Gỗ lũa là một phần quan trọng của nhiều hệ sinh thái thủy sinh, cung cấp thức ăn và chỗ trốn cho cá con, tép. Vậy nên không có gì lạ khi nhiều người muốn mang những lát cắt thiên nhiên nhỏ này vào bể cá tại nhà.
Tuy nhiên, việc đưa gỗ hoặc đá chưa qua xử lý vào hồ cá có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được thực hiện cẩn thận.
Gỗ lũa là gì?
Gỗ lũa khác với cành cây mà bạn tìm thấy ở trên mặt đất như thế nào? Tại sao nó lại phổ biến trong thú chơi cá cảnh như vậy?
Nói một cách đơn giản, lũa là bất kỳ mảnh gỗ nào bị sóng, thủy triều và/hoặc gió cuốn vào bờ từ một vùng nước. Nó rất thường được tìm thấy dọc theo các cạnh của hồ, sông và trên các bãi biển và bị bào mòn tự nhiên.
Ngoài ra, một phần lớn lũa trên thị trường hiện nay là lũa đã được xử lỷ thủ công.
Ở ngoài tự nhiên, lũa có thể cung cấp chỗ trú ẩn hoặc tạo nơi đẻ trứng cho các loài cá.. Khi đã lên bờ, lũa vẫn có thể là nơi trú ẩn cho nhiều loài chim và động vật không xương sống.
Trong bể cá cũng vậy, lũa có thể cung cấp chỗ trú cho cá, tép, góp phần vào bổ sung thêm cho hệ đa dạng sinh học của bể.
Ngoài ra, gỗ lũa tự nhiên có chứa chất tanin ngấm vào nước, tạo ra màu giống như nước trà. Tannin có thể giúp giảm pH nước, kháng khuẩn và hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho cá.
Xem thêm: Các loại lũa phổ biến cho bể thủy sinh
Các lầm tưởng về lũa thủy sinh
Bạn biết rằng bạn có thể sử dụng mọi loại gỗ khô tự nhiên miễn là chúng đã được phơi nắng trong khoảng thời gian dài và bay hết mùi rồi không? Lũa khô tự nhiên sẽ an toàn cho cá, tuy nhiên, có một số loại gỗ sẽ bị phân hủy trong nước nhanh, một số khác thì có thể sẽ không phân hủy và giữ hình dạng trong nhiều năm.
Dưới là các lầm tưởng về lũa:
- Nhiều loại gỗ tự nhiên có độc và có thể giết cá
- Bạn nên luộc gỗ để loại bỏ mầm bệnh và loại bỏ tannin
- Luộc lũa giúp chúng chìm tốt hơn
- Chỉ những loại gỗ cứng mới có thể được sử dụng cho bể thủy sinh
1. Một số loại gỗ tự nhiên có độc
Đúng thật là một số loại gỗ tự nhiên có độc như là gỗ thông hoặc tuyết tùng để xua đuổi côn trùng. Tuy nhiên, không có bất kì loại gỗ nào, bao gồm cả gỗ thông có thể giết cá khi với điều kiện gỗ đã chết và được phơi nắng trong vài tháng.
Dù một số loại cây có lá độc như là đào, đỗ quyên,.. gỗ của những loài cây này sẽ không có hoặc có rất ít độc. Cá phải ăn một lượng lớn gỗ mới có khả năng bị nhiễm độc. Và gần như không có loài cá nào ăn gỗ cả, trừ một số loại cá pleco.
Gỗ thông có chứa tinh dầu nhựa thông. Loại tinh dầu này độc đối với cá những sẽ dễ bay hơi. Cây tuyết tùng cũng có chứa Polyphenol giúp xua đuổi côn trùng nhưng loại chất này cũng dễ bay hơi. Các loại chất độc trong gỗ/lũa chết sẽ biến mất hết nếu được phơi dưới ánh năng mặt trời trong thời gian dài.
2. Bạn nên luộc gỗ để loại bỏ mầm bệnh và xử lý tannin
Nhiều người hay luộc gỗ để xử lý mầm bệnh và loại bỏ tannin bởi họ không muốn lũa giải phóng tannin vào trong nước. Về vấn đề mầm bệnh thì bạn không nhất thiết phải làm vậy bởi các loại cá cảnh bạn cho vào trong bể sẽ chứa nhiều mầm bệnh hơn nhiều so với lũa/ gỗ.
Luộc gỗ có thể giúp loại bỏ tannin nhưng chỉ có thể xử lý được tannin ở lớp ngoài của gỗ mà thôi. Tannin tại lớp trong của gỗ vẫn sẽ tiếp tục nhả vào nước bể trong một hoặc vài tháng tiếp theo.
Chưa kể rằng luộc gỗ có thể làm vỡ cấu trúc của gỗ và khiến cho gỗ mềm hơn. Vậy nên luộc gỗ đôi khi có thể khiến cho gỗ bị mòn, rữa nhanh hơn.
3. Luộc lũa để giúp lũa chìm
Để lũa có thể chìm được thì chúng cần phải được ngâm nước trong khoảng thời gian dài. Luộc lũa có thể giúp một phần nhỏ, tuy vậy sẽ không hiệu quả lắm.
Như đã nhắc đến bên trên, luộc lũa có thể khiến cho chúng bị mềm, đôi khi có thể khiến cho lũa bị phân ủy trong nước nhanh hơn.
4. Bạn chỉ có thể sử dụng gỗ cứng cho bể cá
Đúng là một số loại gỗ sẽ phân hủy nhanh hơn trong nước, tuy nhiêu, việc lũa phân hủy nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào độ cứng của lũa. Thay vì đó chúng phụ thuộc vào lượng axit tannin có trong lũa và lũa đã chết được bao lâu. Bạn khó có thể xác định được lũa sẽ có thể giữ hình dạng trong bể cá được bao lâu.
Bạn hoàn toàn vẫn có thể sử dụng được mọi loại lũa tự nhiên được phơi khô, miễn là chúng đã bay hết mùi. Tuy nhiên, nếu lũa phân hủy trong nước quá nhanh và bị lên mùi thì bạn cần phải nhấc lũa ra khỏi bể.
Vậy nên nếu bạn thấy một thanh gỗ đẹp ngoài tự nhiên thì bạn chỉ việc cầm về, xử lý và cho vào bể cá mà thôi.
Cách tự làm lũa hồ thủy sinh
Đầu tiên, bạn sẽ cần phải suy nghĩ về cách bố trí bể cá của bạn.
Bạn không nên chọn một khúc gỗ khổng lồ, chiếm phần lớn không gian bơi lội của cá. Thay vào đó, bạn chỉ nên chọn khúc gỗ đủ lớn, có hình dạng phù hợp cho bể.
Trước khi cho gỗ vào trong bể, bạn cũng có thể phác ra trước hình dáng gỗ định làm. Làm vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức hơn, giúp bạn đỡ phải mày mò tìm cách ghép gỗ để ra hình đẹp vừa ý.
Lợi ích của việc mua lũa ngoài cửa hàng là bạn có thể có những thanh lũa có hình dạng tốt, đã được chọn lọc và cũng có kích thước đa dang. Các thanh lũa nhặt ngoài tự nhiên nhiều khi sẽ bị thô, xấu và khó tìm hơn nhiều.
1. Nhặt lũa
Bạn cần phải thu thập lũa một cách chính xác để tránh các vấn đề phát sinh về sau này. Đầu tiên, hãy lấy gỗ ở nơi không bị ô nhiễm, không dầu loang hoặc nước nhiễm độc.
Khi nhặt gỗ cho bể thủy sinh thì bạn cần lưu ý:
- Bạn cần để ý đến hình dạng và kích thước của lũa. Lũa không nên quá to so với bể, lũa nhỏ tẹo cũng không sao bởi sau bạn có thể ghép các thanh lũa lại với nhau. Ngoài ra, các thanh lũa phân nhánh nhiều thường sẽ đẹp hơn.
- Để đề phòng sau này bạn muốn thay đổi, cắt sửa thì bạn nên thu thập nhiều một tẹo.
- Bạn nên để ý đến dấu hiệu của nấm mốc. Đôi khi đưa vào bể cá, nấm có thể phát triển và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của bể. Trong trường hợp lũa có nấm thì bạn vẫn có thể dùng được nếu xử lý trước, mình sẽ nhắc thêm ở bên dưới bài viết này.
- Bạn nên tránh sử dụng các loại gỗ tươi, đặc biệt là các loại gỗ của cây nhiều nhựa bởi nhựa cây có thể rò rỉ vào bể cá.
Gỗ cứng và gỗ mềm
Như đã nhắc đến bên trên, thời gian phân hủy của gỗ không thực sự phụ thuộc vào độ cứng của gỗ mà phụ thuộc vào loại lũa, thời gian chúng đã chết và lượng axit tannin có trong đó. Tuy vậy, mình vẫn thích dùng gỗ cứng hơn. Lý do là gỗ cứng sẽ đặc, do đó chúng sẽ chìm dễ hơn. Ngoài ra, gỗ mềm có thể sẽ chứa nhiều nhựa cây và các loại chất độc khác, cần phải phơi khô một thời gian để loại bỏ.
Vậy làm cách nào để xác định gỗ cứng và gỗ mềm? Khá đơn giản. Bạn chỉ cần dùng móng tay ấn thử vào thân gỗ. Nếu móng tay để lại vết trên thân gỗ thì chúng là gỗ mềm. Ngược lại, với gỗ cứng thì bạn sẽ khó có thể tạo được vết trên đó.
2. Chuẩn bị lũa
Khi bạn đã nhặt gỗ rồi thì bước tiếp theo là chuẩn bị cho chúng.
Đầu tiên, bạn hãy ngửi thử lũa để xem chúng có còn mùi không. Nếu gỗ đã khô tự nhiên thì chúng đã bay hết mùi và an toàn để sử dụng trong bể cá. Mặt khác, nếu gỗ vẫn còn mùi hoặc bạn cảm giác gỗ vẫn còn tươi thì bạn cần phải xử lý thêm.
Cụ thể là bằng cách rửa sạch gỗ, sau đó phơi khô gỗ trong vòng vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng đến một năm nếu thanh gỗ có kích thước lớn hoặc là gỗ vừa mới chặt từ cây sống. Mục đích của việc phơi nắng là để nhựa cây khô hết và các chất có hại trong gỗ có thể bay hơi hết nếu vẫn còn.
Khi gỗ đã khô, bạn hãy chuẩn bị một chậu nước đủ to để ngâm lũa trong một vài tuần. Làm vậy có thể giúp cho lũa nhả bớt tannin và giúp chúng chìm tốt hơn.
Nếu lũa vẫn còn vỏ thì bạn có thể ngâm lũa một thời gian để võ lũa mềm ra. Sau đó bạn hãy dùng bàn chải có lông cứng hoặc len thép hoặc là giấy ráp để cạo lớp vỏ bên ngoài đi sau khi đã ngâm lũa một thời gian.
Bạn không nên sử dụng thuốc tẩy, xà phòng và các hóa chất khác trong quá trình này vì cặn hóa chất có thể vô tình được đưa vào bể cá, gây hại cho các loài thủy sinh.
Bạn có nên luộc lũa không?
Luộc lũa có lẽ là một trong những cách tốt nhất để khử trùng lũa, làm đẫm gỗ và loại bỏ tanin. Phương pháp này phụ thuộc vào kích cỡ lũa của bạn.
Tuy nhiên, như đã nhắc đến bên trên, đây cũng là sai lầm phổ biến nhất. Khi bạn luộc gỗ, bạn có thể phá vỡ kết cấu gỗ bên trong và khiến cho chúng bị mục trong nước nhanh hơn.
Xử lý khi lũa có dấu hiệu mục nát
Tốt nhất bạn nên chọn một miếng gỗ lũa không có bất kỳ dấu hiệu mục nát nào. Làm vậy sẽ giúp tăng tuổi thọ của lũa và giúp bể đẹp hơn. Tuy vậy, dù loại gỗ nào cũng vậy, chúng vẫn sẽ mục sau khi dùng một khoảng thời gian, dù ngắn hay dài.
Trong vài năm hoặc vài tuần nếu bạn sử dụng lũa không tốt, lũa sẽ có thể bắt đầu phân hủy và mục nát. Bạn có thể dễ dàng nhận biết trước dấu hiệu này. Khi đó bạn có thể thấy gỗ bị mốc, có mùi hoặc các mảnh gỗ bị vỡ và trôi trong bể.
Tình trạng này không quá nghiêm trọng và bạn không cần phải bỏ gỗ ra ngoài. Tuy nhiên, để vậy có thể làm xấu bể vậy nên bạn có thể thay chúng bằng mảnh gỗ khác nếu muốn.
Lời kết
Gỗ lũa tạo ra một không gian an toàn và tự nhiên cho cá của bạn. Tuy nhiên, các cửa hàng thủy sinh thường bán lũa với giá cao, đặc biệt là những mảnh lũa lớn. Vì vậy, bạn có thể tự thu thập và xử lý lũa để tiết kiệm chi phí. Quan trọng là bạn cần chọn lũa từ khu vực không bị ô nhiễm và dành đủ thời gian để xử lý lũa trước khi đưa chúng vào bể.