Bạn đang tìm một loài cây thủy sinh lọc nước? Không cần phải tìm đâu xa, bèo nhật chính là một trong những loại cây hiệu quả nhất trong việc lọc nước, kiểm soát dinh dưỡng dư thừa và kiểm soát rêu hại.
Đây là loài cây sống khỏe, miễn là bể của bạn có đủ ánh sáng, chúng có thể sống trong mọi điều kiện môi trường.
Trong bài viết này mình sẽ nói về mọi điều bạn cần biết nếu muốn chăm sóc cho loài cây này.
Về bèo nhật
Mức độ chăm sóc | Dễ |
Yêu cầu ánh sáng | Trung bình cao |
Yêu cầu CO2 | Không cần |
Màu sắc | Xanh lá |
Vị trí trồng | Thả nổi mặt nước |
Chiều cao | Dễ có thể dài đến 20-50 cm |
Loại cây | Cây thả nổi |
Khác với tên gọi, bèo nhật không hề có nguồn gốc từ Nhật Bản. Thay vì đó, chúng bắt nguồn từ Nam và Trung Mỹ. Chúng được phát hiện tại các khu vực rìa sông, kênh, rạch, ao hồ,…
Bèo nhật có tên khoa học là Limnobium laevigatum.
Nhờ vào hình dáng lá tròn, trơn, cùng với màu xanh tươi, bèo nhật đã nhanh chóng trở thành loài cây thủy sinh được ưa chuộng.
Hiện nay, tại vì khả năng sống khỏe của chúng nên bèo nhật đã trở thành loài cây xâm lấn ở nhiều khu vực, bao gồm ở Châu Á và Châu Âu. Vậy nên nếu bạn không muốn trồng bèo nhật nữa thì bạn nên bỏ thùng rác thay vì vứt chúng ra ngoài tự nhiên.
Chỉ cần một cọng bèo thôi, nếu được trồng trong môi trường bể tốt thì chúng có thể nhanh chóng sinh sôi và bao phủ toàn bộ bể chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.
Ngoại hình của bèo nhật
Bèo nhật có lá khoảng 2-3 cm có hình tròn gần như là hoàn hảo. Lá của chúng có màu xanh lá và trơn, không có gân.
Bèo nhật còn có tên gọi khác là bèo rễ dài bởi chúng có thể phát triển bộ rễ lớn, có thể dài tới 50cm. Khi nuôi trong bể, bèo đôi khi có thể phát triển rễ và cắm xuống nền bể nếu bể có độ cao thấp.
Cách chăm sóc cho bèo nhật
Chăm sóc cho bèo nhật thực sự rất dễ. Loài cây này có thể sống được trong gần như mọi điều kiện môi trường bể khác nhau và sẽ sinh sôi nhanh.
Kích thước và yêu cầu bể
Vì có kích thước lá to nên loại bèo này không thực sự phù hợp với bể nhỏ lắm.
Bể trồng bèo nhật nên có kích thước tối thiểu vào khoảng 30 lít.
Bể nuôi bèo nhật không cần phải có lọc. Tuy vậy, khi nuôi cá thì đương nhiên là bạn cần phải sử dụng đến lọc đúng không?
Khi sử dụng lọc thì bạn nên tránh sử dụng loại có dòng chảy quá mạnh hoặc là có các biện pháp để cản dòng của lọc, tránh việc bèo bị trôi quanh bể.
Bạn có thể sử dụng vòng bằng ống hút nối lại với nhau hoặc là vòng cho cá ăn để cố định cho bèo.
Thông số nước
Bèo nhật mọc khắp mọi vùng khí hậu trên thế giới vậy nên chúng sẽ không yêu cầu quá cao về nhiệt độ.
Tuy vậy, bạn vẫn nên duy trì nhiệt độ nằm trong khoảng 18-26 độ. Cây sẽ thích nhiệt độ ấm và mang tính nhiệt đới hơn. Khi nhiệt độ lạnh cây sẽ lớn chậm và phát triển lá nhỏ hơn.
Độ cứng: Bèo nhật có thể sống trong nước cứng lẫn nước mềm. Độ cứng lý tưởng để trồng cây là vào khoảng 0-150ppm.
Độ pH. Độ pH nằm quanh ngưỡng trung tính, vào khoảng 6.0-7.5.
Ánh sáng
Giống như các loài cây nổi mặt nước khác. Bèo nhật là loài cây cần ánh sáng trung bình mạnh.
Để làm vậy thì bạn cần chiếu sáng cho bèo khoảng 10-12 tiếng mỗi ngày.
Phân nước thủy sinh và CO2
Bèo nhật cần rất nhiều dưỡng. Vậy nên nếu bể đã làm lâu và bắt đầu cạn dưỡng thì bạn cần phải bổ sung thêm phân nước cho cây để bèo có thể phát triển.
Tuy nhiên, nếu bể của bạn nuôi nhiều cá, nhiều ốc thì bạn có thể sẽ không cần bổ sung thêm phân nước cho cây.
Dinh dưỡng từ thức ăn thừa, phân cá trong trường hợp đó cũng có thể vừa đủ để cung cấp cho bèo phát triển.
Bèo nhật sẽ lấy CO2 trực tiếp từ không khí vậy nên bạn không cần phải sử dụng đến hệ thống CO2 cho bể thủy sinh.
Cách trồng và chăm sóc bèo nhật
Sau khi mua bèo nhật về thì cách trồng chúng rất đơn giản, bạn chỉ cần phải thả bèo lên mặt nước với phần rễ hướng xuống dưới là được.
Bạn cần đảm bảo dòng chảy không quá mạnh, nếu không bèo có thể bị cuốn đi khắp nơi và phần rễ của chúng cũng có thể bị tổn thương.
Sau khi bèo thích nghi với môi trường trong bể chúng sẽ phát triển và sinh sôi nhanh. Khi đó bạn cần phải ngắt và vứt bớt bào đi.
Khi bèo che kín bề mặt nước, chúng có thể làm bể bị thiếu oxy và che hết sáng của các loài cây thủy sinh mọc bên dưới.
Các vấn đề thường gặp
Khi nuôi bèo, đôi khi bèo có thể bị nâu vàng hoặc là bị rữa lá. Lý do thường là do phần lá mặt trên của bèo bị ẩm, dẫn đến tình trạng bèo bị úng và bị nâu, vàng rồi rữa lá.
Ngoài ra, bèo có thể bị vàng lá nếu ánh sáng của bể quá yếu.
Nếu dòng chảy của bể quá mạnh thì rễ bèo sẽ bị đứt, gãy, khó phát triển.
Lợi ích của bèo nhật
Bèo nhật không chỉ là loài cây thủy sinh đẹp mà chúng còn có nhiều lợi ích khác, có thể kể đến là:
Loại bỏ dinh dưỡng dư thừa: Bèo nhật là một trong những loại cây hữu dụng nhất để giúp loại bỏ dinh dưỡng dư thừa và kiểm soát rêu hại trong bể. Chúng sẽ phát triển nhanh và có thể dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng cũng như là ánh sáng trong bể.
Tạo chỗ trốn cho cá/ tép: Bộ rễ dài của bèo có thể tạo được chỗ trốn và chỗ kiếm ăn tuyệt vời cho cá cũng như là tép.
Tạo bóng râm: Một số loài cá không thích ánh sáng, có thể kể đến là cá betta sẽ thích có bèo hoặc các cây che sáng khác trong bể. Ngoài ra, bèo cũng có thể giúp cho các loài cá trong bể đỡ nhảy ra khỏi bể hơn.
Kết lại: bạn có nên nuôi bèo nhật không?
Bèo nhật là dòng cây phù hợp với mọi bể thủy sinh có dòng chảy trung bình chậm. Nếu bạn muốn có một loài cây che sáng phù hợp với người mới nuôi thì bạn có thể cân nhắc nuôi bèo nhật. Tuy nhiên, nếu bể của bạn có độ cao thấp và thấy bộ rễ của bèo khó chịu thì bạn có thể cân nhắc các dòng bèo khác như là bèo tấm tía hoặc là bèo rễ đỏ, bèo ong.
Xem thêm: Các loại bèo thủy sinh.