Bể cá nhà bạn đang bị màng trên bề mặt nước? Hoặc liệu bạn đang tìm hiểu xem lọc váng có cần thiết cho bể cá không?
Lọc váng là loại lọc bụi, cặn bẩn và các loại chất thải khác ở trên bề mặt nước mà lọc chính không thể hút được.
Trong bài viết này mình sẽ nói về các điều bạn cần biết về lọc váng, các loại lọc, và cách dùng chúng đúng cách.
Các loại lọc váng
Hiện lọc váng có thể chia làm hai loại, đó là váng kết hợp với lọc chính. Hai là loại lọc váng lắp riêng ngoài.
Loại lọc váng kết hợp với lọc chính thì thường sẽ có ở lọc treo hoặc là lọc thác.
Lọc váng lắp riêng ngoài sẽ có lực hút mạnh vậy nên sẽ phù hợp hơn cho những bể cá lớn hơn.
Chức năng của lọc váng
Khi nuôi cá lâu, thức ăn thừa kèm với phân cá có thể bị tích tụ, từ đó làm bẩn nước. Các loại chất bẩn này, thường là cặn protein sẽ bị đóng lại phía trên mặt nước.
Váng mặt bể cũng có thể được làm từ vi khuẩn và rêu.
Lọc váng có tác dụng xử lý các loại váng bẩn này kèm với các loại cặn, bụi bẩn khác nổi phía trên mặt nước.
Ngoài ra, lọc váng sẽ có chức năng khác là làm động mặt nước, giúp cung cấp thêm oxy cho bể.
Bạn có cần phải sử dụng lọc váng cho bể không?
Đôi khi, bạn có thể trên mặt bể xuất hiện một lớp màng mỏng, có thể nhìn giống màng mỡ.
Khi trường hợp này xảy ra thì bạn đừng nên quá lo lắng vội. Đây là tình trạng thường thấy ở bể cá cảnh, đặc biệt là khi bể của bạn không có dòng chảy tốt hoặc nuôi nhiều cá.
Loại váng này sẽ không trực tiếp gây hại cho bể. Tuy nhiên, nếu lớp váng quá lớn thì chúng có thể tạo màng ngăn không cho bể trao đổi Oxy với không khí. Nếu bể của bạn nuôi nhiều cá thì cá có thể bị thiếu oxy.
Bể cá không nhất thiết phải có lọc váng, có nhiều cách khác để bạn có thể loại bỏ váng bề mặt nước và cung cấp thêm oxy cho cá.
Tuy nhiên, lọc váng có thể giúp ích trong trường hợp bể bị bụi bẩn hoặc váng quá nhiều trên mặt nước hoặc dòng chảy của lọc chính không hướng được lên phía trên mặt nước.
Về lọc váng đi kèm lọc thác/ lọc treo
Mình không thích sử dụng lọc váng đi kèm lọc thác hay lọc treo lắm.
Lý do là bởi loại lọc này đi kèm với lọc chính. Chúng sẽ hút rất nhiều không khí vào trong lọc, từ đó có thể khiến lọc chính bị air. Ngoài ra, lọc váng cũng có thể khiến cho dòng chảy của lọc chính bị yếu.
Các cách khác để loại bỏ váng mặt nước
Váng nhìn giống như váng dầu trên mặt bể cá được tạo từ màng sinh học. Chúng là sự kết hợp giữa vi khuẩn, tảo, rêu, các loại sinh vật đơn bào khác, cùng với chất kết dính là polysaccharides (vi khuẩn và các loại rêu tảo dùng chất này làm năng lượng để sống).
Váng dầu có thể được tạo bởi nhiều nguyên nhân, có thể kể đến là:
- Thức ăn thừa cho cá
- Chất thải từ cá
- Cây cối thủy sinh chết
- Các loại chất thải hữu cơ khác phân hủy
Các vấn đề này đều tồn tại ở đa số bể cá, vậy tại sao một số bể lại có váng trong khi một số bể khác lại không?
Các cách tự nhiên bạn có thể sử dụng để loại bỏ váng mặt nước.
1. Làm động mặt nước
Váng sẽ không thể hình thành trên mặt nước động được. Đó là lý do váng thường xuất hiện tại những bể có nước tù như là bể nuôi cá betta.
Bạn có thể trang bị cho bể thêm một chiếc lọc thác hoặc là hướng đầu out của lọc chính lên phía trên mặt nước.
Khi mặt nước bể cá động nhiều thì lớp váng trên đó cũng không thể hình thành được.
2. Xịt oxy già
Nhiều người có sử dụng oxy già để loại bỏ váng trên mặt nước.
Lưu ý: Tránh tiếp xúc oxy già với da, mắt hoặc quần áo. Bạn nên đeo kính trước khi xịt oxy già lên mặt nước.
Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần cho oxy già (3%) vào lọ xịt nhỏ rồi xịt một tẹo lên lớp váng. Sau đó lớp váng sẽ bị tan đi nhanh chóng. Đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, bạn không nên sử dụng cách này về lâu dài.
3. Giảm bớt chất thải trong nước
Nếu tình trạng váng kéo dài lâu thì tức là nước bể đang ở trong tình trạng không tốt và cần can thiệp.
Điều đầu tiên bạn cần làm là xác định vấn đề gây nước bẩn. Đó có thể là bể nuôi quá nhiều cá, không được thay nước thường xuyên, hệ thống lọc không đủ lớn hoặc không tốt, cho cá ăn quá nhiều, cây hoặc cá chết trong bể.
Nếu bộ lọc của bạn không đủ tốt thì bạn cần mua một bộ lọc mới hoặc nuôi ít cá, cho cá ăn ít đi.
Nếu bạn kiểm tra thấy cá, ốc hoặc tép chết trong bể thì bạn cần hút hoặc vớt chúng ngay ra khỏi bể.
Khi thức hiện các biện pháp giải quyết các vấn đề trên thì bạn cũng cần phải kết hợp với việc thay 10-15% nước trong bể và lặp lại hàng tuần. Bạn cũng nên hút cặn đáy bể để loại bỏ hoàn toàn chất thải hữu cơ bị đọng lại bên dưới.