
Bể cá thủy sinh là một hệ sinh thái thu nhỏ, để bể có thể ổn định, cá khoẻ mạnh thì bạn cần phải chăm sóc bể định kỳ.
Bạn chỉ cần dành khoảng 15 phút chăm sóc cho bể mỗi tuần là có thể tránh được 90% vấn đề có thể xảy ra. Một khi bể bạn gặp vấn đề do thiếu chăm sóc, khắc phục và sửa sai sẽ tốn thời gian cũng như tiền bạc hơn nhiều.
Mục đích của việc chăm sóc bể cá là để giúp cho bể ổn định nhất có thể. Nếu bể cá đang tốt, không có vấn đề gì xảy ra thì bạn chỉ cần thay nước, hút cặn và rửa lọc là được.
Thay nước cho bể cá
Thay nước cho bể cá có thể được coi là khâu quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bể cá. Lượng nước tối ưu bạn nên thay mới cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần hoặc hai tuần một lần nếu bạn nuôi lượng cá vừa phải.
Bạn nên sử dụng cây hút cặn để có thể vừa thay nước vừa dọn dẹp được bể cá. Hút cặn đáy có thể giúp bạn loại bỏ được phân cá, thức ăn thừa và các loại chất thải hữu cơ khác bị tích tụ dưới nền bể.
Khi đổ nước mới vào bể, bạn cần phải đảm bảo rằng nước mới không được chứa clo.
Nước máy đôi khi có thể chứa clo. Clo trong nước có tác dụng sát khuẩn, đảm bảo nước không quá nguồn bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn cho nước có clo vào bể thủy sinh thì bạn sẽ giết cá, tép và hệ vi sinh trong bể.
Để khử clo thì bạn có thể để nước bên ngoài không khí trong vòng một ngày. Bạn cũng có thể cho thêm sủi oxy để quá trình clo bay hơi diễn ra nhanh hơn.
Nếu bạn muốn khử clo nhanh hơn thì bạn có thể sử dụng các loại thuốc xử lý nước.
Rửa lọc
Lọc nên được rửa hàng tháng. Nếu bể của bạn nuôi nhiều cá thì bạn cần phải rửa lọc thường xuyên hơn.
Nếu bạn để lọc quá lâu và không hít cặn bẩn thì lọc sẽ dần bị tắc lại. Nếu để quá lâu, dòng nước của lọc sẽ bị yếu, lọc thổi lại cặn bẩn và trong bể hoặc vi sinh trong lọc cũng có thể bị chết.
Việc đầu tiên bạn cần làm là rửa vật liệu lọc sinh học bằng nước sạch, được khử clo để tránh làm chết vi sinh. Tốt nhất là bạn nên sử dụng nước được lấy từ bể cá.
Tiếp theo bạn hãy rửa vật liệu lọc cơ học. Đó là các loại mút và bông để lọc cặn bẩn. Đối với các loại bông mịn quá khó rửa thì bạn có thể thay mới.
Tiếp theo bạn hãy kiểm tra xem có cần thay vật liệu lọc hoá học không – đó là các loại than hoạt tính giúp khử độc nước. Thông thường, than hoạt tính sẽ hết tác dụng sau khoảng từ 6 tháng đến một năm.
Bạn lưu ý là chỉ sử dụng nước để rửa vật liệu và lọc. Các loại chất tẩy rửa như là xà phòng có thể giết hết vi sinh có lợi. Ngoài ra, nếu bạn để sót lại xà phòng thì nó sẽ hoà lẫn vào nước bể cá, sau đó có thể giết hết cá trong bể của bạn.
Kiểm tra chất lượng nước
Nếu bạn muốn chăm sóc bể kĩ hơn để đảm bảo nước có chất lượng tốt nhất có thể, bạn có thể kiểm tra chất lượng nước hai tuần một lần.
Các thông số bạn cần kiểm tra là:
Nitrate
Hàm lượng nitrate nên được giữ ở mức dưới 10 ppm.
Nitrite và ammonia
Hàm lượng nitrite nên ở mức 0 ppm
pH
Thông số pH tối ưu nhất, phù hợp cho gần như mọi loài cá cảnh là vào khoảng 6.5-7.5. Nếu độ pH bị lệch đi khoảng 0.75 cũng không sao, miễn là bạn có thể giữ cho nước được ổn định.
Độ cứng
Mỗi một loài cá, tép hoặc cây sẽ yêu cầu độ cứng khác nhau. Một số loại cây như là cỏ giấy yêu cầu độ cứng phải cực nhỏ, dưới 50ppm. Tuy nhiên, nếu bạn nuôi tép và ốc thì bạn cần phải có độ cứng cao hơn để tép có canxi cho việc phát triển vỏ. Nếu nước quá thiếu khoáng thì tép có thể gặp vấn đề về lột vỏ và có thể chết. Đối với cá cũng vậy.
Nếu bể của bạn thiếu khoáng thì bạn có thể nghiền vỏ trứng để cho thêm vào, hoặc bạn cũng có thể mua khoáng để châm cho bể.
Nếu bể của bạn bị thừa khoáng thì hãy thay dần dần nước bể với nước lọc RO.
Tóm tắt lại lịch trình chăm sóc bể
Hằng ngày
- Đảm bảo thiết bị hoạt động tốt
- Quan sát cá mỗi khi cho cá ăn để đảm bảo chúng vẫn khoẻ mạnh, không có vấn đề gì
Hằng tuần hoặc hai tuần một lần
- Thay 10-15% lượng nước bể bằng nước sạch đã được khử clo
- Hút cặn cho đáy bể
- Rửa lọc, thay bông lọc nếu chúng bị quá bẩn. Bạn nên rửa vật liệu lọc sinh học bằng nước sạch khử clo hoặc bằng nước từ bể cá.
- Châm thêm vi sinh sau khi thay nước
Hằng tháng
- Kiểm tra lại hạn sử dụng của đồ ăn cho cá, vứt các loại thức ăn đã quá hạn đi.
- Thay vật liệu lọc hoá học nếu đã dùng được hơn nửa năm.
Kết lại
Mỗi một bể cá sẽ có cách chăm sóc riêng. Ví dụ nếu bạn nuôi nhiều cá thì bạn cần phải thay nước rửa lọc thường xuyên hơn. Ngược lại, nếu bạn nuôi ít cá, trồng nhiều cây thủy sinh thì thậm chí bạn có thể một tháng thay nước một lần cũng được.
Bạn hãy sử dụng lịch chăm sóc bể như trên để tham khảo và thay đổi dần dần sao cho hợp với bể cá của mình.