Một ngày nọ tự dưng bạn thấy vây đuôi của chú cá trong bể tự dưng bị rách hay mất một mảng? Liệu chúng có thể mọc lại không?
Rách vây hay rách đuôi là vấn đề thường gặp ở cá cảnh, đặc biệt là các loài cá có bộ vây dài như là cá betta, cá vàng, cá bảy màu. Ngoài ra, một số loại cá khác như là cá neon, koi, la hán, rồng,.. cũng có thể bị rách vây và đuôi.
Gần như mọi loài cá đều có thể mọc lại vây và đuôi khi vây đuôi bị cụt, rách. Tuy nhiên, khả năng này chỉ có thể xảy ra khi bạn cung cấp cho cá môi trường sống cũng như là cách chăm sóc hợp lý. Nếu điều kiện bể không tốt thì cá có thể bị stress, bị bệnh hoặc chết.
Nguyên nhân khiến cho vây/ đuôi cá bị rách
1. Do bị rỉa vây
Nếu như vây bị rách thay vì bị cụt thì đây thường là dấu hiệu của việc bị thương tích vật lý. Thương tích có thể đến từ nhiều nguồn.
Phổ biến nhất trong số đó là bị các loài cá khác rỉa vây. Cá có thể bị rỉa vây hoặc là bị thương tích do chiến nhau với các con cá khác trong bể.
Một số loài cá không phải là loài cá hiền lành. Chúng có thể tấn công hoặc rỉa vây cá khác, đặc biệt là khi lãnh thổ của chúng bị xâm phạm hoặc là khi cá đến thời điểm sinh sản.
Khi nuôi cá thì bạn cần phải tìm hiểu kĩ về tập tính của mỗi loài cá trước khi chọn mua chúng và nuôi trong bể cộng đồng.
Ngoài ra, với cá betta thì thỉnh thoảng chúng cũng có thể bị stress và tự cắn vây đuôi của bản thân.
2. Do vật sắc nhọn trong bể
Cá đôi khi có thể bị rách vây đuôi do vật trang trí nhọn trong bể như là đá hoặc là sỏi. Tuy trường hợp này là hiếm hơn những cũng không phải là không thể xảy ra.
3. Cá bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể khiến cho vây của cá bị cụt. Nếu vây đuôi của cá bị cụt do nhiễm trùng thì vây của cá nhìn sẽ ngắn, tơi tả, có thể sẽ có viền trắng bông ở phía rìa vây. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy vệt đỏ trên vây cá.
Thông thường thì cá khỏe mạnh sẽ khó bị nhiễm trùng vây. Tình trạng này chỉ xảy ra khi môi trường bể không tốt cộng với việc cá bị stress, bị thương tích vây từ trước.
Cách giúp cá lành lại vây nhanh hơn
Nếu bạn thấy vây cá bị rách thì bạn cần phải có biện pháp để giúp cá lành lại vây tốt hơn.
Điều quan trọng nhất là bạn cần phải cho cá nước sạch để chúng có thể thấy thoải mái và tránh làm tình trạng tồi tệ hơn. Nếu nước bị bẩn thì cá sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn.
Đầu tiên bạn hãy thay khoảng 25% lượng nước bể để loại bỏ phân cá cũng như là các loại cặn hữu cơ khác khỏi bể.
Trong vòng vài tuần tiếp theo bạn hãy vẫn cứ thay lượng nước như vậy mỗi tuần. Nếu có thể thể bạn hãy thả một chiếc lá bàng vào trong bể. Tannin từ lá bàng có thể giúp cho cá bớt stress và đồng thời có chức năng kháng khuẩn, ngăn vết thương bị nhiễm trùng.
Xem thêm: Cách sử dụng lá bàng cho bể thủy sinh.
Khi nào thì bạn nên sử dụng thuốc?
Thông thường thì cá có thể mọc lại vây nếu môi trường tốt và chúng đang khỏe mạnh. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề có thể xảy ra. Một trong số đó là cá bị nhiễm trùng, gây tình trạng thối vây, đuôi.
Nếu cá của bạn có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì bạn có thể xem xét chữa trị bằng cách dùng thuốc hoặc tắm muối cho cá.
Một số loại vi khuẩn gram – âm gây bệnh có thể kể đến là Vibrio, Pseudomonas và Aeromonas.
Các loại vi khuẩn này luôn tồn tại trong nước, khó có thể gây bệnh cho cá do cá đã được hệ miễn dịch bảo vệ. Khi cá bị stress, hệ miễn dịch của chúng sẽ bị yếu đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có thể phát triển và gây bệnh.
Tiếp theo bạn hãy mua thuốc để chữa bệnh cho cá. Các loại thuốc khuyên dùng là API melafix (lazada) hoặc các loại kháng sinh cho vi khuẩn gram-âm cho cá, kết hợp với API stress coat (link lazada).
Thông thường thì bạn chỉ cần cho thuốc vào bể theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất. Bạn cũng nên bỏ vật liệu lọc than hoạt tính ra khỏi bộ lọc vì chúng sẽ hấp thụ hết thuốc chữa bệnh.
Sau đó bạn hãy quan sát cá hàng ngày để xem tình hình bệnh có đỡ hơn không. Nếu thành công thì bạn sẽ thấy đuôi và vây của cá dần dần khỏi và mọc lại sau vài tuần.
Bạn cần chữa trị cho cá càng sớm càng tốt để tránh cho bệnh tình đã chuyển biến quá xấu.
Nếu phát hiện sớm thì thối đuôi có thể dễ dàng được điều trị và đuôi cá sẽ có thể dần mọc lại.