aquasetup

5 loại layout/ bố cục bể thủy sinh đẹp

Mục lục

Các loại layout thủy sinh

Thú chơi thủy sinh đã có từ trăm năm nay, đi kèm với đó là vô số loại phong cách, bố cục thủy sinh khác nhau. Cách trang trí bể thủy sinh chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của người làm. 

Tuy nhiên, để bể có thể đẹp thì bạn cũng nên phải tuân theo một số quy tắc nhất định. Có một số loại phong cách và layout để bạn làm theo để làm được một chiếc bể thủy sinh đẹp nhất. Các loại phong cách thủy sinh phổ biến có thể kể đến là:

  • Phong cách tự nhiên 
  • Phong cách Iwagumi
  • Phong cách Hà Lan
  • Phong cách biotope
  • Phong cách Walstad

Mỗi phong cách sẽ có vẻ đẹp cũng như là cách làm khác nhau. Phong cách phổ biến và có nhiều biến thể nhất là phong cách tự nhiên, mình sẽ nói thêm ở bên dưới. 

Các phong cách/ layout cho bể thủy sinh

1. Phong cách tự nhiên

Các loại layout thủy sinh

Phong cách tự nhiên chắc chắn là phong cách đang chiếm phần lớn trong giới thủy sinh hiện nay. Nền móng của phong cách này được đặt bởi ngài Takashi Amano – một người Nhật Bản vào những năm 90s và nhanh chóng trở nên phổ biến và tiếp tục lan rộng cho đến tận bây giờ. 

Phong cách này được tạo bằng cách kết hợp lũa, đá cùng với cây thủy sinh để mô phỏng lại một khu vực thiên nhiên, có thể là rừng, đồi núi hoặc là bãi biển. 

Đặc điểm của phong cách này là chúng có thể thu hút sự chú của người xem, dựa vào cách bố trí đá, lũa và cây thủy sinh. Cây cối, đá, lũa được sắp xếp để mô phỏng lại hình dáng của đồi núi, thung lũng hoặc thậm chí là bãi biển. 

Mặc dù sự sắp xếp cây cối nhìn có vẻ như là ngẫu nhiên nhưng mà vẫn cần có những quy tắc nhất định. Có 3 kiểu hình chính trong phong cách này bạn có thể thử làm, đó là:

Bố cục tam giác vuông

Các loại layout thủy sinh

Bố cục này tạo cảm giác cân bằng với chiều cao của cây, đá, lũa thủy sinh cao nhất ở phía cạnh bể và giảm dần khi đi sang phía bên kia. Loại bể này mô phỏng khu vực sườn dốc. 

Đây là bố cục đơn giản nhưng nhìn vẫn không kém phần hấp dẫn. 

Để làm được thì:

  •  Bạn cần trải lớp nền cát (lazada) cho đều toàn bộ bể trước. 
  • Sắp xếp lũa, đá ở bên cạnh sao cho chúng có độ cao giảm dần khi đi về phía bên kia bể. Bạn có thể sắp xếp lũa, đá sao cho chúng có thể chắn được phân nền không bị đổ về phía trước hoặc tràn ra. 
  • Thêm phân nền (lazada) ở phía đằng sau để trồng cây. 
  • Phía đằng sau bạn có thể trồng các loại cây mọc cao. Các loại cây phổ biến có thể kể đến là rong, cây vảy ốc hoặc là cỏ narong. 
  • Phía giữa bạn trồng các loại cây trung cảnh. 
  • Đằng trước bạn có thể gắn một số loại cây lên đá như là ráy nana hoặc là bucep
Các loại layout thủy sinh

Bố cục tam giác cân

Các loại layout thủy sinh

Bố cục này mô phỏng lại hình dáng của đảo, với cây thủy sinh được tỉa, trồng thấp ở hai bên và cao nhất ở phần giữa. Bố cục này có thể được tạo bằng cách xếp đá thành hình núi và trồng cây thủy sinh ở các kẽ hở và hai bên. 

Hoặc đơn giản bạn cũng chỉ cần tạo được bố cục này bằng cách trồng các loại cây cao nhất ở phía giữa và đằng sau với những cây thủy sinh nhỏ dần sang hai phía. Khi cây mọc cao lên bạn cần phải cắt tỉa thường xuyên để bể giữ được bố cục này. 

Bố cục tam giác cân ngược

Các loại layout thủy sinh

Cây thủy sinh, đá, lũa được sắp xếp ở hai bên, với độ cao giảm dần về phía giữa, tạo thêm chiều sâu cho bể. 

Để làm được phong cách này, bạn chỉ cần sắp xếp lũa đá cao ở hai bên và xếp về phía sau. Sau đó bạn có thể trồng các loại cây thủy sinh mọc cao như là vảy ốc, cỏ narong hoặc các loại cây cắt cắm phía hậu cảnh. Phần trung cảnh là chỗ cho các loại cây mọc trung bình như là tiêu thảo (lazada), dương xỉ java (lazada). Tiền cảnh bạn có thể trồng các loại cây mọc thấp như là cỏ thìa (lazada), tiêu thảo parva (lazada), cỏ ngưu ma chiên. 

2. Phong cách Iwagumi

Các loại layout thủy sinh

Phong cách Iwagumi nhìn có vẻ nhưng đơn giản nhưng thực chất là một trong những phong cách khó thực hiện nhất. Lý do là bởi bể trồng phong cách này chỉ nuôi 1-2 loài cây phát triển chậm. Vậy nên bạn phải kiểm soát dinh dưỡng và rêu hại vô cùng kĩ. 

Phong cách này được sáng tạo vào khoảng năm 1985 bởi ngài Takashi Amano. Phong cách Iwagumi mang nhiều nét văn hóa của Nhật Bản – nét nghệ thuật đến từ sự đơn giản.

Từ Iwagumi đến từ thuật ngữ Nhật Bản, nghĩa là “cấu trúc đá”. Bố cục của phong cách này sẽ chủ yếu đến từ việc sắp xếp đá, thường là ba viên với một viên đá lớn và hai viên đá nhỏ. 

Mục tiêu bạn cần thực hiện đó là đạt được sự cân bằng thông qua nét đơn giản, bạn không thể chỉ thu thập đá rồi đặt vào khoảng trống là được. Mỗi một viên đá phải bổ sung và tạo cân bằng cho nhau. 

Nguyên tắc thiết kể phong cách Iwagumi

Các loại layout thủy sinh

Hầu hết bố cục Iwagumi chỉ bao gồm ba tảng đá. Bạn có thể dùng bất kì loại đá nào, miễn là số lượng đá là số lẻ (3,5,7,..) để tránh việc bể nhìn quá cân đối. 

Xem thêm: Các loại đá thủy sinh phổ biến

Cấc loại đá bạn có thể cân nhắc sử dụng là đá tiger hoặc đá kẹp kem. Tuy nhiên, không hề có nguyên tắc về loại đá sử dụng, miễn là bạn có thể sắp xếp đá với số lượng cùng với kích thước kết hợp với nhau một cách hợp lý. Mỗi một viên đá trong bố cục sẽ có một cái tên riêng:

  • Oyaishi: Đây là viên đá chính. Viên đá này sẽ to và đẹp nhất, chúng luôn là điểm nhấn chính trong bể. Viên đá này được đặt trong bể theo nguyên tắc ⅓. Tức là vien đá này sẽ không bao giờ đặt chính giữa bể mà nên được đặt lệch sang bên một tẹo. Độ rộng của chân đá nên chỉ bằng ⅔ chiều cao của viên đá. 
  • Fukuishi: Viên đá thứ hai. Viên đá này nên có màu sắc giống viên đá chính, đặt hướng ngược lại so với hướng nghiêng của viên đá to nhất để tạo độ cân bằng. 
  • Soeishi: Viên đá thứ 3, đặt ở phía bên khác phía so với viên thứ 2, nhằm giảm dần mức độ nhấn của viên 1. 
  • Suteishi : Viên đá thứ 4, được đặt vào nhằm mục đích làm nền. Viên đá này là viên thấp nhất, không được quá nổi bật và thường bị cây che phủ. Thông thường thì bạn có thể bỏ và không sử dụng viên này. 

Các loại cây thủy sinh cho bể phong cách Iwagumi

Khi chọn cây để trồng trong bể Iwagumi thì bạn chỉ được chọn 1-3 cây. Lý do là bởi điểm nhấn của bể là nằm ở sự sắp xếp đá, thay vì ở cây thủy sinh. Vậy nên bạn nên hạn chế số loại cây thủy sinh nhất có thể. 

Một số cây trải thảm thông dụng là:

  • Trân châu ngọc trai
  • Trân châu cuba
  • Cỏ ngưu ma chiên
  • Cỏ giấy

3. Phong cách Hà Lan

Phong cách Hà Lan là phong cách thủy sinh lâu đời nhất, bắt đầu từ những năm 1930 tại Hà Lan. Phong cách này không sử dụng lũa, đá hay các loại đồ trang trí khác. Thay vì đó, bể cá sẽ được trang trí và tạo bố cục bằng cách sắp xếp cây thủy sinh. 

Những bể phong cách Hà Lan sẽ giống như là khu vườn ở dưới nước vậy. Khác với phong cách tự nhiên, bể Hà Lan không mô phỏng môi trường tự nhiên nào cả. Bằng cách sắp xếp, cắt tỉa và sử dụng những loại cây với màu sắc, dáng lá khác nhau, bạn có thể tạo chiều sâu, điểm nhấn trong bể. 

Các loại layout thủy sinh

Điều quan trọng nhất để người trồng cây có thể tạo ra bể Hà Lan đẹp là họ phải biết cách sử dụng cây, bởi đây chính là điểm chính của bể. Hầu hết bể Hà Lan đều được trồng dày đặc cây cối với độ tương phản cao. 

Cách thiết kế bể Hà Lan

Trong bể Hà Lan, điểm nhấn thường được tạo bằng cách sử dụng cây lá đỏ hoặc là cây lớn. Khi trồng cây bạn cần phải trồng cây với mật độ dày đặc, tổi thiểu là chiếm 70% bộ nền. 

Độ tương phản cũng khá quan trọng đối với phong cách này. Bạn có thể sử dụng cây khác biệt về màu lá, kích thước lá để tạo độ tương phản. 

Khoảng trống giữa các cây cũng nên có để tạo cảm giác giữa cây có những con đường, tăng thêm chiều sâu cho bể. 

Các loại cây thông dụng cho bể Hà Lan

Bể Hà Lan thường dùng cây cắt cắm bởi chúng có tốc độ sinh trưởng cao, có độ đa dạng về màu sắc cũng như là hình dáng. Bạn chỉ nên trồng 3 loại cây trên mỗi 30cm. 

Dưới là các loại cây thông dụng để sử dụng cho bể Hà Lan:

  • Rau thơm (lazada) hoặc là hồng ba tiêu: Cây thủy sinh thấp, được trồng tiền cảnh để trồng các cây cao hơn đằng sau, tạo cảm giác chiều sâu cho bể. 
  • Tiểu bảo tháp (lazada), rong la hán – cây cắt cắm mọc nhanh, to, tạo điểm nhấn
  • Các loại tiêu thảo (lazada) – Cây trồng nền mọc thấp, trồng tại hai hàng đầu tiên trong bể. Chúng có thể tạo độ tương phản bởi có lá màu xanh nâu đất. 
  • Vảy ốc đỏ (lazada), la hán đỏ, tân đế tài hồng: Các loại cây thủy sinh đỏ giúp tạo điểm nhấn cho bể. 
  • Rêu thủy sinh (lazada): Thường được trồng giữa các cụm cây để tạo độ tương phản. 

4. Phong cách walstad

Các loại layout thủy sinh

Phong cách walstad là phương pháp làm bể thủy sinh tự nhiên nhất có thể, với mục tiêu là tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, có thể tự sinh tồn và phát triển mà không cần phải dùng đến lọc hoặc là cần phải thay nước thường xuyên. Hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ có cá, ốc, cây thủy sinh, sống hỗ trợ lẫn nhân, không cần phải thêm CO2 cũng như là phân nước. 

Bể phong cách này sẽ không cần phải chăm sóc nhiều. Bạn chỉ cần thay 25-50% lượng nước bể 6 tháng một lần. 

Phong cách walstad sẽ không có bố cục hay một layout cụ thể nào cả.Để trồng bể walstad thì bạn cần phải có một lớp phân nền dày, tối thiểu 4cm và trồng RẤT NHIỀU CÂY! Bể càng nhiều cây thì càng ổn định và càng lọc nước tốt hơn. 

Nếu bạn trồng nhiều cây ngay từ đầu, bạn sẽ hạn chế được vấn đề rêu hại phát triển. Các loại cây phù hợp cho phong cách này là các loại cây lớn nhanh, dễ sống, không cần CO2 và các loại cây thả nổi. 

Để bể có thể tự duy trì thì bạn cũng nên có một chiếc đèn thủy sinh tốt với chế độ hẹn giờ hoặc là có ổ cắm hẹn giờ để đảm bảo cây thủy sinh có thể phát triển tốt được. 

5. Phong cách biotop

Các loại layout thủy sinh

Các loại phong cách biotop đơn giản chỉ là làm bể mô phỏng lại một khu vực nước có thật ngoài tự nhiên. Phong cách amazon có lẽ là loại bể biotop phổ biến nhất nên mình sẽ tập chung nói về phong cách này. Ngoài ra, nếu bạn tìm hiểu kĩ thêm thì sẽ có rất nhiều phong cách biotop khác như là hồ Malawi, phong cách rặng đá,…

Sông Amazon là con sống lớn, dài nhất thế giới với chiều dài hơn 6000km., chảy qua Peru, Brazil, Bolivia, Colombi, Ecuador (một số nơi cho rằng sông Nile dài hơn một tẹo). Do đó, không có gì ngạc nhiên khi dòng sông này có nhiều khu vực với khí hậu và thông số nước khác nhau. Ngoài ra, cũng còn có nhiều con sông khác trong khu vực Nam Mỹ với các loại thực vật và sinh vật, môi trường sống đa dạng.

Dưới đây là những khu vực nước phổ biến: 

Khu vực nước trắng (whitewater)

Các loại layout thủy sinh

Trái với tên gọi, khu vực nước trắng sẽ có nước hơi đục màu nâu. Dưới thềm sông sẽ không có hoặc có ít cây cối và chỉ có các loại cá nhỏ. 

Để làm bể này thì bạn cần có bể lớn, khoảng trên 100 lít. Nền bể nên là nền sỏi nhỏ. Trong bể nên có nhiều lũa với nhiều không gian bơi lội cho cá. Bạn chỉ nên sắp xếp lũa và cây ở các góc xung quanh bể. Bạn có thể thả thêm các loại cây nổi như là rong hoặc bèo. 

Các loại cây tốt cho bể là hẹ thẳng ở hậu cảnh, rêu ricca để gắn lên lũa, cây lưỡi mác, bèo nhật thả nổi. 

Loại cá cho bể: cá chuột, cá thần tiên, cá tetra, cá rìu vạch,..

Khu vực nước trong (clearwater)

Các loại layout thủy sinh

Bể với phong cách này có nước trong, nước có thể có dòng chảy nhanh hoặc chậm. Có hai dòng sông nước trong nổi tiếng nhất ở Nam Mỹ là sông Rio Xingu và Rio Tocantins. Khi con sông này hướng ra biển, nước chảy qua khu vực suối nhiều đá, số lượng đá này giúp tạo thành bộ lọc tự nhiên cho nước, giúp lọc hết cặn bẩn và bất kì các loại chất thải khác. 

Độ pH của bể nền vào khoảng 6.9 – 7.3, độ cứng vào khoảng 5-12 Dh, nhiệt độ vào khoảng  24-28°C. 

Nền bể nên có cát hạt nhỏ với đá kích thước từ nhỏ đến trung bình nằm rải rác xung quanh. Ở rìa xung quanh bể sẽ có những loại cây cao như là cây lưỡi mác, choi, hẹ nước,…

Loại cá cho bể: Cá chuột, cá dĩa, cá pleco, các loại cá tetra,..

Khu vực nước đen (blackwater )

Các loại layout thủy sinh

Một trong những phong cách bể biotop nổi tiếng nhất – hầu hết tất cả khu vực rừng mưa đều có khu vực nước đen. Đây là khu vực nước chảy chậm, hơi mang tính axit. Nước có màu nâu, đen nhưng mà vẫn giữ được độ trong. Nguyên nhân cho màu sắc này là do nước chảy qua khu vực nhiều lá cây và rễ cây phân hủy, liên tục nhả tannin vào nước, khiến cho nước có màu nâu đồng. Nước khi đó sẽ mềm và mang tính axit. 

Trong các bể nước đen thì nền bể sẽ là lá cây khô trên nền cát hoặc đất. Bể cũng sẽ có nhiều lũa, rễ cây. Độ pH bể vào khoảng 4.5, tối đa là 6.5. Nhiệt độ bể vào khoảng 27 – 30°C. Độ cứng vào khoảng 0-4 DH. 

Để bể có thể chân thực hơn thì bạn có thể sử dụng đèn rọi. 

Loại cây thủy sinh phù hợp cho bể là rong la hán ở hậu cảnh, cây lưỡi mác. Bạn có thể sử dụng rong đuôi chó thả nổi hoặc là trồng ở rìa cùng với rong la hán. 

Loại cá phù hợp: Cá dĩa và cá thần tiên là hai loài cá phù hợp nhất, tiếp đó là cá chuột, cá tetra, cá pleco, cá phượng hoàng bolivia cũng là lựa chọn thú vị cho bể phong cách nước đen. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *