aquasetup

Cá sặc gấm: Tổng quan cách chăm sóc và sinh sản

Mục lục

Cá sặc gấm

Bạn thích cá betta nhưng lại muốn nuôi chúng trong bể cá cộng đồng? Cá sặc gấm sẽ là lựa chọn thay thế tốt cho loài betta hung dữ. 

Chúng cũng có nhiều đặc điểm tương đồng so với cá betta như là sở hữu màu sắc sặc sỡ, có tính cách thú vị và sống vô cùng khỏe. Ngoài ra thì chúng cũng sẽ khá hiền lành, phù hợp để nuôi chung với các loài cá nhỏ có cùng kích thước khác. 

Trong bài viết này mình sẽ nói về đặc điểm, cách chăm sóc và nuôi cá sặc gấm sinh sản. 

Về cá sặc gấm

Mức độ chăm sócDễ
Tính cáchHiền lành nhưng có thể hơi dữ vào thời điểm sinh sản
Màu sắcĐỏ, xanh neon
Tuổi thọ2-4 năm
Kích thước6-7 cm
Chế độ ănĂn tạp
Tên khoa họcTrichogaster lalius
Kích thước bể tối thiểu20 lít
Bể nuôi Có dòng chảy nhẹ và nhiều cây

Cá sặc gấm có tên khoa học là Trichogaster lalius. Chúng là dòng cá có nguồn gốc từ phía Nam Châu Á. Hiện nay loài cá này cũng có thể được tìm thấy ở Mỹ, Singapore và Colombia. 

Ngoài tự nhiên chúng sống tại các con sông, hồ có dòng chảy chậm hoặc các khu vực nước nông khác như là khu vực đất ngập hoặc ruộng lúa. 

Loài cá này thuộc cùng họ Osphronemidae với cá betta. Cả hai dòng cá này đều có đặc điểm chung là chúng có thể sống được trong môi trường nước tù và nghèo oxy. Chúng có thể làm được vậy nhờ vào cơ quan hô hấp đặc biệt, giúp chúng có thể lấy oxy trực tiếp từ không khí. 

Không giống như cá betta, cá sặc gấm là dòng cá hiền lành và sẽ thường không gây sự gì với các loài cá cùng bể khác. Thậm chí chúng còn hiền đến nỗi nhát, dành hầu hết thời gian trong ngày để trốn. 

Chỉ trừ trường hợp cá có thể hơi dữ là khi chúng vào thời điểm sinh sản. 

Ngoại hình của cá sặc gấm

Cá sặc gấm

Cá sặc gấm đực có màu đỏ cùng với những sọc ánh xanh neon trên thân. Màu của chúng sẽ càng tươi, đậm hơn khi con đực muốn thu hút con cái. 

Cá sặc gấm cái sẽ có thân hình màu bạc hơi có ánh đỏ và không được đẹp bằng cá đực. 

Cá sặc gấm có kích thước tương đối nhỏ với con đực chỉ lớn khoảng 7cm. Trong khi đó con cái sẽ nhỏ hơn một tẹo, vào khoảng 6cm. 

Cách chăm sóc cho cá sặc gấm

Cá sặc gấm là loài sống khỏe và có thể sống được trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Với điều kiện chăm sóc hợp lý, loài cá này có thể sống tới 2-4 năm. 

Kích thước bể và môi trường nuôi

Để nuôi một cặp cá sặc gấm thì bạn cần có bể kích thước tối thiểu vào khoảng 20 lít. Với mỗi một con cá sặc gấm nuôi thêm thì bạn cần cho chúng thêm 10 lít nước không gian sống. 

Nếu bạn nuôi cá trong bể quá nhỏ thì nước bể sẽ bị bẩn rất nhanh, dẫn tới tình trạng chất độc trong nước bị tích tụ và khiến cá bị stress. 

Cá sặc gấm thích bể trồng nhiều cây với nhiều chỗ để trốn. Ngoài ra, bạn cũng nên có một số loại cây nổi mặt nước để giúp che sáng cho cá, giúp mô phỏng lại môi trường sống của chúng ngoài tự nhiên. Tuy vậy, bạn vẫn cần phải chừa lại một ít không gian ở mặt nước để giúp cá có thể hô hấp được. 

Cây nổi trên mặt nước cũng giúp cá có nơi để đẻ trứng khi chúng vào thời điểm sinh sản. 

Ngoài ra cá sặc gấm không phải là loài bơi quá giỏi vậy nên bể chỉ nên có dòng chảy trung bình và nhẹ. Nếu dòng chảy quá mạnh thì cá có thể sẽ bị stress, không sinh sản được. Lâu dần cá có thể bỏ ăn, dễ bị bệnh hoặc thậm chí là chết. 

Thông số nước nuôi cá

Cá sặc gấm thích nước hơi ấm một tẹo, vào khoảng 22 đến 27 độ C. Chúng sẽ thích nước hơi mềm một tẹo với độ pH vào khoảng 6 – 7. 

Độ cứng không quá quan trọng bởi loài cá này có thể sống trong cả môi trường nước mềm và nước cứng. (miễn là độ cứng nước không vượt quá ngưỡng thông thường là được). 

Cá sặc gấm ăn gì?

Cá sặc gấm là loài ăn tạp vậy nên chúng có thể ăn được mọi loại thức ăn cho cá cảnh thông thường. Ngoài tự nhiên khẩu phần ăn của chúng bao gồm các loại sinh vật giáp xác nhỏ và rêu tự nhiên. 

Khi nuôi tại nhà thì bạn nên cho chúng thức ăn khô chất lượng tốt. Thỉnh thoảng bạn có thể bổ sung thêm cho chúng các loại đồ ăn tươi sống/ đông lạnh như là trùn chỉ, artemia, ….

Các loại bệnh phổ biến

Cá sặc gấm theo như một số nguồn tin trên mạng thì hay bị mắc loại bệnh đặc trưng của loài cá này, gọi là bệnh DGD (Dwarf Gourami Disease). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì mình chưa gặp căn bệnh này bao giờ và hỏi các nơi bán cá cũng vậy. Vậy nên có lẽ đây chỉ là tin đồn. 

Ngoài ra, chúng cũng có thể mắc một số bệnh ở cá cảnh thông thường khác như là bị nấm trắng, thối vây, đục mắt,…

Để phòng bệnh cũng như là chữa bệnh thì bước đầu tiên là bạn cần phải cho cá nguồn nước sạch và ổn định trước. Khi nuôi cá bạn cần phải sử dụng bộ lọc đủ tốt. Ngoài ra bạn cũng cần phải thay khoảng 10-15% lượng nước bể nuôi mỗi tuần. 

Cá sặc gấm nuôi chung với cá gì?

Cá sặc gấm nhìn chung là dòng cá hiền lành, có thể được nuôi chung với các loài cá cùng kích thước khác, có thể kể đến là: 

  • Cá bình tích
  • Cá đuôi kiếm
  • Cá chuột
  • Cá tam giác
  • Cá sọc ngựa

Bạn lưu ý là nếu bạn không có bể đủ lớn thì bạn cần tránh nuôi hai cá sặc gấm đực với nhau bởi chúng có thể hung dữ khi vào thời điểm sinh sản. 

Cách nuôi cá sặc gấm sinh sản

Cá sặc gấm sẽ dễ sinh sản trong điều kiện bể nuôi ở nhà. Miễn là bạn nuôi một cặp cá đực cái thì chúng sẽ bắt cặp tự nhiên và sinh sản một lúc nào đó. 

Để kích thích cá sặc gấm sinh sản thì bạn hãy giảm mực nước xuống còn khoảng 15-20cm và tăng nhiệt độ hơi ấm một tẹo, vào khoảng 24-27 độ C. 

Làm vậy sẽ giúp mô phỏng lại mùa khô ngoài tự nhiên, tức là mùa sinh sản của cá sặc. Trước đó bạn cũng có thể dưỡng cá bằng cách cho chúng ăn các loại đồ ăn tươi sống/ đông lạnh như là artemia, trùn chỉ, bo bo,…

Sau khi dưỡng cá và chuẩn bị môi trường phù hợp thì cá đực sẽ bắt đầu xây tổ vào vài ngày hoặc vài tuần sau. Tổ của cá sẽ nhìn giống tổ cá betta, chúng có dạng bọt bong bóng ở phía trên mặt nước. Tổ cá sẽ khá dễ vỡ vậy nên bạn cần tránh để dòng chảy của lọc quá mạnh trong khoảng thời gian này. 

Sau khi xây xong tổ thì cá sẽ ghép cặp và cá cái đẻ trứng. Sau đó cá đực sẽ ngậm trứng và đặt vào bên trong tổ. 

Trứng cá sẽ nở sau khoảng 25-30 tiếng sau khi được cá đực đặt vào trong tổ. Cá con khi đó vẫn sẽ ở trong tổ vài ngày, tiếp tục tiêu thụ dinh dưỡng từ noãn hoàn trước khi chúng có thể tự do bơi lội và kiếm thức ăn. 

Một khi cá con đã bơi lội tự do được thì bạn có thể tách riêng cá đực và cái sang bể riêng. Khi cá con vẫn còn nhỏ, bạn có thể cho chúng ăn trùng cỏ hoặc là lòng đỏ trứng hòa với nước cho đến khi chúng đủ lớn để ăn artemia. 

Kết lại: bạn có nên nuôi cá sặc gấm không?

Cá sặc gấm là dòng cá đẹp, sống khỏe và phù hợp với tất cả mọi người, kể cả những người mới nuôi. 

Bạn hoàn toàn có thể nuôi được cá miễn là bạn có một chiếc bể đủ to và có dòng chảy trung bình chậm. Cá sặc cũng sẽ khá hiền lành, có thể được nuôi trong các bể cá cộng đồng, nuôi chung với các dòng cá hiền lành có cùng kích thước khác. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *