Có nhiều loại nền thủy sinh, mỗi loại sẽ có cách sử dụng và lưu ý riêng khi sử dụng. Bạn cần phải cần nhắc đến những yếu tố như là mức phù hợp với cây, cá trong bể và mức độ dễ dàng khi chăm sóc bộ nền sau này.
Nếu bạn muốn bể mang nét tự nhiên hơn thì bạn có thể cân nhắc sử dụng cát. Cát sẽ dễ vệ sinh hơn một số loại nền khác như là nền sỏi hoặc là phân nền. Cát cũng sẽ khó bị tích tụ chất thải hơn bởi chúng nhỏ, có ít khe hở ở giữa những hạt cát. Nhưng cũng vì thế mà bạn sẽ khó trồng cây ở cát hơn so với khi trồng cây ở sỏi, phân nền.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng cát cho bể thủy sinh và các loại cát bạn có thể sử dụng.
Lợi ích và nhược điểm của cát cho bể thủy sinh
Phân nền, sỏi và cát là những bộ nền thủy sinh được dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể xem xét sử dụng thêm một số bộ nền khác tại đây.
Cát có thể có những lợi ích như sau:
- Thêm nét tự nhiên cho bể: Bạn có thể giúp cho bể có thêm nét tự nhiên, mô phỏng lại thềm sông, nơi sống ngoài tự nhiên của nhiều loại cá. Cát có một số màu sắc khác nhau cho bạn có thể chọn như là cát trắng hoặc cát vàng (mình thích dùng cát vàng hơn bởi cát trắng sẽ nhanh xỉn và nếu không có dòng chảy tốt, phân cá mắc bên trên nhìn sẽ khá xấu)
- Dễ vệ sinh: Cát có dạng hạt nhỏ, nặng vậy nên phân cá, đất, bụi bẩn sẽ khó có thể bị tích tụ lại ở lớp phía dưới cát. Thay vì đó các loại chất thải sẽ chỉ nằm hoặc mắc ở lớp phía trên bề mặc cát. Bạn có thể dễ dàng vệ sinh bộ nền bằng ống hút cặn hoặc là nuôi các loài sục đáy như cá chuột. Ngoài ra bạn cũng có thể điều chỉnh dòng chảy để nước có thể đi qua và cuốn bụi bẩn từ dưới nền lên.
- Ngăn sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại: Một số loài vi khuẩn kị khí có hại có thể phát triển giữa những khe hở dưới nền nếu chất thải bị tích tụ.
- Phù hợp để nuôi một số loài cá và một số loại cây: Một số loài cá sẽ thích bể có nền cát hơn. Các loài cá có thể kể đến là cá họ rô phi như cá ali, két hoặc các loài cá sống tầng đáy. Những loài cá này thích đào và trốn dưới cát. Nếu bạn nuôi cá trong bể có nền sỏi hoặc đá nhọn thì râu của một số loài cá có thể bị xước, dẫn đến nhiễm trùng nếu môi trường bể không sạch. Ngoài ra thì một số loài cây thích nền cát có thể kể đến là dương xỉ, rong đuôi chồn, cây lưỡi mác,…
Nhược điểm của cát:
- Nền dễ bị xáo trộn: Cát có kích thước nhỏ và nhẹ, do đó khi bạn hút cặn bạn có thể dễ dàng làm xáo động nền khi bạn hút quá mạnh, đôi khi bạn có thể sẽ hút cả cát ra ngoài.
- Cát đôi khi có thể bị trôi vào lọc: Cát đôi khi có thể trôi trong nước, bị hút vào và có thể làm hỏng lọc. Vậy nên khi cho thêm nước hoặc hút cặn đáy bể thì bạn nên hút hoặc là thêm một cách nhẹ nhàng, tránh làm xáo động nền quá nhiều.
- Cát khó để trồng cây thủy sinh hơn: Bạn có thể trồng cây thủy sinh trên cát, tuy nhiên cát có mật độ dày, cây thủy sinh đôi khi có thể gặp vấn đề khi phát triển rễ. Giống như sỏi, cát sẽ không cung cấp được dưỡng cho cây. Để trồng cây thì bạn nên sử dụng phân nhét hoặc là phân nước.
- Cát khó cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi: Cát có mật độ dày, khiến cho không khí khó có thể lưu thông được dưới nền, vậy nên các loại vi khuẩn có lợi (vi khuẩn hiếu khí) sẽ không thể sống được.
Xem giá bán cát nắng vàng cho bể thủy sinh (lazada)
Cách dùng và xử lý cát cho bể thủy sinh
Lượng cát cần cho bể
Yếu tố đầu tiên bạn cần xét đến khi mua và chuẩn bị cho cát là lượng cát cần thiết cho bể thủy sinh. Lượng cát cần thiết sẽ phụ thuộc vào kích thước, số lượng cá và phong cách bạn đang muốn làm.
Nếu bạn chỉ muốn sử dụng cát để trải nền, không cần trồng cây thì bạn chỉ cần một lớp cát rất mỏng, thường là chỉ vào khoảng vài milimet.
Trong trường hợp bạn muốn trồng thêm cây, đối với những bể bé bạn nên chuẩn bị lớp cát dày khoảng 3-4 cm. Đối với những bể cá trung bình thì lớp cát nên dày khoảng 5-7cm, với những bể to thì cát có thể dày 10cm hoặc hơn nếu cần thiết.
Cách xử lý cát
Khi mua cát, thường cát sẽ chứa bụi, đất và sẽ làm đục nước trong khoảng thời gian ngắn trước khi lớp bụi này lắng xuống dưới nền. Để hạn chế vấn đề này thì bạn có thể rửa cát trước khi cho vào bể, bạn cần phải có một cái xô đủ to, cách làm như sau:
- Cắt túi cát, đổ đầy ⅓ xô nước
- Đặt xô nước dưới vòi nước lớn. Mở vòi nước mạnh xuống xô để nước bắn vào cát
- Cho tay vào xô và đảo qua cát, khi xô đã gần đầy, tắt nước đi rồi tiếp tục đảo rồi sau đó đổ phần nước đục đi (cẩn thận không đổ mất cát).
- Lặp lại quá trình đó, có lẽ bạn phải làm vậy đến 10 lần trước khi cát sạch hoàn toàn và nước sau khi rửa có thể trong.
- Sau đó bạn hãy để ráo nước và phơi cát hoặc múc cát và cho trực tiếp vào trong bể.
Có thể sử dụng cát xây dựng cho bể thủy sinh không?
Bạn có thể sử dụng cát xây dựng cho bể thủy sinh, tuy nhiên loại cát này không phải là lựa chọn tốt nhất. Nguyên nhân là cát xây dựng có thể chứa tạp chất, các chất hóa học không tốt cho bể thủy sinh. Cát cũng sẽ chứa nhiều bụi và bẩn hơn các loại cát khác.
Trước khi sử dụng cát xây dựng thì bạn phải rửa chúng kĩ nhất có thể. Khi sử dụng cát xây dựng, bạn nên rửa cát theo các bước như bên trên cho đến khi cát sạch hoàn toàn.
Trước khi cho cát vào trong bể, bạn cũng nên kiểm tra chất lượng nước thử xem, cụ thể là kiểm tra độ cứng, độ pH của nước nếu có thể.
Xem thêm: Các loại nền thủy sinh phổ biến
Cách vệ sinh nền cát trong bể cá
Dụng cụ cần thiết:
- Bộ dụng cụ hút cặn bể
- Xô nước
Khi sử dụng syphon để dọn bể thì bạn cũng nên thay nước luôn. Khi hút thì bạn sẽ hút luôn cả nước cùng với cặn đáy sau khi xử lý xong. Bạn có thể mua loại hút cặn có hút tay để giúp hút nước từ bể cho xuống xô nước. Hoặc bạn có thể làm theo cách truyền thống là hút miệng ở một đầu, đầu kia để trong bể cá cho tới khi nước chảy xuống xô, lưu ý để xô ở độ cao thấp hơn bể cá.
Một khi nước đã được hút, di chuyển đầu to của ống quanh bề mặt của nền dưới bể. Cát, phân nền bể sẽ được hút lên trên khoảng vài cm, do tạp chất nhẹ hơn nên nó sẽ được hút lên cùng với nước để đi ra xô. Di chuyển từ từ ống hút nước ra xa khỏi nền sẽ làm phân nền hoặc cát rơi xuống.
Bạn có thể điều chỉnh độ mạnh yếu của lực hút bằng van có sẵn trong một số bộ dụng cụ dọn bể.
Điều cần làm nhất là bạn tìm được lực hút vừa đủ để có thể vừa hút được cặn bẩn đồng thời không hút và làm xáo trộn nền quá nhiều. Một ít cát có thể bị hút mất trong quá trình này và đó là điều bình thường. Một khi bạn đã tìm được lực hút phù hợp, lặp lại quá trình đưa ống lên và xuống xung quanh bể để dọn sạch toàn bộ nền bể cá.
Lưu ý là bạn không nên thay quá nhiều nước. Thông thường mà nói, bạn không bao giờ nên thay nhiều hơn 50% lượng nước trong bể. Bạn có thể không thể dọn sạch toàn bộ lượng cặn dưới đáy bể mà không hút quá nhiều nước. Trong trường hợp này, hãy đổ đầy lại bể với nước sạch và lặp lại quá trình trong vòng 5-7 ngày.
Khuấy cặn
Nếu bạn không có bộ dụng cụ dọn đáy bể, bạn có thể khuấy cặn định kỳ để loại bỏ tạp chất Bạn có thể dùng tay hoặc cái cạo rêu hoặc một cái gậy dài cũng được, nhẹ nhàng đảo đều bề mặt nền để bụi bay lên, điều này sẽ khiến lọc bể cá hút được những tạp chất đó. Cách này không hiệu quả bằng hút cặn nhưng vẫn tốt hơn là không làm gì. Bạn chỉ nên đảo một vùng nhỏ một lần để tránh làm nước bể bị đục hoặc giải phóng chất gây hại.
Nuôi các loài sục đáy
Nhiều loại cá có thể giúp làm đáy bể của bạn sạch như các loài chạch hoặc cá chuột. Chúng sẽ liên tục sục cát để tìm kiếm thức ăn, việc này đồng thời cũng giúp tránh lắng đọng cặn dưới đáy bể.
Xem thêm: Các loại cá chuột cho bể thủy sinh