Mùa hè đang đến gần, vào thời điểm này, đôi khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 độ C. Tuy bể đặt trong nhà sẽ mát hơn, nước khi đó vẫn quá nóng để cây thủy sinh có thể phát triển. Một số loại cây hoặc cá cũng có thể chết nếu nhiệt độ nước lên quá cao.
Giải pháp đơn giản cũng như tiết kiệm nhất bây giờ là sử dụng quạt bể cá thủy sinh. Nếu hoạt động đúng thì quạt có thể giúp hạ từ 2-4 độ C cho bể. Tuy con số này là không quá nhiều, quạt vẫn có thể giúp cho cây và cá có thể sống sót được qua mùa nắng nóng.
Hiện nay có nhiều dòng quạt với xuất xứ và kiểu dáng khác nhau. Mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm riêng, trong bài viết này mình sẽ giới thiệu qua về 4 loại quạt thủy sinh phổ biến hiện nay.
1. Quạt chế
Sử dụng đồ chế luôn là gì đó thú vị đối với đa số người chơi thủy sinh. Nếu biết cách chọn và sử dụng thì đèn chế, quạt chế hay lọc chế có thể là giải pháp tiết kiệm, đôi khi còn có thể tốt hơn so với đồ của hãng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì đồ chế cũng không được đảm bảo tốt, vẫn có những rủi ro nhất định.
Quạt thủy sinh chế cũng không phải ngoại lệ. Thường quạt thủy sinh chế là những chiếc quạt được tháo ra từ máy trạm. Vậy nên quạt có thể sẽ bền và sử dụng được lâu. Quạt chế có tốc độ quạt mạnh với dây nối dài và chân mica trong suốt. Do quạt không có nắp đậy bên ngoài nên quạt sẽ nhìn xấu hơn so với quạt hãng. Tuy nhiên, nhờ đó mà bạn cũng dễ dàng vệ sinh quạt hơn. Nếu có bộ phận hỏng hóc, bạn cũng có thể dễ dàng tìm được bộ phân thay thế.
Ưu điểm
- Quạt mạnh
- Dây nối dài
- Chân mica trong suốt, dễ lắp đặt, thay thế
- Dễ dàng tháo rời để vệ sinh và thay thế từng bộ phận nếu bị hỏng
- Tiết kiệm
Nhược điểm
- Quạt nhìn không chắc chắn
- Quạt được tháo từ hệ thống máy server, máy tính trạm nên đôi khi có thể đã được sử dụng lâu
- Không điều chỉnh được mức quạt (tùy từng loại)
2. Quạt sò
Loại quạt tiếp theo có hình dáng giống như vỏ sò- lý do cho tên gọi. Quạt sò là loại quạt có kích thước nhỏ nhất so với các các loại quạt thủy sinh khác. Tuy nhiên, không phải vì nhỏ mà quạt sò sẽ yếu hơn. Quạt sò mạnh tương đương so với các loại quạt thủy sinh khác, nhờ diện tích thổi nhỏ hơn nên luồng gió sẽ có cảm giác mạnh hơn.
Quạt sò phù hợp cho những bể bé, không có nhiều không gian để lắp đặt.
Ưu điểm:
- Nhỏ gọn
- Gió mạnh
- Quạt đẹp, đơn giản
- Dây cắm dài
Nhược điểm
- Chỉ phù hợp với những bể bé hơn 40cm
- Không điều chỉnh được mức quạt
3. Quạt up aqua cooling fan
Quạt up aqua được bán với màu trắng hoặc màu đen, với ngoại hình nhìn cứng cáp, tinh tế. Ngoài ra, quạt sẽ không chiếm quá nhiều diện tích bên trong bể. Tuy vậy, bạn vẫn cần phải chừa một ít diện tích bên ngoài bể để có thể treo được quạt. Quạt sẽ đi kèm với hai mức độ chỉnh mạnh và nhẹ, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng.
Quạt có luồng gió mạnh, bền. Tuy nhiên, quạt chỉ up aqua chỉ có loại quạt đơn vậy nên khó có thể đủ dùng cho bể lớn hơn 40cm. Hơn nữa, có vấn đề là dây nối của quạt hơi ngắn, đôi khi có thể gây bất tiện khi sử dụng.
Ưu điểm
- Thiết kế đẹp, tinh tế
- Dễ lắp đặt, sử dụng
- Gió mạnh
- Có thể điều chỉnh độ mạnh
Nhược điểm
- Chỉ phù hợp cho bể nhỏ dưới 40cm
- Dây nối khá ngắn
4. Quạt Làm Mát Nước Water World
Quạt làm mát nước water world là dòng quạt đến từ Trung Quốc. Tuy là hàng Trung Quốc nhưng quạt có chất lượng tốt, gió mạnh và bền. Quạt có thiết kế đẹp, có thẩm mỹ với dây và khung được làm, nối đẹp, không bị hở. Khung quạt cũng được làm bằng hợp kim nhôm, giúp tạo cảm giác chắc chắn và bền.
Quạt có thiết kế treo vào thành kính đơn giản. Quạt water world có 2 mức chỉnh quạt và có nhiều loại khác nhau, với loại có 1 cánh, 2 cánh, 3 và 4 cánh, bạn có thể thoải mái lựa chọn tùy vào nhu cầu sử dụng.
Ưu điểm
- Thiết kế thanh lịch thẩm mỹ
- Treo thành kính chắc chắn
- Khung quạt được làm bằng hợp kim nhôm chắc chắn.
- Đa dạng
- Có chỉnh mức độ (hai mức)
Nhược điểm
- Dây khá ngắn
Các biện pháp khác cho bể thủy sinh khi trời nóng
Ngoài việc sử dụng quạt thì sẽ có nhiều cách khác bạn có thể áp dụng để giúp giảm bớt một phần nhiệt độ bể cá. Có thể kể đến là:
- Thay 10 – 15% nước bể với nước mát hơn một tẹo. Bạn cần tránh làm cho nhiệt độ bể giảm quá nhanh
- Mở nắp bể cá nếu bể của bạn đậy nắp.
- Cho chai nước đóng băng vào bể để có thể giảm nhiệt độ bể cá từ từ. Bạn chỉ nên áp dụng biện pháp này vào những ngày trời quá nóng. Bạn cũng chỉ nên làm giảm 3-4 độ C trong vòng 4 tiếng. Lưu ý là bạn không được thả trực tiếp đá lạnh vào bể cá.
- Chiếu sáng bể ít hơn cũng giúp giảm một phần nhiệt độ bể cá.
- Nếu bể cá của bạn ở gần cửa sổ thì bạn cần phải kéo rèm hoặc đóng cửa sổ lại để bể có thể tránh xa được ánh nắng của mặt trời.