Nếu bể cá của chúng ta không được chăm sóc đúng cách thì có thể sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Một trong số đó là nhớt bể cá. Nhớt là vấn đề kể cả đối với người mới nuôi hoặc người nuôi lâu năm cũng gặp phải. Chúng có thể đến từ nhiều nguyên nhân và cũng có thể là dấu hiệu cho những vấn đề có thể xảy ra. Cách để xử lý nhớt là xác định loại nhớt và nguyên nhân dẫn đến nó thay vì chỉ điều trị triệu chứng.
Đối với hầu hết vấn đề về nước bể cá, mình luôn khuyên bạn nên đầu tiên xác định vấn đề bằng cách kiểm tra chất lượng nước bằng một bộ kit test nếu có thể. Bộ test nước giống như bác sĩ cho bể cá vậy. Chúng có thể giúp xác định chính xác vấn đề bạn đang gặp phải trong bể. Thông thường có 4 loại test chính là kiểm tra mức độ ammonia, nitrite, nitrate và ph – kiểm tra lượng phosphate cũng quan trọng trong việc điều trị rêu hại. mình sẽ nói rõ hơn các thông số nước ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề và cách bạn có thể giải quyết nó.
Công việc đầu tiên là xác định loại nhớt có trong bể của bạn là loại nhớt gì. Chúng ta sẽ xác định bằng ngoại hình. Nhớt có màu gì? – đỏ, xanh, đen, nâu, trắng? Chúng có hình dạng như thế nào? – Giống thảm, lớp phủ mỏng, bụi mờ? Vị trí của chúng ở đâu? – Mọi nơi, chỉ ở góc bể?…
Bây giờ hãy đến với loại nhớt đầu tiên
1. Nhớt rêu xanh
Chúng dày, trải trên bề mặt cây hoặc đá,.. như một tấm thảm, thường có bong bóng xuất hiện bên dưới và có thể dễ dàng bị cọ đi. Chúng thường có màu xanh đậm (trong bể nước ngọt) hoặc đỏ đậm (trong bể nước mặn).
Mọi người thường nhầm loại nhớt này với rêu và gọi nó là rêu nhớt xanh. Thực tế, chúng là một loài vi khuẩn tên là Cyanobacteria (thường được gọi là cyano). Cyano là một loại vi khuẩn tự sản sinh thức ăn và sống theo quần thể – lớn đến mức bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chính những quần thể này là nguyên nhân gây nên rêu nhớt xanh cho bể cá. Chúng không nhất thiết phải có màu xanh đậm mà có thể có màu đen hoặc hơi ngả xanh dương, hoặc đỏ đậm trong các bể cá nước mặn.
Điều đầu tiên người nuôi cá muốn làm khi thấy loại rêu này là ngay lập tức xử lý chúng. Tuy vậy, để làm thể thì bạn cần phải xác định và xử lý gốc của vấn đề thay vì chỉ xử lý phần ngọn. Nếu bạn cứ ném bừa thuốc vào bể thì cũng sẽ có thể xử lý được chúng trong thời gian ngắn nhưng rêu nhớt sẽ quay lại tệ hơn. Cyano xảy ra thường do những nguyên nhân sau:
Lượng Nitrate(NO3-)/chất hữu cơ phân hủy cao:
- Đây là hai yếu tố đi kèm với nhau, Nitrate và chất hữu cơ phân hủy là thức ăn cho vi sinh cũng như rêu tảo. Nguồn các chất này đến từ thức ăn thừa, phân cá, vụn cây,..
- Vi khuẩn cyano: cyano bùng phát do nguyên nhân này sẽ lớn dần ở mọi nơi trong bể mà có ánh sáng và sẽ có độ dày lớn.
- Cách xử lý: Cách xử lý tốt nhất là thay nước thường xuyên, cung cấp dòng chát tốt cho bể. Đồng thời, hãy chú ý đến cách bạn cho cá ăn, hãy chỉ cho cá ăn ngày một lần. Nếu bạn muốn cho ăn ngày hai lần thì hãy chia nhỏ lượng thức ăn ra, tránh cho ăn nhiều trong một lần, gây lượng thức ăn thừa bị lắng dưới đáy bể.
Lượng Phosphate cao
- Cũng giống như Nitrate, Phosphate cao có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, có thể đến từ nguồn thức ăn cho cá, hoặc từ nguồn nước. Nếu bạn sử dụng nước máy thì hãy kiểm tra nước trước khi cho vào bể.
- Vi khuẩn cyano: Hình dáng sẽ giống như dư thừa Nitrate
- Cách xử lý: thay nước thường xuyên với nước không có phosphate. Nếu nguồn nước bạn sử dụng có phosphate cao và bạn có điều kiện thì hãy lắp một bộ lọc nước RO/DI. Hệ thống lọc này sẽ lọc hết tạp chất có trong nước (bao gồm phosphate, nitrate và doc). Nếu bạn đã có sẵn bộ lọc thì nhớ thay lõi lọc thường xuyên .
Dư thừa ánh sáng
- Như mọi người cũng đã biết, ánh sáng cao và dư thừa ánh sáng sẽ thúc đẩy rêu hại cũng như một số loại vi khuẩn phát triển. Từ khi chúng ta thay đèn huỳnh quang bằng đèn led thì vấn đề này trở nên ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn sử dụng đèn huỳnh quang thì hãy kiểm tra tuổi thọ bóng đèn. Quang phổ của đèn sẽ thay đổi khi đèn sử dụng lâu, cụ thể hơn là ánh sáng sẽ vàng hơn, tạo điều kiện cho rêu hại và cyano phát triển.
- Vi khuẩn cyano: Trong trường hợp này, bạn sẽ thấy nhớt xanh hình thành ở nơi sáng nhất và được chiếu sáng trực tiếp, càng xuống dưới đáy bể, lượng nhớt càng mỏng và ít dần.
- Cách xử lý: Giảm thời lượng chiếu sáng của đèn, thay bóng đèn huỳnh quang nếu bạn đang sử dụng chúng.
Dòng chảy kém
- Trong trường hợp này, bạn sẽ chỉ thấy rêu nhớt xanh ở một số nơi nhất định trong bể như góc bể bị che bởi gỗ hoặc đá. Tại những khu vực đó, dòng chảy bị hạn chế và rác thải có thể bị tích tụ lại và lọc không thể hút được chúng. Lượng chất thải này tạo nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn cyano.
- Cách xử lý: Sắp xếp lại bể hoặc sử dụng lọc có công suất mạnh hơn.
Xem thêm: so sánh lọc hbl và xbl: đâu là loại lọc tốt hơn
2. Nhớt tảo nâu
Chúng có hình dạng mỏng, có màu nâu, bám trên các bề mặt trong bể, đặc biệt là trong các bể mới làm (dưới 4-6 tuần tuổi) hoặc các bể mới được thay lượng nước lớn.
Một vài tuần sau khi bể được làm (sau khi cho đá, cá hoặc vi sinh), bạn sẽ thấy một lớp nhớt màu nâu bao phủ bề mặt kính, nền hoặc đá trong bể. Lớp tảo này có thể được cọ dễ dàng và giảm ánh sáng dường như không ảnh hưởng đến chúng.
Tảo nâu là loại tảo đơn bào, chúng phát triển vào cuối chu kỳ cycle bể cá, lúc mà dinh dưỡng trong bể vẫn chưa được cân bằng và sẽ tự biến mất sau một khoảng thời gian khi bể được ổn định.
Cách xử lý: Hãy đợi! nghe có vẻ buồn cười nhưng cách xử lý loại tảo này là kiên nhẫn chờ. Một khi quá trình cycle bể kết thúc thì loại tảo nâu này sẽ tự động biến mất. Bạn có thể cạo thành bể để dọn loại tảo này nhưng hãy tránh thay nước nhiều hoặc thêm thuốc diệt tảo trong quá trình này, việc này chỉ làm cho thời gian bể ổn định lâu hơn và tảo nâu có thể sẽ tiếp tục quay lại. Hầu hết bể cần 4-8 tuần để ổn định, tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ và kích thước bể.
Loại nhớt này khá dễ xử lý, bạn có thể nuôi tép, ốc nerita hoặc cá bút chì, cá pleco để chúng xử lý loại rêu này.
3. Nhớt trắng
Chúng có hình dạng như nấm mọc, bao bọc xung quanh một vật nhất định trong bể (thường là lũa).
Loại nhớt này thường là dấu hiệu cho nấm hoặc sự phân hủy chất hữu cơ. Nếu nhớt có màu trắng và trong suốt thì đó là nấm. Lý do xảy ra là các đồ vật đặt bên ngoài không khí lâu và chúng đã tiếp xúc với các bào tử nấm trong không khí. Nếu có thể, bạn hãy bỏ các vật đó ra ngoài bể và cọ với nước ấm.
Lũa rất hay bị nhớt trắng khi được cho vào bể và thường sẽ tự hết sau một khoảng thời gian.
Nếu nhớt trắng đục hơn và có thể dễ cọ đi thì tức là trong bể có gì đó đang phân hủy. Nếu đó là xác cá hoặc các loài khác gì ngay lập tức vớt chúng ra ngoài, nếu không vớt ra chúng sẽ tiếp tục phân hủy và giải phóng các chất có hại ra nước. Nếu đó là gỗ đang phân hủy thì bạn thử bỏ chúng ra và cọ rửa nhưng nếu chúng vẫn cứ tiếp tục rã ra thì loại gỗ đó không an toàn cho bể, bạn cũng nên thay luôn loại gỗ đó đi.
Kết luận
Bên trên là các loại nhớt thường gặp trong bể cá nhưng sẽ vẫn còn thiếu nhiều trường hợp mà bạn có thể gặp. Mình sẽ tiếp tục cập nhật thông tin nếu biết được thêm các loại nhớt khác và cách xử lý chúng.