aquasetup

17 loại cây thủy sinh tiền cảnh đẹp cho bể cá của bạn

Mục lục

Tiền cảnh là khu vực dành cho những cây thủy sinh mọc thấp. Thông thường nhiều người sẽ muốn một thảm cỏ trước tiền cảnh. Tuy nhiên, để cây có thể mọc lan thì nhiều khi cây phải cần được thêm CO2 cũng như ánh sáng đầy đủ. May mắn cho bạn là có một số loại cây sống khỏe, mọc thấp, thậm chí mọc thành thảm mà không cần phải thêm CO2. Những loại cây này sẽ phù hợp với người mới chơi hoặc những người muốn bể thủy sinh của mình đơn giản nhất có thể. Hoặc nếu bạn có điều kiện để thêm CO2 thì bạn có thể sẽ gia tăng được lựa chọn của mình hơn. 

Dưới là danh sách các loài cây với các thông tin về chiều cao của cây, mức độ chăm sóc, yêu cầu về ánh sáng và CO2. 

1. Tiêu thảo xanh

  • Tốc độ phát triển: trung bình
  • Chiều cao tối đa: 15 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: không cần
  • Độ khó: dễ

Tiêu thảo là một họ gồm rất nhiều loài cây khác nhau, một số khá rẻ, nhưng một số loại khác thì lại vô cùng đắt, có thể lên tới trăm nghìn một cụm như là tiêu thảo nuri, tiêu thảo tiger, flamingo,…  Tuy nhiên, hầu hết thì các loại tiêu thảo đều rất dễ trồng mà không yêu cầu quá cao về ánh sáng, chúng cũng không hề cần CO2 để sống (trừ tiêu thảo flamingo).

Loài tiêu thảo phổ biến nhất là tiêu thảo xanh (lazada).

Tiêu thảo xanh sống khỏe và sẽ phát triển cao trong điều kiện ánh sáng thấp. Cây thường sẽ mọc thành bụi hơn là mọc lan ra giống như là cỏ thìa. Bạn có thể sử dụng tiêu thảo để trồng trung cảnh, khi cây mọc cao lên thì cũng sẽ tạo thêm chỗ trốn cho cá và tép cảnh. 

Khi trồng tiền cảnh thì bạn nên cho cây ánh sáng cao để cây có thể mọc thấp và dày hơn. 

2. Cỏ thìa

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: trung bình – nhanh
  • Chiều cao tối đa: 25 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: không cần
  • Độ khó: dễ

Đây là loại cây đầu tiên mình từng nuôi khi làm bể cá. Lúc đó còn chưa hề biết là bể phải có đèn thủy sinh chuyên dụng và đương nhiên là cũng không biết bể cá cần phải có CO2. Lúc đó mình còn trồng thêm nhiều loại cây khác và chúng đều chết dần. Duy nhất chỉ còn cây cỏ thìa là vẫn sống và thậm chí là mọc lan ra khắp bể, mọc khắp nơi và mọc cao đến mức gần chạm mặt nước. 

Nếu bạn muốn trồng một thảm cỏ xanh trong bể thì cỏ thìa (lazada) là lựa chọn hoàn hảo. Bạn chỉ cần trồng chúng xuống một bộ nền đủ dày (khoảng 3-4cm là được) là cây sẽ tự mọc rễ và lan rất nhanh. Cây có bộ rễ khỏe và sẽ lan rất sâu, rộng xuống nền nên khi nhổ gốc cây bạn có thể sẽ làm hỏng nền nếu không cẩn thận. 

Cây nếu trồng trong điều kiện ánh sáng thấp sẽ mọc khá cao, vậy nên nếu muốn trồng cây ở tiền cảnh thì bạn nên cho chúng ánh sáng tốt để cây mọc thấp vày dày. 

3. Ráy nana

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: chậm 
  • Chiều cao tối đa: 5 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: không cần
  • Độ khó: dễ

Ráy nana (lazada) có thể sống trong điều kiện ánh sáng thấp và không cần CO2 để sống. Thật ra là để giết ráy còn khó hơn cả việc nuôi chúng sống. Loài cây này có thể sống trong gần như mọi điều kiện bể. Lá ráy nana cũng nhỏ hơn nhiều so với các loại ráy khác, giúp cho cây mọc thấp và phù hợp để đặt ở tiền cảnh. 

Bạn chỉ cần phải cho chúng chỗ để bám và phát triển rễ là được, sau đó việc chăm sóc ráy nana sẽ vô cùng đơn giản. Nếu trồng ráy trực tiếp xuống nền bể thì thân của chúng sẽ bị thối và rữa, vậy nên bạn cần tránh làm vậy. Bạn có thể buộc cây vào giá thể và để ở tiền cảnh.  Nếu trồng lâu thì rễ của ráy vẫn sẽ tự động phát triển dài ra và mọc xuống dưới nền bể để hút dinh dưỡng từ nền. 

4. Bucep (Bucephalandra) 

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: chậm 
  • Chiều cao tối đa: 5 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: không cần
  • Độ khó: dễ

Bucep (lazada) đang nổi lên tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Chúng là loại cây thú vị với màu sắc và hình dạng lá đa dạng. 

Bạn có thể trồng cây bằng cách gắn chúng lên đá hoặc lũa. Bucep là loài cây lớn chậm nên bạn cũng không cần phải chiếu sáng nhiều. 

Tùy vào loại cây mà bucep có thể có màu tím, đỏ, nâu hoặc thậm chí là hồng! Và một số loại bucep có thể vô cùng đắt, một nhánh cây có thể có giá lên tới vài triệu. Nhưng ngoài ra vẫn còn vô số loại bucep giá “sinh viên” hơn bạn có thể mua để trồng thử.

Giống như ráy nana, bucep là loài cây lá nhỏ. Bạn có thể buộc cây lên giá thể và đặt cây ở tiền cảnh để ráy có thể phát triển rễ xuống bên dưới nền. 

5. Tiêu thảo parva

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: chậm 
  • Chiều cao tối đa: 5 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: không cần
  • Độ khó: Trung bình

Tiêu thảo parva (lazada) là một trong những loài tiêu thảo có lá bé nhất và có thể được trồng ở tiền cảnh trong điều kiện không có CO2. Giống như các loại tiêu thảo khác, tiêu thảo parva là loài sống khỏe và có thể mọc thành những thảm có xanh mướt nếu bạn cho chúng đủ thời gian. 

Chúng không cần nhiều ánh sáng nên bạn không cần phải có một chiếc đèn quá tốt. Điểm trừ là tiêu thảo parva là loài cây phát triển chậm hơn so với các loài cây khác. 

Bạn có thể trồng tiêu thảo parva trong mọi loại nền khác nhau, từ nền sỏi cho đến nền cát. Bạn lưu ý rằng nếu bộ nền hết dưỡng thì tốc độ lớn của cây cũng chậm lại. Trong trường hợp này thì bạn cần phải bổ sung thêm phân nhét hoặc phân nước. 

6. Huyết tâm lan mini

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: Trung bình
  • Chiều cao tối đa: 10-15 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình
  • CO2: không cần
  • Độ khó: Trung bình

Bạn có thể xem xét trồng loại huyết tâm lan mini (lazada) – loại cây nhỏ và có màu đỏ hơn so với huyết tâm lan thường. Với ánh sáng mạnh thì loài cây này cũng sẽ mọc thành bụi rậm với màu sắc rực rỡ hơn. Cây có cao tầm 10cm. Bạn có thể cân nhắc sử dụng cây để trồng tiền cảnh nếu có bể to và bạn có thể cắt tỉa chúng thường xuyên, hoặc tốt nhất là trồng trung cảnh. 

Huyết tâm lan là loài cây màu đỏ có thể sống tốt và vẫn lên được màu đỏ kể cả trong những bể không có CO2. Tuy nhiên, khi nuôi trong bể không có CO2 thì màu sắc đỏ của cây cũng bị nhạt hơn. Phần dưới lá cây trong trường hợp này vẫn sẽ giữ được màu đỏ. Trong khi đó, phần mặt lá sẽ cần ánh sáng mạnh và dinh dưỡng tốt hơn để có thể lên được màu đỏ đậm. 

Chúng là loài cây phát triển tương đối chậm, dễ bị rêu hại tấn công. Vậy nên đi kèm với việc tăng cường sáng để cây lên màu thì bạn cũng cần phải để ý kỹ vấn đề về rêu hại. 

7. Cỏ đậu nành

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: Chậm
  • Chiều cao tối đa: 8 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình cao
  • CO2: không cần
  • Độ khó: Trung bình

Cỏ đậu nành là loài cây nhỏ, mọc tiền cảnh và có thể phát triển thành bụi cỏ đẹp kể cả khi không có CO2. Chúng là loài cây phát triển chậm, có thể phát triển kể cả khi không có nhiều ánh sáng cũng như CO2. 

Tuy nhiên, cây vẫn cần một bộ nền nhiều dưỡng để có thể phát triển và mọc lan tốt. Nếu Bạn định trồng chúng trong nền cát thì bạn phải bổ sung nhiều phân nhét hoặc phân nước để bù đắp lại dinh dưỡng thiếu hụt trong nền. 

Dù có thể sống trong điều kiện ánh sáng thấp nhưng bạn cũng cần phải cho cây nhiều ánh sáng để chúng mọc thấp và mọc lan hơn. Nếu ánh sáng yếu thì cây sẽ mọc thưa thớt và mọc cao hơn. 

8. ngưu ma chiên lùn xòe

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: Trung bình
  • Chiều cao tối đa: 6 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình cao
  • CO2: Cần
  • Độ khó: Trung bình

Đây là loại cây đẹp, nếu mọc thành bụi thì sẽ có hình dáng gần tương tự như những thảm cỏ ngoài tự nhiên. 

Ngưu ma chiên lùn xòe là loại cây trồng nền phổ biến nhất nhưng mà thông thường nhiều người nuôi chúng đều dùng CO2 để trồng. Khi bạn trồng ngưu ma chiên lùn xòe làm nền mà không muốn dùng đến CO2 thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đa số trường hợp thì cây sẽ bị vàng lá, chậm lớn và chết dần. 

9. Trân châu ngọc trai

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: nhanh
  • Chiều cao tối đa: 3 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình cao
  • CO2: Cần
  • Độ khó: Trung bình

Trân châu ngọc trai (lazada) là loại cây tiền cảnh trải nền phổ biến có nguồn gốc từ Argentina. Chúng là loài cây tuyệt vời nếu bạn có thể cung cấp đủ dưỡng cũng như ánh sáng. Cây có lá nhỏ, tròn và có màu xanh lá tươi. 

Để trồng được cây thành công thì bạn nên đánh sáng và bơm CO2 mạnh. Ánh sáng yếu có thể khiến cho cá cây bị vàng, cây mọc cao. Khi có điều kiện môi trường thuận lợi, loài cây này sẽ mọc nhanh, sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp bể. 

Khi cây mọc thành lớp dày bạn cần phải cắt tỉa cho cây để cho chúng tiếp tục phát triển và lớp cây bên dưới không bị che sáng. 

Xem thêm: Cách trồng trân châu ngọc trai không cần CO2

10. Trân châu cuba

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: nhanh
  • Chiều cao tối đa: 6 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình cao
  • CO2: Cần
  • Độ khó: Cao

Tiếp tục với danh sách này là một loại cây thủy sinh tiền cảnh khác với tên gọi là trân châu cuba (lazada). Trân châu cuba sẽ khó trồng hơn so với trân châu ngọc trai, bạn nên tránh trồng loài cây này trừ khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm. 

Trân châu cuba có nguồn gốc từ Cuba, Puerto Rico, Jamaica. Trân châu cuba có lá cây khá tương đồng so với trân châu ngọc trai, chỉ khác là trân châu cuba có lá lớn hơn. 

Khi trồng trân châu cuba, bạn cần phải đảm bảo môi trường nước phù hợp với cây và chăm sóc, theo dõi thường xuyên để cây có thể sống được. 

11. Cỏ giấy

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: nhanh
  • Chiều cao tối đa: 2 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: Trung bình cao
  • CO2: Cần
  • Độ khó: Cao

Đây cũng là một loài cây yêu cầu mức độ chăm sóc trung bình-cao. Loại cây trải nền này thực chất là loại cây săn mồi, chúng ăn vi sinh, các loại động vật nhỏ trong nước bằng những cái bẫy mọc trên thân/rễ của chúng. 

Cây cỏ giấy (lazada) cần nước mềm và ph thấp để có thể phát triển. Đặc biệt hơn, nếu chúng đã quen với nước và phát triển cộng với khi được bổ sung CO2, loài cây này có thể ra hoa. Hoa của chúng dưới nước thường sẽ có màu trắng trong khi những bông hoa trên cạn sẽ có màu tím. Để trồng được loại cây này, bạn phải kiên nhẫn, một khi bể đã ổn định và với nước mềm, ánh sáng tốt, thêm CO2, chúng sẽ phát triển rất nhanh, tạo thành một thảm cỏ xanh mát trong bể của bạn.

12. Tảo cầu marimo

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: chậm
  • Chiều cao tối đa: 7 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: thấp
  • CO2: Không cần
  • Độ khó: Thấp

Có một đợt mình còn tưởng loài cây này là cây giả bởi ngoại hình kì lạ của chúng. Ít ai có thể nghĩ rằng rêu có thể mọc thành những cụm tròn hoàn hào như vậy và thậm chí cây còn có thể sống được trong mọi môi trường khác nhau, không cần nhiều ánh sáng và CO2, thậm chí cây cũng có thể sống được kể cả trong những cốc nước đậy kín . 

Tảo cầu (lazada) là loại cây nhỏ, bạn có thể thả nổi ở vị trí trung cảnh.

Tảo cầu được bán với nhiều kích thước khác nhau, chúng lớn chậm nhưng sẽ có lớn. Bạn cũng có thể nhân giống tảo cầu nếu muốn. 

Bạn cần lưu ý rằng bạn nên thỉnh thoảng lật viên tảo lại để các mặt được chiếu sáng đầy đủ, tránh cho việc một bên được chiếu sáng nhiều và bên còn lại màu bị nhạt đi do không có ánh sáng.

13. Rau thơm

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: trung bình
  • Chiều cao tối đa: 5-10 cm
  • Nhu cầu ánh sáng:trung bình cao
  • CO2: cần
  • Độ khó: trung bình

Cây rau thơm là loại cây mọc với độ cao vừa phải, thấp hơn so với các loại cây cắt cắm khác. Dưới ánh sáng mạnh chúng sẽ phát triển thành bụi dày, ôm lấy lũa, đá. Chúng là loại cây trung cảnh hoặc tiền cảnh tuyệt vời nếu được cung cấp cho môi trường sống hợp lý. 

Cây rau thơm không phải là loài cây yêu cầu cao, tuy vậy chúng vẫn cần mức độ chăm sóc nhiều hơn các loại cây khác. Cây cần được cung cấp ánh sáng cao và CO2 để có thể phát triển và mọc lan được. Chúng cần được trồng trên bộ nên đủ dày, tối thiểu là 3cm để có thể phát triển rễ. 

Cây rau thơm cũng có xu hướng bị rữa nếu bị sốc nước, khi đang làm quen với môi trường mới. 

14. Sao nhỏ

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: trung bình
  • Chiều cao tối đa: 5-10 cm
  • Nhu cầu ánh sáng:trung bình cao
  • CO2: cần
  • Độ khó: trung bình

Sao nhỏ là loài cây có nguồn gốc từ Thái Lan. Mặc dù là loài cây không yêu cầu cao về chăm sóc nhưng cây vẫn cần chế độ chăm sóc hơi đặc biệt. Cây cần được chiếu sáng nhiều với bộ nền nhiều dưỡng và cung cấp thêm CO2. 

Nếu thiếu sáng, sao nhỏ sẽ mọc cao để chúng có thể tìm được nguồn sáng. Cây mọc cao sẽ bị xấu, không mọc dày. Sao nhỏ cũng sẽ dễ bị rữa khi bị sốc nước, phổ biến nhất là khi bạn mới trồng cây vào trong bể. 

15. Cây rau má hương

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: trung bình – nhanh
  • Chiều cao tối đa: 5cm
  • Nhu cầu ánh sáng:trung bình cao
  • CO2: nên có
  • Độ khó: trung bình

Rau má hương (lazada) là một trong những loại cây thủy sinh dễ tìm ngoài tự nhiên. Cây mọc dại ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng ở khu vực nước lớn. Cây có thể mọc dưới nước lẫn trên cạn, ở những khu vực đất ẩm. 

Rau má thủy sinh là loài cây trồng tiền cảnh và trải nền hoàn hảo dành cho bể cá low-tech tức là không có CO2. Chúng có thể mọc cả trên cạn và dưới nước. Đôi khi có thể mọc không kiểm soát nếu bạn để mặc chúng. Tuy vậy, nếu bạn muốn cây mọc thành thảm trong bể thì cây cần phải được cung cấp thêm CO2. 

Cây cần nhiều ánh sáng, khi được cung cấp ánh sáng mạnh, cây sẽ mọc rậm và nhiều, giúp hấp thụ bớt các dinh dưỡng dư thừa cũng như các chất độc hại đối với cá ở trong nước. 

16. Cỏ dùi trống

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: chậm
  • Chiều cao tối đa: 10-15cm
  • Nhu cầu ánh sáng: cao
  • CO2: cần
  • Độ khó: trung bình

Cỏ dùi trống thích sống trong nước mềm, tuy vậy chúng vẫn có thể sống trong nước cũng trung bình – cao. Cây khi được bán có thể sẽ có kích thước nhỏ. Khi bạn trồng trong bể, cho cây ánh sáng cao, CO2 nhiều thì cây sẽ nhanh chóng phát triển, tạo ra lá kim dài, nhìn như những con nhím vậy. 

17. Cỏ đỏ thủy sinh

Cây thủy sinh tiền cảnh
  • Tốc độ phát triển: trung bình
  • Chiều cao tối đa: 3-5 cm
  • Nhu cầu ánh sáng: trung bình – cao
  • CO2: nên có
  • Độ khó: trung bình

Cỏ đỏ là loài cây cò nguồn gốc từ Nam Mỹ, Trung Mỹ. Khi được chiếu sáng tốt, cây sẽ lên được màu đỏ tím – có thể tạo độ tương phản tốt trong bể trồng nhiều cây xanh. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *