aquasetup

6 loại nền thủy sinh thông dụng, ưu nhược điểm mỗi loại

Mục lục

Các loại nền thủy sinh

Bạn bắt đầu làm bể thủy sinh và tự hỏi liệu loại nền nào là phù hợp nhất cho bể của mình? Hoặc bạn có cần phải sử dụng đến phân nền không? Tùy vào phong cách bể của bạn mà bạn có thể sử dụng các loại nền bể khác nhau. 

Bài viết này mình sẽ viết về các loại nền phổ biến nhất và cách sử dụng chúng hiệu quả nhất. 

Bể cá không nền và bể cá có nền

Bạn không nhất thiết phải sử dụng nền bể và sẽ có những lợi ích nhất định đối với bể trống. Một trong số đó sẽ là bể sẽ rất sạch và thường sẽ trong hơn bể sử dụng nền. Bạn sẽ cũng đỡ phải mất công hút cặn đáy nền hơn. 

Bể không có nền phù hợp để làm bể cá sinh sản hoặc nuôi các loại cá lớn/ cá có thể ăn cây thủy sinh như là cá vàng, cá rồng, cá ali, các loại két,… Bể không có nền cộng với miếng dán decal màu đen hoặc hình tùy bạn chọn có thể khiến cho bể nhìn tinh tế và sang trọng hơn nhiều. 

Mặt khác, thêm nền vào bể sẽ giúp bể mang nét tự nhiên hơn. Lợi ích khác của nền bể là chúng cung cấp nơi sống cho các loại vi khuẩn có lợi. Các loại vi khuẩn này sẽ giúp xử lý các loại chất độc hại tích tụ trong nước như là ammonia, nitrite. Bể không có nền sẽ mất một lượng lớn nơi sống cho vi khuẩn có lợi. 

Xem thêm về quá trình cycle. 

Phân nền giúp nhả dưỡng từ từ vào trong nước và đồng thời cũng giúp cân bằng độ pH trong bể. Ngoài ra, một số loại cá sẽ thích bể có nền hơn. Các loại cá kiếm ăn tầng đáy như là cá chuột sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu bể của bạn có một lớp cát mỏng. 

Các loại nền cho bể cá

Có nhiều loại chất bạn có thể sử dụng làm nền cho bể cá, mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm riêng, bên dưới là danh sách các loại nền phổ biến nhất

1. Sỏi

Các loại nền thủy sinh

Có nhiều loại sỏi thủy sinh (lazada) với kích thước, hình dáng cũng như màu sắc đa dạng. Có những loại sỏi nhỏ như là sỏi suối với kích thước 2-3mm hoặc sỏi với kích thước lớn hơn, tầm khoảng 4-5mm. 

Sỏi là loại nền được nhiều người sử dụng, đặc biệt là những người mới lần đầu làm bể thủy sinh bởi chúng sẵn có, được bán ở nhiều nơi và có giá thành rẻ. 

Lưu ý: Có một số loại sỏi có cạnh sắc. Nếu bạn nuôi một số loài cá tầng đáy thì bạn nên tránh sử dụng các loại này bởi chúng có thể làm xước người, vây và miệng của cá. Đôi khi các vết thương có thể khiến cá bị nhiễm trùng và chết. 

Bạn có thể trồng cây thủy sinh bằng cách trồng chúng xuống dưới sỏi. Tuy vậy sỏi không phải là loại nền phù hợp nhất để trồng cây thủy sinh vì chúng không cung cấp cho cây khoáng cũng như dưỡng để phát triển. Sỏi là chất trơ vậy nên chúng sẽ không làm ảnh hưởng gì đến nước. Khi sử dụng sỏi để trồng cây thì bạn cần phải bổ sung cho bể phân nước hoặc tốt hơn là phân nhét. 

Khi bạn hút cặn đáy, sỏi sẽ không bị hút lên theo, vậy nên nền sẽ ít bị tác động hơn. Tuy vậy, bởi vì sỏi thường có kích thước to nên nhiều khi thức ăn thừa có thể bị tích tụ vào dưới đáy nền, gây bẩn nước. Đó là lý do bạn không nên sử dụng các loại sỏi tròn thủy tinh lớn bởi chúng dễ làm tích tụ chất thải và khó để hút cặn. 

Sỏi
Lợi ích Hạn chế
– Giá thành rẻ
– Đa dạng về kích thước, màu sắc
– Nặng nên không dễ bị xáo trộn
– Không làm ảnh hưởng đến nước
– Dễ khiến tích tụ thức ăn thừa
– Cần được hút cặn thường xuyên
– Vài loại sỏi cạnh sắc có thể làm xước cá
– Không cung cấp dinh dưỡng, khoáng

2. Cát 

Các loại nền thủy sinh

Cát (lazada) có thể được coi là một loại sỏi nhưng với hạt nhỏ hơn nhiều. Cát thường được cấu tạo từ các hạt đá nhỏ, vỏ sò, các loại tạp chất khác,…Vì cát có dạng hạt mịn, chúng là loại nền lý tưởng cho các loại cá tầng đáy có bụng mềm.

Dù cát không được đa dạng như so với sỏi, ngoài thị trường vẫn có vô số loại để bạn có thể chọn. Có nhiều loại các khác nhau như cát trắng, cát đen hoặc là cát vàng. Nếu bạn muốn bể mình có nét tự nhiên thì bạn có thể sử dụng cát vàng hoặc là cát đen. Trong trường hợp bạn muốn bể nhìn sáng hơn thì bạn có thể sử dụng cát trắng. Bạn cần lưu ý khi sử dụng cát trắng là cần phải vệ sinh bộ nền thường xuyên hơn. Lý do là phân cá trên nền cát trắng sẽ nhìn rõ hơn và cát trắng nhiều khi sử dụng lâu có thể bị xỉn màu.

Cát có dạng hạt mịn nên giữa chúng không có nhiều khoảng trống, do đó các vụn thức ăn thừa hoặc phân cá sẽ khó bị kẹt lại phía dưới hơn. Từ đó giúp bạn dễ dàng dọn dẹp được bể, hút cặn đáy bể hơn.

Tuy nhiên, cát lại nhẹ, do đó khi bạn hút cặn bạn có thể dễ dàng làm xáo động nền khi bạn hút quá mạnh, đôi khi bạn có thể sẽ hút cả cát ra ngoài.

Cát đôi khi có thể trôi trong nước, bị hút vào và có thể làm hỏng lọc. Vậy nên khi cho thêm nước hoặc hút cặn đáy bể thì bạn nên hút hoặc là thêm một cách nhẹ nhàng, tránh làm xáo động nền quá nhiều.

Bạn có thể trồng cây thủy sinh trên cát, tuy nhiên cát có mật độ dày, cây thủy sinh đôi khi có thể gặp vấn đề khi phát triển rễ. Giống như sỏi, cát sẽ không cung cấp được dưỡng cho cây. Để trồng cây thì bạn nên sử dụng phân nhét hoặc là phân nước. 

Cát có mật độ dày, khiến cho không khí khó có thể lưu thông được dưới nền, vậy nên các loại vi khuẩn có lợi (vi khuẩn hiếu khí) sẽ không thể sống được. 

Cát
Lợi ích Hạn chế
– Giá thành rẻ
– Nhiều màu sắc
– Phù hợp để nuôi các loài cá tầng đáy
– Không làm ảnh hưởng đến nước
– Dễ hút cặn, dọn dẹp
– Dễ bị xáo trộn
– Có thể làm hỏng lọc
– Không quá phù hợp để trồng cây
– Không cung cấp dinh dưỡng cho cây
– Không cung cấp được nơi sống cho vi khuẩn có lợi

3. Phân nền

Các loại nền thủy sinh

Phân nền (lazada) là loại nền bể được thiết kế để có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây thủy sinh. Nếu bạn muốn trồng một bể dày cây cối hoặc trồng các loại cây yêu cầu mức độ chăm sóc cao thì bạn nên sử dụng phân nền thủy sinh. 

Không giống như các loại chất nền khác, phân nền không có nhiều hình dạng. Dù là phân nền hãng nào thì chúng đều có dạng hạt cầu nhỏ, thường vào khoảng 2-4mm màu đen/ xám. Kích thước này đủ lớn để có thể dễ dàng trồng cây, đồng thời có thể cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi. 

Khi sử dụng phân nền trồng cây thì lớp nền nên dày ít nhất là khoảng 4cm. 

Phân nền có thể nhả dưỡng từ từ vào trong nước và làm ảnh hưởng đến pH trong bể. Hầu hết loại phân nền sẽ giúp hạ pH xuống dưới 7 một tẹo. Mức pH này phù hợp để nuôi hầu hết mọi loài cá nhiệt đới và tép. 

Phân nền
Lợi ích Hạn chế
– Giàu dinh dưỡng cho cây
– Phù hợp cho hầu hết mọi loài cây thủy sinh
– Giúp ổn định môi trường nước, hạ pH
– Dễ bị xáo trộn
– Màu sắc không đa dạng
– Cần phải nghiên cứu kĩ khi chọn bởi phân nền có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng nước

4. Xỉ than

Các loại nền thủy sinh

Xỉ than đôi khi cũng là lựa chọn được nhiều người sử dụng để làm nền cho bể cá. Xỉ than có giá thành rẻ, kết cấu rồng, giúp cung cấp được chỗ sống cho vi sinh. Xỉ than cũng có thể phù hợp để trồng các loại cây thủy sinh khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điểm khi muốn sử dụng loại vật liệu này. 

Theo mình tìm hiểu thì trong xỉ than không hoàn toàn là vật liệu trơ. Trong đó sẽ có thể chứa:

  • SiO2: Đôi khi có thể khiến bể xuất hiện tảo nâu
  • Al2O3: Chất trơ, không hòa tan và không làm ảnh hưởng đến nước
  • Fe2O3: Đôi khi có thể khiến nước hơi ngả cam và làm rêu phát triển
  • CaO: Hòa tan một phần vào trong nước, có thể khiến tăng độ cứng trong bể. 
  • K2O: Hòa tan hết vào trong nước, có thể làm ảnh hưởng ngắn hạn đến pH trong bể, bạn có thể rửa kĩ xỉ than để loại bỏ chất này. 
Xỉ than
Lợi ích Hạn chế
Nhẹ, dễ xử lý nhưng cũng đủ nặng để chìm xuống đáy bể. 
Rỗng, cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi. 
Đôi khi có thể làm ảnh hưởng đến pH, độ cứng trong bể. 
Đôi khi có thể chứa kim loại nặng có hại nếu không được xử lý kỹ. 

5. Đá nham thạch

Các loại nền thủy sinh

Đá nham thạch cũng là một lựa chọn được nhiều người sử dụng để làm nền cho bể cá. Chúng thường là vật liệu trơ, tức là không làm ảnh hưởng đến nước. Tuy nhiên, tùy vào loại đá và nơi đá được khai thác, chúng có thể cung cấp khoáng hoặc làm ảnh hưởng đến độ pH trong bể. Một số loại đá nham thạch có thể làm giảm pH. 

Đá nham thạch là loại đá rỗng, nhẹ có thể giúp cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi và đồng thời có thể sử dụng để trồng cây thủy sinh. 

Điểm trừ là một số loại đá nham thạch có thể sẽ có cạnh sắc, đôi khi có thể làm cho các loài cá tầng đáy bị thương. 

Đá nham thạch
Lợi ích Hạn chế
Nhẹ, dễ xử lý nhưng cũng đủ nặng để chìm xuống đáy bể. 
Rỗng, cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi. 
Đôi khi có thể làm ảnh hưởng đến pH và độ cứng nước
Đôi khi có thể làm cá tầng đáy bị xước

6. Peat moss

Các loại nền thủy sinh

Peat moss là loại nền thú vị nếu bạn có thể cân nhắc sử dụng nếu muốn làm bể thủy sinh nước đen hoặc là nuôi sinh sản các loài cá ưa độ pH thấp sinh sản. Peat moss có thể giúp làm giảm độ pH, cung cấp dinh dưỡng cho cây thủy sinh và làm hạn chế rêu hại phát triển. Khi được sử dụng, peat moss sẽ có thể giải phóng tannin vào trong nước, khiến cho nước có màu trà nhạt. 

Peat Moss
Lợi ích Hạn chế
Làm hạ pH, phù hợp nuôi sinh sản một số loại cá
Có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây thủy sinh
Tạo nước đen, giúp kháng khuẩn, ngừa rêu hại
Peat moss đôi khi có thể chứa cặn và trôi và làm bẩn nước

Bài viết này có giúp ích không

Không
Cảm ơn bạn đã phản hồi

Nuôi cá nhiều lúc cũng cần nghiên cứu nhiều và khá đau đầu đúng không? Mình cũng từng trải qua nhiều thứ trong quá trình đó. Hãy theo dõi blog này để đọc thêm về kinh nghiệm trong 10 năm nuôi cá của mình và các thông tin hữu ích khác. Xem thêm…

Bạn có câu hỏi?

Hãy để lại bình luận xuống phía dưới nếu bạn có bất kì câu hỏi hoặc góp ý cho bài viết gì. 

Hi 👋

Bạn có biết là 99% vấn đề khi nuôi cá có thể được giải quyết nếu bạn dành 15 phút nghiên cứu trước không?
Trên là cuốn sách tổng hợp lại kinh nghiệm của mình
Mình đã phải bỏ kha khá học phí nhưng mà bạn không cần phải làm vậy.
Bạn có thể đăng ký để nhận cuốn sách miễn phí và thỉnh thoảng nhận được tip nuôi cá.

Bạn có thể hủy theo dõi bất kì lúc nào

Please wait...

Cảm ơn đã đăng ký.

Mail có thể mất một lúc để gửi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *