aquasetup

Chi tiết cách setup bố cục Iwagumi thủy sinh

Mục lục

Setup iwagumi

Có nhiều phong cách, bố cục thiết kế thủy sinh khác nhau, có thể kể đến là phong cách tự nhiên, Hà Lan, biopte,… và cũng không kém phần nổi tiếng đo là phong cách Iwagumi. 

Phong cách này mang đậm nét Nhật Bản với cách bố trí đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế. Mặc dù nhìn đơn giản nhưng mà đây lại là một trong những phong cách khó làm và khó chăm nhất. 

Vậy nên nếu bạn có ý định thực hiện phong cách này thì bạn cần phải nghiên cứu trước. Để làm một bể phong cách Iwagumi hoàn hảo thì bạn cần chọn đúng loại đá, cây, cá, setup và biết cách chăm sóc cho bể đúng cách. 

Mình sẽ nói thêm về cách làm trong bài viết dưới. 

Về phong cách Iwagumi

Iwagumi là một từ Nhật Bản, có ý nghĩa là “kết cấu đá”. Nghĩa là phong cách này sẽ được tạo và định hình chủ yếu bởi đá. Các yếu tố phụ khác sẽ là cây thủy sinh và cá. \

Takashi Amano là người bắt đầu nên phong cách này vào năm 1985. Ban đầu, ông sử dụng đá cuội suối để tạo phong cách này. 

Về sau thì Takashi cũng như các người chơi thủy sinh khác đã phát triển thêm, sử dụng thêm nhiều loại đá cũng như là sáng tạo thêm các loại bố cụ khác nhau. 

Tuy có nhiều phong cách phụ nhưng mà bể Iwagumi vẫn cần tuân theo một số nguyên tắc chính để có thể đạt được sự hài hòa. 

Bể Iwagumi dùng đá gì?

Bạn có thể sử dụng mọi loại đá thủy sinh chuyên dụng để làm phong cách Iwagumi. Mỗi loại đá sẽ giúp tạo nét đẹp riêng cho bể. 

Loại đá phổ biến nhất có thể kể đến là đá kẹp kem, đá tiger, đá chân voi, đá nham thạch,… 

Xem thêm: Các loại đá phổ biển cho bể thủy sinh

Bạn cần bao nhiêu đá?

Sẽ không có số lượng đá cụ thể cho bể. Nhưng mà bạn cần phải sử dụng số đá theo số lẻ. Bởi làm vậy sẽ giúp cho bể không bị quá đối xứng và tạo nét tự nhiên hơn. 

Đá cần to bao nhiêu?

Trước khi setup cho bể bạn nên mua nhiều đá một tẹo, kể cả khi không dùng để có nhiều lựa chọn hơn. 

Bạn cần chia đá ra làm 3 kích cỡ, là đá lớn, đá vừa và đá nhỏ. 

Đá nhỏ nên to bằng ⅓ đá lớn. 

Đá vừa nên to bằng ⅔ đá lớn. 

Bể Iwagumi nên dùng cây gì?

Bể Iwagumi thường chỉ trồng 1 loại cây hoặc đôi khi là 2-3 loại nhưng không nhiều hơn. Trồng nhiều dòng cây khác nhau sẽ làm mất đi nét tinh tế của phong cách này. 

Thông thường thì bạn có thể sử dụng bất kì loại cây trải nền nào để làm phong cách này cũng được. Các loài cây phổ biến có thể kể đến là:

  • Trân châu ngọc trai
  • Trân châu cuba
  • Cỏ ngưu ma chiên
  • Tiêu thảo parva
  • Cỏ đỏ
  • Cỏ giấy
  • Rêu ricca
  • Cỏ đậu nành
  • Trân châu nhật

Nguyên tắc sắp xếp đá 

Trước khi bạn tiến hành setup bể thì bạn cần ghi nhớ một số nguyên tắc trước đã:

  1. Chỉ nên sử dụng số lượng đá lẻ. Bạn chỉ nên sử dụng 3,5,7,… viên để tạo bố cục cho phong cách Iwagumi
  2. Không sử dụng đá có cùng kích cỡ và hình dáng. 
  3. Chỉ sử dụng một loại đá. 
  4. Không xếp đá trên cùng một đường thẳng. 
  5. Đá nên đặt thành nhóm. Bạn có thể xếp đá thành nhiều nhóm khác nhau. 

Các phong cách sắp xếp đá

Dưới là một số phong cách sắp xếp đá thông dụng bạn có thể sử dụng

1. Bố cục tỏa

Setup iwagumi

Bạn có thể chọn các tảng đá cao, xếp chúng nghiêng sao cho các tảng đá cùng hướng ra từ một điểm trung tâm. 

Sử dụng các viên đá với kích thước khác nhau sẽ giúp tạo độ cân bằng cũng như là nét tự nhiên cho bể nhưng không bị quá lặp lại. 

2. Bố cục Sanzo

Setup iwagumi

Bố cục sanzo là bố cục Iwagumi phổ biến nhất. Bố cục này có đặc điểm là luôn bắt đầu với tảng đá lớn và hai tảng đá bổ trợ xung quanh. Với phong cách này bể có thể sử dụng nhiều nhóm đá, tùy vào kích thước bể . Mỗi nhóm sẽ bao gồm 3 đến 5 tảng đá, được sắp xếp sao để mô phỏng lại dòng nước chảy ngoài tự nhiên. 

Setup iwagumi

Bạn có thể trồng một loại cây trải nền xuyên suốt bể hoặc là sử dụng hai loại cây. 

Nếu sử dụng hai loại cây thì hai bên bể sẽ trồng cây trải nền, phía đằng sau là cỏ mọc cao. Phía đằng trước bể có thẻ trồng cây trải nền hoặc là rải cát/ sỏi trắng để tạo thành con đường. 

Sắp xếp đá cho Iwagumi

Mỗi một viên đá trong bể Iwagumi sẽ có một tên gọi khác nhau. 

Setup iwagumi
  • Oyaishi: Đây là viên đá chính. Viên đá này sẽ to và đẹp nhất, chúng luôn là điểm nhấn chính trong bể. Viên đá này được đặt trong bể theo nguyên tắc ⅓. Tức là vien đá này sẽ không bao giờ đặt chính giữa bể mà nên được đặt lệch sang bên một tẹo. Độ rộng của chân đá nên chỉ bằng ⅔ chiều cao của viên đá. 
  • Fukuishi: Viên đá thứ hai. Viên đá này nên có màu sắc giống viên đá chính, đặt hướng ngược lại so với hướng nghiêng của viên đá to nhất để tạo độ cân bằng. 
  • Soeishi: Viên đá thứ 3, đặt ở phía bên khác phía so với viên thứ 2, nhằm giảm dần mức độ nhấn của viên 1. 
  • Suteishi : Viên đá thứ 4, được đặt vào nhằm mục đích làm nền. Viên đá này là viên thấp nhất, không được quá nổi bật và thường bị cây che phủ. Thông thường thì bạn có thể bỏ và không sử dụng viên này. 

Cách setup

Dưới là các bước bạn có thể thực hiện để setup cho một bể cá Iwagumi:

1. Trải một lớp nền mỏng phía dưới đáy bể. 

2. Lựa chọn viên đá chính, to nhất và đặt vào vị trí phù hợp. Bạn cần tránh đặt viên đá này ở chính giữa, thay vì đó nên đặt theo nguyên tắc ⅓. 

Setup iwagumi

3. Đặt viên đá lớn thứ 2 ở hường ngược lại với viên đá chính. 

4. Lặp lại với các viên đá thứ 3,4,5, cố để tạo độ cân bằng cho hai bên. 

5. Đổ phân nền lên và lấp đầy phân nền vào các khe đá. 

6. Trồng cây thủy sinh thành các bụi nhỏ. 

Trồng cạn cây thủy sinh

Setup iwagumi

Để cây thủy sinh có thể tạo thành bụi một cách nhanh chóng thì bạn nên sử dụng phương pháp trồng cạn trước. Khi đó cây sẽ có lượng CO2 dồi dào hơn để có thể lan rộng khắp bể. 

Phương pháp này đặc biệt phù hợp để trồng các loại cây trải nền như trân châu ngọc trai, cỏ ngưu ma chiên,…

Để sử dụng phương pháp này thì sau khi trồng cây thành các bụi nhỏ, bạn hãy đổ nước từ từ vào cho đến khi bộ nền đã ẩm hoàn toàn

Sau đó bạn hãy sử dụng bình xịt để xịt ẩm đều cây và lá sau đó bọc bể lại bằng màng bọc thực phẩm. 

Sau đó bạn hãy chiếu sáng cho bể khoảng 6-10 tiếng mỗi ngày. 

Mỗi ngày thì bạn nên mở màng bọc ra để bể có thêm khí và xịt ẩm thêm cho cây. Bạn chỉ nên xịt ẩm, tránh xịt và đổ nước nhiều đến mức làm ngập cây. 

Lý do bởi nếu bể nhiều nước quá thì rêu hại có thể phát triển. 

Trung bình sau khoảng 4 tuần cây sẽ mọc rễ mạnh. Sau khoảng 6 -8 tuần thì chúng sẽ bắt đầu mọc lan ra xung quanh. 

Bạn có thể bắt đầu cho nước vào bể sau khoảng 4 tuần. Tuy nhiên, mình sẽ khuyến khích để cây bò lan ra bể trước khi đổ nước, tầm khoảng sau 8 tuần. 

Setup iwagumi

Khi cho nước vào trong bể thì bạn nên cho từ từ, tránh đổ nước quá mạnh và làm bật rễ cây. 

Để có thể duy trì được bể thì bạn cần cung cấp lượng CO2 dồi dào cùng với ánh sáng tốt. 

Ngoài ra khi thảm cỏ trong bể mọc quá dày bạn cũng cần phải cắt tỉa cây định kì,  để tránh lớp cây phía dưới không nhận được ánh sáng và chết dần. 

Cá cho bể 

Setup iwagumi

Bạn nên nuôi các loài cá bơi đàn và không nên nhiều hơn hai loài cá. Các loài cá phổ biến có thể kể đến là cá neon, cá sóc đầu đỏ, cá trâm, cá ember tetra, cá tam giác,…

Mình đề xuất nuôi cá trâm nếu bạn làm bể bé. Tuy nhiên, loài cá này có thể sẽ nhạy cảm với nước hơn so với các loài khác. Nếu bạn muốn tìm loài cá bé bơi đàn khỏe hơn thì bạn có thể xem xét cá ember tetra. 

Tép

Setup iwagumi

Ngoài ra, bạn cũng có thể nuôi thêm tép để có thể xử lý rêu hại hoặc thức ăn thừa. Bạn nên nuôi các loại tép nhạt màu, tiêu biểu nhất là tép amano. Đây là loại tép được đặt tên theo Takashi Amano, người sáng tạo ra phong cách Iwagumi. 

Chúng cũng được ông nuôi nhiều trong các bể thủy sinh của mình. Màu sắc trong suốt của loài tép này sẽ giúp chúng hòa được vào phong cảnh Iwagumi. 

Bạn nên tránh nuôi các loại tép màu bởi màu sắc sặc sỡ của chúng có thể quá thu hút và làm cho bể mất cân bằng. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

2 bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *