Mới chăm sóc cá thì bạn có thể sẽ bị ngợp trước hàng tỉ thứ thông tin cần phải tìm hiểu như là thiết bị, loại cá, cây, CO2, vi sinh,…. Những thứ đó cần phải mất thời gian để có thể hiểu hết được và đó cũng là lý do phổ biến khiến nhiều người ngại và không muốn nuôi cá nữa.
Trong bài viết này mình sẽ tóm lược lại những điều căn bản, đơn giản nhất để bạn có thể nuôi được cá trong bể kính và giúp chúng luôn khỏe mạnh.
1. Có đầy đủ thiết bị
Bể và lọc là hai thiết bị quan trọng nhất khi nuôi cá, những loại thiết bị còn lại bạn có thể có hoặc không. Những loại thiết bị bạn cần chuẩn bị là:
- Bể kính: Bể kính cần phải đủ to để nuôi cá. Thường thì khi mới bắt đầu mọi người hay nuôi bể nhỏ sau đó hối hận và bắt đầu chuyển sang bể to hơn. Mình khuyên khi bạn mới nuôi thì bạn nên mua bể to nhất trong giới hạn tài chính và không gian đặt bể tại nhà của mình. Bể cá to có thể giúp bạn đỡ phải chăm sóc nhiều, nước nuôi ổn định và cá sống khỏe hơn. Thông thường thì bạn nên chọn bể ít nhất là từ 25cm trở lên.
- Lọc: Bạn cần phải chọn loại lọc đủ khỏe để có thể xử lý được lượng nước trong bể của mình. Thông thường với những bể cá bé dưới 50cm thì bạn có thể sử dụng lọc thác (lazada) hoặc là lọc treo (lazada). Lọc nên có đủ lưu lượng để lọc được 10 lần lượng nước bể trong một tiếng. Khi mua thiết bị bạn có thể hỏi người bán để chọn được loại lọc phù hợp.
- Đèn thủy sinh: Đèn thủy sinh không quá quan trọng nhưng là thiết bị bạn nên có. Đèn có thể giúp bể thêm đẹp và giúp ổn định đồng hồ sinh học của cá. Thông thường để giúp bạn đỡ phải bật tắt đèn thủ công thì bạn cần phải sắm thêm một ổ cắm hẹn giờ (lazada).
Xem thêm:
2. Nuôi số lượng cá vừa đủ
Lỗi sai phổ biến nhất khiến nhiều người mới nuôi không nuôi cá thành công được là do họ nuôi quá nhiều cá. Nhìn cá bơi lội đúng là thích mắt thật nên họ sẽ cố nhồi nhét bể với tất cả loại cá với đầy đủ kích thước và màu sắc họ mua được.
Nếu bạn nuôi quá nhiều cá thì bộ lọc của bể sẽ không đủ để có thể xử lý được chất lượng nước, nước nuôi sẽ bị bẩn và tích tụ chất độc rất nhanh, khiến cá dễ bị stress, bị bệnh và chết.
Nếu bạn nuôi các loại cá nhỏ bạn có thể sử dụng công thức là chỉ nên có 1cm cho mỗi 1.5 lít nước. Tức là nếu bạn có bể khoảng 10 lít nước bạn chỉ nên có 6cm cá trong bể, tức là khoảng 2 con cá bảy màu hoặc là một con cá betta.
Xem thêm: Nên nuôi bao nhiêu cá trong bể thủy sinh
Nếu bạn chỉ có bể cá bé thì mình khuyên là bạn hãy bắt đầu bằng việc nuôi cá betta. Cá betta là loài không yêu cầu quá cao về không gian sống. Chúng cũng là loài sống khỏe, phù hợp cho những người mới nuôi.
3. Chăm sóc bể định kỳ
Để bể cá luôn ổn định thì bạn phải thực hiện thay nước bể thường xuyên, tối ưu nhất là 10-15% lượng nước bể một tuần.
Thay nước cho bể định kỳ có thể giúp kiểm soát lượng nitrate trong nước, giúp tránh các vấn đề về rêu hại cũng như sức khỏe của cá bị ảnh hưởng.
Bể càng nuôi nhiều cá thì bạn càng phải thay nước thường xuyên. Nếu không chăm sóc bể định kỳ, có thể nhìn nước vẫn trong nhưng bạn không thể biết trong đó đang tích tụ những chất gì.
Ngoài việc thay nước thì bạn cũng phải vệ sinh bộ lọc khi lọc quá bẩn. Khi dùng lâu, cặn, bụi, phân cá có thể tích tụ trong lọc và làm nghẽn lọc. Khi đó, lọc sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Vi sinh có lợi cũng có thể chết và dẫn đến nhiều hậu quả khác.
Nếu bạn không có thời gian để chăm sóc cho bể thường xuyên thì sao? Làm thế nào để nước bể lâu bị bẩn hơn. Câu trả lời là bạn nên nuôi ít cá và trồng nhiều cây thủy sinh. Có nhiều loại cây thủy sinh dễ chăm sóc, chỉ cần thả nổi trong bể là chúng có thể tự sống được.
4. Nuôi cây thủy sinh
Khi nuôi cá, thức ăn thừa, phân cá sẽ bị phân hủy trong nước, giải phóng các chất gây hại.
Xem thêm về quá trình cycle bể cá
Các chất gây hại này nếu bị tích tụ lâu trong bể có thể làm hại đến cá cảnh. Bạn có thể xử lý chúng bằng cách là thay nước định kỳ thường xuyên hoặc là trồng thêm cây thủy sinh. Cây thủy sinh có thể giúp hấp tự nitrate dư thừa, sử dụng chất đó để phát triển.
Các loại cây lọc nước tốt có thể kể đến là các loại rong, bèo, các cây cắt cắm phát triển nhanh. Khi mới bắt đầu, bạn chỉ cần mua bèo hoặc là các loại rong như là rong đuôi chồn và thả nổi vào bể cá là được. Rong đuôi chồn chỉ cần chiếu sáng một tẹo một ngày là cũng có thể sống và phát triển được.
Xem thêm: Các loại cây giúp lọc nước tốt.
5. Cho cá ăn đúng cách
Cách cho cá cảnh ăn, lượng thức ăn, thời gian cho ăn, loại thức ăn,.. là những yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người lại thường xuyên bỏ qua việc tìm hiểu bước này khi mới chăm sóc cho cá. Đó cũng là nguyên nhân khiến cá của họ thường xuyên bị bệnh, chết hoặc không phát triển được.
Nếu cho cá ăn quá nhiều thì bạn không chỉ làm cá bị phình bụng, khó tiêu, táo bón, mà còn có thể khiến thức ăn thừa tích tụ dưới đáy bể. Sau đó chất lượng nước sẽ xấu đi nhanh chóng, gây bệnh và khiến cá chết hàng loại. Vậy cần cho cá ăn bao nhiêu là đủ?
Bạn chỉ nên cho cá ăn lượng thức ăn vừa đủ để cho chúng có thể ăn hết trong vòng 3 phút.
Đối với hầu hết loại cá thì bạn chỉ cần cho cá ăn một lần một ngày là đủ. Thật sự thì trước giờ mình cũng chỉ cho ăn một lần một ngày.
Mỗi loại cá thì sẽ cần phải được cho ăn với chế độ ăn khác nhau. Một số là loài cá săn mồi cần phải được ăn thức ăn giàu protein, một số khác thì sẽ thích thực đơn nhiều rau củ. Một số khác thì là loài ăn tạp, bạn cần phải cho chúng ăn chế độ ăn đa dạng. Cho cá ăn thức ăn không đúng hoặc chất lượng kém sẽ khiến cho cá bị thiếu chất và dễ mắc bệnh.
Mình thường dùng cám thái (lazada) để cho các loại cá nhỏ ăn tạp ăn. Nếu bạn có cá ăn thịt như là cá betta, cá nóc thì bạn có thể cân nhắc chọn mua artemia sấy khô (lazada).
Kết lại
Bên trên là tóm tắt những gì bạn cần biết qua để có thể giúp cho bể cá luôn khỏe mạnh. Tóm lại là bể cần phải đủ lớn, có lọc nước và được thay nước định kỳ. Ngoài ra bạn nên tránh nuôi quá nhiều cá hoặc các loại cá quá to so với bể. Khi cho cá ăn thì bạn nên tránh cho chúng ăn quá nhiều. Ngoài ra, trồng thêm cây thủy sinh có thể giúp cho bể ít bị tích tụ chất độc và giúp cho nước bể được ổn định hơn.