aquasetup

6 nguyên nhân khiến cho tép cảnh bơi loạn xạ trong bể và cách chữa trị

Mục lục

Tép bơi loạn xạ

Tép cảnh là loại vật nuôi phổ biến trong bể thủy sinh. Đôi lúc, chúng có thể sẽ có những hành vi kì cục không thể hiểu được. Một trong số đó là bơi loạn xạ quanh bể. Tép có thể bơi quanh bể khi chúng bị sốc nước, nước bể nuôi gặp vấn đề hoặc chỉ đơn giản là chúng đang trong quá trình giao phối. 

Trong quá trình giao phối, tép cái sẽ giải phóng pheromones vào trong nước, trong khi đó, con đực sẽ bơi loạn quanh bể, tìm con cái để giao phối. 

Trong bài viết này, mình sẽ nói rõ hơn về các nguyên nhân đó và cách để bạn có thể giải quyết vấn đề này. Làm vậy có thể giúp tép của bạn có thể sống khỏe mạnh và có thể lên được màu đẹp hơn. 

Tại sao tép lại bơi loạn xạ trong bể?

Tép thường bơi quanh bể. Tuy nhiên, nếu chúng làm vậy cả ngày thì tức là có gì đó đang không ổn. Một số nguyên nhân khiến tép bơi loạn xạ có thể là: 

1. Tép đực đang tìm kiếm tép cái

Tép lột vỏ hàng tuần để có thể phát triển lớp vỏ mới hơn, to hơn và tốt hơn. Tép cái thường bắt đầu giai đoạn sinh sản sau khi chúng lột vỏ. 

Khi tép cái lột vỏ thành công, chúng sẽ bắt đầu giải phóng pheromones vào trong nước để thu hút con đực. Nếu tép bơi loạn xạ trong bể của bạn chỉ là tép đực thì nguyên nhân chủ yếu chỉ là do chúng đang tìm con cái mà thôi. 

Tép đực thường sẽ nhỏ hơn, với bụng có dáng thẳng và màu sắc của chúng có thể nhạt hơn. 

Tép cái sẽ có bụng tròn, to hơn và có màu sắc đậm hơn. Khi con cái đủ tuổi sinh sản thì chúng sẽ có phần trứng, màu vàng ở trên lưng/đầu. 

Tép bơi loạn xạ

Tép cái lột vỏ xong sẽ trốn, nhiệm vụ của tép đực bây giờ là đi tìm chúng. 

2. Tép đang làm quen với môi trường nước mới

Tép sẽ nhạy cảm với bể nuôi hơn cá nhiều. Vậy nên, đôi khi chúng phải mất kha khá thời gian hơn nếu bạn thả chúng vào bể mới. 

Trong trường hợp bạn thả tép vào trong bể quá nhanh thì chúng có thể bị stress, từ đó dẫn đến hành vi bơi loạn xạ trong bể. 

Trường hợp tép bị sốc nước và làm quen với môi trường nước mới không chỉ xảy ra khi mà tép mới được mua về. Khi bạn làm thay đổi nước bể quá nhiều như là thay quá nhiều nước, châm thêm phân nước, khoáng,.. thì bạn cũng có thể khiến cho tép cảnh bị sốc nước. 

Trong trường hợp nước bể của bạn tốt, các loại thông số ổn định và đúng thì tép chỉ cần thời gian để làm quen với môi trường mới. Trong trường hợp nước bể xấu, bị bẩn với chất độc tích tụ thì tép sẽ dễ bị chết. 

3. Chất lượng nước xấu

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến tép bơi loạn xạ là chất lượng nước trong bể của bạn không đủ tốt, thường là do bể mới làm, chưa kịp cycle và bạn đã thả tép.

Giải thích qua về cycle thì đó là quá trình vi sinh có lợi trong bể sinh sôi đủ để có thể xử lý được các chất độc trong bể cá như là ammonia, nitrate, nitrite. Nơi mà vi sinh sống có thể là trong vật liệu lọc, dưới nền và trên các bề mặt trong bể. Vi sinh có lợi có vai trò xử lý nước và làm nước an toàn để các loài khác có thể sinh sống được. Bạn nên đảm bảo bể đã được cycle đầy đủ trước khi thả cá hoặc tép vào bể.

Quá trình cycle mất bao lâu? Không có một con số cụ thể, quá trình cycle có thể tốn một tuần cho đến tháng tùy thuộc vào cách bạn xử lý nước. Nếu bạn châm thêm vi sinh cho bể hoặc sử dụng nước từ bể cá khác để làm bể mới thì quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh và chỉ tốn vài ngày.

Ngoài ra, dù cho bể đã làm lâu và bạn vô tình làm chết vi sinh có lợi cho bể do thay quá nhiều nước, rửa lọc hoặc bạn nuôi thêm cá thì cùng sẽ làm cho bể quay trở lại quá trình cycle. 

4. Thông số nước sai

Có hai dòng tép chính hiện nay đó là tép màu( Neocaridina) và tép lạnh (Caridina). Dù cho có ngoại hình có nhiều điểm tương đồng nhưng hai loài tép này lại thuộc chi khác nhau và không thể lai được với nhau và có thông số nước nuôi tương đối khác nhau.

Dù cho nước sạch mà thông số nước sai thì điều đó vẫn có thể khiến tép bị stress, bỏ ăn thậm chí có thể chết lai rai.

Làm gì khi tép bơi loạn xạ?

Trước khi bạn thực hiện các biện pháp chữa trị cho cá thì bạn nên nhớ rằng tép là loài hay tò mò, chúng thích bơi quanh bể để khám phá xung quanh, không phải bởi vì tép bị stress mà bởi vì chúng thích như vậy. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài vài ngày đến cả tuần thì tức là có gì đó đang không ổn, bạn cần:

1. Cung cấp môi trường nước tốt

Tép là loài ăn tạp hiền lành, chúng sẽ dành hầu hết thời gian để đi kiếm ăn và không làm phiền đến các loài khác. Để có thể cho tép sống khỏe, thoải mái thì bạn cần cho chúng:

Thức ăn đúng – Tép có thể bơi loạn xạ do bị stress do không đủ thức ăn. Tép thích ăn các loại rêu hại trong bể. Nếu bể của bạn mới làm, chưa có đủ rêu thì bạn cần cho chúng ăn rau luộc. Tép thích các loại rau cải, cà rốt, dưa chuột luộc. Bạn cũng có thể cho chúng ăn thức ăn cho cá nếu muốn. 

Ánh sáng – Tép không yêu cầu quá cao về ánh sáng. Bạn chỉ cần chiếu sáng 2 tiếng một ngày là được. Bạn cũng nên mô phỏng môi trường ngoài tự nhiên bằng cách bật tắt đèn đúng thời điểm trong ngày. Chiếu sáng nhiều cũng giúp tạo rêu – nguồn thức ăn tự nhiên của tép ở trong bể. 

Thông số nước – Mỗi loại tép sẽ yêu cầu một loại thông số nước khác nhau. Chúng cần phải có khoáng trong nước để có thể lột vỏ, độ pH ổn định với ammonia, nitrite trong nước xấp xỉ 0. 

Tép màu:

Nhìn chung tép màu có khả năng chịu đựng và sống tốt hơn so với tép lạnh. Một loại tép màu phổ biến là tép đỏ hay còn gọi là tép anh đào. Loại tép này có thể sống được kể cả ở trong môi trường không lý tưởng. Thông số để nuôi tép màu là:

  • Nhiệt độ: 18 °C- 28 °C
  • pH: 6.5-8.0
  • TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 200-300 ppm
  • GH (độ cứng của nước): 4-8 dGH

Mặc dù tép màu có thể sống được ở nhiệt độ 18 °C- 28 °C nhưng chúng sẽ thoải mái hơn khi bể ấm một tẹo, tức là khoảng 22 °C- 26 °C, nếu bể của bạn quá lạnh, quá ấm hoặc có độ pH nằm ngoài khoảng trên thì có thể tép cũng sẽ bỏ ăn. Tép màu có khả năng chịu độ cứng tốt và chúng có thể sống trong cả môi trường nước cứng lẫn nước mềm nên thường thông số TDS và GH sẽ không phải nguyên nhân khiến tép bỏ ăn.

Tép lạnh:

Tép lạnh thường đắt, khó nuôi và đòi hỏi về thông số nước hơn so với tép màu. Tuy nhiên, chúng lại đa dạng về họa tiết và màu sắc hơn so với người họ hàng kia. Một số dòng tép lạnh có thể kể đến là tép ong đỏ, tép ong đen, tép kingkong, blue bolts, tép tiger, …

Nếu các chỉ số nước nằm ngoài điều kiện sống của tép ong thì chúng sẽ bị stress và bỏ ăn.

  • Nhiệt độ: 17 °C- 24 °C
  • pH: 6.5-7.5
  • TDS (chỉ số chất rắn hòa tan): 100-200 ppm
  • GH (độ cứng của nước): 4-6 dGH

Vậy nên bạn hãy thỉnh thoảng kiểm tra thông số nước, dù cho nước có sạch và thức ăn chất lượng tốt đến bao nhiêu tép cũng sẽ bỏ ăn nếu không được nuôi trong môi trường phù hợp. Nếu nước máy nơi bạn sống không phù hợp để nuôi tép thì bạn có thể đầu tư lọc RO và châm thêm khoáng để nuôi loài vật đòi hỏi cao này. Thường người nuôi chuyên nghiệp hoặc muốn nuôi các loại tép cao cấp đều sử dụng lọc RO xử lý nước nuôi tép để đảm bảo nước luôn sạch và có chất lượng tốt nhất.

Để có thể giữ cho môi trường nước đúng và ổn định thì mình có dùng một số sản phẩm sau

  • API water conditioner để khử độc trong bể nuôi tép
  • Khoáng cho tép cảnh để bổ sung thêm canxi, magie cho quá trình lột vỏ của tép. 

2. Loại bỏ chất độc

Các loại chất độc thường thấy trong bể nuôi tép là ammonia, nitrite, clo hoặc là kim loại nặng. 

Bạn cần phải để ý kỹ đến nguồn nước nuôi tép. Nước máy nên được khử clo hoặc sử dụng các loại thuốc khử độc nước (lazada) để loại bỏ kim loại nặng, clo trước khi dùng để thay nước cho bể. 

Ammonia và nitrite có thể được xử lý bằng cách châm thêm vi sinh (lazada) cho bể. Hệ vi sinh có thể chuyển hóa ammonia thành nitrite và rồi thành nitrate. Nittrate là chất không gây hại nếu ở số lượng ít, tuy nhiên vẫn có thể làm ảnh hưởng đến tép nếu bị tích tụ nhiều. Để loại bỏ chất này thì chỉ có cách là thay nước hoặc trồng thêm cây thủy sinh. 

3. Chăm sóc cho bể định kì

Kể cả khi nước bể tép của bạn không có độc thì bể vẫn có thể sẽ dần dần tích tụ các chất gây hại về sau nếu không được chăm sóc thường xuyên. Bạn nên sử dụng cây hút cặn để có thể dọn dẹp đáy bể và thay nước cho bể hàng tuần. 

Lượng nước tối ưu nên được thay cho bể là vào khoảng 10-15% lượng nước bể mỗi tuần. Thay nước cho bể định kỳ sẽ giúp cho tép luôn có nguồn nước sạch nhất và cũng giúp cho tép tránh được các bệnh có thể xuất hiện về sau. 

Bạn có thể sử dụng cây hút cặn (lazada) để hút cặn và đồng thời thay nước luôn cho bể.

4. Cung cấp cho tép chỗ trốn

Tép bơi loạn xạ là hành vi cho thấy có thể tép đang bị stress. Cung cấp nhiều chỗ trốn cho tép có thể giúp chúng bình tĩnh hơn trong khoảng thời gian này. Chỗ trốn cho tép có thể là các ống gốm hoặc các loại cây thủy sinh, bèo, tong. 

Kết lại

Nếu bạn phát hiện thấy tép trong bể bơi loạn xạ thì chúng có thể đang trong quá trình giao phối nếu chỉ có tép đực bơi loạn xạ và tép cái đang trốn. 

Tuy nhiên, tình trạng có thể nghiêm trọng hơn, có thể là tép đang bị stress do sốc nước, nước bể nuôi không có thông số đúng, tép không có thức ăn. Trong trường hợp này bạn cần tìm nguyên nhân, cho tép môi trường sống tốt nhất để chúng có thể tự bình phục dần. 

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *