Cá bình tích là một trong những loại cá đầu tiên mình nuôi. Và giống như nhiều người khác, khi nuôi một thời gian thì mình phát hiện bụng chung to dần và to dần. Cho đến lúc chúng nhìn không khác gì bị bơm phồng lên vậy.
Thông thường, cá bình tích hay cá bảy màu có bụng to là do chúng đang mang bầu, trong trường hợp này chúng sẽ có đốm thai ở gần vây hậu môn, chúng đồng thời cũng sẽ trốn nhiều và hung dữ hơn đối với bạn cùng bể. Ngoài lý do mang bầu, cá cũng có thể bị to bụng do táo bón, ăn quá nhiều, bị xù vảy hoặc bị nhiễm khuẩn.
Trong bài viết này mình sẽ nói rõ về cách phân biệt cá có bầu và cá bị bệnh để bạn có thể kịp thời chữa trị cho cá trước khi quá muộn.
Cá bình tích, cá bảy màu bụng to, liệu chúng có bầu không?
Cá có thể bị béo không? Có, chúng có thể sẽ bị béo. Các loại cá sống trong môi trường thiếu thức ăn, thỉnh thoảng chúng tìm được nguồn thức ăn thì chúng sẽ lưu trữ chất béo để làm năng lượng dự trữ trong thời gian dài.
Cá cảnh nuôi tại bể hiếm khi bị thiếu thức ăn nên trường hợp này khó xảy ra, vậy nên chúng ta hãy nhìn vào các nguyên nhân khác có thể khiến bụng cá bình tích bị to.
1. Có bầu
Đây là lý do chính khiến cá bị bụng to. Cá bình tích và cá bảy màu là loài đẻ con, nếu bể của bạn có cả cá đực và cái thì khả năng cá cái mang bầu là rất cao.
Chúng rất dễ đẻ, đồng thời chúng có khả năng dự trữ tinh trùng từ cá đực, vậy nên với một lần giao phối cá cái có thể đẻ rất nhiều lần. Đó là lý do dù cho bể cá của bạn không có cả đực thì cá cái của bạn vẫn có thể mang bầu và đẻ.
Dấu hiệu nhận biết cá bình tích mang bầu rõ ràng nhất là cá có đốm đen to ở phía dưới bụng và ở gần vây hậu môn.
Cá bình tích có thể mang thai từ 30-40 ngày, thậm chí có thể lên tới 60 ngày. Vậy nên nếu bạn xác định rõ cá đã mang bầu nhưng không thấy đẻ thì bạn hãy bình tĩnh vì chúng có thể mang bầu khá lâu.
Một lý do khác nữa bạn không thấy cá con là cá bình tích đã đẻ rồi nhưng cá con bị các loài cá khác trong bể ăn mất, cá bình tích thỉnh thoảng còn ăn con của chính nó. Vậy nên bạn hãy tránh nuôi cá bình tích chuẩn bị đẻ cùng với các loài cá khác, bạn có thể sử dụng bể riêng hoặc lồng nuôi cho cá đẻ, đồng thời cung cấp cho cá con nhiều chỗ để chúng có thể trốn như rong la hán, rêu java,…
2. Táo bón
Nếu cá của bạn không có bầu, rất có khả năng chúng đã bị táo bón. Khi cá bình tích bị táo bón, chúng sẽ thải ra rất ít hoặc thậm chí không có tí chất thải nào. Chất thải của cá bình tích bị táo bón thì sẽ rất cứng và dài. Nguyên nhân chính khiến cho cá bị táo bón bao gồm cho ăn quá nhiều, chế độ ăn không đầy đủ và nhiễm trùng.
Táo bón có thể khiến cá bình tích bị phình bụng. Khi chúng bị nặng thì khả năng bơi lội của chúng cũng sẽ bị hạn chế. Tình trạng này không chỉ khiến cho cá gặp khó khăn trong bơi lội mà có thể khiến cho cá bỏ ăn, lâu dần có thể dẫn đến chết cá.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cho cá ăn chế độ ăn giàu chất xơ. Trong quá trình điều trị, bạn không nên cho cá ăn bất kì thức ăn nào khác ngoài thức ăn kể trên. Đậu nấu chín là thức ăn giàu chất xơ phổ biến người nuôi thường sử dụng để cho cá ăn khi chúng bị bệnh về đường ruột, cụ thể là táo bón.
3. Cho ăn quá nhiều
Đây là vấn đề phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là đối với những người mới nuôi cá. Cá bảy màu hay cá bình tích là loại cá sẽ ăn thức ăn bất kể chúng có no hay không. Nếu bạn vô tình cho cá ăn quá nhiều chúng có thể sẽ không tiêu hóa được thức ăn đủ nhanh và bị phình bụng.
Ngoài ra cho cá ăn quá nhiều có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác có thể xảy ra. Ví dụ như là làm dư thừa thức ăn hoặc làm gia tăng chất thải của cá. Hệ vi sinh và hệ thống lọc sẽ không xử lý kịp lượng chất thải đó và chúng sẽ làm giảm lượng pH và Oxy trong bể, từ đó làm giảm hệ miễn dịch của cá.
4. Bệnh
Nếu bụng cá bị phình to đến mức cá gặp vấn đề về bơi lội thì bạn phải cân nhắc đến khả năng chúng bị bệnh. Một trong những bệnh phổ biến nhất là cá bị xù vảy.
Khi cá bị xù vảy, bạn cần lập tức cách ly cá có dấu hiệu bị bệnh để chúng không lây cho các loài khác trong bể.
Dấu hiệu của căn bệnh này là bụng cá bị phình to và vảy bị chĩa ra ngoài. Căn bệnh này có thể bị gây ra bởi kí sinh trùng và cá sống trong nhiệt độ nước thấp trong thời gian dài.
5. Cá mang bầu lâu
Cá bảy màu có thời gian mang bầu trung bình vào khoảng 21 đến 31 ngày. Trong đó thời gian cá bình tích mang bầu lâu hơn, có thể lên tới 45-60 ngày.
Đôi khi cá có thể chửa lâu hơn khoảng thời gian này một tẹo nên bạn hãy bình tĩnh và chờ đợi nếu không thấy cá có biểu hiện gì quá bất thường.
Xem thêm: Cách chăm sóc cá con mới đẻ nhanh lớn
Cách để nhận biết cá bình tích hoặc bảy màu có bầu
Bên dưới là cách để bạn có thể nhận biết cá bình tích hoặc cá bảy màu của bạn đang có bầu:
- Cá bơi chậm và ít hoạt động hơn.
- Cá dành nhiều thời gian trốn hơn.
- Cá sẽ trở nên bảo vệ lãnh thổ hơn, có thể tấn công cá khác khi chúng lại gần.
- Cá bình tích hoặc bảy màu phát triển đốm đen lớn gần vây hậu môn và sẽ lớn dần hơn khi mang bầu lâu.
- Nếu cá màu nhạt, bạn có thể thấy mắt cá con trong bụng cá.
Cá bình tích hay cá bảy màu là loài đẻ con. Vậy nên khi chúng có bầu, bụng chúng sẽ to lên. Nhưng làm cách nào để phân biệt cá có bầu và cá bụng to do nguyên nhân khác?
Cá bụng to do táo bón hoặc bị bệnh sẽ có những triệu chứng khác ngoài bụng bị phình to. Đó là cá bỏ ăn, mắt bị lồi và màu sắc bị nhạt hơn.
Cách để chữa cho cá bình tích hoặc bảy màu bị phình bụng
Xem thêm: cá cảnh bị bệnh đường ruột, nguyên nhân và cách chữa trị
Đối với cá bị xù vảy
Hầu hết cá bị phình bụng do xù vảy đều có cơ hội sống sót khá thấp, tuy vậy cơ hội cứu sống cá là vẫn còn.
Nếu bạn phát hiện cá bị xù vảy thì bạn phải ngay lập tức cách lý cá và nuôi chúng trong bể khác để chữa trị. Bạn có thể chữa trị cho cá bằng cách tắm muối cho cá. Cụ thể là bạn cho 5 thìa cà phê muối (tầm 70g muối) vào trong chậu nước 4 lít (bạn nên lấy nước từ bể cá), khi muối tan hết, bạn cho cá vào tắm trong tầm 5-30 phút rồi chuyển chúng sang bể riêng.
Bạn có thể chữa trị cho cá bị xù vảy bằng cách cung cấp kháng sinh cho cá như là tetracycline, bạn có thể trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá với tỉ lệ 20% là kháng sinh rồi cho cá ăn.
Tiếp tục cho cá ăn thức ăn trộn kháng sinh trong vòng 7-10 ngày, nếu may mắn, bạn có thể thành công điều trị cho cá.
Kết luận
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho cá bình tích hoặc cá bảy màu bị phình bụng là cá đang mang bầu. Khi đó, bạn có thể sẽ thấy đốm đen ở gần phía vây hậu môn của cá trở nên to hơn.
Tuy nhiên, nếu cá của bạn thấy cá bụng to lâu không đẻ, có dấu hiệu bỏ ăn, bơi chậm, yếu, mắt lồi, màu sắc nhạt hơn thì chúng có thể bị bệnh, bạn phải tách chúng ra khỏi bể sớm và tham khảo các cách chữa trị đã nêu trên.