aquasetup

Cá hổ: Phân loại, cách chăm sóc và bạn cùng bể

Mục lục

Cá hổ

Bạn đang tìm kiếm một loài cá săn mồi lớn? Hiện nay trên thị trường có nhiều loài cá săn mồi với kích thước, màu sắc khác nhau. Hầu hết trong số chúng sẽ có ít màu sắc, chủ yếu là màu xám, đen,… Tuy nhiên, cá hổ lại khác. Mặc dù là cá săn mồi tự nhiên chúng vẫn cực kì đẹp, màu sắc vàng nhạt cùng với các sọc chạy ngang trên thân có thể giúp bể cá của bạn mang thêm nét tự nhiên. 

Khi nuôi cá săn mồi nói chung và cá hổ nói riêng thì bạn cần cho chúng chế độ chăm sóc đặc biệt, khác so với các loài cá ăn tạp thông thường khác. 

Về cá hổ

Cá hổ là dòng cá thuộc họ Datnioididae, được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á, New Guinea. 

Dòng cá hổ có nhiều loại cá khác nhau với ngoại hình tương đối tương đồng. Hầu hết đều sống ở nước ngọt. Chỉ trừ trường hợp cá hổ New Guinea (Datnioides campbelli) có môi trường sống tự nhiên ở khu vực nước lợ. Giống như các loài cá nước lợ khác, chúng có thể sống trong môi trường nước ngọt một thời gian nhưng mà chỉ được một khoảng thời gian ngắn mà thôi. 

Các loài cá hổ khác là cá nước ngọt, phổ biến nhất có thể kể đến là cá hổ Indo (Datnioides microlepis) và cá hổ Thái (Datnioides pulcher). 

Cá hổ Indo có khu vực sống tự nhiên ở khu vực bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra. Cá hổ Thái sống ở khu vực sông Mekong và sông Chao Phraya. 

Ở Indo, cá hổ được nuôi, đánh bắt làm thức ăn. Tuy nhiên, với màu sắc đẹp, tính cách độc đáo thì cá hổ cũng được nuôi làm cảnh nhiều và vô cùng phổ biến ở thị trường Châu Á. 

Ngoại hình cá hổ

Cá hổ là loài cá săn mồi đẹp. Chúng có thân hình cao với đầu nhọn. Trên thân cá có ba đến bốn vạch, thêm hai vạch nữa ở phần vây đuôi. Cá hổ có màu vàng, trắng trên khắp thân. Chúng sẽ giữ màu sắc này từ khi bé đến lúc trưởng thành. 

Cá hổ là loài cá lớn, có thể đạt kích thước vào khoảng 30-40 cm khi trưởng thành. Cá sẽ lớn tương đối chậm vào những năm đầu. 

Các dòng cá hổ

Cá hổ

Ngoài tự nhiên, cá hổ có thể chia ra làm 5 loài như trên hình. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam thì bạn có lẽ chỉ tìm mua được 2 loài đó là cá hổ thái và cá hổ indo, bạn cũng có thể tìm được cá hổ bạc nhưng mà chúng sẽ hiếm hơn. 

Hai loài cá hổ phía dưới, cá hổ new guinea và cá hổ bạc là hai dòng cá nước lợ. Để nuôi được chúng thì bạn cần phải có bể nước lợ hoặc nước mặn. 

Dưới là mô tả các loài cá hổ và cách phân biệt:

1.Cá Hổ Thái/ Cá Hổ Xiêm/ Cá Hổ Campuchia/ Cá Hổ Mekong   (Datnioides pulcher) 

Loài đầu tiên có thể nhắc đến là Datnioides pulcher, bạn có thể thấy chúng trên thị trường với nhiều tên gọi như là cá hổ Thái, cá hổ Xiêm, cá hổ Campuchia hay cá hổ Mekong. 

Dù chung một loài nhưng loài này sẽ có chút khác biệt phụ thuộc vào khu vực chúng sinh sống. Dòng cá có nguồn gốc từ Thái Lan, sông Chao Phraya đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên từ lâu và rất hiếm trên thị trường cá cảnh Việt Nam. Vậy nên khi nhắc đến cá hổ Thái thì tức là loài cá đó khả năng rất cao là cá hổ Campuchia hay cá hổ Mekong. 

Cá hổ Mekong sẽ có 3 vạch lớn trên thân và 2 vạch ở gốc đuôi. 

2. Cá hổ Indo (Datnioides microlepis)

Cá hổ Indo là loài cá hổ phổ biến nhất, với giá thành rẻ và độ đẹp không kém nhiều so với cá hổ Thái. Cá hổ Indo thường sẽ bị đen người hơn và không có màu vàng tươi, vạch ổn định như cá hổ Mekong. 

Cá hổ Indo chia ra làm hai loại, đó là cá hổ Sumatra và cá hổ Borneo. Cá hổ Sumatra thường sẽ có màu sắc đẹp và ổn đinh hơn so với cá hổ Borneo. 

Đặc điểm nhận dạng cá hổ Indo là trên người chúng sẽ có 4 vạch lớn và chúng có 3 vạch phần gốc đuôi. 

3. Cá hổ Bắc (Datnioides undecimradiatus)

Cá hổ Bắc hay còn gọi là cá hổ Bắc Thái cũng là dòng cá hổ Phổ biến. Chúng sẽ có vạch nhỏ hơn so với các dòng cá hổ khác và thường có ba vạch trên thân. 

4. Cá hổ New Guinea (Datnioides campbelli)

Cá hổ New Guinea là dòng cá có môi trường sống tự nhiên ở vịnh Papua, New Guinea. Chúng có thân hình sậm màu với những đốm đen đặc trưng trên thân. 

Cá không có vạch liền rõ ràng trên thân như các dòng cá khác. Đây là dòng cá nước lợ vậy nên bạn cần lưu ý trước khi mua. 

5. Cá hổ Bạc (Datnioides polota)

Cá hổ Bạc cũng là dòng cá rẻ, phổ thông. Chúng có dáng thuôn, vạch mờ và trên hết, chúng có thân hình màu bạc thay vì màu vàng như các loài cá hổ khác. 

Nhiều người thường mua cá hổ Bạc và nuôi chúng trong bể nước ngọt mà không biết rằng chúng có môi trường sống tự nhiên ở nước lợ. Loài cá này có thể sống trong nước ngọt trong vòng vài tháng. Tuy nhiên sau đó chúng có thể bị loét người, bị bệnh và chết. 

Cách chăm sóc cho cá hổ

Để chăm sóc cho cá hổ thì bạn hãy lưu ý một số điểm sau:

Kích thước bể

Cá hổ là dòng cá lớn, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi bạn cũng cần phải có bể lớn để nuôi chúng. Để nuôi một con cá hổ trưởng thành khoảng 40cm thì bạn cần bể có thể tích tối thiểu vào khoảng 300 lít. 

Khi cá hổ vẫn còn nhỏ thì bạn có thể nuôi chúng trong các bể nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi chúng lớn hơn thì bạn cần phải tách cá ra bể khác. 

Để nuôi vài con cá hổ chưa trưởng thành thì bạn cần bể có thể tích tối thiểu là 150-200 lít. 

Thông số nước

Trước khi quyết định nuôi cá hổ thì bạn cần biết rõ loài cá hổ bạn nuôi là loài nào. 

Một số cửa hàng không uy tín thì thậm chí còn có thể nhầm lẫn bởi các loại cá hổ khi chưa trưởng thành sẽ khó phân biệt hơn. 

Bạn cần biết được cá hổ là dòng nước lợ hay là dòng nước ngọt. Các dòng nước lợ và nước ngọt có thể phân biệt như mình đã nhắc đến bên trên. 

Là dòng cá nhiệt đới, cá hổ nên được nuôi trong bể có nhiệt độ vào khoảng 23-28 độ C. 

Cá hổ là loài sống khỏe, có thể chịu được một ít ammonia và nitrite trong nước. Bạn vẫn cần phải có một bộ lọc đủ lớn để xử lý lượng chất thải của cá hổ, nếu không thì bể sẽ rất dễ bị tích tụ chất độc. 

Độ pH nên dao động quanh mức trung tính, vào khoảng 6.5-7.5. 

Cây thủy sinh và đồ trang trí

Bạn không nên trồng quá nhiều cây hoặc thêm quá nhiều đồ trang trí vào bể trừ khi bạn có bể đủ lớn. 

Bể trống sẽ dễ dọn dẹp phân, thức ăn thừa cũng như là dễ dàng cọ rửa, thay nước hơn. 

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn thích trang trí thêm cho bể thì bạn có thể mua đá, lũa lớn và đặt vào trong bể, có thể giúp mô phỏng môi trường sống tự nhiên của chúng. 

Cá hổ không có tập tính ăn cây cũng như là đào bới vậy nên bạn có thể trồng bất kì loại cây nào bạn muốn. Bạn có thể trồng các loại cây thả nổi như các loại rong thủy sinh hoặc là cây lớn như cây lưỡi mác. 

Bạn cùng bể cho cá hổ

Cá hổ dù là loài săn mồi nhưng chúng tương đối hiền lành với những loài cá có chung kích thước khác. Bạn có thể nuôi chung cá hổ với các loài cá khác như là:

  • Cá rồng: Cá rồng là loài cá tuyệt vời để nuôi chung với cá hổ. Cả hai loài cá đều có chung môi trường sống ngoài tự nhiên và có chung kích thước. Thông thường hai loài cá này sẽ không gây sự với nhau. 
  • Dòng cá rô phi lớn: Bạn có thể nuôi chung cá hổ với các loài cá họ rô phi có kích thước lớn như là cá tai tượng da beo. 
  • Cá đuối nước ngọt: Cá đuối nước ngọt sẽ hoạt động tầng bể khác so với cá hổ. Hai loài này sẽ hiếm khi gặp nhau cũng như là tranh giành thức ăn, lãnh thổ của nhau.
  • Cá đô la bạc, cá kim sơn: Các loại cá bơi đàn này phù hợp để nuôi chung với các loài cá lớn như là cá rồng, cá hổ và cá săn mồi khác

Các loại cá nên tránh nuôi chung với cá hổ

Bạn cần tránh nuôi chung cá hổ với các loài cá quá nhỏ, vừa miệng chúng. Các loại cá nhỏ hơn 10cm như là bảy màu, bình tích, cá tetra,..sẽ nhanh chóng trở thành mồi cho cá hổ ngay khi được thả vào bể. 

Bạn cũng nên tránh nuôi chung cá hổ với những loài cá quá dữ. Các loài cá rô phi Nam Mỹ có thể có tích cách bảo vệ lãnh thổ, chúng có thể tấn công các loài cá khác, kể cả các loài có kích thước to hơn. 

Cho cá hổ ăn gì?

Cá hổ là dòng cá săn mồi. Dù một số người đã thành công trong việc huấn luyện chúng ăn thức ăn viên nhưng mà bạn vẫn nên cho chúng ăn đồ tươi sống. Cho cá ăn đồ ăn viên quá nhiều đôi khi có thể dẫn đến việc cá bị thiếu hụt chất. 

Bạn có thể sử dụng các loại thủy hải sản cắt nhỏ như là thịt cá, tôm, hàu, hến,… để cho cá hổ ăn. Bạn có thể cho cá ăn thịt gia cầm và gia súc như là cá, bò. Tuy nhiên bạn chỉ nên dùng thịt nạc và không nên cho cá ăn quá nhiều. Lý do bởi cá hổ sẽ khó tiêu hóa mỡ cũng như là thịt từ gia cầm/ gia súc, cũng khá dễ hiểu bởi đây không phải là loại thức ăn của chúng ngoài tự nhiên. 

Bạn cũng có thể cho cá ăn cá mồi sống như là cá hoặc là giun, côn trùng,.. Tuy nhiên bạn cần chọn mua mồi từ nguồn uy tín để tránh làm lây bệnh cho cá. 

Khi cá còn nhỏ, bạn nên cho chúng ăn hai lần một ngày. Khi cá đã trưởng thành thì trao đổi chất ở cá sẽ chậm lại, khi đó bạn chỉ cần cho chúng ăn một lần một ngày là đủ. 

Kết lại

Cá hổ là loài cá săn mồi lớn, bạn chỉ nên nuôi chúng khi bạn có thể cho cá đủ không gian sống, môi trường tốt và chế độ ăn phù hợp. Một khi các điều kiện đó được đáp ứng thì chúng sẽ là loài vật nuôi tuyệt vời. 

Cá hổ có thể được nuôi chung với các loài cá lớn khác như là cá rồng. Chúng sẽ không tấn công các loài cá lớn có chung kích thước khác. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *