu không có sưởi cá vẫn có thể sống được nên mình thấy sưởi bể cá chỉ là lựa chọn bạn có thể mua hoặc không nếu muốn.
Nhiệt kế bể
Nhiệt kế cho bể cá thường không đắt đỏ và cung cấp thông tin chính xác về nhiệt độ môi trường sống của cá trong bể một cách đơn giản và nhanh chóng. Nếu bạn muốn nuôi cá sinh sản hoặc nuôi một số loại cá nhạy cảm thì hãy cân nhắc đầu tư một chiếc nhiệt kế nước.
Nắp bể
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho cá mình bị chết đó là chúng nhảy ra ngoài bể. Nếu bạn nuôi những loại cá bơi nhanh thì hãy cân nhắc đầu tư một chiếc nắp cho bể. Ngoài việc ngăn cá nhảy ra ngoài thì chúng còn giúp ngăn không cho các loại hóa chất khác đi vào trong bể.
Bộ thử nước
Nếu bạn muốn nuôi cá một cách bài bản hơn và muốn cung cấp cho cá môi trường sống tốt nhất thì bạn nên mua một bộ kit test nước. Bạn nên có bộ kit test pH, độ cứng, ammonia, nitrite nếu muốn đầu tư. Một số loại cá hoặc tép rất nhạy cảm với thông số nước và sự hiện diện của ammonia, nitrite trong nước vậy nên nếu có bộ test bạn có thể nhanh chóng xác định được vấn đề và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.
Cạo rêu
Nếu bạn nuôi bể thủy sinh lâu thì bể ắt sẽ có rêu. Bạn có thể đầu tư một chiếc dao cạo rêu để có thể xử lý các loại rêu bám kính. Bạn cũng có thể đầu tư một chiếc cọ bể bằng nam châm nếu không muốn thò tay vào trong bể.
Sách hướng dẫn nuôi cá
Sở hữu một quyển sách hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc cá sẽ giúp bạn tránh được 99% vấn đề có thể phát sinh trong quá trình này. Bằng cách phòng tránh vấn đề trước khi chúng có thể xảy ra thì bạn cũng tiết kiệm được một lượng lớn tiền cũng như thời gian và công sức để sửa lỗi sai.