aquasetup

Rêu chùm đen bể cá: nguyên nhân và cách xử lý

Mục lục

Rêu chùm đen

Bể cá của bạn đang xuất hiện những cụm rêu màu đen như thế này? Hầy hết rêu đều có màu xanh, một số loại rêu còn nhìn khá là đẹp nếu mọc trong bể. Tuy nhiên, rêu chùm đen thì lại không như vậy. Chúng có vẻ ngoài xù xì đáng sợ khi chúng mọc khắp nơi trong bể, từ lũa, đá đến trên bề mặt lá cây. 

Trong số những loại rêu mình từng gặp thì rêu chùm đen có lẽ là một trong những loại rêu khó trị nhất. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà nhụt chí, vẫn có một số cách bạn có thể thực hiện để giải quyết loài rêu này. 

Rêu chùm đen là gì?

Rêu chùm đen

Rêu chùm đen có tên khoa học là Audouinella . Loài rêu này thuộc loại rêu đỏ và có thể mọc trong cả môi trường nước ngọt cũng như là nước mặn. 

Chúng nhìn giống như một chùm tóc màu đen, có thể mọc trên rìa lá cây, trên lũa, đá hoặc các loại đồ trang trí khác. Ngoài màu đen, rêu còn có thể có màu xanh đậm, đỏ đậm. Rêu chùm đen thích mọc tại những khu vực có dòng chảy mạnh, tuy vậy chúng vẫn có thể mọc trong những bể có dòng chảy chậm. 

Nguyên nhân khiến rêu chùm đen mọc trong bể

Giống như mọi loài rêu hại khác, rêu chùm đen là vấn đề xảy ra khi bể bạn đang không ổn định, có thể là bị dư thừa dinh dưỡng. Rêu chùm đen sẽ sử dụng dinh dưỡng dư thừa đó để phát triển, xâm chiếm bể cá trong thời gian ngắn. 

Nguyên nhân khiến cho rêu chùm đen xâm chiếm bể là do chất lượng nước xấu, quá nhiều dinh dưỡng, thiếu hoặc CO2 không ổn định, quá nhiều ánh sáng hoặc tổng hợp tất cả nguyên nhân trên. 

Nếu bạn không hút cặn đáy bể và thay nước thường xuyên thì sẽ có nhiều dinh dưỡng tích tụ trong bể. Những loại chất thải hữu cơ đó sẽ phân hủy, sản sinh nitrate vào trong bể. Cây cối thủy sinh và rêu hại đều sử dụng nitrate để lấy dinh dưỡng phát triển. Nếu cây thủy sinh trong bể của bạn không thể tận dụng được nguồn nitơ dư thừa này thì rêu hại sẽ mọc lên để cân bằng lại lượng dinh dưỡng dư thừa đó. Bạn cũng lưu ý là nuôi quá nhiều cá là cách dễ nhất để khiến chất thải hữu cơ tích tụ nhanh chóng trong bể. 

Thông thường thì khá ít người nuôi cá mà có sử dụng CO2. Nếu bể cá của bạn bị thiếu CO2 thì rêu sẽ lấy carbon từ HCO3- dễ hơn so với cây thủy sinh. Rêu chùm đen có thể tách carbon khỏi ion hydro carbonat, tạo ra ion hydroxit, làm tăng pH. Rêu chùm đen khi đó tạo ra quả trình khử canxi sinh học, tạo ra CaCO3, sau đó rêu có thể sử dụng chất này để củng cố thành tế bào. Quá trình này giúp cho rêu chùm đen khó trị hơn và các loài ăn rêu khó xử lý rêu chùm đen hơn so với các loại rêu hại khác. 

Rêu chùm đen có hại không?

Rêu chùm đen không có hại cho cá, tép thủy sinh. Tuy nhiên, khi rêu chùm đen phát triển quá mạnh thì rêu có thể che hết sáng của cây và khiến cho cây thủy sinh không thể quang hợp được.

Cách để xử lý rêu chùm đen

Có nhiều cách để diệt rêu, bạn cần lưu ý rằng những phương pháp này chỉ là giải pháp tạm thời, nếu bạn không điều trị tận gốc nguyên nhân gây rêu hại thì rêu chùm đen sẽ xuất hiện trở lại.

1.Sử dụng CO2 lỏng thủy sinh

Khác với nhiều người nghĩ, CO2 lỏng không phải là loại phân bón CO2 cho cây thủy sinh. Thay vì đó, tác dụng chính của loại thuốc này là để hạn chế rêu hại trong bể. 

Sử dụng CO2 lỏng thủy sinh có thể giúp bạn kiểm soát vấn đề rêu chùm đen cũng như các loại rêu hại khác.

Có hai cách để bạn có thể sử dụng CO2 lỏng, đó là bơm trực tiếp vào bể hoặc dùng để ngâm.

Nếu bạn không thể nhấc lũa, đá bị dính rêu hại ra ngoài thì bạn nên sử dụng phương pháp đầu tiên. Bạn có thể sử dụng xi lanh để bơm trực tiếp thuốc vào khu vực bị rêu theo liều lượng khuyên dùng của nhà sản xuất.

Nếu bạn có thể nhấc lũa hoặc đá bị rêu hại ra ngoài thì bạn có thể thực hiện biện pháp ngâm thuốc. Để làm vậy thì bạn cần:

  • Cho gấp đôi lượng thuốc khuyên dùng vào trong một xô nước.
  • Ngâm lũa, đá có rêu trong đó trong vòng 24 tiếng.
  • Rửa sạch, thay nước, đổ thuốc và lại ngâm tiếp trong vòng 24 tiếng.

Bằng cách này bạn có thể giết được rêu chùm đen. Nếu bạn sử dụng cách này cho cây thủy sinh thì bạn cần đảm bảo cây không nhạy cảm với CO2 lỏng thủy sinh.

2. Sử dụng oxy già

Oxy già nồng độ 3% có thể được sử dụng để diệt rêu chùm đen. Lượng oxy già an toàn để sử dụng cho bể cá là vào khoảng 1ml cho mỗi 2 lít nước.

Giống như CO2 lỏng thủy sinh, bạn có thể sử dụng xilanh để bơm trực tiếp oxy già vào rêu chùm đen. Bạn cần phải tắt lọc khi xịt oxy già và chỉ bật sau ít nhất 15 phút sau khi diệt rêu. 

Lý do là bởi oxy già có thể giết hệ vi sinh trong lọc. 

Nếu bạn sử dụng đúng liều lượng, oxy già sẽ không làm hại đến cây thủy sinh. Tuy nhiên, đôi khi oxy già có thể làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh trong bể của bạn. Đó là lý do bạn nên châm thêm vi sinh tầm khoảng 1-2 ngày sau khi trị rêu.

Đối với những bể to hơn và có nhiều khu vực bị rêu hơn bạn có sử dụng bình xịt. Trước đó bạn hãy rút nước cho đến khi mực nước qua khu vực bị rêu. Sau đó bạn hãy xịt trực tiếp oxy già vào đó. Sau đấy, đợi khoảng 5 phút trước khi đổ nước lại vào trong bể.

Một cách nữa bạn cũng có thể sử dụng là ngâm đá hoặc lũa trong oxy già. Nếu thành công, bạn sẽ thấy oxy già làm cho rêu chùm đen nổi bọt bong bóng và dần chuyển hồng. Sau đó, bạn có thể dễ dàng cọ đi bằng bàn chải. Hoặc bạn chỉ cần đặt lại rêu vào trong bể, chúng sẽ tự rữa dần trong vài ngày sau.

3. Nuôi các loài ăn rêu

Chỉ có một số loài có thể xử lý được rêu chùm đen. Loài cá ăn rêu chùm đen tốt nhất là cá bút chì. Cá bút chì có thể ăn được rêu chùm đen cũng như nhiều loại rêu hại khác. Tuy nhiên, vấn đề là loài cá này có thể đạt kích thước khá lớn. Cá bút chì trưởng thành có thể lớn hơn 15cm. Khi bạn cho cá ăn quá no thì chúng cũng sẽ từ chối không ăn rêu nữa. 

Các loài ăn rêu khác bạn có thể nuôi thử là tép amano và ốc nerita.

Cách để ngăn rêu chùm đen quay trở lại

Dù bạn đang cố loại bỏ rêu chùm đen hoặc vừa mới làm bể, biết cách chăm sóc cho bể cá sẽ giúp bạn tiết kiệm vô số thời gian và công sức về sau này. 

Chăm sóc định kỳ cho bể cá

Chăm sóc định kỳ nghe qua có vẻ khá mệt đúng không? Tuy nhiên, nếu bạn chăm chỉ chăm sóc bể cá thì bạn sẽ loại bỏ nhiều vấn đề trước khi chúng xảy ra, cây cối và cá thủy sinh sẽ có thể sống khỏe hơn. 

Trong thời gian bể cá của bạn mới làm, bạn cần phải thay 20% lượng nước trong bể hai lần một tuần, kết hợp với hút cặn đáy bể. Hàng tháng bạn nên rửa lại vật liệu lọc với nước từ bể cá hoặc nước sạch được khử clo để tránh làm chết vi sinh. 

Một khi bể đã được ổn định thì bạn có thể giảm số lần thay nước xuống. Bạn có thể thay từ 10–15% lượng nước bể mỗi tuần hoặc hai tuần một lần tùy thuộc vào số lượng cá nuôi trong bể. 

Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể cá. 

Bước thay nước sẽ giúp bạn xử lý phân cá, thức ăn thừa cũng như các loại chất độc hại, dinh dưỡng dư thừa từ bể cá mà lọc không thể xử lý được

Sử dụng bộ lọc tốt

Bộ lọc không đủ tốt là một trong những nguyên nhân chính khiến cho rêu chùm đen xuất hiện.
Bộ lọc không đủ lớn sẽ không thể xử lý hết được phân cá, thức ăn dư thừa cũng như các loại chất thải hữu cơ khác. Hệ vi sinh trong bộ lọc cũng không có đủ chỗ để sinh sống, cộng với việc bể cá bị thiếu dòng chảy, vi sinh sẽ không thể phát triển đủ để xử lý các loại chất gây hại cho bể cá. 

Đối với những loại bể bé từ 50cm trở xuống thì bạn nên sử dụng loại lọc treo hbl hoặc xbl. Với những bể lớn hơn thì bạn nên sử dụng lọc thùng. 

Chiếu sáng vừa đủ

Chiếu sáng quá nhiều là lỗi sai nhiều người mắc phải. Có thể là do bạn bật đèn quá nhiều hoặc cũng có thể là do bạn để bể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Khi được chiếu sáng nhiều, cộng với dinh dưỡng dư thừa thì rêu hại, đặc biệt là rêu chùm đen sẽ phát triển không kiểm soát. 

Bạn nên có một chiếc đèn có thể hẹn giờ, hoặc là mua ổ cắm hẹn giờ cho đèn để có thể dễ dàng kiểm soát thời gian chiếu sáng hơn. Bạn chỉ nên chiếu sáng cho bể từ 6-8 tiếng một ngày. Đối với những bể vừa mới làm thì bạn chỉ nên chiếu sáng bằng nửa quãng này trong vài tuần đầu cho đến khi bể ổn định. 

Cường độ chiếu sáng cũng quan trọng đến việc kiểm soát rêu. 

Trồng nhiều cây thủy sinh

Cây thủy sinh là giải pháp hiệu quả để phòng tránh rêu hại. Giữ cho cây thủy sinh khỏe mạnh thì chúng sẽ phát triển, hấp thụ hết dinh dưỡng dư thừa, từ đó có thể cắt nguồn thức ăn của rêu hại. 

Bể trồng nhiều cây, kết hợp với ánh sáng, CO2 ổn định cùng với thêm phân bón, cắt tỉa định kỳ sẽ ít khi hoặc không bao giờ có rêu. Bạn có thể trồng các loại cây phát triển nhanh như là cây cắt cắm, rong hoặc bèo để có thể kiểm soát rêu tốt hơn. 

Xem thêm: Các loại cây lọc nước

Kết lại

Rêu chùm là vấn đề thường gặp trong mọi bể cá cảnh. Mầm rêu luôn có trong bể cá, chúng chỉ cần đợi có môi trường phù hợp để bùng phát. Cách tốt nhất để bạn có thể kiểm soát rêu hại là kiểm soát dinh dưỡng, ánh sáng cũng như dòng chảy trong bể bằng các cách mình đưa ra trong bài viết này. Đồng thời, nếu rêu quá cứng đầu thì bạn có thể cân nhắc sử dụng oxy già hoặc là CO2 thủy sinh lỏng để giết rêu. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *