Bạn chắc hẳn cũng đã thấy những bể cá với từng lớp cỏ cao mọc chạm mặt nước, đu đưa theo dòng chảy. Không giống như nhiều người nghĩ, loại cỏ này thực chất cực kì dễ trồng, giúp chúng là một trong những loài cây thích hợp nhất cho những người mới nuôi.
Do sống quá khỏe nên một số người nuôi cá lâu năm không thích loài cây này lắm bởi chúng có thể mọc bộ rễ khỏe, lan ra khắp nơi, có thể tranh giành dinh dưỡng với các loại cây thủy sinh khác.
Ngoài dễ sống thì chúng còn cung cấp cho bể nhiều lợi ích khác như là giảm rêu cho bể, cung cấp oxy, chỗ trốn cho cá con và tép.
Về hẹ nước
Hẹ nước được phát hiện bởi nhà khoa học người Ý có tên là Antonio Vallisneria từ thế kỷ 18 – từ đó họ của loài cây này được đặt là Vallisneria. Hẹ nước có 3 loại chính đó là hẹ lá thẳng, hẹ lá xoắn và hẹ nước nana.
Chúng là loại cây thủy sinh phổ biến, bạn có thể dễ tìm mua nếu tìm tại các cửa hàng thủy sinh. Ngoài tự nhiên, hẹ nước mọc ở nhiều khu vực nước khác nhau, từ những nơi có nước chảy chậm tới sông có nước chảy xiết, khu vực nước thấp hoặc khu vực nước sâu tới 6 mét.
Chúng được tìm thấy tại nhiều nơi trên khắp thế giới, bao gồm Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Úc và Đông Nam Á.
Mức độ chăm sóc | Dễ |
Yêu cầu ánh sáng | Trung bình thấp |
Yêu cầu CO2 | Không cần |
Màu sắc | Xanh lá |
Vị trí trồng | Hậu cảnh |
Chiều cao | 25 – 100 cm |
Loại cây | Cỏ thủy sinh |
Đặc điểm của hẹ nước
Hẹ nước là loài cây thủy sinh có dạng cỏ cao. Lá cây dài, có thể có hình dạng xoăn hoặc thẳng tủy loại hẹ.
Hẹ nước có thể sống được cả trong nước ngọt và nước lợ.
Chúng có thể mọc khá cao, thường cây sẽ đạt chiều cao 25-40 cm trong bể hoặc có thể thậm chí là cao hơn. Do có chiều cao lớn nên cây sẽ phù hợp để trồng hậu cảnh.
Các loại hẹ nước phổ biến
Hẹ nước là loài cây thủy sinh phổ biến. Hơn nữa, hẹ nước cũng có nhiều loại để bạn có thể chọn trồng sao cho phù hợp với bể của mình. Hiện nay có 3 loại hẹ nước bạn có thể mua là:
1. Hẹ thẳng (Vallisneria americana)
Hẹ thẳng là loại hẹ thủy sinh phổ biến nhất. Chúng có dạng cỏ cao với 10-15 lá mọc ra từ thân. Lá hẹ thẳng rộng khoảng 2-3cm với chiều cao lên tới 1 mét hoặc hơn. Cây có màu xanh sáng.
Do hẹ thẳng có kích thước lớn, loài cây này chỉ phù hợp cho những bể cá lớn hoặc cao.
Hẹ thẳng phát triển nhanh nhưng sẽ mọc lan không nhanh bằng các loại hẹ khác. Chúng cũng thích nước ấm hơn một tẹo.
2. Hẹ xoắn (Vallisneria torta)
Hẹ nước lá xoắn là loài cây thủy sinh lạ. Giống như hẹ thẳng, chúng cũng có thể mọc khá cao, lên tới 50cm.
Hẹ lá xoắn nhờ vào hình dạng lá đặc biệt mà nhìn có vẻ như sẽ tạo thành bụi cây dày hơn so với các loại hẹ khác.
3. Cỏ cọp (Vallisneria nana)
Nếu bạn không có bể cá to thì bạn có thể cân nhắc trồng cỏ cọp – một dạng hẹ nước thủy sinh. Chúng có lá nhỏ, chỉ khoảng 1cm, nhìn khá giống với cỏ thìa. Điểm khác biệt là chúng có thể mọc cao hơn, lên tới hơn 20 cm.
Cỏ cọp phù hợp để trồng trung cảnh hoặc là hậu cảnh trong những bể cá nhỏ.
Cách chăm sóc cho hẹ nước
Hẹ nước là loài cây sống khỏe, mọc nhanh. Tuy vậy chúng vẫn có thể chết nếu không được chăm sóc cẩn thận.
Cách trồng hẹ nước
Trồng hẹ nước khá dễ. Khi mua hẹ nước thì chúng thường được gói bằng một lớp bông nhỏ ở phần gốc và đặt vào trong cốc.
Khi mua về bạn hãy dỡ cốc ra, khi đó bạn có thể thấy phần rễ cây. Khi đó bạn hãy rửa qua cây với nước chảy nhẹ và tìm xem có ốc hại bám vào cây không.
Tiếp theo bạn hãy chọn chỗ để trồng cây. Hẹ nước tốt nhất được trồng ở phía sau và ở góc bể. Lý do là bởi khi cây mọc cao chạm mặt nước cây sẽ tiếp tục mọc dài song song với mặt bể. Trồng ở phía góc sẽ giúp cây có thêm không gian hơn.
Khi trồng cây, bạn hãy vùi phần rễ xuống dưới nền và để phần gốc có nhánh lá ở phía trên, tránh vùi gốc quá sâu.
Cây thường chỉ cần 1-2 tuần để có thể làm quen với nước và bắt đầu phát triển rễ. Bạn sẽ thấy cây bắt đầu phát triển nhanh hơn vào tuần thứ 2 hoặc 3 trở đi.
Ánh sáng
Mặc dù hẹ thủy sinh là loài cây có thể sống được ở điều kiện ánh sáng thấp, đó không phải là môi trường sống lý tưởng cho cây.
Cây sẽ sống khỏe và phát triển tốt nhất ở điều kiện ánh sáng trong bình cao. Khi trồng trong điều kiện ánh sáng thấp, cây sẽ mọc thưa và cao hơn, để có thể tiếp cận được ánh sáng.
Ánh sáng mạnh sẽ giúp cây mọc dày, tạo màu xanh tươi hơn.
Nhiệt độ, độ cứng và pH
Nhiệt độ: Hẹ nước có thể sống tốt ở mọi điều kiện nhiệt độ để nuôi cá cảnh nhiệt đới thông thường, vào khoảng 20 – 28 °C. Cây có thể sống được ở nhiệt độ thấp đến 15 °C và cao đến 30 °C.
Độ pH: Độ pH lý tưởng để trồng cây là vào khoảng 6.5-8.0. Cây không thích nước mang tính axit quá cao.
Độ cứng. Hẹ nước có thể sống được trong cá nước cứng lẫn nước mềm. Độ cứng lý tưởng để trồng cây là vào khoảng 70 – 300 ppm.
CO2
Hẹ nước không cần CO2 để sống và phát triển. Tuy vậy, giống như mọi loại cây thủy sinh khác, nếu có thêm CO2 thì cây sẽ mọc rậm và xanh hơn.
Bộ nền
Hẹ nước có thể nói là một trong những loại cây thủy sinh ít đòi hỏi nhất. Chúng có thể mọc trong mọi bộ nền. Bạn có thể sử dụng nền sỏi, cát hoặc phân nền.
Hẹ nước có thể lấy dinh dưỡng từ cả bộ nền và từ nước. Tuy rằng bộ nền có dưỡng sẽ giúp cây mọc tốt hơn nhưng sẽ không cần thiết lắm.
Khi trồng cây trong cát, chúng sẽ mọc lan chậm hơn.
Dinh dưỡng
Cây có thể sống tốt trong điều kiện nghèo dưỡng, miễn là bể có ốc, cá hoặc các loài khác có thể tạo chất thải, cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên cho cây thêm phân nước trong trường hợp cây bị chậm lớn hoặc không phát triển.
Ngoài phân nước thì bạn cũng có thể sử dụng phân nhét. Phân nhét sẽ giúp nhả dưỡng từ từ và bạn sẽ không cần phải châm phân nhét thường xuyên như phân nước.
Cách tỉa hẹ nước
Khi hẹ nước mọc lên đến mặt nước, chúng vẫn sẽ tiếp tục dài thêm ra và có thể che sáng các cây còn lại trong bể.
Đó là lý do bạn có thể tỉa hẹ nước nếu bể bạn có trồng các loại cây khác.
Tỉa khả đơn giản, bạn chỉ cần dùng kéo cắt phần lá quá dài là được. Lá cây bị cắt sẽ lành lại một tẹo và không phát triển cao thêm nữa. Thay vì đó, cây sẽ mọc lá con mới ở phần gốc.
Các vấn đề thường xảy ra khi trồng hẹ nước
Khi trồng hẹ nước bạn có thể gặp một số vấn đề có thể kể đến là:
Cây bị vàng lá: Trong trường hợp này thì có thể là do cây bị thiếu sắt hoặc là bị chiếu sáng quá ít. Bạn hãy thử châm thêm phân nước tổng hợp cho bể và cung cấp thêm ánh sáng cho bể.
Cây bị rữa: Cây có thể bị rữa thân nếu bị vùi quá sâu xuống dưới nền. Ngoài ra thì cây cũng sẽ nhạy cảm với nitrate và thay đổi CO2 trong nước. Trong một số trường hợp, CO2 lỏng thủy sinh cũng sẽ làm cây bị rữa lá.
Ngoài ra, đôi khi lá cây cũng có thể bị rữa sau khi vừa mới trồng vào bể. Lý do chủ yếu là cây đang bị sốc nước và cần thời gian để làm quen với môi trường mới.
Nếu gốc cây khỏe mạnh thì bạn chỉ cần giữ cho bể ổn định thì cây sẽ có thể bình phục trở lại.
Kết lại
Hẹ nước là một trong những loại cây thủy sinh tốt nhất dành cho người mới cũng như là người đã có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt nếu bạn thích rừng cây hay những thảm cỏ cao trong bể thì bạn không thể bỏ qua loài cây được.
Thậm chí mình nghĩ giết loài cây này còn khó hơn là chăm chúng. Chỉ có vấn đề bạn cần lưu ý là hẹ nước phát triển nhanh, mạnh và lan rộng. Vậy nên đôi khi chúng có thể xâm chiếm không gian các loài cây khác và che sáng của chúng. Vậy nên bạn cần có biện pháp kiểm soát và cắt tỉa để kiểm soát loài cây này.