Nước bể cá bị đục là vấn đề gần như ai cũng từng gặp qua khi mới bắt đầu nuôi cá. Bạn không nên lo lắng quá bởi đây là vấn đề dễ giải quyết. Trước khi bạn đổ tiền vào mua các loại thuốc làm trong nước thì hãy đọc qua bài viết này trước.
Thông thường, bể cá khỏe mạnh, được chăm sóc tốt sẽ tự động chăm mà không cần phải sử dụng thêm hóa chất gì. Nước bể cá bị đục sẽ không nguy hiểm cho cá, trừ khi tình trạng này diễn ra trong khoảng thời gian dài.
Trong bài viết này mình sẽ liệt kê tất cả những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho bể cá của bạn bị đục, và cách làm cho nước trong vắt trở lại.
1. Hệ vi sinh mất cân bằng
Khi làm bể cá thì bạn cũng đang xây một hệ sinh thái trong bể kính. Nhiều người không nhận ra vấn đề này. Họ có lẽ chỉ nghĩ rằng nuôi cá chỉ là cho cá vào bể, sử dụng bộ lọc lớn và bộ lọc sẽ lọc phân cá, cặn bẩn.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn thế. Có nhiều yếu tố bạn không nhìn thấy được nhưng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến bể cá của bạn. Một trong số đó là hệ vi sinh.
Cách hệ vi sinh có lợi hình thành và vận hành trong bể cá còn được biết đến là quy trình cycle.
Khi cho cá ăn, cá sẽ tạo chất thải. Chất thải của cá sau đó sẽ được các loại vi sinh chuyển hóa thành ammonia. Sau đó, ammonia sẽ được các loại vi khuẩn có lợi chuyển hóa thành nitrite. Nitrite sẽ được các loại vi khuẩn có lợi khác chuyển hóa thành nitrate. Cuối cùng, cây cối thủy sinh sẽ có thể sử dụng nitrate làm nguồn nitơ để phát triển. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục trong bể.
Nitrite và ammonia là hai chất có hại cho cá, dù chỉ với số lượng vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải thì nitrate an toàn đối với cá cũng như các loại sinh vật dưới nước khác.
Đây là quá trình vô cùng quan trọng để bể cá có thể ổn định. Nếu chỉ một bước trong quá trình này gặp vấn đề thì bể cá có thể bị tích tụ chất độc. Có thể là bị tích tụ nitrate, nitrite, hoặc tệ nhất là ammonia.
Nếu bể cá của bạn bị đục khi bạn vừa mới chỉ làm bể trong vòng 1 tháng thì nguyên nhân phần lớn là do hệ vi sinh gặp vấn đề. Có thể là do bạn thả cá vào quá sớm. Khi đó cá sẽ tạo chất thải.
Có hai loại vi khuẩn trong bể – đó là vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng. Bạn không cần phải nhớ hết mấy cái này, mình chỉ nói qua để bạn biết điều gì đang xảy ra trong bể thôi. Các loại vi sinh dị dưỡng là loại giúp phân hủy phân cá, thức ăn thừa,… thành ammonia. Chúng phát triển nhanh và là nguyên nhân khiến cho bể bị đục.
Vi khuẩn tự dưỡng là các loại vi khuẩn có lợi, giúp xử lý ammonia, nitrite thành chất không độc.
Khi mới làm bể, hai loại vi khuẩn này không cân bằng với nhau. Do vi khuẩn dị dưỡng phát triển nhanh hơn, kết hợp với việc bạn thả cá sớm, phân cá trong nước sẽ là nguồn thức ăn tốt cho chúng. Loại vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh, cho đến khi bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Màu trắng đục trong bể cá chính là loại vi khuẩn này.
Cách giải quyết
- Sử dụng bộ lọc tốt với ngăn chứa vật liệu lọc đầy đủ – Ngăn lọc hay cụ thể hơn, vật liệu lọc là nơi giúp cho hệ vi sinh có thể phát triển. Sử dụng bộ lọc đủ lớn với vật liệu lọc sẽ cung cấp dòng chảy, oxy cũng như nơi sống để các loại vi sinh có lợi có thể sinh sôi. Một số loại vật liệu lọc có chất lượng tốt hơn so với vật liệu khác, có thể kể đến là vật liệu lọc matrix hoặc vật liệu lọc neo. Tức là chúng có khả năng lọc nước và tạo chỗ sống cho vi sinh tốt hơn.
Xem thêm: Cách chọn loại lọc tốt cho bể thủy sinh.
- Châm thêm vi sinh – Châm thêm vi sinh có thể giúp đẩy nhanh quá trình hình thành hệ vi sinh trong bể. Thông thường, bạn chỉ cần châm thêm vi sinh khi mới làm, hoặc khi vừa mới thay nước. Một khi bể đã ổn định rồi thì bạn sẽ không cần phải bổ sung thêm gì khác. Kể cả khi bạn châm quá nhiều vi sinh, nếu không có thức ăn thì các loại vi sinh có lợi cũng sẽ tự chết đi mà không ảnh hưởng gì đến bể.
- Thay nước cho bể – Bạn có thể thay tầm khoảng 10% – 15% nước bể mỗi ngày để loại bỏ nước bị đục, trong trường hợp này là các loại vi khuẩn dị dưỡng. Bể cá bị đục khi bạn mới thả thêm cá cũng có thể bị tích tụ nhiều ammonia. Vậy nên thường xuyên thay nước trong khoảng thời gian này cũng giúp cho bể tránh bị tích tụ chất độc. Tuy nhiên, bạn cũng cần tránh thay nước quá nhiều. Việc thay nhiều nước có thể đồng thời giết cả những loại vi sinh có lợi. Hơn hết nữa, nếu thay quá nhiều nước một lần bạn có thể làm cho cá bị sốc nước hoặc thậm chí là chết.
2. Nền bể bẩn
Nguyên nhân thứ hai và cũng rất dễ giải quyết đó là nền bể bị bẩn. Khi mới làm bể cá, nhiều người thường bỏ luôn nền vào trong bể và đổ nước mà không rửa qua trước.
Thông thường thì các loại cát, sỏi và phân nền có rất nhiều bụi. Để tránh tình trạng này xảy ra vào lần sau thì bạn có thể rửa cát, sỏi trong một xô nước, khuấy đều sau đó đổ phân nước đục đi. Sau đó bạn hãy lặp lại cho đến khi nước sạch.
Tuy tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến bể và sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc một tuần.
Có những cách để bạn có thể làm nước trong nhanh hơn, đó là:
- Thay nước thường xuyên cho bể, tối đa là 10-15% nước bể một ngày.
- Sử dụng bộ lọc với bông lọc mịn để có thể lọc được bụi bẩn.
3. Cho cá ăn quá nhiều
Đây là lỗi sai rất nhiều người đã từng mắc phải. Khi mới mua cá về, có thể bạn sẽ thấy chúng liên tục bơi lên trên mặt nước đòi thức ăn. Sau đó bạn cứ cho chúng ăn, cho đến khi bụng cá căng lên và thức ăn bắt đầu rơi xuống đáy bể. Nếu bạn không có các loại dọn dẹp đáy bể như là ốc, tép hoặc các loài cá tầng đáy thì sẽ có rất nhiều hậu quả có thể xảy ra.
Một là thức ăn dư thừa có thể tạo ra nhiều ammonia, có thể dễ dàng làm chết cá nếu bạn không cẩn thận.
Hai là lượng ammonia dư thừa có thể làm cho hệ vi sinh mất cân bằng, dẫn đến tình trạng bùng nổ vi sinh (bacteria bloom) như mình đã nhắc đến bên trên.
Ba là thức ăn có thể bị rã ra, tạo thành nhiều vụn hữu cơ nhỏ li ti trôi trong nước, từ đó cũng có thể khiến cho bể cá bị đục.
Khi mới nuôi cá, nếu bạn không biết cần phải cho cá ăn bao nhiêu thì bạn hãy luôn cho chũng ăn ít thôi, tầm 1-2 ngày là đủ. Sau đó bạn có thể tăng dần lượng thức ăn lên. Cá nên chỉ được cho ăn lượng thức ăn đủ để có thể ăn hết trong vòng 3-5 phút mà không để lại thức ăn thừa.
Xem thêm: Làm sao để cho cá ăn đúng cách
4. Nuôi quá nhiều cá
Nếu bạn nuôi quá nhiều cá thì chúng cũng tạo ra nhiều chất thải, từ đó cũng có thể cung cấp nguồn thức ăn cho vi sinh và khiến cho hệ vi sinh bị mất cân bằng.
Khi mới bắt đầu làm bể thì bạn không nên thả quá nhiều cá vào cùng một lúc. Lý do là bởi thời điểm này bể cá vẫn chưa có đủ vi sinh để có thể xử lý được lượng phân cá tăng lên đột ngột.
Ngoài ra, lượng phân cá nhiều cũng có thể khiến cho nước bể cá bị đọng lại nhiều vụn chất thải hữu cơ, từ đó khiến cho nước bị đục.
Cách tốt nhất để xử lý khi trường hợp này xảy ra đó là:
- Chăm chỉ thay nước hàng ngày nhưng không thay quá nhiều, tốt nhất là 10-15% lượng nước bể.
- Châm thêm vi sinh cho bể
- Sử dụng bộ lọc với vật liệu lọc tốt.
- Sử dụng bông lọc mịn cho lọc.
Kết lại cách để cho bể cá luôn sạch và trong vắt
Chăm sóc cho bể thường xuyên
Bạn không thể mong rằng bạn chỉ cần nuôi cá và vứt đấy là chúng tự sống được. Khi làm bể thủy sinh, muốn cá khỏe mạnh và nước trong, sạch thì bạn cần phải hút cặn bể và thay nước thường xuyên.
Bạn có thể sử dụng cây hút cặn để có thể vừa vệ sinh bộ nền vừa thay nước cùng một lúc. Lượng nước nên thay là vào khoảng 10-15% lượng nước bể một tuần.
Bằng cách thay nước đều đặn hàng tuần, bạn có thể giúp loại bỏ được chất độc tích tụ trong bể, giúp hệ vi sinh cân bằng, loại bỏ cặn, vụn hữu cơ trong nước, giúp cho nước được trong và sạch hơn.
Sử dụng bộ lọc với vật liệu lọc tốt
Bộ lọc đóng vai trò giống như là trái tim của bể cá vậy. Chúng giúp xử lý nước, đẩy nước đi khắp bể, giúp không có khu vực nào bị tù đọng. Bộ lọc với dòng chảy tốt sẽ giúp nước trong bể luôn hoạt động, giúp các loại cặn bẩn, chất thải và thức ăn thừa dễ được hút vào trong lọc hơn.
Vật liệu lọc trong bộ lọc còn giúp xử lý nước, cặn bẩn, cung cấp nơi sống cho vi sinh có lợi phát triển.
Xem thêm: So sánh neo và matrix: đâu là loại vật liệu lọc tốt hơn
Thứ hai là bạn cần phải sử dụng vật liệu lọc tốt. Có 3 loại vật liệu lọc đó là sinh học, cơ học và hóa học. Để nước có thể trong được thì bạn cần phải để ý kỹ đến hai loại vật liệu sinh học và cơ học.
Vật liệu lọc sinh học giúp cung cấp chỗ sống cho vi sinh có lợi, từ đó giúp cho chúng xử lý được ammonia, nitrite dư thừa, giúp cho bể cá ổn định hơn.
Vật liệu lọc cơ học là các loại bông lọc, giúp xử lý các loại cặn bẩn trong hồ cá. Bạn nên có một lớp bông lọc mịn trong lọc để giúp xử lý được các loại bụi bẩn, cặn hữu cơ trong bể. Một khi bông lọc mịn bị bẩn thì bạn có thể giặt sạch lại hoặc thay mới tùy ý. Theo mình thì bông lọc tốt sẽ giúp bể cá nhanh trong, xử lý vấn đề nhanh hơn nếu bể cá bị đục do cặn hữu cơ trong bể.
Sử dụng các loại thuốc làm trong nước
Thuốc làm trong nước đi kèm với các biện pháp kể trên có thể giúp cho bạn đạt được kết quả tốt nhất.
Các loại thuốc làm trong nước thường chứa chất giúp liên kết các loại cặn bẩn trôi trong nước lại với nhau thành một một cụm to hơn, từ đó giúp hệ thống lọc xử lý được chúng.
Các loại sản phẩm làm trong nước có thể kể tới là:
- Seachem clarity
- Clear water
- Multiclear water
Tuy nhiên, bạn cần nhớ là các sản phẩm này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Trước khi bạn sử dụng các loại thuốc này bạn cần phải trị tận gốc vấn đề bằng các biện pháp kể trên.