Cá vàng là loài cá cảnh sống gần như là khỏe nhất. Chúng khó bị bệnh, sống lâu và có thể sinh sản nhiều. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn có thể nuôi cá vàng mà không tìm hiểu trước. Giống như mọi loài cá khác, cá vàng cần phải được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu để có thể sống được.
Một trong số đó là oxy trong nước. Cá vàng cần phải có sủi oxy nếu bạn nuôi chúng với mật độ dày, tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng cần phải có sủi để nuôi cá vàng.
Nhiều người đi mua cá vàng, nhìn thấy họ nuôi cá trong những bể có sủi oxy dày đặc và nghĩ mình cũng cần phải làm như vậy. Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách nuôi cá vàng mà không cần phải sử dụng đến sủi oxy.
1. Nuôi ít cá
Đây là lỗi sai nhiều người dễ mắc phải nhất khi nuôi cá vàng.
Nhìn cá bơi lội thực sự rất vui mắt vậy nên nhiều người thích nhồi nhét bể của mình với mọi loại cá vàng họ có thể mua.
Kết quả là cá sẽ chết trong một vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí là chỉ một lúc sau khi được thả vào bể. Nguyên nhân có thể là do cá bị ngộ độc ammonia trong nước hoặc là cá vàng bị thiếu oxy.
Khi bạn nuôi quá nhiều cá vàng và không sử dụng máy sủi oxy thì chúng đương nhiên sẽ bị thiếu khí. Tuy nhiên bạn có thể phòng tránh được tình trạng này bằng cách nuôi ít cá đi.
Thông thường, các loại cá vàng có kích thước trưởng thành trung bình vào khoảng 15-20 cm. Đó là kích thước tương đối lớn so với các loại cá cảnh khác.
Trung bình thì bạn cần phải cho mỗi một con cá vàng 30 lít nước để có thể nuôi chúng mà không dùng sủi oxy. Tức là nếu muốn nuôi 3 con cá vàng thì bạn cần phải có bể gần 100 lít. Nếu cá vàng của bạn lớn hơn thì thậm chí bạn phải cho chúng nhiều không gian hơn để bơi.
Việc gì sẽ xảy ra nếu bạn nuôi cá trong bể quá bé?
Cá vàng được biết đến là loài sống thọ, có thể sống tới 10-15 năm. Tuy nhiên, nếu bị nuôi trong bể quá bé thì chúng có thể chỉ sống được vài năm.
2. Sử dụng bộ lọc đủ mạnh
Trên thực tế, bể cá luôn trao đổi oxy với môi trường bên ngoài. Hoạt động trao đổi oxy này diễn ra ở mặt nước. Nước càng động thì hoạt động trao đổi này diễn ra càng thuận lợi, càng có nhiều oxy đi vào trong nước hơn.
Có một cách để bạn giúp quá trình trao đổi oxy hiệu quả hơn là sử dụng bộ lọc đủ tốt. Ngoài việc giúp làm động mặt nước, bộ lọc tốt còn có thể giúp cho phân phối oxy đi khắp bể hiệu quả hơn.
Hiện nay trên thị trường có vô số loại lọc bạn có thể chọn. Nếu bạn có những bể cá bé tầm 20, 30 lít đổ xuống thì bạn có thể cân nhắc những loại lọc bé như lọc tháng hoặc lọc treo. Đối với những loại bể to hơn thì bạn phải sử dụng các loại lọc treo hoặc lọc thùng để có thể giúp xử lý được lượng nước lớn.
Bộ lọc tốt không những giúp cung cấp thêm oxy cho bể cá mà tác dụng chính của chúng còn là giúp xử lý các chất độc hại trong nước. Vi sinh sống trong bộ lọc có thể giúp hấp thụ lượng ammonia, nitrite có hại sản sinh ra từ thức ăn thừa và phân cá trong bể.
Đặc biệt, khi nuôi cá vàng thì nồng độ chất có hại trong bể sẽ luôn cao. Lý do vì cá vàng là loài ăn nhiều, thải nhiều. Do đó lượng chất thải trong bể sẽ được tạo ra rất nhanh. Đó càng là lý do bạn phải sử dụng bộ lọc đủ tốt để có thể nuôi được cá vàng.
Tuy nhiên, vấn đề là cá vàng bơi không tốt (đối với các loại cá mình tròn đuôi dài). Bạn cũng cần phải tìm cách giảm dòng chảy của lọc để tránh tình trạng cá bị stress.
Xem thêm: Cách chọn bộ lọc tốt cho bể
3. Thay nước thường xuyên
Mình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay nước thường xuyên cho bể cá. Ngoài việc giữ cho nước bể cá sạch mà thay nước còn giúp bổ sung lượng khí Oxy, CO2 và lượng khoáng thiếu hụt hoặc xử lý các chất độc hại ứ đọng trong bể cá.
Kể cả bạn có bộ lọc tốt thì bạn không thể bỏ qua bước này được.
Lượng nước tối ưu để thay thường xuyên là 10-15% nước bể mỗi tuần. Thay nước thường xuyên không chỉ giúp cá vàng sống khỏe mà còn giúp cho nước trong, cây cối trong bể phát triển nhanh, tạo sự ổn định cho bể cá. Bạn có thể sử dụng cây hút cặn đáy bể để vệ sinh nền bể và thay nước cùng một lúc.
Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh thay nước quá nhiều. Làm vậy có thể gây sốc nước cá, cây, khiến chúng bị chết. Hoặc bạn cũng có thể sẽ làm chết hệ vi sinh chưa kịp sinh sôi trong bể, từ đó khiến chúng không kịp xử lý lượng thức ăn thừa và chất thải từ cá vàng.
Xem thêm: So sánh vi sinh psb và extra bio: đâu là loại vi sinh tốt hơn?
4. Trồng nhiều cây
Thông thường thì không nhiều người trồng cây thủy sinh trong bể cá vàng. Cá vàng có thể sẽ dễ dàng nhổ bật gốc cây hoặc chúng sẽ ăn các loại cây lá mềm.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn thì bạn có thể chọn các loại cây lá cứng, có bộ rễ khỏe để trồng trong bể cá vàng.
Không chỉ đẹp, cây thủy sinh còn có thể giúp lọc nước, cung cấp oxy và tạo độ ổn định cho bể cá. Cây thủy sinh có thể tạo ra lượng oxy nhỏ giúp bù đắp cho việc thiếu hụt sủi oxy trong nước. Hơn hết nữa, có nhiều loại cây có thể lọc nước tốt, giúp bạn đỡ phải thay nước thường xuyên hơn.
Các loại cây cung cấp nhiều oxy là những loại cây thủy sinh có tốc độ phát triển nhanh, có thể kể đến là:
- Rong đuôi chồn
- Rong la hán
- Rong đuôi chó cứng
- Cỏ thìa
- Tiêu thảo
- …
Xem thêm: Các loại cây lọc nước
Cây thủy sinh có tác dụng cân bằng dinh dưỡng trong bể, giúp cho bể cá của bạn ổn định hơn.
Theo kinh nghiệm của mình, những bể cá khỏe mạnh và đẹp nhất luôn là những bể trồng nhiều cây và nuôi ít cá. (đương nhiên là trừ những trường hợp bạn định trồng bể phong cách biotop amazon hoặc phong cách biotop hồ malawi thì bạn có thể trồng ít cây hơn).
Kết lại
Cá vàng là loài cá dễ nuôi, tuy nhiên bạn vẫn cần phải đáp ứng được nhu cầu cho cá, một trong số đó là cung cấp nguồn nước đủ oxy để cá có thể sống tốt.
Bạn có thể nuôi cá vàng không cần đến sủi oxy nếu bạn nuôi chúng với số lượng ít, sử dụng bộ lọc đủ tốt, thay nước thường xuyên và nuôi nhiều cây thủy sinh trong bể.