aquasetup

Tép cảnh bị nấm xanh: nguyên nhân và cách khắc phục

Mục lục

Không người nuôi tép nào muốn nhìn thấy đàn tép của mình dính bệnh cả. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng tép bị bệnh vẫn có thể xảy ra nếu chất lượng nước không đủ tốt hoặc là tép bị stress. 

Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định bệnh, nguyên nhân gây bệnh để có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Một trong những căn bệnh thường gặp ở tép là chúng bị nấm xanh. 

Tuy căn bệnh này không giết tép ngay nhưng nếu để lâu sẽ khiến cho cả đàn tép gặp nguy hiểm. Loại nấm ký sinh này có thể khiến cho tép bị yếu dần, stress, mất màu và thậm chí là chết. 

Nấm xanh là gì

Tép cảnh bị nấm xanh

Nấm xanh thực chất không phải là nấm, thay vì đó, chúng là một loại tảo ký sinh, có tên là Cladogonium ogishimae. Chúng có dạng những đốm màu xanh nhỏ, nằm phía dưới bụng của tép. Nếu nhìn qua thì bạn có thể nghĩ rằng tép đang mang trứng. 

Để ý kỹ thì bạn sẽ thấy loại tảo này sẽ nhỏ, nhìn bông xù hơn so với trứng. Nấm xanh hay tảo xanh sẽ kí sinh, bám rễ vào vỏ của tép và hút dinh dưỡng của chúng. Lâu dần thì tép sẽ bị yếu, mất khả năng di chuyển và chết. 

Theo nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, căn bệnh này chỉ thấy xuất hiện ở tép màu. Các loại tép khác như là tép ong và amano không bị dính bệnh.

Nhận biết sớm căn bệnh này để điều trị là tương đối khó. Nguyên nhân bởi khi khi loại tảo này mới phát triển trên người tép, chúng không có màu xanh, thay vì đó là trong suốt.

Một khi chúng đã bám chắc rễ vào người tép thì loại tảo này mới bắt đầu hút dinh dưỡng, chuyển dần sang màu xanh.

Nguyên nhân gây bệnh nấm xanh

Tép có thể bị dính bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến là:

  • Nguyên nhân phổ biến nhất khiến tép bị bệnh là bạn mua tép dính sẵn mầm bệnh ngoài cửa hàng và thả chúng vào bể với những con tép khỏe mạnh khác. Mầm bệnh có sẵn từ tép sẽ lây sang các con tép khác ở trong bể
  • Bạn cũng có thể vô tình mua các loại cây cối, đồ trang trí thủy sinh dính mầm bệnh ngoài cửa hàng và vô tình đưa chúng về bể.
  • Tép có thể dễ bị dính bệnh hơn nếu thông số bể nuôi không đúng, tép bị thiếu chất, thiếu khoáng hoặc khi tép bị stress.

Nấm xanh có gây nguy hiểm cho tép không?

Đây là căn bệnh kí sinh, vậy nên chúng sẽ không giết tép nhanh. Tuy nhiên, căn bệnh này tương đối khó chữa và lây lan nhanh.

Tép khi bị mắc bệnh sẽ bị yếu dần, có thể bị stress, bỏ ăn, nếu không được chữa trị thì sẽ chết.

Sau đó, bào tử rêu sẽ phát triển, lây nhiễm các con tép khác trong cùng một bể. Nếu bạn không có biện pháp xử lý thì có thể cả đàn tép trong bể sẽ ra đi.

Cách chữa trị

Việc đầu tiên bạn cần làm là tách riêng những con tép bị bệnh ra bể riêng để tránh căn bệnh này lây nhiễm hết cho cả đàn tép trong bể. Một trong những nguyên nhân khiến tép bị bệnh là do chúng bị stress do môi trường nước không tốt.

Vậy nên bạn cần phải xử lý nước bể nuôi đã. Để xử lý nước bể thì bạn cần phải thay 20-30% lượng nước trong bể bằng nước sạch đã được khử clo, kết hợp với việc hút cặn đáy bể. 

Các loại thuốc đã được thử nghiệm có tác dụng chữa nấm xanh đó là muối, lá bàng ngâm, oxy già và xanh methylen. Do tép là loài đặc biệt nhạy cảm với môi trường nước nên bạn cần tránh cho muối, xanh methylen hoặc oxy già vào bể chính. Bạn có thể sử dụng lá bàng để diệt nấm, cách làm mình sẽ đề cập thêm ở bên dưới. Thông thường các cách chữa này khả năng cao là sẽ giết tép đang bị bệnh bởi chúng đang yếu sẵn do bị nấm kí sinh. Mục đích chính của bạn bây giờ là ngăn cho bệnh lây lan trong bể.

Tuy nhiên, một số người đã thử các cách chữa bệnh sau và thành công:

1. Tắm muối cho tép

Bạn hãy chuẩn bị 1 lít nước sạch được khử clo. Sau đó cho thêm tầm 50g muối tinh (tránh sử dụng muối i ốt), đảo đều cho đến khi muối tan hoàn toàn. 

Sau khi muối đã tan hoàn toàn được 10 phút, bạn hãy bắt tép bị bệnh ra, nhẹ nhàng nhúng vào bể muối trong vòng 10 giây, sau đó thả lại vào bể cách ly. Nếu sau 2 ngày không thấy khỏi thì bạn hãy tắm muối cho tép lần nữa.

2. Sử dụng oxy già

Oxy già có thể được sử dụng để diệt rêu tảo trong bể cả. Trong trường hợp này, oxy già cũng có thể được sử dụng để chữa trị bệnh nấm xanh dưới bụng tép.

Bạn cần phải tính toán cẩn thận khi sử dụng oxy già. Nếu được sử dụng với nồng độ vừa phải, oxy già sẽ có thể diệt rêu, tảo mà không ảnh hưởng đến tép và cá.

Nếu sử dụng quá nhiều, oxy già có thể làm cháy mang, da của cá và tép và có thể khiến chúng bị chết.

Nếu bạn sử dụng oxy già cho bể chính thì bạn nên tắt lọc bởi vì oxy già có thể giết hệ vi sinh ở bên trong đó.

Bạn nên sử dụng oxy già 3% với liều lượng 1ml cho mỗi 3 lít nước. Sau đó bạn hãy để im trong vòng 1 tiếng rồi thay 20% nước sau đó hãy bật lọc. 

3. Sử dụng lá bàng khô 

Một số người cũng đã thử nghiệm cách này và thành công. Bạn có thể kiếm lá bàng khô hoặc là sử dụng chiết xuất lá bàng.

Trong lá bàng có chứa tannin và flavonoid. Đây là một chất giúp cho rau củ quả có màu sắc. Có một chất flavonoid mà lá bàng có rất nhiều, đó là quercetin. Quercetin có chức kháng khuẩn, kháng nấm, giúp chữa bệnh. Đó là lý do nhiều người hay dùng lá bàng khô để dưỡng cá betta.

Để sử dụng lá bàng thì bạn hãy ngâm 2-3 lá cho mỗi 10 lít nước để tạo nước đen giàu tannin.

Sau đó bạn hãy thay 50% nước mỗi ngày. Bạn có thể cho tép ăn viên tảo xoắn hoặc để tép tự kiếm ăn trên lá bàng để tránh làm bẩn nước.

Sau khoảng 2 tuần, tảo ký sinh dưới bụng cá sẽ dần biến mất. Sau khoảng 2 tuần nữa tép có thể sẽ khỏi hoàn toàn.

Để xử lý nước bể thì bạn có thể ngâm 1 lá bàng cho mỗi 30 lít nước.

Kết lại

Môi trường nước không tốt, cộng với việc tép bị stress, hoặc đôi khi tép bị dính bệnh từ nguồn bán là nguyên nhân khiến cho tép cảnh bị nấm xanh. Căn bệnh này không giết tép nhanh, tuy nhiên, chúng sẽ hút dinh dưỡng từ tép và khiến tép yếu dần, cuối cùng là sẽ chết. Nếu bạn không có biện pháp chữa trị thì cả đàn tép trong bể có thể ra đi. 

Các cách chữa trị đã được chứng minh có hiệu quả là sử dụng lá bàng khô, oxy già hoặc là tắm muối cho tép. Bạn cần đảm bảo tách riêng tép ra để chữa bệnh để tránh bệnh lây lan sang đàn tép trong bể. 

Ngoài ra, để tránh bệnh quay trở lại cũng như tránh vô số các căn bệnh khác thì bạn phải dọn dẹp bể và chăm sóc cho bể định kì. Bạn nên hút cặn đáy và thay nước cho bể tép thường xuyên. Tối ưu nhất là vào khoảng 10-15% lượng nước bể hàng tuần. 

Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể thủy sinh

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *