Một bể thủy sinh dày đặc cây cối có thể là điểm nhấn cho bất kỳ căn phòng nào. Ngoài cung cấp vẻ đẹp ra thì cây thủy sinh còn có nhiều tác dụng hơn bạn nghĩ đó. Một trong số đó là cung cấp bộ lọc tự nhiên cho bể thủy sinh.
Cây có thể giúp hấp thụ dinh dưỡng dư thừa, xử lý các chất độc như là nitrate, ngăn tình trạng cá chết và có thể giúp phòng tránh rêu hại phát triển, đồng thời tạo chỗ trốn cho cá con và tép con.
Những bể thủy sinh đẹp, ổn định và khỏe mạnh nhất luôn là bể trồng nhiều cây và nuôi ít cá. Với số lượng cây thủy sinh nhiều và bạn nuôi ít loài trong bể, bạn thậm chí còn không cần phải thay nước, có thể giảm được công sức chăm sóc cho bể. Những loại cây thủy sinh lọc nước tốt nên là cây phát triển nhanh, sống khỏe.
Dưới đây là một số loại cây lọc nước tốt nhất mình tổng hợp lại cho bạn.
1. Rong đuôi chó
Bạn đang tìm kiếm một loại cây còn dễ trồng hơn nữa, chỉ cần thả vào nước là nó cũng tự sống được? Rong đuôi chó là câu trả lời cho bạn.
Rong đuôi chồn có lá tạo thành những cụm tròn gồm nhiều nhánh quanh thân. Mỗi nhánh sẽ chia là hai khi dần lên cao về phía ngọn.
Rong đuôi chó là loại cây có thể giúp lọc nước tuyệt vời. Chúng có thể giúp xử lý nitrate trong nước cũng như các loại dinh dưỡng dư thừa khác.
Vấn đề duy nhất bạn sẽ gặp phải khi trồng loại cây này là bạn sẽ phải cắt tỉa thường xuyên bởi rong đuôi chó mọc và phát triển rất nhanh.
Rong đuôi chó là loài cây hoàn hảo cho những bể cá đẻ, những tán lá của cây có thể làm chỗ trốn cho cá con khỏi cá bố mẹ hoặc các loài cá khác.
Mặc dù nhìn đẹp nhưng mà bạn cũng cần lưu ý một số điều khi nuôi rong đuôi chó với một số loại cây khác. Rong đuôi chó lớn nhanh và sẽ hút hết dinh dưỡng và có thể cũng che ánh sáng của một số loại cây phía dưới. Nhiều người cũng nói rằng trồng rong đuôi chó trong bể thì thấy một số loài cây khác phát triển chậm lại.
2. Rong la hán
Rong la hán sẽ không có nhánh mọc thành cụm tròn, thay vì đó chỉ mọc thành các đốt gồm hai nhánh.
Rong la hán là một loại rong dễ trồng khác, cây thường được trồng để tạo chỗ trú cho cá hoặc để che sáng bởi rong la hán có thể mọc thành những bụi vô cùng to. Cây cũng phát triển nhanh, mạnh và có hiệu quả lọc nước tuyệt vời cho bể thủy sinh.
Mặc dù dễ trồng nhưng rong la hán sẽ có yêu cầu cao hơn về điều kiện sống hơn so với rong đuôi chồn. Nó cần điều kiện nước sạch và chiếu sáng trung bình hoặc nhiều.
Rong la hán có thể được trồng xuống dưới nền hoặc thả nổi nếu bạn muốn.
Bạn cần lưu ý rằng ánh sáng rất quan trọng đối với rong la hán. Trong những bể chiếu sáng ít, rong la hán có thể sẽ chỉ đẹp trong vài ngày đầu và bắt đầu rữa dần, sau đó cuối cùng cây sẽ chết. Nếu bạn trồng các loại rong la hán đỏ hoặc tím thì nhu cầu ánh sáng của chúng còn cao hơn nữa. Đây là lý do loài cây này rất phù hợp để được trồng ngoài trời.
3. Tiểu bảo tháp
Tiểu bảo tháp khá giống so với rong đuôi chồn, lá của chúng mọc thành các cụm tròn xung quanh thân, tuy vậy càng về phía ngọn thì lá sẽ chia thành 3 nhánh thay vì chỉ 2 nhánh như rong đuôi chồn. Vậy nên tiểu bảo tháp sẽ có tán lá nhìn rộng và phồng hơn.
Tiểu báo tháp không cần CO2 và có thể sống tốt trong điều kiện ánh sáng thấp miễn là nước bể có đủ dinh dưỡng để chúng hấp thụ. Cây cũng có thể lọc nước tốt, bạn có thể thấy rất nhiều bể cá ngoài trời trồng tiểu bảo tháp và nước bể luôn trong vắt.
4. Rau má thủy sinh
Rau má thủy sinh là loài cây trồng tiền cảnh và trải nền hoàn hảo dành cho bể cá low-tech tức là không có CO2. Chúng có thể mọc cả trên cạn và dưới nước. Đôi khi có thể mọc không kiểm soát nếu bạn để mặc chúng.
Cây cần nhiều ánh sáng, khi được cung cấp ánh sáng mạnh, cây sẽ mọc rậm và nhiều, giúp hấp thụ bớt các dinh dưỡng dư thừa cũng như các chất độc hại đối với cá ở trong nước.
5. Vảy ốc xanh
Vảy ốc là lựa chọn đầu tiên của nhiều người khi họ định trồng một bể phong cách hà lan. Loài cây này có nhiều màu sắc khác nhau, bạn có thể mua được vảy ốc đỏ, vảy ốc cam,… và phổ biến nhất cũng như dễ sống nhất là loại vảy ốc xanh. Vảy ốc xanh và các loại vảy ốc khác nói chung là loại cây có lá nhỏ, nếu được cắt tỉa tốt sẽ mọc thành những bụi vô cùng đẹp. Chúng có thể sống được mà không cần nhiều ánh sáng cũng như CO2.
Cây có thể hấp thụ dinh dưỡng dư thừa và có hiệu quả lọc nước tốt kể cả trong điều kiện không có nhiều ánh sáng cũng như không gian sống.
6. Cây thủy cúc
Cây thủy cúc có thể được trồng và tạo bố cục cho nhiều loại bể với nhiều phong cách khác nhau tùy theo sở thích khác nhau. Hơn hết nữa, nó cũng là loại cây dễ sống, sống khỏe và mọc nhanh. Cây thủy cúc cũng có khả năng lọc nước và hấp thụ dinh dưỡng dư thừa trong nước tốt.
Bạn lưu ý là cây thủy cúc sẽ nhìn đẹp trong những bể cá to hơn bởi cây có thể mọc cao và rộng, lá cây cũng mọc thành các tán lớn.
Dù cho việc chăm sóc cây sẽ dễ nhưng bạn cần lưu ý rằng lá cây sẽ dễ bị rữa khi bạn mua và mới trồng nó vào trong bể. Nhưng một khi cây đã qua giai đoạn đó thì lá non sẽ mọc lên rất nhanh.
7. Bèo nhật
Bèo nhật hay còn được gọi là bèo rễ dài là một loài cây bạn có thể dễ dàng trồng nếu bể có ánh sáng cao. Bèo nhật nói riêng và các loại bèo nói chung đều không cần đất nền và CO2 để sống.
Loại bèo này rất dễ sinh sản, nếu điều kiện môi trường thuận lợi thì chỉ cần một cây bèo cũng đủ để sinh sản khắp bể của bạn. Khi đó rễ của nó cũng mọc dài ra, có thể dài đến hơn 20cm, nếu bạn có những bể cá thấp thì rễ bèo sẽ mọc rài xuống dưới nền và hút dinh dưỡng từ đó.
Bèo nhật thích ánh sáng cao và nước chảy chậm nên phù hợp để trồng tại các chậu cá ngoài trời hơn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể trồng nó trong bể cá trong nhà nếu muốn.
Cây có thể giúp xử lý vấn đề về rêu hại, giúp loại bỏ chất độc và dinh dưỡng dư thừa trong bể cá.
8. Bèo rễ đỏ
Bèo rễ đỏ là loại bèo phổ biến để nuôi trong bể cá hơn so với bèo nhật. Chúng có bộ rễ rộng to và có màu đỏ giống như tên gọi vậy. Không chỉ rễ mà lá của bèo cũng có thể chuyển đỏ nếu có điều kiện ánh sáng tốt.
Loại bèo này cũng có khả năng sống khỏe, có thể nhanh chóng lan ra khắp bể của bạn trong khoảng thời gian ngắn.
Bèo rễ đỏ phù hợp để trồng trong các loại bể có dòng chảy chậm và ít động trên mặt nước.
Các loại bèo nói chung đều giúp hút dinh dưỡng dư thừa trong nước, xử lý được vấn đề về rêu hại và cung cấp chỗ trú ẩn cho các loài tép và cá nhỏ.
9. Rêu java
Loại rêu phổ biến nhất là rêu java, đây là loại rêu bất kì người nào cũng đã từng nuôi khi muốn nuôi rêu thủy sinh. Chúng nổi tiếng vì đây là loại rêu khỏe nhất, yêu cầu thấp về chất lượng nước. Chúng sống khỏe đến mức nhiều người không mua loài rêu này và chúng vẫn phát triển dày đặc trong bể. Lý do là bởi có thể có một vài nhánh rêu nhỏ mắc vào trong cây thủy sinh họ mua, từ một nhánh đó có thể phát triển với cấp số nhân, sau đó lan rộng khắp bể mà không cần thêm CO2.
Rêu java có thể phát triển tốt cả ở điều kiện ánh sáng cao và thấp. Khi ánh sáng yếu, rêu java sẽ có màu tối, mảnh và vươn nhánh dài hơn. Rêu java mọc trong điều kiện ánh sáng mạnh sẽ mọc thành bụi rậm hơn.
Đặc điểm nhận dạng của rêu java là chúng phát triển nhánh đơn rất dài, không mọc thành bụi dày được như các loại rêu khác. Do đó bụi rêu java thường sẽ có những nhánh đơn mọc tua tủa ra xung quanh.
Nếu chúng phát triển mạnh thì bạn phải cắt tỉa rêu thường xuyên kẻo chúng có thể làm nghẽn lọc.
10. Bèo tấm
Bèo tấm là một loại bèo có chức năng lọc nước và che sáng tuyệt vời khác cho bể thủy sinh. Bèo có lá nhỏ và có tốc độ phát triển, sinh sôi nhanh. Tuy vậy bạn chỉ nên trồng bèo tấm trong những bể cá bé và có dòng chảy yếu bởi vì loại bèo này rất dễ bị thổi bay khắp bể. Hơn hết nữa tại chúng phát triển nhanh nên bèo sẽ dễ mắc vào khắp nơi nếu bạn không cẩn thận.
Trừ những điều trên ra thì bèo tấm vẫn là loại bèo tuyệt vời và đẹp để nuôi trong bể cá.
11. Cây trầu bà
Đây không phải là loại cây thủy sinh, tuy nhiên chúng vẫn vô cùng phổ biến đối với những người nuôi cá. Ngoài chức năng lọc nước thì lá cây cũng có thể lọc không khí trong phòng.
Cây trầu bà có thể hấp thụ nitrate và tạo oxy cho nước nhiều hơn bất kì loại cây thủy sinh nào khác. Cây có thể được trồng trong bể bằng cách để thân cây ngập trong nước (lá ở trên cạn), khi đó cây sẽ tạo thành vật liệu lọc sinh học hoàn hảo cho bể cá. Bộ rễ của cây sẽ tạo chỗ trú ẩn cho cá đồng thời hút nitrate gây hại cho cá và khiến bể cá bị mọc rêu.
Vì đó cây trầu bà khi được trồng trong bể cá cũng sẽ giúp bạn ít phải chăm sóc bể và đỡ phải thay nước thường xuyên hơn.