Không có gì tệ hơn là một bể cá đục ngầu cả. Tệ hơn nữa là trong nước còn có những hạt lơ lửng và có vẻ mãi không hết. Có nhiều thứ có thể trôi trong nước mà nhìn giống như những hạt bụi. Bạn đôi lúc còn có thể thấy chúng có màu xanh hoặc vàng. Nhưng những hạt bụi đó là gì?
Bụi lơ lửng trong bể cá thủy sinh có thể là nhiều thứ, chúng có thể là chất dưới nền vừa được hút lên, các hợp chất hữu cơ, cá hoặc cây cối bị phân hủy, vi khuẩn bùng phát, bọ nước.
Bụi thông thường chỉ là một trong ba thứ: cặn vô cơ, cặn hữu cơ hoặc là vi khuẩn bùng phát.
Có rất nhiều nguyên nhân cụ thể hơn gây ra bụi trong nước bể cá và mình sẽ cố gắng để liệt kê tất cả mọi nguyên nhân có thể trong bài viết này.
Nguyên nhân tạo bụi lơ lửng trong hồ cá
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến hồ cá thủy sinh của bạn bị bụi
Bạn mới dọn bể (Cặn vô cơ)
Sau khi bạn dọn bể hoặc di dời các thứ trong đó, điều này có thể gây bụi trong bể. Đó là do các cặn bên dưới bể bị nhấc lên và bắt đầu bay trong nước.
Đây có thể là vấn đề bình thường đối với những người nuôi cá lâu năm. Tuy nhiên với những người mới chơi thì họ có thể sẽ cảm thấy như vậy là không bình thường và nghĩ có vấn đề gì đó với bể.
Đây là vấn đề luôn xảy ra, bạn không cần phải quan tâm đến bụi sau khi dọn bể cá hoặc thay nước. Nó sẽ biến mất sau vài giờ, nếu sau thời gian đó bụi không biến mất thì bạn hãy xem thêm các nguyên nhân bên dưới.
Bể cá chưa được ổn định (chưa cycle xong dẫn đến vi khuẩn bùng phát)
Hệ vi sinh về căn bản sẽ chia làm hai loại. Loại đầu tiên là loại ăn chất hữu cơ để chuyển hóa thành ammonia.
Loại thứ hai là loại chuyển hóa ammonia thành các chất đỡ độc hơn. Loại này còn gọi là vi khuẩn nitrat hóa.
Khi vật chất hữu cơ trong bể dư thừa thì loại vi khuẩn đầu tiên sẽ sinh sôi cực nhanh, dẫn đến tình trạng bể cá bị đục trắng do chúng đang phải sinh sôi để có thể giải quyết được vật chất hữu cơ bị thừa trong bể.
Bể cá có quá nhiều hợp chất hữu cơ (Cặn hữu cơ và vi khuẩn bùng phát)
Các chất hữu cơ này có thể chạy ra khỏi lọc và gây ra bụi trong bể cá. Nguyên nhân có thể là do bạn cho cá ăn quá nhiều hoặc lọc của bạn quá bé so với bể, khiến cho lọc không thể xử lý hết được lượng rác hữu cơ trôi nổi trong nước.
Cá và cây phân hủy (Cặn hữu cơ và vi khuẩn bùng phát)
Khi bạn không để ý, cá chết hoặc cây chết sẽ phân hủy ra nước và làm đục nước.
Rêu bùng phát.
Rêu bùng phát có thể tạo những đám bụi trong bể cá. Nếu màu của nước thay đổi, ví dụ như chuyển sang màu vàng hoặc xanh thì mình khá chắc rằng bể của bạn đã bị bùng phát rêu. Đôi lúc, bụi từ rêu bùng phát vẫn có thể có màu trắng hoặc xám.
Bọ nước
Bọ nước nếu không nhìn kỹ có thể trông giống như bụi lơ lửng trong hồ cá. Để đảm bảo điều này không xảy ra thì bạn cần phải nhìn kỹ đám bụi đó, đôi khi nhiều người bị nhầm lẫn do kích thước nhỏ của chúng. Loài bọ này tên là Giáp xác chân chèo và chúng có thể sống trong cả bể nước ngọt lẫn nước mặn.
Cách khắc phục bụi lơ lửng trong hồ cá
Bây giờ chúng ta sẽ nói về cách khắc phục đám bụi lơ lửng này.
Nếu bụi xảy ra do bạn mới thay nước hoặc di dời vật trong bể (do cặn vô cơ): bạn có thể không thể làm gì cả, chỉ đợi bụi tự lắng xuống và lọc nước lọc được hết bụi trong bể cá là được.
Nếu đợi khoảng nửa ngày đến một ngày mà nước vẫn chưa trong lại bạn hãy nhét thêm một lớp bông lọc mịn vào bên trong lọc.
Trong trường hợp bể của bạn bị vi khuẩn bùng phát thì:
- Châm thêm vi sinh cho bể. Châm thêm vi sinh sẽ bổ sung thêm vi sinh có lợi và giúp chúng xử lý được chất hữu cơ, ammonia và nitrite trong bể của bạn. Làm vậy sẽ không giúp nước trong nhanh hơn. Thay vì đó châm thêm vi sinh sẽ giúp bổ sung thêm cho bể lượng vi khuẩn nitrat hóa đang bị thiếu hụt, tránh tình trạng cá bị ngộ độc ammonia do vi khuẩn bùng phát.
- Nếu bạn có vật liệu lọc hoặc nước từ bể cá khỏe mạnh khác thì bạn có thể sử dụng chúng trong bể bị bụi. Làm vậy cũng giúp bổ sung được lượng vi sinh bị thiếu hụt trong bể.
- Thực hiện thay nước vài ngày một lần, mỗi lần 10% nước cho đến khi bạn thấy thay đổi trong bể.
- Kiên nhẫn chờ đợi để bể cá tự cân bằng lại.
Nếu bể của bạn bị bụi do cặn hữu cơ: Khả năng cao là lọc của bạn không xử lý hết được chúng. Bạn cần vệ sinh lọc định kỳ, đồng thời để ý xem bạn có đang nuôi quá nhiều cá hoặc cho chúng ăn quá nhiều không để có thể điều chỉnh lại. Bạn cũng nên xem lọc của bạn có quá nhỏ cho bể không, nếu đúng thì có lẽ đã đến lúc bạn phải thay lọc bể cá mới. Ngoài ra thì bông lọc mịn cũng có thể xử lý được cặn hữu cơ khá tốt.
Xem thêm: Cách chọn lọc cho bể cá
Cá và cây phân hủy: Để ý kỹ xem có vật gì đang phân hủy trong bể không, nếu phát hiện hãy vớt nó ra khỏi bể ngay, tránh trường hợp chúng giải phóng ammonia và gây chết cá.
Rêu bùng phát: Ngoài các vấn đề đã nêu trên, còn một nguyên nhân nữa có thể xảy ra là do rêu hại bùng phát. Cách nhận biết là do màu sắc của nước thay đổi, có thể chuyển sang màu xanh lá hoặc vàng. Nguyên nhân thường thấy nhất cho việc bùng phát rêu là do dinh dưỡng của bể bị mất cân bằng, hoặc bể của bạn nhận quá nhiều ánh sáng.
Cách giải quyết đầu tiên cho vấn đề này là điều trị vấn đề tận gốc thay vì chỉ điều trị phần ngọn.
Đầu tiên kiểm tra xem bạn có bật đèn có quá lâu hoặc quá mạnh không. Thời gian hợp lý để bật đèn bể cá là từ 8-12 tiếng. Nếu bạn bật nhiều hơn thì sẽ tạo điều kiện tốt cho rêu hại phát triển. Bạn có thể mua ổ cắm hẹn giờ cho đèn bể cá để có thể kiểm soát thời gian bật đèn tốt hơn. Ánh sáng từ mặt trời cũng là nguyên nhân khiến cho nước bị xanh, vậy nên bạn cần giữ cho bể tránh xa ánh sáng mặt trời.
Tiếp theo là kiểm soát vấn đề dinh dưỡng. Nước xanh có thể xảy ra sau khi bể mới làm hoặc bể lâu không chăm sóc. Khi đó dinh dưỡng từ các chất hữu cơ sẽ tích tụ và tạo nguồn thức ăn dồi dào cho rêu hại. Để hạn chế vấn đề này bạn cần thay nước thường xuyên, lý tưởng nhất là thay 10-15% lượng nước một tuần.
Bọ nước: Bọ nước có thể là vấn đề khác trong bể. Chúng có thể đến từ cây cối bạn mua về từ các cửa hàng cá. Cách tốt nhất để đối phó với vấn đề này là hút cặn cho bể một đến hai lần một tuần và tránh cho cá ăn quá nhiều, thức ăn dư thừa có thể chính là nguồn nuôi loại bọ nước này.
Kết luận
Tóm tắt lại, công thức để bể cá có thể trong là sử dụng bộ lọc tốt với bông lọc mịn. Trong trường hợp bể cá bị bùng phát vi khuẩn thì với bộ lọc tốt và vật liệu sinh học đầy đủ, bể sẽ có thể tự cân bằng lại được sau khoảng vài ngày đến một tuần mà không cần bạn làm gì cả.
Xem thêm: Bể cá bị nhớt: nguyên nhân và cách khắc phục
Vậy nên bạn cũng cần lau kính thường xuyên để tránh nước rơi vào tình trạng xấu.
Hệ thống lọc cho bể cá vô cùng quan trọng, bạn cần nghiên cứu loại lọc phù hợp với thể tích bể của mình, bạn có thể tham khảo ý kiến tại những nơi bán lọc để có thể có được lựa chọn tốt nhất.