Lớp màng sinh học quanh cá có nhiều công dụng. Chúng giúp giữ độ ẩm cho cá, giúp cho cá không bị nhiễm trùng và bơi nhanh trong nước hơn.
Thông thường thì cá sẽ không bị tuột nhớt. Trong trường hợp cá bị ốm, bị stress hoặc bị thương tích thì lớp màng sinh học này có thể bị mất. Nếu tình trạng này kéo dài lâu thì có thể gây nguy hiểm cho cá. Vậy nên bạn cần phải tìm nguyên nhân khiến cho cá bị tuột nhớt, và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.
Trong bài viết này mình sẽ nói cho bạn biết cách để chữa trị cho cá rồng, cá vàng, cá đĩa, cá lóc, cá la hán, cá betta,… bị tuột nhớt.
Biểu hiện của cá bị tuột nhớt
Khi cá bị tuột nhớt, bạn có thể sẽ thấy trên thân cá xuất hiện các lớp màng nhỏ màu trắng, như bị bong tróc ra.
Khi đó cá có thể có thêm biểu hiện bơi lờ đờ, xuất hiện vạch đỏ trên thân hoặc bỏ ăn.
Điều gì sẽ xảy ra khi cá bị tuột nhớt?
Khi cá bị tuột nhớt, chúng sẽ bị mất lớp phòng thủ đầu tiên khỏi các yếu tố tấn công bên ngoài. Khi đó vi khuẩn, nấm, ký sinh có thể dễ dàng tấn công cá và khiến chúng bị bệnh.
Lớp nhớt quanh thân có chứa các chất hóa học giúp đẩy lùi được vi khuẩn và nấm. Ngoài ra lớp màng cũng giúp làm giảm lực cản của nước, giúp chúng bơi dễ dàng hơn.
Khi cá bị thương, lớp nhớt có thể có tác dụng băng bó, giúp cá không bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân khiến cá bị tuột nhớt
Để chữa và giúp cá hồi phục lại lớp nhớt thì đầu tiên bạn phải tìm được nguyên nhân trước đã. Nguyên nhân gián tiếp có rất nhiều. Thông thường là do cá bị stress, từ đó khiến cho hệ miễn dịch của cá suy giảm, khiến cho cá dễ mắc bệnh hơn.
Cá có thể bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là do nước bể bị bẩn, có thông số không đúng. Cá cũng có thể bị stress do bị sốc nước, có thể là do bạn thả cá vào và không cho cá làm quen dần dần trước hoặc là bạn thay nước quá nhiều. Hoặc là trong bể có các loài cá không sống hòa hợp, các loài cá bị bắt nạt sẽ luôn trong tình trạng sợ hãi và bị stress.
Nguyên nhân trực tiếp thì qua nghiên cứu cho thấy như sau:
- 40% là do cá bị nhiễm khuẩn gram âm
- 30% trường hợp là do cá bị sán
- 20% trường hợp cá bị nhiễm ký sinh trùng đơn bào Costia hoặc Chilodonella
- 10% tác nhân gây bệnh khác
Bạn có thể chẩn đoán nguyên nhân dựa vào thời gian bệnh tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Cá bị sán thường sẽ không bị chết, bệnh diễn ra từ từ.
Cá bị nhiễm khuẩn sẽ phát bệnh nhanh, cá cũng thường bị nặng và dễ chết hơn.
Cá bị nhiễm ký sinh trùng thì sẽ ở giữa. Triệu chứng sẽ không diễn ra quá nhanh nhưng cũng không quá chậm.
Bạn cũng nên lưu ý là cá có thể bị tuột nhớt do nước có chứa clo. Bạn có vừa thay một lượng lớn nước ở trong bể không? Nếu câu trả lời là có thì đấy chắc hẳn là nguyên nhân gây bệnh. Nước máy nếu có chứa nhiều clo sẽ gây hại cho mang và da cá, nhiều khi sẽ dẫn đến tình trạng tuột nhớt.
Cách chữa trị cho cá
Bước đầu tiên bạn cần làm là tách riêng cá bị bệnh ra bể chữa bệnh riêng. Bạn hãy đảm bảo bể chữa bệnh được sử dụng nước sạch đã được khử clo.
Tiếp theo đó bạn hãy sử dụng các loại thước dưỡng cá. Một số loại thuốc có thể kể đến như là:
API Stress Coat – API Stress Coat là thuốc dưỡng cá có công dụng hồi phục nhớt cá. Thuốc có chứa chiết xuất lô hội, có công dụng chữa vảy, da của cá. Thuốc cũng có tác dụng loại bỏ các chất hóa học có hại trong nước máy, giúp nước an toàn hơn. Các chất có trong API Stress Coat cũng giúp thay thế tạm thời cho nhớt quanh người cá, giúp cá hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, chiết xuất lô hội trong nước đôi khi có thể làm đục nước.
Seachem Stress Guard – Seachem Stress Guard giúp cá hồi phục nhanh và bảo vệ nhớt của cá. Thuốc có công dụng giảm stress cá, giảm nồng độ ammonia trong nước nhiều hơn là khả năng chữa lành nhớt cá. Vậy nên bạn có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc này nếu muốn.
Bạn cũng nên bỏ vật liệu lọc than hoạt tính ra khỏi bộ lọc vì chúng sẽ hấp thụ hết thuốc chữa bệnh.
Sau đó bạn hãy quan sát cá hàng ngày để xem tình hình bệnh có đỡ hơn không. Nếu thành công thì bạn sẽ thấy đuôi và vây của cá dần dần khỏi và mọc lại sau 3-5 ngày.
Bạn cần chữa trị cho cá càng sớm càng tốt để tránh cho bệnh tình đã chuyển biến quá xấu.
Nếu phát hiện sớm thì nhớt trên người cá có thể dễ dàng hồi phục lại được.
Xử lý nguyên nhân gây stress cá
Bước tiếp theo là bạn hãy xác định rõ nguyên nhân gây bệnh cho cá để có thể trị tận gốc vấn đề. Nếu có thể thì hãy kiểm tra chất lượng nước để đảm bảo nước không chứa clo, ammonia hoặc nitrite.
Sau đó bạn hãy tiến hành thay 20-25% lượng nước trong bể, hút cặn đáy bể để loại bỏ thức ăn thừa và các loại chất hữu cơ thừa phân hủy bên dưới. Bạn cũng không nên cho cá ăn quá nhiều sau đó.
Kiểm tra lại hạn sử dụng trên bao bì thức ăn cho cá. Nếu cần thì bạn hãy mua loại thức ăn chất lượng cao mới cho cá để giúp chúng có đầy đủ dinh dưỡng và khỏe hơn. Bạn cũng nên tránh mua quá nhiều bởi cá sẽ không ăn nhiều như bạn nghĩ đâu.
Nếu trong bể có các loại cá không phù hợp, hay tấn công lẫn nhau thì bạn hãy nhanh chóng tách riêng chúng ra.
Cách phòng tránh tình trạng cá bị tuột nhớt
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tuột nhớt cũng như vô số căn bệnh khác ở cá là đảm bảo nước bể của bạn luôn sạch và được chăm sóc thường xuyên.
Để làm vậy thì bạn cần phải thực hiện thay nước cho bể định kỳ. Tối ưu nhất là khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần với nước sạch đã được khử clo.
Bạn cũng nên tránh nuôi quá nhiều cá bởi lượng phân thải sẽ quá nhiều hoặc các loại cá khác nhau sẽ rỉa vây của loài cá yếu hơn. Bạn cũng nên kiểm tra mức độ tương thích của từng loài cá trước khi nuôi chung chúng trong cùng một bể.
Bạn cũng không nên cho cá ăn quá nhiều, chỉ cho cá ăn mỗi lần lượng thức ăn chất lượng tốt vừa đủ để chúng có thể ăn hết trong vòng 5 phút. Càng nhiều thức ăn thừa thì khả năng vi khuẩn có hại và chất độc trong nước càng tăng cao.
Khi cho cá ăn bạn cũng nên quan sát kĩ cá để phát hiện được các dấu hiệu sớm bệnh để có thể kịp thời đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp.
2 bình luận
Nếu đang đánh thuốc có nên cho cá ngân long ăn
Vẫn nên cho cá ăn bình thường nha bạn, nếu cá bỏ ăn thì nên vớt thức ăn ra rồi hôm sau thử cho ăn lại.