aquasetup

Cá dĩa cắn nhau: nguyên nhân và cách khắc phục

Mục lục

Cá dĩa cắn nhau

Cá dĩa không phải là loài cá dữ. Tuy nhiên, chúng có thể sẽ có hành vi cắn nhau vào thời điểm sinh sản. Ngoài ra, cá dĩa cũng có thể dữ khi mà bể không có đủ thức ăn, quá chật, nuôi với số lượng nhỏ hoặc điều kiện bể không tốt. 

Trong bài viết này mình sẽ nói rõ hơn về mỗi nguyên nhân đó và cách để tránh việc cá dĩa cắn lẫn nhau. 

Cá dĩa có phải là loài cá dữ không?

Giống như các loài cá cùng họ cá rô phi khác, đôi khi cá dĩa có thể có tập tính bảo vệ lãnh thổ hoặc là tấn công lẫn nhau để thiết lập thứ bậc trong đàn. 

Con cá dĩa to khỏe nhất sẽ ở trên đỉnh và con cá yếu nhất sẽ ở dưới đáy thứ bậc trong bể. Một khi thứ bậc trong bể đã được thiết lập thì chúng cũng sẽ ít cắn hoặc tấn công nhau hơn. 

Cá dĩa cũng sẽ không làm phiền đến các loài cá khác trong bể, trừ khi chúng quá nhỏ. 

Ngoài ra, cá dĩa cũng sẽ trở nên bảo vệ lãnh thổ khi chúng sinh sản và khi bảo vệ cho trứng. 

Tại sao cá dĩa lại cắn nhau?

Cá dĩa thực chất là loài cá hiền lành, chúng hiền hơn nhiều so với các anh em thuộc cùng họ cá rô phi khác. 

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng chúng vẫn có thể dữ và cắn nhau tùy vào từng trường hợp. 

Dưới là các nguyên nhân có thể khiến cá dĩa dữ và cắn nhau.

1. Thiết lập thứ bậc

Khi bạn mới thả cá dĩa vào chung với nhau thì chúng sẽ dần dần thiết lập thứ bậc trong bể. Con cá khỏe nhất sẽ có địa vị trên đầu bảng. 

Trong quá trình này cá có thể cắn lẫn nhau để xác định con nào khỏe hơn, con nào yếu hơn. Hành vi này chỉ kéo dài một thời gian ngắn cho đến khi thứ bậc trong bể được thiết lập. 

Một khi đã xong rồi thì cá dĩa sẽ không cắn nhau nữa. 

Tuy nhiên, khi bạn thả một con cá dĩa mới vào trong bể thì nó cũng có thể bị các con khác cắn. Lý do cũng đơn giản thôi, đâu phải ai cũng muốn có đứa tự dưng chui vào nhóm và xếp hạng cao hơn mình đúng không?

Đây là lý do khi thả cá dĩa mới vào bể bạn nên thả vài con một lúc. Tránh trường hợp thả một con và con cá dĩa đó bị bắt nạt quá nhiều, đôi khi có thể dẫn tới tình trạng cá bị stress. 

2. Cá dữ tự nhiên

Cá dĩa là loài cá hiền. Tuy vậy, không phải con cá nào cũng sẽ hiền lành giống nhau. Bạn có biết là mỗi con cá có thể có tích cách khác nhau không? 

Vậy có nghĩa là sẽ có con cá hiền lành và cá dữ hơn cá khác. Đôi khi có thể sẽ có con cá dữ và bắt nạt, gây hấn với một số con cá khác mà không vì lý do gì. 

3. Vào thời điểm sinh sản

Cá dĩa sẽ trở nên dữ hơn, đặc biệt là vào thời điểm ghép cặp và sinh sản. 

Nếu bạn nuôi một đàn cá dĩa trong bể thì bạn ắt hẳn sẽ thấy chúng ghép cặp tự nhiên vào một thời điểm nào đấy. Thông thường, khi hai con cá ghép cặp thì chúng sẽ trở nên hiếu chiến hơn với các con cá khác trong bể để bảo vệ nơi đẻ trứng. 

Cá dĩa đực sẽ đặc biệt hung hăng hơn với các con cá đực khác để bảo vệ cá cái. 

Mặt khác, cá cái cũng sẽ dữ hơn để canh gác cho trứng. 

Ngoài ra, nếu trong bể có quá ít cá cái thì cá dĩa đực cũng có thể đánh nhau để tranh giành vị trí giao phối với cá cái. 

4. Bể thiếu thức ăn

Nếu trong bể bị thiếu thức ăn thì các con cá sẽ cạnh tranh nhau để giành nguồn tài nguyên khan hiếm này. 

Cơn đói có thể khiến cho cá dĩa hung hăng, tấn công lẫn nhau để tranh giành thức ăn. 

Nếu tình trạng này xảy ra lâu thì con cá dĩa yếu nhất có thể sẽ không có được đồ ăn, bị thiếu hụt dinh dưỡng và có thể chết. 

5. Môi trường bể không đảm bảo

Cá dĩa là loại đặc biệt nhạy cảm với môi trường sống. 

Nếu môi trường của chúng không phù hợp hoặc bị thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn thì có thể dẫn tới tình trạng cá bị stress. 

Cá dĩa bị stress có thể có những hành vi không bình thường như là cắn các con cá khác. 

Nguyên nhân gây stress có thể kể đến là nước bẩn, thông số nước không đúng, bể thiếu chỗ trốn,…

6. Nuôi quá ít cá

Cá dĩa là loài cá bơi đàn, vậy nên bạn cần nuôi chúng theo nhóm ít nhất là từ 6 con trở lên. Nếu chúng được nuôi với số lượng quá ít thì cá có thể dữ và cắn nhau. 

Khi nuôi cá theo đàn thì bạn cũng cần phải để ý đến kích thước của cá. Bạn chỉ nên nuôi các con cá dĩa với kích thước tương đương với nhau. 

Nếu cá dĩa lớn được nuôi chung với cá dĩa bé thì tình trạng cắn nhau có thể dễ xảy ra hơn. 

Cách để giải quyết tình trạng cá dĩa cắn nhau

Cá dĩa thường sẽ hiền lành so với các dòng cá rô phi khác. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể hung dữ trong một số trường hợp. Để giảm thiểu và giải quyết tình trạng cá dĩa cắn, rỉa vây lẫn nhau thì bạn có thể thử:

1. Cho ăn đầy đủ và đúng cách

Bạn không nên chỉ rắc thức ăn vào cùng một chỗ, thay vì đó hãy rắc xung quanh bể. Khi bạn rắc đều thức ăn quanh bể thì sẽ khiến cá khó để tranh ăn với nhau hơn. 

Nếu bạn chỉ cho thức ăn vào một chỗ thì cá dĩa đầu đàn sẽ canh giữ chỗ đó và không để các con cá khác lại gần. 

2. Nuôi thêm cá

Tình trạng cá cắn nhau có thể xảy ra khi bể nuôi quá ít cá. Ví dụ như là bể 100 lít mà bạn chỉ nuôi hai con chẳng hạn. Thông thường thì cá dĩa lớn sẽ bắt nạt con bé hơn. 

Nếu nuôi cá theo đàn thì sự chú ý của chúng sẽ bị phân tán đi nhiều thay vì chỉ tập chung vào con cá yếu và bé nhất. 

Vậy nên bạn có thể nuôi cá theo đàn ít nhất là từ 6 con trở lên. 

Nếu có thể thì bạn cũng có thể nuôi thêm một số loại cá bơi đàn khác như là cá sóc đầu đỏ, cá cánh buồm,… để có thể giúp phân tán sự chú ý của cá dĩa, giúp chúng bớt hung dữ hơn.

3. Tách riêng cá ra

Cá dĩa nhiều khi cũng sẽ cắn nhau khi chúng vào mùa sinh sản. Trong trường hợp thấy cá ghép cặp, bạn nên tách riêng cá ra bể riêng để chúng đẻ trứng. Hoặc bạn cũng có thể tách riêng các con cá khác ra bể khác. 

Trong trường hợp bể cá có một con cá dĩa quá dữ, nó liên tục làm phiền cá khác trong thời gian dài thì bạn cũng nên tách riêng ra một thời gian. Sau khoảng một tuần bạn có thể thả lại cá vào bể để kiểm tra xem nó đã hiền bớt lại chưa. 

Việc thả cá vào bể sẽ giúp thiết lập lại thứ bậc mới của cá. Ngoài ra, việc xuất hiện trong môi trường mới cũng sẽ giúp cá bớt dữ hơn. 

4. Đảm bảo môi trường sạch, nhiều không gian

Cá dĩa  đôi khi cũng có thể có biểu hiện cắn nhau khi bị stress. Việc cho cá môi trường ổn định và hợp lý có thể giúp giảm thiểu và phòng tránh hành vi này. 

Đầu tiên là bạn cần phải giữ cho môi trường nước ổn định nhất có thể. Việc giữ cho bể ổn định sẽ quan trọng hơn nhiều so với tạo được thông số nước đúng để nuôi cá.

Tuy nhiên, chúng sẽ nhạy cảm hơn nhiều đối với việc thay đổi môi trường sống. Không chỉ cá dĩa mà bất kì loài cá cảnh nào khác cũng vậy. 

Thứ hai, để đảm bảo nước sạch thì bạn cần phải sử dụng bộ lọc đủ lớn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải thay nước bể định kì để loại bỏ các loại chất độc tích tụ trong bể. Lượng nước tối ưu để thay mỗi tuần là vào khoảng 10-15% lượng nước trong bể. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *