Một ngày nọ, bạn có thể sẽ tự dưng phát hiện ra trong bể cá xuất hiện những con giun màu trắng mà không rõ lý do. Khi nuôi cá, ta thường sẽ mua cá, mua cây từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là cách bạn đưa mầm bệnh, giun, sán và ốc vào bể cá.
Có giun trắng và cũng có sán trắng trong bể. Hai loài này thường bị nhầm lẫn với nhau
Trong bài viết này mình sẽ chỉ cho bạn cách xử lý hai loài này.
Giun trắng là gì?
Giun trắng, có tên tiếng anh là detritus worm, là loài giun phân đốt giống như giun đất và đỉa.
Chúng có kích thước nhỏ, nhỏ đến nỗi newus bạn không để ý kỹ thì bạn sẽ không thể thấy được. Chúng có thân hình dài, mảnh, có màu trắng hoặc trắng nâu.
Bạn có thể sẽ phát hiện thấy chúng bò dưới nền sỏi hoặc đá. Thức ăn chủ yếu của giun trắng là chất thải hữu cơ thừa và giun sẽ không làm hại đến cá. Thực chất, chúng khá phổ biến trong bể cá, hầu như mọi bể cá đều có giun trắng, nếu bạn không thấy thì có lẽ chỉ là số lượng chúng không đủ nhiều mà thôi.
Giun trắng giúp cân bằng lại dinh dưỡng dư thừa trong bể, tránh tình trạng thức ăn dư thừa làm chất độc tích tụ.
Giun trắng đôi khi có thể trở thành vấn đề nếu chúng phát triển với số lượng quá nhiều. Có cả đàn giun ngoe nguẩy trong bể thì cũng khá kinh đúng không?
Cách xử lý giun trắng
- Bạn không nên sử dụng các loại thuốc diệt giun trong bể cá. Những loại thuốc này theo kinh nghiệm của mình thường sẽ không có nhiều tác dụng. Hơn hết nữa các loại thuốc này có thể làm hại đến cá cũng như là tép trong bể.
- Bạn nên tập chung vào các phương pháp tự nhiên và xử lý tận gốc vấn đề hơn. Giun trắng sống nhờ chất hữu cơ dư thừa trong bể. Vậy nên dọn dẹp bể kĩ càng có thể cắt được nguồn thức ăn của chúng, khiến cho giun trắng chết dần.
- Quy trình làm sạch bể bao gồm hút cặn đáy bể và thay nước. Bạn có thể sử dụng cây hút cặn để có thể dọn dẹp đáy bể và thay nước cùng một lúc. Bạn nên thay 10-15% lượng nước bể hai lần một tuần cho đến khi vấn đề này được xử lý.
- Hoặc bạn cũng có thể nuôi các loài cá nhỏ để xử lý giun trắng. Có thể là do bể cá của bạn nuôi các loài cá to hoặc là tép, do đó giun trắng không bị săn, tạo điều kiện cho chúng sinh sôi. Các loài cá nhỏ có thể ăn được giun trắng là: Cá chuột, Cá trâm, Các loài tetra, Cá tam giác,…
Xem thêm: các loài cá cảnh nhỏ
Giun dẹp là gì
Giun dẹp hay sán dẹp không phổ biến bằng giun trắng nhưng mà cũng không ít người gặp vấn đề liên quan đến loài giun này. Giun dẹp dễ gặp nhất trong bể tép cảnh – nơi ít có loài săn được chúng.
Đặc điểm nhận dạng của giun dẹp là chúng có thân hình dẹp, với màu trắng hoặc hồng trắng.
Có hai loại giun dẹp bạn có thể gặp trong bể cá, một loại là giun rhabdocoela, loại còn lại là planaria.
Cách nhận biết khá đơn giản. Loại 1 sẽ có thân hình nhỏ hơn với đầu tròn, với chiều dài tối đa chỉ là 0.5cm. Chúng giống như giun trắng, vô hại đối với cá.
Loại thứ hai dài hơn, có thể lên đến hơn 2cm, với đầu hình tam giác. Chúng nguy hiểm hơn vì loại giun dẹp này có thể săn mồi. Giun dẹp planaria không thể săn được cá, tuy vậy chúng vẫn có thể săn được trứng cá, cá con khi bị yếu hoặc tép. Vậy nên bạn nên tìm cách xử lý chúng sớm nhất có thể.
Bạn có thể sẽ vô tình đưa giun dẹp vào bể cá thông qua cây thủy sinh mua từ cửa hàng.
Bạn có thể sẽ thấy chúng bò dưới nền bề hoặc trên thành bể. Vì loài giun dẹp này không cần giao phối để sinh sản, xử lý chúng sẽ tương đối khó hơn.
Giống như giun trắng, giun dẹp cũng có thể ăn thức ăn thừa, các loại chất thải hữu cơ dưới đáy bể.
Các cách xử lý giun dẹp
- Giun dẹp hay sán dẹp cũng sống dựa vào thức ăn thừa cho cá, vậy nên việc đầu tiên bạn cần làm là cho cá/tép ăn ít đi.
- Tiếp đó bạn hãy thay nước, hút cặn đáy bể đều đặn. Bạn nên thay 10-15% lượng nước bể hai lần một tuần kèm với hút cặn.
- Bạn có thể nuôi thêm các loài ăn sán như là cá chuột, cá chuột pygmy, các loài cá nhỏ để xử lý vấn đề này.
- Nếu bạn có bể tép, không nuôi được cá thì bạn có thể sử dụng bẫy sán, kèm với thay nước bể thường xuyên để đẩy nhanh quá trình diệt giun dẹp.
- Bạn có thể xử lý giun dẹp bằng thuốc, không giống như giun trắng. Bạn cần chọn loại thuốc được review tốt và xử dụng với liều lượng khuyên dùng của nhà sản xuất để tránh làm ảnh hưởng đến cá và tép.
Cách phòng tránh vấn đề giun trắng trong bể
Để phòng tránh giun trắng trong bể thì bạn cần phải cho cá ăn ít đi và dọn dẹp bể định kì.
Lượng nước tối ưu để thay khi bể đã vào giai đoạn ổn định là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần. Đi kèm với đó là bạn cũng cần dùng cây hút cặn để dọn đáy bể, rửa lọc khi lọc bị bẩn.
Bạn nên cho cá ăn ít đi với thức ăn chất lượng tốt. Cá cảnh không cần được cho ăn nhiều như một số bạn nghĩa đâu. Chúng chỉ cần được cho ăn 1-2 lần một ngày là đủ rồi. Thậm chí, bạn có thể thỉnh thoảng bỏ đói chúng một hai ngày cũng không sao. Trong tự nhiên, cá sẽ rất hiếm khi có nguồn thức ăn đều đặn hằng ngày.
Xem thêm: Cách chăm sóc cho bể thủy sinh
Cách làm bẫy sán
Nếu bạn không muốn mua bẫy sán, hoặc nghĩ bẫy sán quá nhỏ để xử lý hết sán trong bể của mình thì bạn có thể tự chế bẫy sán.
Bẫy sán tự chế có thể bẫy được nhiều sán hơn so với các loại bẫy mua. Tuy vậy, chúng có thể nhìn sẽ hơi xấu. Bạn sẽ cần:
- Một chai nước nhỏ có nắp
- Kim
- Bật lửa
Cách làm như sau:
- Rửa sạch chai nước
- Dùng kim, hơ nóng bằng bật lửa, chọc 4 lỗ phía dưới đáy chai
- Cho một ít thức ăn cho cá vào bên trong
- Cho nước đầy và vặn chặt sau đó thả vào trong bể.
Nếu bạn nghĩ lỗ quá nhỏ thì bạn không cần lo, sán có thể chui vừa những lỗ nhỏ đó và chúng rất giỏi làm vậy. Nếu bạn cho lỗ to hơn thì bẫy sẽ bị giảm tác dụng.
Bạn cũng không nên cho quá nhiều thức ăn cho cá. Nếu có quá nhiều thức ăn phân hủy thì chúng sẽ sản sinh ammonia vào trong nước, khiến cho cá và tép bị ngộ độc. Bạn nên sử dụng các loại thức ăn giàu protein hoặc một tẹo thịt sống để bẫy hoạt động tốt nhất.
Bạn nên đặt bẫy trước khi tắt đèn và vớt ra vào sáng hôm sau. Sán là loài hoạt động về đêm, do đó đặt bẫy ban đêm sẽ thu hút được nhiều sán hơn.