Khi nuôi cá thì bạn cần phải thay nước thường xuyên để cá có thể luôn được mạnh khỏe. Tuy nhiên, mình biết rằng thay nước bể hàng tuần, lặp đi lặp lại như vậy thì thực sự rất mệt. Đôi khi bạn cũng sẽ quên vậy nên có cách nào để làm cho bể cá sạch mà không cần thay nước không?
Bạn có thể giữ cho bể sạch lâu dài bằng cách cho cá ăn ít đi hoặc nuôi ít cá hơn, nuôi các loài cá sục đáy bể, sử dụng vật liệu lọc carbon, nuôi nhiều cây trong bể, sử dụng bộ lọc to hơn.
Vẫn còn có nhiều cách khác để bạn có thể khiến cho bể sạch lâu dài nhưng mà mình sẽ nói sau. Đầu tiên bây giờ bạn hãy tìm hiểu tầm quan trọng của việc thay nước thường xuyên và lý do tại sao bạn cần phải làm vậy.
Nếu không thay nước bể cá thường xuyên thì sao?
Lượng nitrate trong bể tăng cao. Đây là vấn đề đầu tiên bạn sẽ gặp phải nếu không thay nước cho bể thường xuyên. Như một số bạn đã biết, vật liệu lọc cùng với vi sinh trong đó có thể giúp xử lý được ammonia và nitrite trong bể. Tuy nhiên, vi sinh không thể xử lý được nitrate được. Cách hiệu quả nhất để xử lý chất này là bằng cách thay nước thường xuyên. Tuy rằng nitrate không độc đối với cá ở mật độ nhất định nhưng nếu chất đó tích tụ quá nhiều thì có thể làm ảnh hưởng thậm chí giết cá của bạn.
Rêu hại bùng phát. Nếu bạn không bao giờ thay nước thì lượng nitrate cao có thể là nguồn thức ăn tốt để thúc đẩy sự phát triển của rêu hại. Chẳng mấy chốc bể của bạn sẽ đầy rêu tóc, rêu nhớt xanh, và các loại khác…
Bể cá bị mất cân bằng. Thay nước là cách để giữ các chất có hại trong ngưỡng cho phép. Nếu để lâu thì các chất đó sẽ bị tích tụ, gây bùng phát rêu, làm cá chết hoặc bị stress, làm quá tải hệ vi sinh trong bể. Sau đó có thể gây ra hiệu ứng domino, làm chết hàng loạt các sinh vật khác.
Cách để giữ cho bể cá sạch mà không cần thay nước
Giờ bạn đã hiểu được tầm quan trọng của việc thay nước bể cá thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn sẽ có nhiều cách để bạn có thể giảm thiểu được số lần thay nước và có thể giúp cho bể cá sạch, ổn định được lâu hơn.
Cho cá ăn ít đi
Để xử lý vấn đề về nitrate mà không cần phải thay nước thì bạn phải hiểu một số điều. Đó là nitrate được tạo ra từ thức ăn dư thừa của cá, phân cá và các loại chất thải hữu có khác.
Để xử lý vấn đề này thì bạn có thể cho cá ăn ít hơn bình thường. Cho cá ăn ít đi cũng có nghĩa là cá thải ít hơn. Bạn chỉ cần cho cá ăn một lần một ngày là được hoặc thậm chí là một lần mỗi hai ngày nếu không thấy dấu hiệu cá bị đói hay gầy đi.
Trừ khi bạn nuôi cá con thì cá không cần phải được cho ăn nhiều như bạn nghĩ đâu. Mỗi lần cho ăn thì bạn nên cho chúng ăn lượng thức ăn vừa đủ để cá có thể ăn hết trong vòng 2-5 phút là đủ. Làm vậy có thể giúp cho bể sạch lâu hơn và đồng thời cũng giúp kiểm soát được vấn đề về rêu hại.
Nuôi các loài cá sục đáy bể
Thức ăn thừa, phân cá tích tụ dưới đáy bể có thể khiến cho nước bị bẩn và tích tụ chất có hại rất nhanh. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn đặc biệt là bể nuôi của bạn có nền dày.
Xem thêm: Các loài cá tầng đáy cho bể của bạn
Nếu bạn sử dụng nền cát hoặc các loại nền hạt nhỏ thì bạn có thể cân nhắc nuôi các loài cá tầng đáy để giúp sục thức ăn phân cá thừa lên. Bằng cách này thì lọc nước có thể hút được lượng thức ăn và phân cá thừa đó.
Rửa bông lọc thường xuyên hoặc sử dụng bộ lọc to hơn
Thức ăn thừa tích tụ trong lọc lâu ngày có thể khiến cho lọc bị tắc nghẽn, kém hiệu quả hơn. Hơn nữa là các chất hữu cơ có trong lọc vẫn sẽ tiếp tục phân hủy vậy nên bạn cần phải rửa lọc hoặc ít nhất là ngăn chứa bông lọc một cách thường xuyên hơn.
Bằng cách này bạn có thể giúp cho lọc luôn tốt và hoạt động hiệu quả. Nếu lọc bị tắc thì không chỉ nitrate mà thậm chí ammonia, nitrite trong bể cũng tăng cao. Hai chất đó vô cùng độc đối với cá dù chỉ với một lượng vô cùng nhỏ.
Sử dụng bộ lọc to cũng giúp cho hệ thống lọc hiệu quả hơn và từ đó cũng giúp tránh được tình trạng lọc bị tắc. Từ đó cũng giúp kéo dài thời gian bạn cần phải thay nước hơn.
Xem thêm: Cách chọn bộ lọc tốt cho bể thủy sinh
Tuy nhiên, bạn cần phải để ý đến loại cá đang nuôi trong bể. Một số loại cá sẽ không thích dòng chảy quá mạnh. Nếu bạn sử dụng bộ lọc cùng với dòng chảy lớn thì chúng sẽ dễ bị stress, bị yếu từ đó sẽ dễ mắc các bệnh khác.
Nuôi nhiều cây thủy sinh
Và giờ là biện pháp hiệu quả nhất trong việc xử lý nitrate dư thừa ở bể cá. Một bể cá trồng nhiều cây thủy sinh sẽ luôn ổn định hơn bể cá trồng ít. Bạn có thể coi cây thủy sinh là một bộ lọc tự nhiên cho bể cá vậy.
Cây thủy sinh sẽ sử dụng nitrate trong nước làm nguồn nitơ để phát triển. Bạn nên nuôi các loài cây phát triển nhanh như là các loại rong hoặc các loại cây cắt cắm, bèo để giúp hấp thụ dinh dưỡng dư thừa trong bể. Từ đó chúng cũng giúp tránh được vấn đề về rêu hại trong bể thủy sinh.
Xem thêm: Các loại cây thủy sinh không cần nhiều ánh sáng và CO2
Thực chất, việc nuôi nhiều cây thủy sinh là cách duy nhất giúp bạn tránh phải thay nước khi nuôi cá. Các biện pháp khác chỉ giúp kéo dài thời gian không phải thay nước lên thôi. Nếu không có cây thủy sinh và bạn không thay nước thì các chất độc tích tụ trong nước sẽ không khác gì quả bom nổ chậm, chỉ chờ để giết hết cá của bạn vậy.
Sử dụng vật liệu lọc carbon
Bạn có thể giúp cho nước trong và sạch lâu, đồng thời giúp cho nước không bị mùi bằng cách sử dụng vật liệu lọc carbon. Chúng sẽ không hoàn toàn loại bỏ được nitrate cũng như giải quyết được dinh dưỡng dư thừa.
Tuy nhiên, vật liệu lọc carbon có thể giúp hấp thụ các chất như là clo, cloramin có trong nước, và các loại chất độc khác. Bằng cách loại bỏ các chất này thì bể của bạn sẽ nhìn sạch và sẽ trong hơn.
Vật liệu lọc carbon cũng sẽ giúp loại bỏ được phenols trong nước. Nó là chất khiến cho nước bể cá của bạn có mùi tanh. Thông thường bể cá với hệ vi sinh ổn định thì sẽ hiếm khi có mùi tanh, tuy nhiên nếu vì một vấn đề gì đó mà bể bốc mùi thì bạn hãy thử cân nhắc sử dụng biện pháp trên.
Kết lại
Bằng cách nuôi nhiều cây thủy sinh và kết hợp sử dụng các biện pháp rên thì bạn có thể kéo dài khoảng thời gian không cần thay nước một cách đáng kể, thay vì phải thay nước hàng tuần giống như hồi trước.
Thậm chí bạn cũng chẳng cần phải thay nước nếu bể của bạn nuôi quá ít cá và nhiều cây. Tuy nhiên mình khuyên bạn ít vẫn nên thực hiện việc chăm sóc bể ít nhất vài tuần một lần để tránh các vấn đề có thể xảy ra.